Chùa Việt trên đất Lào

Đầu năm 2007, tôi có duyên được tháp tùng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế sang thăm các ngôi chùa Việt Nam tại hai tỉnh Chămpasak và Savannakhet của đất nước bạn Lào. Trong khuôn khổ của chuyến đi thăm ngắn ngày, chúng tôi tranh thủ thời gian tìm hiểu đời sống kinh tế văn hóa của bà con Việt kiều tại Lào. Mới hay, bà con Việt kiều ở đây đều “ly hương” chứ không “ly Tổ”.

Trước tiên, chúng tôi đến Parkse thuộc tỉnh Chămpasak, nơi có số lượng người Việt sinh sống đông đúc nhất trên đất nước Lào. Parkse, một thị trấn nhỏ nhưng khá sầm uất nằm ven bờ sông Mekong chở nặng phù sa. Và chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy trên các đường phố có khá nhiều bảng hiệu viết bằng chữ Việt. Thử vào một quầy Internet ven đường, anh chủ quán còn rất trẻ chắp tay hình búp sen vái chào, tươi cười thân thiện và khi tôi yêu cầu anh tìm cho font chữ Việt thì mới hay anh gốc người Việt, nói tiếng Việt bập bẹ. Anh cho biết, ông bà anh sang định cư tại đây từ những năm đầu thế kỷ XX, đến đời anh đã là thế hệ thứ 4. Bố anh thỉnh thoảng có về Việt Nam thăm, quê gốc ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Gia đình anh có truyền thống theo đạo Phật, hàng tháng anh theo gia đình đi sinh hoạt, tụng kinh, lễ Phật tại chùa Long Vân, một ngôi chùa của người Việt tại Parkse. Anh cho biết thêm, tuy sinh sống trên đất Lào trải qua 4 thế hệ nhưng sinh hoạt gia đình anh, từ ăn uống đến giáo dục con cháu, sinh hoạt tâm linh, cúng kiến, kỵ giỗ... luôn theo truyền thống văn hóa Việt. Những nét sinh hoạt khuôn hội, Gia đình Phật tử (GĐPT) thân thương dưới mái chùa quê anh ở Huế cũng được gia đình anh gìn giữ bằng cách khuyến khích các thế hệ con cháu tham gia vào tổ chức khuôn hội hoặc GĐPT để gìn giữ nếp văn hóa truyền thống.

Bác Trần Thế Ngữ, Trưởng ban hộ tự chùa Long Vân (Parkse) tâm sự: Mặc dầu chúng con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Parkse này, nhưng chúng con luôn nhớ về quê cha đất tổ của mình. Nhưng để có một biểu trưng tinh thần chung cho hình bóng quê hương và cũng là nơi nương tựa tinh thần trên xứ người nên chúng con đã cùng nhau quây quần dưới ngôi chùa thân thương này. Ngôi chùa chính là nơi gắn kết chúng con lại với nhau trong tình thâm nòi giống Lạc Hồng. Qua ngôi chùa, chúng con đã chia bùi sẻ ngọt với nhau, chúng con đến chùa lễ Phật, cùng nhau tưởng nhớ nguồn cội của mình. Chúng con nghĩ “Chim có tổ người có tông” mà chúng con ở đây đa phần là người tứ xứ có gốc gác từ nhiều vùng quê ở Việt Nam. Với lại ở trên đất khách quê người (dù là đã qua nhiều đời) nhưng bà con Việt kiều chúng con luôn cần đến nhau, sớm hôm “tối lửa tắt đèn” có nhau, động viên, an ủi cũng như chia sẻ với nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Do đó, ngôi chùa được chúng con rất quý mến, nâng niu và không thể tách rời.

Nhiều bà con Phật tử đang tu tập tại chùa Long Vân cho biết, hầu như những nét sinh hoạt của khuôn hội và GĐPT ở quê nhà Việt Nam đều được bà con ở đây gìn giữ. Hàng tháng, vào các ngày mười bốn-rằm và ba mươi- mùng một, bà con đều đến chùa lễ Phật, thăm viếng hỏi han nhau, nếu ai có tin gì mới bên quê nhà đều thông tin cho nhau biết. Hàng năm vào các dịp rằm to vía lớn, các bác trong Ban hộ tự đều có tổ chức lễ đài và cùng nhau hành lễ rất trang nghiêm, GĐPT cũng được cắm trại, tổ chức văn nghệ lửa trại, phóng sanh, phóng đăng trên sông... nên bà con Việt kiều đi chùa hăng hái lắm.

Hiện có khoảng 10 ngôi chùa thuần Việt trên đất nước Lào, tập trung chủ yếu tại hai tỉnh Chămpasak và Savannakhet với nếp sinh hoạt tu tập theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Các ngôi chùa mà chúng tôi đến thăm như chùa Long Vân, chùa Trang Nghiêm tại Parkse, Chămpasak; chùa Bảo Quang, chùa Diệu Giác tại Savannakhet đều được xây dựng theo kiểu chùa Việt Nam gồm có ba phần chính là tiền đường, chánh điện và hậu liêu. Cách thức bài trí, thờ tự cũng giống như các ngôi chùa ở Việt Nam: tiền đường thờ Hộ pháp, Tiêu diện Đại sĩ và chuông trống Bát nhã; chánh điện thờ Phật và Bồ tát; hậu liêu thờ chư Tổ và hương linh. Hàng ngày có nhiều gia đình Phật tử đến chùa giỗ cúng ông bà, cha mẹ, ký tự, kỳ siêu…

Hàng năm cứ đến Đại lễ Phật đản, Vu lan hay Tết truyền thống, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế thường cử chư Tăng sang tổ chức lễ, thăm hỏi động viên, mừng tuổi theo truyền thống nghi lễ bên nhà nên bà con rất vui mừng và càng tinh tấn hơn trong việc tu học,  gìn giữ nếp sống cao đẹp của người Phật tử Việt Nam trên đất nước Lào.

                                        Đây là hình ảnh Chùa Việt ở đất Lào 
                                                                        

Chùa Việt trên đất Lào ảnh 1

Bà con Phật tử Việt kiều chùa Long Vân, Chămpasak

Chùa Việt trên đất Lào ảnh 2

Chùa Bảo Quang ở Savannakhet
Chùa Việt trên đất Lào ảnh 3

Chùa Trang Nghiêm ở Chămpasak

Chùa Việt trên đất Lào ảnh 4

Chùa Diệu Giác ở Savannakhet

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách

Sáng mai 28-12: Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ thuyết trình về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày