Chuông cũ về chùa

Đọc bài viết với thật nhiều tâm trạng và cảm xúc. Số phận long đong của quả chuông cổ trong thời loạn lạc đã gây ấn tượng mạnh với tôi như số phận một con người.

>> Quả chuông cổ và hành trình trở về đất mẹ

Chuông cũ về chùa ảnh 1
Nguyện ước duy nhất của luật sư Watanabe là được thấy quả chuông trở về chùa cũ (hình chụp luật sư bên quả chuông tháng 9-2012) - Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhưng điều tôi quan tâm hiện giờ là số phận quả chuông rồi sẽ ra sao, liệu có về được nơi sinh ra nó - chùa Ngũ Hộ, làng Kim Thôi - như nguyện ước mấy chục năm ròng của luật sư Wanatabe và Hội hoàn hương chuông cổ, sau khi đã tốn bao công lao khó nhọc để đưa nó trở về quê cũ từ nước Nhật xa xôi hơn 30 năm về trước?

Không phải vật vô chủ

Quả chuông hiện nằm ở Bảo tàng Bắc Ninh. Dù đã ba lần có đơn xin nhưng chùa Ngũ Hộ vẫn chưa đưa được chuông về chùa, dù trên một mặt của quả chuông có khắc văn bản chữ Hán, nội dung: “Chiếc chuông của chùa Ngũ Hộ, làng Kim Thôi, thuộc Bắc Ninh, trước đây do loạn lạc bị mất. Dân làng đã đúc lại cái mới thay vào. Nhưng tháng 2-1825 chuông lại bị sơn tặc lấy đi mất. Dân làng hằng ngày đã quen với tiếng chuông chùa, giờ mất nó mọi người đều rất buồn và họ bàn cách làm chuông mới... Trải qua ba năm, tiền và đồng quyên góp được đem đúc, phần còn thiếu được mua vào cho đủ”.

Vậy việc trả chuông có khó lắm không, khi ta biết những lý do về thủ tục hành chính nếu muốn thì chắc chắn sẽ vượt qua được? Hãy xem nếu áp dụng Luật di sản văn hóa (số 32/2009/QH12) vào trường hợp này thì sẽ ra sao:

Điều 4, mục 6 của luật này quy định: “Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên”. Vậy theo luật này, quả chuông là cổ vật vì đã hơn 100 năm tuổi. Việc đối xử với quả chuông ra sao, phải chiếu theo Luật di sản để thi hành.

Mà điều 41, mục 1 và 2 của luật này quy định:

1. Mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện. Bảo tàng cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

2. Căn cứ giá trị và yêu cầu bảo quản di vật, cổ vật quy định tại khoản 1 điều này, bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch quyết định giao di vật, cổ vật đó cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị.

Như vậy, bảo tàng tỉnh chỉ có thể “tạm nhập” kho bảo quản những cổ vật vô chủ, “thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp” và phải báo cáo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch về việc này. Việc lưu giữ cổ vật tại bảo tàng tỉnh phải có quyết định giao di vật của bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Việc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh có báo cáo bộ về việc tiếp nhận, quản lý quả chuông cổ này chưa, và việc lưu giữ quả chuông cổ tại bảo tàng có (quyết định) từ bộ hay không là điều cần làm rõ.

Ngay cả khi Bảo tàng Bắc Ninh đã có quyết định giao di vật của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thì khi có đơn xin lại của chùa Ngũ Hộ, Bảo tàng Bắc Ninh vẫn phải trả lại di vật cho chùa Ngũ Hộ, vì đó không phải là di vật, cổ vật vô chủ mà có chủ sở hữu cụ thể, rõ ràng. Chủ sở hữu ở đây là chùa Ngũ Hộ, thôn Kim Thôi thuộc Bắc Ninh, được khắc rõ ngay trên thân chuông.

Di sản phải có không gian văn hóa

Một điều rõ ràng nữa là những di sản của đất Việt Nam xưa, dù qua bao khói lửa loạn lạc, qua bao vật đổi sao dời, thậm chí qua sự thống trị của ngoại xâm, thì khi đất nước được khôi phục quyền tự chủ vẫn đương nhiên thuộc về Việt Nam nay. Chùa Ngũ Hộ dù trước đây đã bị phá, nhưng nay được xây dựng lại trên một phần nền đất cũ đương nhiên có quyền thừa kế những di sản thuộc về sở hữu của ngôi chùa Ngũ Hộ xưa. Đó là nhận thức về tính liền mạch và có kế thừa của lịch sử.

Ngoài ra, không cứ là di sản, cổ vật đều phải tập kết về bảo tàng. Di sản chỉ có ý nghĩa thật sự khi được đặt vào không gian văn hóa của chính nó. Bảo vệ di sản trong không gian văn hóa mà di sản đó thuộc về là cách bảo vệ có ý nghĩa nhất. Trong trường hợp này, quả chuông chỉ thật sự có ý nghĩa và giữ được đời sống riêng của mình khi được đặt trong ngôi chùa mà nó được sinh ra, chứ không phải là trong một bảo tàng xa lạ. Chưa nói cần kể tới ước nguyện chung của cộng đồng mà di sản thuộc về, ở đây là người dân thôn Kim Thôi.

Trong trường hợp Bảo tàng Bắc Ninh muốn trưng bày chiếc chuông cổ này thì phải được sự chấp thuận của nhà chùa, với “điều kiện, nội dung và thời hạn sử dụng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ sở hữu thỏa thuận bằng văn bản”, theo điều 53 của Luật di sản văn hóa. Chùa Ngũ Hộ nay đã xây tháp chuông để chờ cổ vật và đặc biệt đã ba lần có đơn xin lại chuông xưa, thì không có lý do gì để Bảo tàng Bắc Ninh trì hoãn việc trả chuông cho nhà chùa.

Dương Nam Anh (TTCT)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày