GN - Tại Hội nghị kỳ 5 khóa VI của Trung ương Giáo hội diễn ra tại TP.HCM vào những ngày cuối cùng của năm 2011 vừa qua, có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng việc kiện toàn sinh hoạt Giáo hội hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII. Trong đó có hai vấn đề nổi lên ghi nhận nhiều quan điểm trái chiều nhau cần sự nhất quán và đồng bộ của Giáo hội, giữa quy định trong văn bản và thực tiễn...
Phân ban và con dấu
Trong những năm gần đây, tại các cuộc họp của Trung ương Giáo hội, vấn đề khắc dấu tròn cho Phân ban luôn được đề cập nhưng cho đến hiện nay vẫn chưa có hướng giải quyết thỏa lòng. Đặc biệt từ khi Phân ban Đặc trách Ni giới Trung ương và các địa phương cấp tỉnh được thành lập thì nhu cầu khắc con dấu trở nên bức thiết.
Đã có không ít lần chư Ni phụ trách Phân ban đề đạt lên Ban Thường trực Trung ương Giáo hội xin được khắc con dấu để thuận duyên hơn trong hoạt động Phật sự. Và mới đây nhất, trong kỳ tổng kết cuối năm 2011 của Phân ban đặc trách Ni giới Trung ương diễn ra tại Đồng Nai, ý kiến về đề xuất xin được khắc con dấu xuất hiện nhiều nhất trong ý kiến của các đại biểu. Nội dung này tiếp tục được nhắc lại trong Hội nghị thường niên vừa qua của Giáo hội qua phần phát biểu của đại diện Phân ban. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó gặp sự không đồng thuận của nhiều đại biểu tham dự. Trong đó, đại diện Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi đã đăng đàn và cho rằng chưa đến lúc phải khắc dấu cho Phân ban Ni giới vì Phân ban là một bộ phận thuộc Ban Tăng sự nên có thể sử dụng con dấu của Ban Tăng sự.
Trước đó, tại Hội nghị thường niên Giáo hội năm 2010, một vị giáo phẩm đến từ Bình Dương cũng nêu ra nhiều luận điểm giải thích và đề nghị Giáo hội chưa cần thiết phải khắc dấu cho Phân ban Đặc trách Ni giới các cấp.
Khi đề nghị khắc dấu của Phân ban Đặc trách Ni giới vẫn chờ quyết sách cụ thể thì Phân ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung ương, một bộ phận thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử lên tiếng đề cập nội dung tương tự. Qua khảo sát không chính thức, đề nghị của Phân ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử cũng gặp các ý kiến trái chiều nhau.
Cần xác định lại danh xưng các cấp hành chánh của Giáo hội - Ảnh: Bảo Thiên
Danh xưng Giáo hội cấp địa phương
Hiện nay, danh xưng dành cho cấp hành chính của Giáo hội ở các địa phương chưa có sự thống nhất. Ở cấp tỉnh, có đơn vị thì sử dụng là “Tỉnh hội Phật giáo…”, có đơn vị lại sử dụng là “Tỉnh Giáo hội Phật giáo….” nhưng cũng có đơn vị sử dụng “Giáo hội Phật giáo tỉnh…”. Tình trạng này xuất hiện tương tự ở cấp huyện - cấp hành chính thứ 3 của Giáo hội vừa được xác lập trong nhiệm kỳ hoạt động 2007 - 2012 này.
Chính từ thực tế như trên, chương trình nghị sự thường niên vừa qua của Trung ương Giáo hội, nhiều đại biểu thể hiện quan điểm cho rằng Giáo hội cần xác định lại tên gọi của các cấp hành chính địa phương.
Dẫn đầu nhóm kiến nghị này, HT.Thích Thiện Tấn - Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị đề xuất nên bắt đầu danh xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” trước mỗi cấp gọi. Cụ thể, nếu là tỉnh Quảng Trị thì sẽ là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị”, nếu là huyện Sông Cầu thì sẽ là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Sông Cầu”. Sở dĩ có đề xuất này vì Hòa thượng cho rằng, sử dụng danh xưng “Tỉnh hội, Huyện hội” như hiện nay làm cho tổ chức Giáo hội giống với Hội Phụ nữ, Hội Người mù v.v...
Đồng quan điểm với HT.Thích Thích Thiện Tấn, nhiều đại biểu đến từ các địa phương khác cũng phát biểu đề cập nội dung này nhưng trong nghị quyết của kỳ họp vẫn chưa có kết luận liên quan.
Qua hai nội dung như trên, có thể thấy đã đến lúc Trung ương Giáo hội cần có sự quyết nghị đồng bộ và nhất quán đối với các vấn đề phát sinh từ đại biểu các hội nghị thường niên. Cụ thể ở đây là vấn đề con dấu cho phân ban và danh xưng của Giáo hội cấp địa phương. Các quyết nghị này cần được thảo luận kỹ lưỡng và đưa ra trên cơ sở đồng thuận của số đông mà kết quả của nó có thể là đồng tình hoặc không để chấm dứt việc đề cập lại nhân mỗi kỳ họp theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Tuy nhiên trên hết và sự đồng thuận cao nhất có thể đạt được để giải quyết các ý kiến trái chiều này là căn cứ vào Hiến chương Giáo hội.
Sở dĩ có vấn đề như vừa nêu cứ lặp lại trong những kỳ hội họp của Giáo hội hay sự thiếu đồng bộ trong áp dụng thực tiễn là sự xa rời tinh thần và nội dung của Hiến chương của không ít nhân sự đang điều hành Giáo hội các cấp. Nếu vẫn cứ như thế thì Giáo hội chúng ta sẽ mãi mất giờ vào việc giải quyết các vấn đề lặp đi lặp lại nhiều lần trong các kỳ họp mà lẽ ra cần dành thời gian vào các nội dung quan trọng khác.