Chuyện cô bé nghèo & ông lão...

GN - Chuyện kể rằng:

“Có một cô bé bị thầy giáo loại ra khỏi dàn đồng ca; nguyên nhân chỉ vì cô bé nhà nghèo, lúc nào cũng mặc mỗi một bộ quần áo vừa rách, vừa cũ, lại vừa rộng... 

Cô bé buồn tủi ngồi khóc một mình trong công viên. Cô nghĩ, tại sao mình lại không được hát? Chẳng lẽ mình hát tồi đến thế sao? Cô bé nghĩ mãi rồi cất giọng hát khe khẽ. Cô bé cứ hát hết bài này đến bài khác cho đến khi mệt lả mới thôi. 

- Cháu hát hay quá! - một giọng nói vang lên. Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ, cháu đã cho ta cả một buổi chiều thật vui vẻ.

Cô bé ngẩn người. Người vừa khen cô là một ông cụ tóc bạc trắng. Ông cụ nói xong liền đứng dậy và chậm rãi bước đi.

anh minh hoa.jpg


Tình thương và lòng biết ơn là những giá trị làm thăng hoa đời sống

Hôm sau, khi cô bé tới công viên đã thấy ông già ngồi ở chiếc ghế đá hôm trước, khuôn mặt hiền từ mỉm cười chào cô bé. Cô bé lại hát, cụ già vẫn chăm chú lắng nghe. Ông vỗ tay nói lớn: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ của ta, cháu hát hay quá!”. Nói xong cụ già lại chậm rãi một mình bước đi. 

Cứ như vậy, nhiều năm trôi qua, cô bé giờ đây đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng khắp nước. Cô vẫn không quên cụ già ngồi tựa lưng vào thành ghế đá trong công viên nghe cô hát ngày nào.

Một buổi chiều, cô đến công viên tìm thăm cụ nhưng ở đó chỉ còn lại chiếc ghế đá trống không. Hỏi một người làm trong công viên, cô nghe được câu trả lời: 

- Cụ già ấy đã qua đời rồi. Cụ ấy sống cô độc, và bị điếc đã hơn 20 năm nay! 

Cô sửng sốt giây lâu, rồi thẫn thờ bước đến ngồi xuống ngay chỗ ông lão vẫn thường ngồi bên cô ngày nào; đôi mắt đỏ hoe, rưng rưng hai dòng nước long lanh chảy dài xuống đôi má…”.

Tôi đã “bị” câu chuyện đơn giản ấy ám ảnh hoài: Cô bé bị “loại ra khỏi dàn đồng ca” của tập thể nhà trường chỉ vì nghèo! Cô vừa buồn, vừa cảm thấy xấu hổ, bởi sự “phân biệt” không chính đáng của người thầy, mà lẽ ra chính nơi ấy không nên có. Loại ra khỏi “dàn đồng ca” - cũng có nghĩa là “loại ra khỏi tập thể”, loại ra khỏi xã hội, bỏ mặc bên lề đời sống cộng đồng! Sự cư xử không công bằng, bất công, vô cảm của người thầy nọ cũng giống với những sự bất công dẫy đầy trong xã hội, mà chúng ta vẫn thường gặp!

Ông lão sống cô độc, lại bị điếc đôi tai; nhưng tâm hồn ông vô cùng trong sáng, yên tịnh. Mặc dù ông lão không còn có “đôi tai để nghe” bình thường như mọi người; nhưng ông lại có “đôi tai mầu nhiệm của tâm hồn”, đã lắng nghe được tất cả nỗi vui buồn, bất hạnh của cô bé, như đôi tai của Bồ-tát Quán Thế Âm! Ông cảm nhận được niềm hân hoan, hạnh phúc của cô bé mỗi khi nghe được lời ông khen tặng, cám ơn! Và, ông đã luôn luôn “tặng” cho cô bé những lời nói yêu thương dịu dàng như “ban tặng” cho cô bé “những đóa hoa của sắc đẹp” (“Tiếng nói từ ái là bông hoa của mọi sắc đẹp” - Xenon Dêlee) suốt một thời gian dài…

Với cô bé, dù đang nghèo khó, bị “nhận chìm” trong khổ đau, thất vọng - nhưng cô đã nỗ lực tự mình vươn lên, bền bỉ, bên nỗi “cảm thông và chia sẻ” chân thành của ông lão; cuối cùng, cô đã nhận được sự thành công vẻ vang bằng chính năng lực và sự kiên nhẫn của mình, không phải ai cũng có thể có được!

So với ông lão, chúng ta diễm phúc vì có đủ đôi tai “để nghe” tốt, nhưng có bao giờ trong đời, chúng ta đã lắng nghe bằng “đôi tai của tâm hồn” để mang lại niềm vui sống, hạnh phúc cho người thân, bạn hữu, như ông lão chưa? Chúng ta đã “sử dụng” đôi tai không bệnh tật, để nghe những điều đáng nghe cho đời sống mình an vui, cho đời sống người được yên bình?

So với cô bé, rất nhiều người trong chúng ta cũng được diễm phúc hơn (đời sống sung túc, dáng người toàn vẹn, gia đình quan tâm…), nhưng đã làm được gì để lợi lạc cho chính mình, và cho cả những người thân yêu?

Sự quay trở lại công viên để “tìm thăm ông lão” ngày xưa, sau khi đã thành đạt của cô bé là sự “quay về” của tình thương yêu, của lòng biết ơn. Nghĩa cử đó mãi mãi tỏa ngát hương cho đời sống như lời Đức Phật dạy: “Hương Chiên-đàn, hương Da-già-la, hương Bạt-tất-kỳ, hương Thanh-liên; đều là những thứ hương vi diệu, nhưng không bằng hương đức hạnh xông ngát tận chư thiên!” (PC 56)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày