GN - Chùa Pháp Môn (法门寺) tọa lạc tại thị trấn Pháp Môn, huyện Phú Phong, tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây khoảng 120km về phía Tây. Chùa được coi là "Tổ tiên của các ngôi chùa trong khu vực Quán Trung".
Toàn cảnh chùa Pháp Môn
Chùa Pháp Môn được xây dựng dưới thời Đông Hán (từ năm 25 - 220) để tôn trí xá-lợi của Đức Phật Thích Ca. Lúc ban sơ, chùa được gọi tên là A Dục. Theo truyện tích A Dục Vương, vua A Dục từng đem xá-lợi Phật Thích Ca chia làm tám vạn bốn ngàn phần rồi đem cúng dường đến tám vạn bốn ngàn tháp trên khắp thế giới, hộp xá-lợi ngón tay Phật tại chùa Pháp Môn bây giờ là một trong số đó.
Đến triều nhà Đường, chùa A Dục được đổi thành chùa Pháp Môn và trở thành ngôi chùa hoàng gia. Trong khuôn viên chùa có xây dựng một ngôi tháp lớn cao 13 tầng để tôn thờ xá-lợi Phật.
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, ngôi bảo tháp chùa Pháp Môn không được sửa chữa, nên vào năm 1981, bên mặt Tây ngôi tháp bị vỡ ra. Năm 1986, một nửa tháp bên Đông cũng bị sụp. Năm 1987, để trùng tu bảo tháp, chính quyền tỉnh Thiểm Tây quyết định tiến hành khai quật, khảo cổ phần nền tháp và các di tích xung quanh.
Trong lúc khai quật, một nhân công tình cờ phát hiện cửa vào một cung điện dưới lòng đất (địa cung). Cánh cửa dẫn vào địa cung là một lối đi nhiều tầng cấp bằng gạch. Trên các thang cấp được rải đầy các loại tiền đồng lớn nhỏ. Cuối đường hầm là cửa đá thứ hai, nơi cất giấu các văn bia.
Trên bia ghi lại, Trung Quốc trong thời gian từ Nguyên Ngụy cho đến đời Đường, các đế vương đều theo lệ nhiều lần đến chùa Pháp Môn lễ bái xá-lợi Phật. Sau cửa đá thứ hai là Tiền thất, trung tâm địa cung, là phù điêu bằng bạch ngọc đời Hán khắc thành tháp A Dục vương.
Phần cuối cùng của Tiền thất xuất hiện cửa đá thứ ba, bên trong lại thêm một thế giới trân bảo, được gọi là Trung thất. Sau bức tường Trung thất phát hiện thêm cánh cửa đá thứ tư. Vào bên trong là Hậu thất. Bên dưới phía cuối Hậu thất là một mật khám. Và người ta đã phát hiện ra bốn viên xá-lợi xương ngón tay Phật được lưu giữ dưới địa cung này.
Tháp A Dục Vương được tìm thấy dưới địa cung
Bốn viên xá-lợi được lần lượt phát hiện như sau: Viên thứ nhất, xá-lợi chất ngọc được thờ trong tám lớp hòm quý. Viên thứ hai, xá-lợi chất ngọc phát hiện tại Trung thất. Viên thứ ba, xá-lợi chất xương phát hiện tại mật khám của Hậu thất. Và viên thứ tư, xá-lợi chất ngọc được phát hiện tại Tiền thất, được an trí trong hòm bạc mạ vàng thờ trong tháp A Dục Vương bằng đồng đời Hán.
Trong bốn viên xá-lợi, viên thứ ba (chất xương) là linh cốt xá-lợi, còn lại ba viên kia là ảnh cốt (ảnh cốt tức là hình ảnh mô phỏng xá-lợi Phật được tạo ra để thờ tượng trưng thay cho linh cốt xá-lợi - xá-lợi thật, nhằm tránh bị thủ tiêu hoặc đánh cắp trong các thời Phật giáo bị hủy diệt).
Kiểu dạng địa cung được chiếu theo hình thức lăng mộ của đế vương để kiến tạo. Việc phát hiện ra địa cung và xá-lợi Phật dưới ngôi tháp chùa Pháp Môn làm cả thế giới kinh ngạc. Trước mắt, có thể nói đây là địa tháp Phật đẳng cấp cao nhất được phát hiện trên thế giới. Cùng với những viên xá-lợi vô giá được phát hiện dưới địa cung, nhiều di vật cổ quý giá, nhiều văn vật trân quý khác và đồ trang sức của hoàng gia cũng được tìm thấy trong địa cung này. Theo đánh giá của các nhà kiến trúc, khảo cổ thì địa cung được xây dựng dưới triều đại nhà Đường (618-907).
Chùa Pháp Môn là ngôi chùa của hoàng gia trong thời nhà Tùy (581-618) và nhà Đường. Các vị hoàng đế nhà Tùy và nhà Đường cho rằng, gìn giữ và tôn thờ xá-lợi Phật sẽ mang lại sự giàu có và hòa bình cho đất nước và nhân dân. Vì vậy, họ đã cúng dường nhiều báu vật và bảo tồn xá-lợi Phật rất cẩn mật.
Theo sử ký, vào triều nhà Đường, xá-lợi ngón tay Phật từng được 7 lần cung nghinh vào cung để cúng dường. Nghi thức cung nghinh rất long trọng, ít thấy trong đời, hoàng đế thân hành nghinh đón, hương hoa rải khắp đường đi, vạn dân cùng triều bái, viết nên một trang sử hết sức trang trọng cho triều đại nhà Đường. Cung nghinh xá-lợi ngón tay Phật lần thứ nhất dưới triều nhà Đường là vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Quán.
Lúc vua Đường Võ Tông quyết định hủy diệt Phật giáo, chùa Pháp Môn cũng khó thoát được kiếp nạn đó, địa cung bị phá hủy, may thay xá-lợi lại không hề hấn gì. Địa cung chùa Pháp Môn đã bị đóng cửa vào khoảng thời gian năm thứ 15 niên hiệu Hàm Thông Đường Nghệ Tông. Sau hơn 1.100 năm bị quên lãng, xá-lợi ngón tay Phật cuối cùng cũng đã xuất hiện lại trong nhân gian.
Kể từ lúc mới được thành lập cho đến nay, chùa Pháp Môn đã trải qua nhiều cuộc thịnh suy, đã bị hư hại rồi lại được trùng tu rất nhiều lần.
Theo những cứ liệu lịch sử, dưới triều Bắc Ngụy, chùa Pháp Môn đã tồn tại với quy mô khá lớn. Tuy nhiên, Phật giáo đã bị đàn áp và tàn diệt trong thời Vũ Đế dưới triều đại nhà Bắc Chu và chùa Pháp Môn đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Sau khi triều đại nhà Tùy được thành lập, Phật giáo lại được tôn kính và chùa Pháp Môn được xây dựng lại, nhưng không còn bề thế như dưới triều Bắc Ngụy.
Sau khi triều đại nhà Đường được thành lập, chùa Pháp Môn bước vào những chuỗi ngày bình yên. Dưới triều đại nhà Đường, chùa trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng.
Một công trình kiến trúc trong quần thể chùa Pháp Môn
Trong thời đại Ngũ đế, vua Tần là Lý Mậu Trinh đã bỏ ra hơn 30 năm để cải tạo chùa. Sau khi triều Bắc Tống được thành lập, chùa Pháp Môn đã được hồi sinh một lần nữa. Dưới triều đại nhà Minh, chùa Pháp Môn đã bị hư hại nặng trong trận động đất Quán Trung, ngôi chùa gỗ được xây dựng dưới triều đại nhà Đường cũng bị sụp đổ.
Qua triều đại nhà Thanh, chùa Pháp Môn đã được trùng tu nhiều lần. Sau khi nước Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, các công trình của chùa phần lớn bị hủy hoại bởi con người và thiên tai. Vào năm 1938, Hiệp hội Từ thiện Bắc Trung Quốc đã quyết định xây dựng lại chùa, hoàn thành vào tháng 7-1940.
Sau khi đổi tên nước thành Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, chùa Pháp Môn được xếp vào một trong những di tích lịch sử quan trọng đầu tiên cần được bảo vệ của tỉnh.
Sau năm 1979, chính quyền tỉnh Thiểm Tây đã tài trợ kinh phí trùng tu một số công trình kiến trúc chính của chùa. Vào ngày 3-4-1987, cung điện dưới lòng đất chùa Pháp Môn được phát hiện đã gây sự chú ý trên toàn lãnh thổ Trung Hoa và cộng đồng thế giới, vị thế của ngôi chùa được nâng lên rất nhiều. Ngay sau đó, việc trùng tu, kiến tạo đã được tiến hành và hoàn thành trong năm 1988. Vào ngày 9-11-1988, Viện bảo tàng chùa Pháp Môn cũng được mở cửa. Đây là nơi trưng bày những bảo vật, di vật được tìm thấy trong địa cung của chùa cùng những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật Phật giáo qua các triều đại lịch sử.
Vào tháng 5-2009, chính quyền Thiểm Tây đã xây dựng hoàn thành giai đoạn đầu của khu phức hợp trong quần thể chùa Pháp Môn. Nhờ đó mà diện tích khuôn viên chùa Pháp Môn đã được mở rộng hơn nhiều. Khu thắng cảnh văn hóa với diện tích 0,61km2 đã được thêm vào quần thể của ngôi chùa.
Hiện tại, quần thể chùa Pháp Môn, bên cạnh ngôi chánh điện nguy nga, ngôi tháp 13 tầng cao 148m, còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo khác.
Ngày nay, chùa Pháp Môn là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Trung Hoa. Bước vào khuôn viên chùa như lạc vào cảnh giới của chư Phật. Hàng năm, chùa Pháp Môn thu hút rất đông khách hành hương trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái và đảnh lễ xá-lợi Phật.
Minh Nguyên tổng hợp