Chuyện dục tham (467. Tiền thân Kàma)

Chuyện dục tham (467. Tiền thân Kàma)
Trong mùa Phật đản và An cư kiết hạ này, tôi xin gởi đến các vị đạo hữu gần xa câu chuyện Tiền thân liên hệ đến dục tham, một trong ba căn bản bất thiện – tham, sân, si – thường được Đức Phật thuyết giảng để các đệ tử Ngài tu tập và đoạn trừ dần ba gốc rễ bất thiện đưa đến khổ đau ấy và thay thế chúng bằng ba căn bản thiện – vô tham, vô sân, vô si – để được an lạc hạnh phúc lâu dài ở đời này và đời sau.

Người nào mong ước việc trong lòng...,
Chuyện này Bậc Đạo Sư kể trong lúc trú ngụ tại Kỳ Viên về một Bà la môn.
Chuyện kể rằng một vị Bà la môn trú ở Xá Vệ, lúc ấy đang đốn cây bên bờ sông Aciravatì để trồng trọt cày cấy. Bậc Đạo Sư nhìn thấy rõ nghiệp duyên của vị này (về khả năng tu tập) khi Ngài đến Xá Vệ để khất thực, Ngài liền bước ra khỏi con đường đang đi để nói chuyện ân cần với ông. Ngài hỏi:
- Này Bà la môn, ông đang làm gì đó?
Người ấy đáp:
- Thưa Sa môn Gotama, tôi đang đốn cây ở một khoảng trống để trồng trọt.
Ngài bảo:
- Tốt lành thay, này Bà la môn, ông tiếp tục công việc đi.
Cứ như vậy Bậc Đạo Sư đi đến nói chuyện với ông khi các thân cây đốn xong lại được mang đi nơi khác, và người kia dọn sạch mẫu đất của mình, và Ngài lại đến vào lúc cày cấy, hoặc lúc đào những hố vuông nhỏ để lấy nước. Bấy giờ vào ngày gieo hạt, vị Bà la môn hỏi:
- Thưa Tôn giả Gotama, hôm nay là ngày Lễ hạ điền (lễ cày bừa) của tôi. Khi bắp chín, tôi sẽ cúng dường nhiều cho Tăng chúng được Đức Phật cầm đầu.
Bậc Đạo Sư nhận lời cúng dường của ông và ra đi. Một ngày khác, Ngài lại đến và thấy người Bà la môn đang ngắm đám bắp ấy. Ngài hỏi:
- Này Bà la môn, ông đang làm gì đó?
- Thưa Tôn giả Gotama, tôi đang ngắm đám bắp.
- Này Bà la môn, tốt lắm!
Bậc Đạo Sư nói rồi đi thẳng.
Lúc ấy Bà la môn suy nghĩ: “Tôn giả Gotama vẫn thường đi qua đường này lắm thay! Chắc chắn Ngài cần thực phẩm. Được, ta sẽ cúng dường thức ăn cho Ngài”.

Vào ngày ý tưởng này xuất hiện trong trí ông, khi về nhà ông cũng thấy Bậc Đạo Sư đến nữa. Từ đó trong lòng vị Bà la môn khởi lên một niềm tín thành kỳ diệu.
Dần dần, bắp đã chín, vị Bà la môn quyết định ngày mai sẽ gặt. Nhưng trong khi ông ngủ trên giường thì ở khoảng đất trên sông Aciravatì, mưa trút xuống như chĩnh đổ: lũ lụt kéo đến mang theo cả mùa màng ra biển, vì thế không còn sót một cây nào. Khi cơn lũ đã rút, vị Bà la môn thấy hoa màu bị tàn phá, nên không còn sức mà đứng nữa, tay ông cứ ôm ngực vì quá đau khổ, ông vừa khóc vừa về nhà, nằm xuống kêu than. Buổi sáng Bậc Đạo Sư đã thấy vị Bà la môn này tràn ngập khổ đau, Ngài suy nghĩ: "Ta sẽ là nơi nương tựa của người Bà la môn”.
Thế là hôm sau, khi đã đi khất thực quanh Xá Vệ rồi, Ngài trở về từ nơi thọ dụng thức ăn, bảo các Tỳ kheo lui về tinh xá rồi chính Ngài cùng một tiểu thị giả đi với Ngài đến nhà ông. Khi vị Bà la môn nghe Ngài đến, thì lòng hoan hỷ, nghĩ thầm: “Chắc hẳn vị hiền hữu của ta đến để nói chuyện thân mật”. Ông mời Ngài ngồi; Bậc Đạo Sư bước vào ngồi trên một tọa sàng đã định sẵn và hỏi:
- Này Bà la môn, tại sao ông nản lòng? Việc gì xảy ra khiến ông bất mãn?
- Thưa Sa môn Gotama, từ lúc tôi đến đây trên bờ sông Aciravatì, Ngài cũng đã biết tôi làm gì rồi. Tôi đã đi đây đó, và hứa cúng dường Ngài khi hoa màu chín, nay cơn lụt đã cuốn trôi hết mọi hoa lợi ra biển, chẳng còn lại gì cả. Bắp ngô bị thiêu hủy cả đến trăm cỗ xe, vì thế tôi đang sầu khổ lắm đây.
- Này, của mất mát có thể trở lại nhờ than khóc không?
- Thưa Sa môn Gotama, nó không trở lại được.
- Nếu vậy tại sao sầu khổ? Sự giàu sang của người đời hay thóc lúa, khi còn đó thì chúng có mặt, và khi mất rồi thì thôi. Chẳng có vật hữu hình nào không chịu hoại diệt, thôi ông đừng sầu muộn vì nó nữa.

An ủi ông như thế xong, Ngài nhắc lại kinh Tham dục (Kinh Tập IV, kệ 766) vì thích hợp với hoàn cảnh này. Khi Ngài kết thúc bài kinh Tham dục ấy, vị Bà la môn buồn khổ đã được an trú vào Sơ quả Dự lưu. Sau khi làm tan biến nỗi buồn của ông, Bậc Đạo Sư đứng dậy từ chỗ ngồi và trở về tinh xá.
Cả thị trấn đều nghe tin Bậc Đạo Sư đã đi tìm Bà la môn đang bị đau đớn hành hạ như thế nào rồi an ủi ông và an trú ông vào quả Dự lưu ra sao. Tăng chúng nói đến việc ấy tại Chánh pháp đường:
- Này các Hiền giả, Đấng Thập Lực đã kết bạn với một vị Bà la môn, ngày càng thân thiết, đã tạo cơ hội thuyết pháp cho ông, đang lúc ông gặp cơn đau khổ xé nát cõi lòng, Ngài an ủi cho vơi niềm đau khổ rồi an trú ông vào quả Dự lưu.
Bậc Đạo Sư bước vào, và hỏi:
- Này các Tỷ kheo, các ông đang nói chuyện gì khi ngồi lại đây?
Tăng chúng thưa lại với Ngài. Ngài đáp:
- Đây không phải là lần đầu tiên, này các Tỷ kheo, mà Ta chữa lành nỗi đau buồn của kẻ ấy, song ngày xưa, đã lâu lắm, Ta cũng làm như vậy.
Và cùng với những lời này. Ngài kể một chuyện quá khứ.
                                                                       *
Một thời, vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại có hai vương tử. Ngài phong chức Phó vương cho thái tử, còn vị thứ hai làm đại tướng quân. Sau đó khi vua Brahmadatta băng hà, triều thần phải phong vương cho thái tử bằng nghi lễ quán đảnh. Song chàng bảo:
- Ta chẳng màng giang sơn quốc độ, hãy để vương đệ ta trị nước.
Đại chúng van xin cầu khẩn thái tử, song chàng chẳng muốn chuyện đó, nên vị vương đệ được quán đảnh phong vương. Thái tử cũng không màng ngôi vị phó vương hay chức tước gì cả, khi triều thần xin chàng ở lại, sinh sống trên mảnh đất trù phú này, chàng đáp:
- Không, ta không làm gì được trong kinh thành này cả.
Rồi chàng ra đi, rời khỏi Ba La Nại, chàng đến vùng biên địa và sống với gia đình một thương gia giàu có, làm việc bằng đôi tay của mình. Những người này sau một thời gian biết được chàng là thái tử, nên không để cho chàng làm việc nữa, họ hầu hạ chàng như thể một vương tử phải được cung phụng vậy.
Bấy giờ, sau một thời gian, triều thần đến làng đó để vẽ họa đồ đồng ruộng. Lúc ấy người lái buôn nói với vương tử:
- Tâu điện hạ, vì công lao chúng thần phụng dưỡng ngài, mong ngài gởi về vương đệ của ngài một bức thư để xin giùm cho chúng thần được miễn giảm thuế chăng?
Chàng đồng ý làm việc ấy và viết như sau: “Ta đang sống với gia đình một thương nhân nọ, ta xin vương đệ vì ta mà miễn thuế cho họ”.
Vua chấp thuận, và làm y theo như vậy. Từ đó dân làng và dân cả vùng ấy đến gặp chàng bảo:
- Hãy xin cho chúng thần được miễn thuế, rồi chúng thần sẽ đóng thuế cho ngài.
Chàng làm thỉnh nguyện thư cho họ, và xin cho họ miễn thuế. Sau đó dân chúng trả thuế cho chàng. Lúc ấy, lợi tức và danh tiếng chàng rất lớn, cùng với lợi danh này, lòng tham của chàng cũng khởi lên, vì thế dần dần chàng đòi cả thị trấn, chàng đòi chức phó vương cũ và vương đệ chàng cư ban cho chàng tất cả. Lúc ấy lòng tham của chàng cứ tăng trưởng, chàng không hài lòng với chức vị phó vương, và quyết định chiếm lấy ngai vàng. Nhắm mục đích ấy, chàng lên đường cùng với một đám người, đóng tại ngoại ô kinh thành và gởi thư vào vương đệ chàng:
- Hãy trao quốc độ cho ta, không thì giao chiến!

Vị vương đệ suy nghĩ: “Ngày trước kẻ ngu si này đã từ chối ngai vàng, địa vị phó vương và tất cả; nay lại bảo: muốn đánh chiếm lại, nếu ta giết anh ta trong chiến trận thì đó là điều ô nhục cho ta, vậy ta cần gì làm vua nữa?”. Vì thế chàng gởi chiếu chỉ:
- Tiểu đệ không muốn gây binh đao, xin vương huynh cứ lấy ngai vàng.
Vương huynh chấp thuận việc ấy và phong vương đệ làm phó vương.
Từ đó chàng cai trị vương quốc. Nhưng chàng tham lam như vậy, nên một vương quốc chưa làm chàng thỏa mãn mà chàng muốn hai vương quốc, rồi ba, tuy thế, vẫn thấy lòng tham vô tận.
Thời bấy giờ, Sakka (Đế Thích) Thiên chủ nhìn ra ngoài. Ngài suy nghĩ: “Ai là người chăm lo phụng dưỡng cha mẹ đây? Ai là người bố thí và làm điều thiện đây? Ai là người bị tham dục chi phối?”. Ngài suy nghĩ: “Kẻ ngu si này không hài lòng trị vì ở Ba La Nại. Được, ta sẽ dạy cho y một bài học”.
Vì vậy ngài giả dạng một thanh niên Bà la môn, đứng ở cửa cung rồi đưa tin rằng có một thanh niên lanh lợi đang đứng ở cửa. Chàng được phép vào chầu, liền tung hô chúc tụng vạn tuế vua xong xuôi, vua hỏi:
- Tại sao công tử đến đây?
Chàng đáp:
- Tâu Đại vương, tiểu sinh có chuyện cần tâu với Đại vương, song tiểu sinh muốn được giữ cẩn mật.
Nhờ thần lực của Đế Thích Thiên chủ, ngay lúc ấy mọi người rút lui cả. Sau đó chàng thanh niên nói:
- Tâu Đại vương, tiểu sinh biết ba kinh thành trù phú, đông dân, quân đội và chiến mã đều hùng cường, tiểu sinh nhờ quyền lực của mình sẽ làm chủ ba kinh thành ấy, và sẽ tặng Đại vương. Song Đại vương không được trì hoãn mà phải đi liền lập tức.

Vua đầy lòng tham nên đồng ý ngay.
Song vì thần lực của Đế Thích ngăn cản, nên vua không hỏi: “Thế công tử là ai, từ đâu đến? Công tử sẽ nhận lại cái gì?”. Đế Thích Thiên chủ nói vậy xong, trở về cõi trời Ba mươi ba.
Sau đó vua triệu quần thần lại, và bảo họ:
- Một thanh niên vừa đến đây, hứa sẽ lấy và dâng cho trẫm thống trị ba vương quốc! Các khanh hãy đi tìm kẻ ấy. Ra lệnh đánh trống khắp kinh thành, triệu tập quân sĩ, không được trì hoãn, vì trẫm sắp chiếm ba vương quốc kia đấy.
Quần thần đáp:
- Tâu Đại vương, thế Đại vương có tiếp đãi thanh niên ấy, hoặc hỏi xem anh ta ở đâu chăng?
- Ồ không, không, trẫm không tiếp đãi anh ta, cũng không hỏi anh ta ở đâu cả, vậy cứ đi tìm anh ta!
Quần thần đi tìm, song không thể tìm ra người thanh niên ấy khắp kinh thành này. Nghe vậy, vua buồn bực:
- Quyền cai trị ba kinh thành đã mất rồi.
Vua lại nghĩ liên miên: “Ta bị tước mất vinh quang tột bậc, chắc chắn thanh niên ấy bỏ đi, bực tức ta lắm vì chẳng ban cho anh ta tiền lộ phí, cũng chẳng cấp nơi cư trú”.

Sau đó trong cơ thể vua nóng như thiêu đốt, trong khi cơ thể nóng bừng như vậy thì ruột vua mắc bệnh kiết lỵ ra máu; thức ăn đưa vào lại chảy ra hết, các y sĩ không thể nào chữa trị được, nên vua kiệt sức. Bệnh trạng vua được đồn đãi khắp kinh thành.
Lúc ấy, Bồ tát từ Takkasilà đã trở về nhà cha mẹ ở Ba La Nại, sau khi đã tinh thông mọi ngành học thuật. Ngài được tin về vua, liền đi đến cung môn, với ý định chữa bệnh vua nên gởi vào cung một tờ sớ tâu rằng có một thanh niên đang sẵn sàng trị bệnh cho đức vua. Vua phán:
- Các đại danh y lừng lẫy khắp gần xa còn chưa chữa nổi căn bệnh của trẫm, chứ một thanh niên làm gì được? Thôi trả tiền lộ phí cho gã rồi bảo gã ra về.
Thanh niên ấy đáp:
- Ta không cần chi phí chữa bệnh, song ta sẽ chữa lành vua, ngài chỉ cần trả tiền cho ta món thuốc chữa bệnh mà thôi.
Khi vua nghe vậy, liền chấp thuận cho anh ta vào. Người thanh niên kính lễ vua:
- Tâu Đại vương, chớ sợ gì! Người thanh niên ấy bảo – thần sẽ trị lành bệnh Đại vương, song xin Đại vương nói cho thần nghe nguyên cớ căn bệnh của ngài.
 Vua nổi thịnh nộ đáp:
- Ngươi hỏi thế để làm gì chứ? Cứ làm món thuốc chữa trị đi.
Người thanh niên nói:
- Tâu Đại vương, đây là phương cách của y sĩ, trước tiên phải biết vì sao sinh bệnh tật, sau đó mới làm thuốc chữa cho thích hợp.
Vua phán bảo:
- Thôi được rồi, chú bé.
Và vua bắt đầu kể nguồn gốc căn bệnh, từ lúc thanh niên ấy hứa hẹn rằng anh ta sẽ giành lấy và dâng lên vua quyền thống trị ba kinh thành.
- Như vậy, này bé con, căn bệnh sinh ra từ lòng tham, chú có giỏi thì chữa đi.
Người thanh niên đáp:
- Sao, tâu Đại vương, có chiếm được các kinh thành ấy nhờ buồn phiền chăng?
- Ồ, không đâu, bé con.
- Nếu vậy thì tại sao Đại vương lại buồn phiền? Mọi vật dù vô tri hay có tri giác, đều phải hủy diệt, bỏ lại tất cả, ngay cả thân xác của mình. Dù cho Đại vương có cai trị cả bốn kinh thành đi nữa, Đại vương cũng không thể cùng một lúc ăn bốn mâm cơm, ngủ bốn tọa sàng, mặc bốn bộ y phục. Đại vương không nên làm nô lệ cho tham dục, vì khi tham dục tăng trưởng thì ta không thể thoát được bốn cảnh khổ.
Sau khi đã khuyến giáo như vậy xong, Bậc Đại sĩ thuyết pháp qua các vần kệ sau:

1. Người nào mong muốn việc trong lòng,
Khi ước nguyện kia được vẹn toàn,
Chắc chắn tâm tràn đầy hỷ lạc,
Vì nay đã đạt được cầu mong.
2. Người nào ước vọng việc trong lòng,
Khi ước vọng kia được vẹn tròn,
Ước vọng tràn vào tâm trí mãi,
Như đang cơn khát gặp oi nồng.

3. Trong loại bò trâu có mọc sừng,
Sừng kia càng lớn, cứ to dần
Cũng như tâm địa người vô trí
Chẳng biết chút gì, chẳng biệt phân,
Trong lúc người kia càng lớn tuổi,
Thì niềm khát vọng cứ gia tăng.
4. Đem hết lúa ngô ở cõi đời,
Bò trâu, nô lệ, ngựa, cho người,
Vẫn chưa đầy đủ, này nên biết,
Và giữ đường công chính mãi thôi.
5. Một vua chinh phục cả phàm trần,
Trần thế trải mình tận đại dương,
Ở phía bên này chưa thỏa mãn,
Vật ngoài khơi vẫn thấy thèm thuồng.
6. Dục tham ấp ủ ở trong tim,
Tri túc chẳng hề phát khởi lên,
Người tránh dục tham  tìm đúng thuốc,
Người nào tri túc, trí như nguyền.
7. Tối ưu là trí tuệ đầy tràn,
Tham dục không hề đốt cháy tan,
Chẳng có bao giờ người trí tuệ
Lại làm nô lệ của lòng tham.
8. Thiểu dục, phá tan mọi dục tham,
Chẳng ham chiếm đoạt cả trăm phần,
Người kia cũng giống như lòng biển,
Chẳng bị đốt thiêu bởi dục tầm,
Như thợ giày luôn bào guốc, dép,
Hợp làn da bọc ở bàn chân.

9. Cứ mỗi dục tham được bỏ đi,
Một niềm hạnh phúc đến liền khi,
Người nào muốn hưởng tròn an lạc,
Phải bỏ mọi tham dục tức thì.
Nhưng trong khi Bồ tát ngâm các vần kệ này, tâm ngài chuyên chú vào chiếc lọng trắng của vua, nên khởi lên nỗi hỷ lạc của thiền định đạt được qua ánh sáng trắng (một pháp thiền Kasina). Riêng phần vua được bình phục khỏe khoắn, liền hoan hỷ đứng lên từ chỗ ngồi, và nói với ngài:
- Trong khi các y sĩ kia không thể chữa lành trẫm, thì một thanh niên hiền trí làm cho trẫm khỏe mạnh nhờ phương thuốc trí tuệ.
Rồi vua ngâm vần kệ thứ mười:
10. Tám khúc người ngâm
đáng tám ngàn,
Ngàn vàng mỗi khúc, Đại La môn,
Xin người nhận số vàng, vì lẽ
Lời nói người nay thật dịu dàng.
Nghe vậy bậc Đại sĩ ngâm vần kệ thứ mười một:

11. Dù có ngàn, muôn, triệu,
triệu lần
Ngàn vàng, ta cũng chẳng
mơ màng,
Như lời kệ cuối vừa ngâm ấy,
Tham dục tâm ta đã lụi tàn.
Vua càng hân hoan hơn nữa, liền ngâm vần kệ cuối cùng để tán thán Bậc Đại sĩ:
12. Quả thiếu sinh này
thiện trí nhân,
Am tường mọi kiến thức trần gian,
Dục tham kia chính là sinh mẫu
Của khổ đau, chàng mới vạch trần.
Bồ tát lại bảo:
- Tâu Đại vương, ngài phải biết tinh cần và bước vào chánh đạo.
Thuyết giáo cho vua xong, ngài bay qua không gian đến Tuyết Sơn, và sống suốt đời làm một ẩn sĩ tu hành. Ngài chuyên chú hành trì Tứ Vô lượng tâm và được sinh lên cõi Phạm thiên.
                                                              *
Khi Pháp thoại này chấm dứt, Bậc Đạo Sư bảo:
- Này các Tỷ kheo, ngày xưa cũng như bây giờ, Ta đã làm Bà la môn này lành bệnh.
Nói vậy xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Bà la môn này là vị vua kia và Ta chính là chàng thanh niên hiền trí.

Nhận xét:

Nhân dịp một vị Bà la môn buồn khổ vì mất tài sản được Đức Phật cảm hóa qua bài kinh Tham dục, Ngài kể chuyện tiền thân này nêu rõ trong một đời trước, Ngài cũng đã từng giáo hóa vị ấy trong một trường hợp tương tự.

Thuở ấy, vị Bà la môn là thái tử nhường ngôi cho vương đệ vì chỉ muốn sống đời dân dã nơi biên địa. Nhưng khi chàng đã được nhiều lợi dưỡng và danh vọng ở đó thì tham dục khởi lên, chàng đòi lại ngai vàng nhưng vẫn chưa thỏa mãn với một vương quốc, chàng muốn xâm chiếm thêm nhiều vương quốc khác.

Thiên chủ Sakka nhận thấy việc này, muốn dạy cho ông vua đó một bài học, liền giả dạng một thanh niên Bà la môn đến triều hiến kế dâng vua về việc lấy ba kinh thành nữa, rồi biến mất trước khi vua kịp hỏi tông tích chàng trai. Sự kiện ấy khiến vua buồn phiền sinh bệnh không ai chữa được. 

Lúc bấy giờ, Bồ tát tiền thân Đức Phật là một thanh niên đã tinh thông mọi môn học thuật, được tin này, liền đến hoàng cung xin chữa bệnh cho vua. Ngài giải thích nguồn gốc căn bệnh ấy chính là lòng tham. Rồi Ngài thuyết pháp về đề tài này qua những ảnh dụ sinh động mang tính thực tiễn phù hợp tâm trạng vua lúc ấy và Ngài khuyến giáo vua tu tập thiểu dục tri túc mới có thể đoạn trừ lửa dục đang thiêu đốt tâm can vua đưa đến bệnh tình vô phương cứu chữa như hiện nay.

Sau khi nghe Bồ tát phân tích bệnh trạng của mình, vua tỉnh ngộ, lành bệnh và muốn ban thưởng thật nhiều vàng cho Bồ tát nhưng ngài từ chối vì ngài đã đắc thiền lạc chỉ muốn sống đời thanh tịnh xuất thế gian.

Trong mùa Phật đản và An cư kiết hạ này, tôi xin gởi đến các vị đạo hữu gần xa câu chuyện Tiền thân liên hệ đến dục tham, một trong ba căn bản bất thiện – tham, sân, si – thường được Đức Phật thuyết giảng để các đệ tử Ngài tu tập và đoạn trừ dần ba gốc rễ bấtt hiện đưa đến khổ đau ấy và thay thế chúng bằng ba căn bản thiện – vô tham, vô sân, vô si – để được an lạc hạnh phúc lâu dài ở đời này và đời sau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Không giữ giới có năm điều suy hao

GNO - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.

Thông tin hàng ngày