Chuyện về những bông hoa hiếu hạnh

GN - Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng với Jun Phạm, Nguyễn Trung Hiếu và Trần Thu Thủy, thì ông bà (người trực tiếp nuôi dưỡng), cha mẹ đều thiêng liêng trong lòng của họ.

Có suy nghĩ đó vì theo họ, nhờ ông bà, nhờ cha mẹ mà họ được góp mặt trên cuộc đời và được sống, được học làm người tử tế... Và những việc họ đã làm để kính dâng lên ông bà, cha mẹ, có thể nói cả ba (dù ở địa vị khác nhau trong xã hội) nhưng đều là những “bông hoa hiếu hạnh”...

Jun Phạm: Thay mẹ lo cho cha

Sau ánh đèn sân khấu, phim trường, trở về với cuộc sống thường nhật, ca sĩ, diễn viên Jun Phạm (tên thật là Phạm Duy Thuận, thành viên của nhóm nhạc 365 cũ) luôn dành trọn thời gian cho người cha đáng kính của mình. Theo lời kể của Jun Phạm, từ ngày mẹ anh trở về với cát bụi, anh trai của anh lấy vợ, thì nam ca sĩ chính là người luôn bên cạnh cha những lúc ông khỏe mạnh cũng như trái gió trở trời, cho đến việc chia sẻ chuyện buồn, chuyện vui…

a vienquang2.jpg


Jun Phạm cùng người cha đáng kính của mình - Ảnh: NVCC

Jun Phạm là con út trong gia đình có 2 anh em. Cũng như các bạn cùng trang lứa, anh được cha mẹ lo lắng chu toàn. Cuộc sống êm ấm tưởng theo cùng năm tháng, cho đến một ngày vừa thức dậy, hay tin mẹ mất trong lúc ngủ, anh không tin đó là sự thật. Chỉ đến khi nhìn thi hài của mẹ nằm đó, anh mới nức nở vì đã vĩnh viễn không còn có mẹ.

Suốt khoảng thời gian dài sau đó, mỗi ngày Jun Phạm đều đến mộ mẹ, ngồi khóc rưng rức. Với tình yêu mẹ, Jun Phạm quyết tâm thi và đỗ đại học, nhưng vì kinh tế gia đình gặp cơn nguy khó nên đã quyết định rẽ ngang để theo đuổi con đường ca hát. Mỗi ngày anh mỗi cố gắng, nỗ lực đẩy mạnh hoạt động nghệ thuật với nhiều vai trò khác nhau, và không quên thay mẹ, thay anh trai, chị dâu lo lắng cho cha.

Lúc mẹ còn sinh thời thì anh lại quá nhỏ, vì vậy, những điều anh muốn làm cho mẹ chưa thể thực hiện được. Nếu có, cũng chỉ qua những cuốn sách của anh xuất bản sau này như Nếu như không thể nói nếu như (Nxb Lao Động, 2014), trong đó hình tượng mẹ của anh được đề cập qua nhân vật Cỏ May chiếm đến 80%; hay Có ai giữ giùm những lãng quên (Nxb Văn Hóa - Văn Nghệ, 2017).

“Hồi mẹ còn sống, chưa bao giờ tôi cùng mẹ đến nơi nào xa hơn Vũng Tàu. Vậy nên, tôi muốn cha đi du lịch và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn ở hiện tại, nhưng khổ nỗi, cha lại sợ tôi không có tiền. Để mỗi lần muốn đưa cha đi đâu, tôi phải hành xử như một người… lừa đảo”. Jun Phạm mỉm cười, rồi kể tiếp: “Tôi mua vé và chuẩn bị hết mọi thứ, tới giờ ra sân bay tôi mới thưa với cha. Nếu cha chần chừ thì tôi nói ‘Vé con mua hết rồi, nếu không đi là mất số tiền rất lớn đó’. Vậy là cha mới chịu đi”.

Cầm tấm hình chụp chung với cha trên tay mà nước mắt của Jun Phạm cứ trực trào ra. Có cảm xúc như vậy vì theo Jun Phạm, cho đến ngày mẹ anh vĩnh viễn rời xa cuộc đời, anh mới biết bản thân chưa từng có một tấm hình chụp chung với mẹ. Đó cũng là lý do để dù bận bịu đến thế nào, dù cha của anh không muốn anh cũng cố gắng năn nỉ, bên cạnh việc sắp xếp thời gian, nhờ nhiếp ảnh ghi lại những khoảnh khắc hai cha con quây quần bên nhau.       

Nguyễn Trung Hiếu và ngày thứ 7… định mệnh

Với những khán giả của chương trình truyền hình Hát mãi ước mơ tập 5, phát sóng vào 20g30 thứ Tư, ngày 24-5-2017, câu chuyện của Nguyễn Trung Hiếu - chàng trai thi hát để chữa bệnh cho cha đã khiến tất cả người xem không khỏi bồi hồi, xúc động.

Nguyễn Trung Hiếu là con trai út trong gia đình có 2 chị em. Vào năm thứ 3 đại học, cha của Hiếu bất ngờ bị tai biến, từ đó gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Mẹ Hiếu phải vay mượn khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho chồng, và số nợ lên tới 200 triệu đồng. Gánh nặng của gia đình dồn lên vai Hiếu khi mẹ anh vì buồn lo mà sức khỏe cũng yếu dần, kéo theo nhiều căn bệnh như đau khớp, thiếu máu tim, gan nhiễm mỡ.

Ba năm trôi qua, bệnh tình của cha Hiếu vẫn không khá hơn. Mẹ của Hiếu, cô Trần Ngọc Thanh đau lòng kể về tình trạng sức khỏe của chồng mình: “Ông ấy không nói chuyện được, chỉ có thể nhìn. Việc ăn uống đều phải có người đút, và quan trọng là không còn nhận ra vợ, con của mình nữa”.

Mỗi tháng, Hiếu đi làm với mức lương cơ bản chỉ 4 triệu đồng, vừa để trang trải chi phí nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt cá nhân, vừa phải dành dụm để gửi về lo thuốc thang cho cha. Khi được hỏi về lý do tham gia chương trình Hát mãi ước mơ, Hiếu bày tỏ anh không mong mình đạt được giải thưởng lớn, nổi tiếng hay có được nhiều tiền. Hiếu chỉ mong rằng thông qua cuộc thi, anh có thể chứng minh với cha mẹ rằng: Cuối cùng con cũng đã trưởng thành, đã có thể đem chút năng khiếu trời phú nhằm giúp đỡ cho hai đấng sinh thành.

Mắt Hiếu đỏ hoe khi nhớ lại câu nói lúc trước cha còn khỏe mạnh vẫn thường bảo: “Cho thằng này ăn học, không biết lớn lên nó làm được cái gì?”. Dù lời nói của cha khô khan là vậy, nhưng tận sâu thẳm, anh hiểu đó là sự kỳ vọng và tình yêu thương mà cha dành cho mình. Hiếu chia sẻ thêm, ngày trước đi làm xa nên anh không có thời gian để về nhà thường xuyên. Vậy nên cuối tuần nào cha anh cũng gọi điện hỏi thăm: “Tuần này mày có về chơi không?”, anh trả lời: “Dạ, có về cha ơi!”. Rồi cha anh bồi thêm: “Nhớ mua cho tao bịch phở nhe!”.

a vienquang3.jpg


Nguyễn Trung Hiếu trên sân khấu của chương trình Hát mãi ước mơ - nơi mà anh về đích ở vị trí thứ 2 với giải thưởng 25 triệu đồng. Khoản tiền đó Hiếu phụ mẹ chữa bệnh cho cha, cũng như trả bớt số tiền mà gia đình vay mượn trước đó - Ảnh: NVCC

Ngày thứ 7 định mệnh ấy đến. Ngày mà như thường lệ, cha Hiếu gọi điện hỏi thăm nhưng anh bận thi không về được. Nhưng anh đâu biết rằng, đó chính là ngày mà anh mãi mãi không bao giờ nghe được giọng nói của cha nữa. Anh cũng không còn được mua phở cho cha ăn khi cơn tai biến đổ ập lên người ông. Mỗi lần nhớ lại, Hiếu đều không khỏi rơi nước mắt hối hận.

Trần Thu Thủy: Đến chết vẫn trăn trở

Gia cảnh của Trần Thu Thủy ở xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang là câu chuyện thấm đẫm nước mắt. Nhưng với cô gái trẻ này, dù là bất hạnh đến tột cùng, bản thân vẫn cố gắng để bà ngoại, con của mình không phải đối mặt với chuyện bữa đói, bữa no.

Bố mẹ Thủy mất sớm để lại chị và cậu em trai cho bà ngoại nuôi. 18 tuổi Thủy lấy chồng. Đến năm 21 tuổi, con trai lớn của Thủy được 19 tháng, cũng là lúc chị mang bầu đứa con thứ 2 được gần 4 tháng. Cuộc sống cơ cực, nhưng bà mẹ trẻ vẫn cần mẫn để duy trì mái ấm của mình. Rồi vô thường ập đến, lúc biết mình bị viêm não thái dương phải (u não đồ thị phải - biểu hiện của ung thư não), Thủy chẳng cho ai biết.

Hàng ngày, chị vẫn vật lộn với cuộc sống bằng việc ai thuê gì làm nấy nhằm có tiền trang trải hai bữa ăn, cũng như mua sữa cho con. Bên cạnh đó, chị luôn trăn trở tìm được việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định để ngoại của mình bớt đi phần cơ cực khi tuổi đã về chiều. Theo Thủy, cả cuộc đời, ngoại chị chưa từng có được một chút thảnh thơi, an nhàn. Quần quật với sông nước, ruộng đồng từ sáng đến tối, từ tối đến tinh mơ, cũng chỉ đủ để lo cho hai đứa cháu mồ côi có được bát cơm, khi thì cùng với mấy con tôm con tép, có khi chỉ là chút rau hái ở bờ ruộng quanh nhà…

Căn bệnh quái ác của Thủy mỗi ngày mỗi trở nặng. Cho đến khi sức đề kháng không chống chọi được nữa, phải nhập viện gấp, lúc đó Thủy mới thú nhận với ngoại của mình. Nước mắt của chị chảy dài trên gương mặt đương độ xuân thì. Lúc này, chị chẳng quan tâm đến căn bệnh quái ác mà mình mắc phải, mà chỉ lo... không có chị, ai lo cho ngoại, ai lo cho con. Đã vậy, khi hay tin chị bị bệnh, vì sốc mà chồng đã bỏ nhà ra đi, còn cậu em trai đang bươn chải mãi tận Campuchia.

Khi bài viết này đến với độc giả cũng là lúc Thủy và đứa con mang trong bụng đã qua đời hơn 5 tuần. Trước khi từ bỏ thân tứ đại, bà mẹ 21 tuổi không quên trăng trối với chồng (sau cú sốc đã trở về nhà - NV) rằng, hãy thay cô phụng dưỡng ngoại, kèm cặp em trai và nuôi lớn, dạy bảo đứa con của mình, bởi chỉ có như vậy, Thủy mới nhắm được mắt, xuôi được tay để từ giã cuộc đời.

Vẫn biết sinh tử lẽ thường, nhưng với hoàn cảnh của Thủy, với những gì Thủy đã làm, đã trải qua, có thể nói chị là điển hình cho tinh thần vượt khó, tấm gương cho tinh thần hiếu hạnh, mà trong chúng ta, nếu muốn thành nhân đều phải noi theo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày