Chùa Nành

Mặt tiền chùa Nành
Mặt tiền chùa Nành

Chùa Nành cùng với chùa Dâu, chùa Keo, chùa Đậu là bốn ngôi chùa lớn nhất thờ Tứ pháp ở miền Bắc. Chùa nằm tại thôn Phù Ninh (làng Nành) thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km.

Được xây dựng từ thời Lý, tên gọi chính thống của chùa Nành là chùa Pháp Vân. Người dân trong vùng còn gọi bằng một cái tên dân dã hơn là chùa Cả. Bởi, đây là chùa lớn nhất trong số ba ngôi chùa của Ninh Hiệp là: Pháp Vân, Khánh Ninh và Đại Bi. Trải qua nhiều lần trùng tu, song kiến trúc chùa Nành vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc thời Lê với rất nhiều các pho tượng, thể hiện sự kết hợp giữa Phật giáo với các tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc nguyên thủy ở VN.

Nếu đến chùa vào những ngày lễ hội (mùng 4 - mùng 6 tháng hai âm lịch), bạn sẽ được xem những màn múa rối nước rất hấp dẫn tại đây. Trong ngày lễ hội tại chùa Nành, nhân dân trong vùng dựng lên cây phướn bằng tre, phía trên có hình con quạ quắp dải lụa trắng đang bay. Sự tích về cây phướn bắt nguồn từ xa xưa.

Tương truyền rằng bên dòng sông Thiên Đức có bác chài sống độc thân bằng nghề lái đò và đánh cá. Vì rất nghèo, tài sản chỉ có con thuyền và hai chiếc khố, trong đó một chiếc đã cũ rách thì bác đang mặc. Vào dịp chùa trùng tu, bác nguyện dâng chiếc khố mới cúng tiến cho chùa. Thế nhưng, dân làng không hiểu bác, lại cho rằng đó là sự bất kính. Chẳng còn biết cách nào để bày tỏ tâm can, bác liền rạch bụng moi hết ruột gan để bày tỏ cho mọi người biết. Thấy cảnh đó, dân làng bàng hoàng sợ hãi. Lúc ấy có hai con quạ từ trên trời cao sà xuống quắp luôn bộ lòng của bác chài bay thẳng về hướng chợ Nành rồi vứt xuống gốc cây đa Thạch Sàng, kêu lên ba tiếng xong bay thẳng hướng tây. 

Sư trụ trì chùa Nành thấy chuyện đó, người chắp tay niệm Phật theo hướng quạ bay. Đồng thời, cho dựng một cây tre thật cao phía trên có tạc hình con quạ ngậm dải lụa trắng tượng trưng cho tấm lòng thành của bác chài. Ngoài ra, còn dựng cây tre, trên có treo hai dải lụa ngắn tượng trưng cho hai cái khố của bác chài.

Một trong những nét kiến trúc rất độc đáo, chỉ bắt gặp ở chùa Nành đó là gian tiền đường gồm bảy gian hai dĩ. Trên nóc tiền đường, sát về phía hai bên hồi người ta đã xây nổi lên hai góc mái nhỏ làm gác chuông và gác khánh. Mỗi góc gồm bốn mái, với bốn đao cong vút tỏa ra bốn phía. Nằm giữa hai góc mái là đôi rồng chầu mặt nguyệt lớn, tạo cho tổng thể kiến trúc uy nghi, đường bệ mà vẫn gần gũi với đời thường.

Từ tiền đường, đi qua nhà giải vũ hai bên tả hữu sẽ xuống Điện mẫu. Nữ thần mây (Pháp Vân) thờ ở chùa Nành, nên còn được gọi là bà Nành. Trong chùa có tổng cộng 116 bức tượng. Bao gồm: tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Hậu được tạo tác tỉ mỉ. Nhiều bức tượng mang niên đại nghệ thuật cuối thế kỷ 17, tiếp đến là những tượng của thế kỷ 18 và tượng của thế kỷ 19...

Sự phát triển của chợ Nành (chuyên về các mặt hàng vải vóc, quần áo), ít nhiều đã làm thay đổi không gian của chùa. Ngày nay, nhắc tới Ninh Hiệp, người ta thường nghĩ ngay tới khu chợ vải sầm uất nổi tiếng ngoại thành Hà Nội. Không có nhiều người biết rằng đây chính là quê ngoại của công chúa Ngọc Hân, vợ người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Và cũng chưa nhiều người biết tới chùa Nành. Mái chùa rêu phong cùng những cột gỗ pha màu thời gian, vẫn thầm lặng dõi theo dòng chảy của cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

GNO - Thông tin từ Văn phòng Đức Pháp chủ, sau khi xem xét đệ trình của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chuẩn y, ban hành quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long lên giáo phẩm Hòa thượng.

Thông tin hàng ngày