Chuyện một người mẹ điên

GNO - Vật vã cả buổi trời với “con ngựa chứng”, cuối cùng nó cũng chịu thuần. Tôi vội vã phóng thật nhanh trong cơn mưa để về chùa cho kịp sáng mai tổ chức lễ phóng sanh. Cơn mưa về đêm đường phố vắng hoe, cố nhướng mắt thật to để có thể nhìn rõ đường, tôi chợt giật bắn cả người vì phía trước lù lù một bóng đen, cố giữ tâm thật bình tĩnh, cho xe chạy về phía trước, dưới ánh đèn pha tôi nhìn thấy một người hớt hải đi trong mưa, toàn thân ướt sũng, nhìn kỹ thì ra là con “Hương khùng”.

Ngừng xe lại tôi hỏi “đi đâu giờ này đây”? Ngước nhìn tôi bằng đôi mắt đờ đẫn, đỏ hoe, nó vừa khóc vừa nói “con đi tìm thằng Trí”. “Lên xe cô chở cho về, giờ này còn đi tìm gì nữa”. Tôi la lớn tiếng, nó líu quíu leo lên xe.

“Thằng Trí đi đâu mà phải đi tìm?”. Dường như rà trúng đài, nó lập tức khóc ré lên, mếu máo kể - Thằng Trí mượn xe đạp của người ta và chiếc xe đã bị ăn cắp mất, sợ chủ xe đến đòi nên nó bỏ nhà đi mất tiêu rồi, con đi tìm nó từ sáng đến giờ cũng chưa tìm được nó”.

Nói đến đây nó lại khóc rống lên và la thật to - Trí ơi con đi đâu rồi, Trí ơi... Bà cô ơi! bà cô đi tìm thằng Trí dùm con đi... Nó càng khóc lớn chừng nào tim tôi càng nhảy nhanh chừng nấy. Trời ạ, nó mà nổi cơn điên lên xô tôi thì cũng chết, bằng không nó mà nhảy xuống xe thì tôi cũng chết, chỉ cần nó lên cơn thì đường nào tui cũng chết. Bồ-tát ơi cứu con, thầm niệm danh hiệu Bồ-tát cứu khổ cứu nạn, tôi cũng vừa hít một hơi thở thật sâu lấy lại “phong độ”, nhỏ nhẹ khuyên - không sao đâu, bây giờ bà cô đưa Hương về nhà, sáng mai bà cô đi tìm thằng Trí dùm Hương nhe.

nguoi-me-dien.jpg

Lạy Phật! Có lẽ tìm được sự cảm thông nên nó không còn kêu la nữa, cũng nhỏ nhẹ lại: “Bà cô nhớ tìm thằng Trí dùm con nhe bà cô”. Nghe nó nói mà tôi muốn rơi nước mắt khi nghĩ đến tình cảm thiêng liêng mà cha mẹ dành cho con. Bản thân nó - “Hương khùng”, một người hàng xóm ở cạnh chùa tôi, nó có mấy chị em đều bị bệnh tâm thần, nhẹ có, nặng có và “Hương khùng” là cái tên mà mọi người trong huyện đặt cho nó.

Lúc trước tôi cũng chẳng để ý gì đến nó, chỉ đến khi nó có con, nó thường xuyên bồng con đến chùa xin cơm hoặc xin gạo. Đến khi con nó lớn xíu, nó lại đến chùa xin tiền, xin tập, xin quần áo cho con nó đi học. Kể từ đó “số phận” của mẹ con nó lại chính là “trách nhiệm” của bản thân tôi. Nhìn một đứa trẻ mặt mũi sáng láng đi bên cạnh một người mẹ ‘khùng’ ăn mặc rách rưới, hôi hám và không biết sẽ nổi cơn điên lúc nào, tôi cảm thấy rất thương và lo cho đứa bé, nó mà khùng lên đánh thằng nhỏ chắc chết. Nhưng thật kỳ diệu, dưới bàn tay chăm sóc của nó, thằng nhỏ lớn rất nhanh lại còn thông minh, nhanh nhẹn nữa. Bản thân nó phải đi xin ăn từng bữa, nhưng có rất nhiều người thấy thằng nhỏ dễ thương muốn xin về nuôi nên cho nó rất nhiều tiền để nhận thằng nhỏ nhưng nó dứt khoát không chịu.

Đặc biệt khi hỏi đến ba thằng bé là ai, nó cũng không bao giờ nói, chỉ khi thằng bé lớn lên, mặt mũi giống hệt ba nó thì mọi người mới biết ba nó là một người đàn ông khá giả và ông cũng đã bỏ xứ ra đi bởi không chịu nổi lời đàm tiếu của dư luận. Nghe nói không bao lâu sau đó ông cũng đã vĩnh viễn rời bỏ cõi đời này, để lại nơi đây một người mẹ khùng, ngày ngày ẵm con đi đầu làng cuối xóm xin ăn.

Thấy thương hoàn cảnh mẹ con nó nên những gì có thể, hầu như tôi đều tận tâm giúp đỡ, đền trả lại, chỉ cần nhìn thấy tôi, không cần biết tôi đang ở đâu hay đang làm gì, mẹ con nó đều mừng rỡ chạy nhanh lại và kêu thật to “bà cô, bà cô...”. Đó chính là giây phút khiến tôi khó quên nhất, khó quên ánh mắt ngây thơ, ngời sáng với gương mặt vằn vện như râu mèo của một đứa trẻ không cha, khó quên nhất nụ cười mừng rỡ trên gương mặt hốc hác của một “con khùng”. Ở nơi mẹ con nó tôi cảm nhận được một sự đền ơn vô giá, không bằng lời nói, không bằng sự vay vay, trả trả của thế tình, mà nó là một cái gì đó rất thân thương, rất gần gũi, rất tự nhiên, một tình thương không chút giả tạo của một “con khùng và một đứa bé”.

***

Khi ngồi viết lại câu chuyện này trong tinh thần tri ân, báo ân, tôi nhớ đến nó, nhớ đến tình người trong cuộc sống, nhớ đến tình yêu vô bờ bến mà mẹ dành cho con. Khi xưa tôi có xem một câu chuyện với tựa đề “Người mẹ điên”. Lúc đó tôi nghĩ - một người khùng biết gì mà gọi là thương con. Đó là suy nghĩ sai lầm nhất của tôi khi tận mắt chứng kiến “Nó”, tôi chợt hiểu ra rằng, đối với tất cả mọi thứ trên cuộc đời, một người điên có thể “khùng”, nhưng với bản năng của một người mẹ họ vĩnh viễn không bao giờ “khùng”.

Nhìn nó nhai thức ăn đút cho con, tuy rất dơ bẩn và chỉ là một chút cơm với vài miếng thịt vụn, nhưng đó lại là tất cả tình yêu và tài sản mà nó - một người điên có thể có được đều dành trọn vẹn cho con. Bởi chỉ đến khi thằng bé ăn xong, lăn ra ngủ thì nó mới ngấu nghiến nuốt chút thức ăn thừa còn lại, thế mới hiểu “Thương thay trời đất tình cha mẹ” là như thế nào. 

Thằng bé, sau này lớn lên, nó đã biết xấu hổ khi hiểu ra rằng mẹ nó là một “con điên” nên nó không còn lẽo đẽo theo mẹ nó đi xin ăn nữa. Còn mẹ nó thì ngày qua ngày vẫn đi lang thang đầu đường xó chợ, có hôm đi quá xa lại không quen đường nên bị xe tông, tưởng rằng đã chết đi, nhưng khi tỉnh lại - nó lại vẫn tiếp tục đi xin, bởi nó biết ở nhà nó còn một đứa con đang chờ đem thức ăn về, rồi nó còn phải nuôi con nó ăn học.

Đến bây giờ con nó đã 16, 17 tuổi và tóc nó đã bạc trắng hết rồi, nhưng ngày ngày nó vẫn đi xin, xin về để nuôi con…

Mọi người đều nói con mày lớn rồi mày còn nuôi nó cái gì nữa? Nó chỉ cười cười, không nói và mỗi ngày của nó vẫn như mọi ngày...

* Tin, video liên quan:

lienkhanh77@...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày