“Con vẫn còn muốn tu má à!”

 Giác Ngộ - Tôi im lặng đi thiền hành, thỉnh thoảng nhìn lên tầng ba cư xá, nơi đó có hơn ba mươi chị em tập sự chúng tôi cùng ở chung. Hôm nay là ngày làm biếng, quý sư cô trong chùa đều có thời khóa cho riêng mình, người nghe thêm pháp thoại, người viết lách, người thực tập im lặng hùng tráng, người đi qua đồi uống trà và hái rau dại, còn tôi, tôi gọi điện về báo tin cho ba má, cho bạn bè tôi biết một cái tin mà khó có ai tin nổi: tôi đi tu.

Tôi cố gắng giữ giọng trầm tĩnh, nghe đầu dây bên kia bắt máy là nói liền:

“Má ơi, con Ng. nè! Con đang ở chùa Bát Nhã”.

“Con lên đó làm chi vậy, đi chơi hả?”- vẫn giọng nói thân quen của má.

“Con lên được một tháng rồi, con đang tu” - tôi vẫn cố gắng bình tĩnh tiếp.

“Con nói cái gì? Đang đi làm tại sao lại đi tu, con giỡn với má đó hả?”- má tôi có vẻ ngạc nhiên.

“Không, con nói thiệt đó. Con đang tập sự xuất gia”.

anh Thien than quet la.JPG

Đi tu thì dễ còn tu mới khó, dẫu khó con vẫn muốn tu má à - Ảnh: Tâm Phước Hải


“Không được, con phải về nhà ngay. Không tu hành gì hết. Muốn tu thì ở nhà mà tu”- lần này má có vẻ giận dữ.

“Nhưng con muốn tu ở chùa hơn. Con không về đâu. Con đã quyết định rồi”.
Đầu dây bên kia im bặt, sau một hồi rồi tít tít.

Tôi im lặng đi thiền hành, thỉnh thoảng nhìn lên tầng ba cư xá, nơi đó có hơn ba mươi chị em tập sự chúng tôi cùng ở chung. Hôm nay là ngày làm biếng, quý sư cô trong chùa đều có thời khóa cho riêng mình, người nghe thêm pháp thoại, người viết lách, người thực tập im lặng hùng tráng, người đi qua đồi uống trà và hái rau dại, còn tôi, tôi gọi điện về báo tin cho ba má, cho bạn bè tôi biết một cái tin mà khó có ai tin nổi: tôi đi tu.

Làm sao gia đình bạn bè có thể tin được một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, có chỗ làm hẳn hoi với thu nhập ổn định mà lại… đi tu. Làm sao tin được một cô bé luôn vui vẻ, tươi cười mà lại vô chùa “chôn vùi” cuộc đời mình trong màu áo nâu.

Có lẽ vì thế mà nhiều lần má gọi lên chùa hỏi tôi “có chuyện gì buồn hả?” hay là “má thường la rầy con, con giận má rồi muốn bỏ đi?”. Mấy nhỏ bạn thân thì hỏi “bộ mày bị thất tình hả? Ai là chàng Điệp để bạn của tui vô chùa vậy ta?”.

Đó là những quan niệm khá phổ biến hiện nay khi thấy một người trẻ còn mạnh khỏe, có đủ tương lai xán lạn mà quay lưng với cuộc đời thế tục. Tôi thấy mình khó xử quá vì qua điện thoại không thể giãi bày hết được, nên tôi “đầu tư” cho chuyện viết thư tỉ tê, làm công tác tư tưởng cho ba má và các anh chị tôi hiểu. Bao nhiêu thư về là có bấy nhiêu cuộc điện thoại từ quê gọi lên bảo tôi về. Nhưng tôi đã quyết định con đường của mình rồi, tôi phải đi không thể thối lui được.

Rồi tôi nuôi dưỡng ước mơ được cạo sạch mái tóc trong một năm. Đó là năm học thứ ba của tôi, khi lần đầu tiên tôi được tham dự những ngày tu tập ở Bát Nhã và những chuyến công tác từ thiện của sư bà, của các cô chú Tiếp Hiện Sài Gòn.

Tôi có cơ hội thực tập hơi thở, khám phá nội tâm mình, có cơ hội nuôi lớn hạt giống thương yêu, hy sinh vì những mảnh đời thiếu thốn từ cách sống, cách phụng sự của các cô chú Tiếp Hiện.

Lúc đó tôi muốn đi ngay nhưng nghĩ lại chương trình học còn dở dang, mà tôi không muốn mình dở dang bất cứ cái gì mình đang theo đuổi, đã theo thì theo cho tới cùng, cho xong. Một năm cũng là cơ hội để tôi nuôi lớn hạt giống Bồ đề tâm trong mình, tự thử thách xem mình có bền bỉ với lý tưởng của mình không.

Từ nhỏ tôi không đủ duyên biết chùa chiền vì tôi sống nơi miền quê xa xôi hẻo lánh, đời sống tâm linh còn chưa mạnh nên tôi chỉ biết từ nhà tới trường, từ trường tới nhà rồi ra ruộng đồng mênh mông, thẳng cánh cò bay, làm gì biết thầy tu, biết chùa. Ấy vậy mà trong tâm thức tôi luôn thích tới chùa, thích về chùa. Thích thì thích, rồi để yên đó cho tới lúc đi học xa có duyên tới chùa sinh hoạt là muốn cắm rễ vào đời sống xuất gia.

Thật ra lý tưởng ban đầu của tôi từ khi còn bé là học cho giỏi, có nghề nghiệp ổn định, trở về phụng sự cho tỉnh nhà, có dư dả thì giúp người khác. Nhưng nhân duyên đưa đẩy tôi tới chùa, sinh hoạt với các bạn sinh viên, được tiếp xúc với quý thầy quý sư cô, được học giáo lý, được làm công tác xã hội. Một năm ngắn ngủi ấy cho tôi nhiều chuyến đi thực tế trong ngành nghề của mình và tôi trực nhận ra nhiều điều. Thêm một lần nữa lý tưởng của tôi nhảy sang bước khác - tôi đi tu.

Tôi thấy rằng đi tu thì tôi giúp được nhiều người hơn. Dù các anh chị tôi có gia đình hạnh phúc và công việc đàng hoàng nhưng khi nhìn vào tôi vẫn thấy ngao ngán cảnh sống “chông vợ hài” và vài đứa con. Chỉ có lo cho gia đình đủ mệt rồi làm sao giúp được cho ai khác nữa chứ? Tôi muốn mình sống một cuộc đời tự do không bị ràng buộc bởi bất cứ ai.

Đã quyết định đi tu, xác định rõ mục đích vì sao đi tu còn chuyện chọn nơi nào để tu mới khó chứ. Tôi xin tham vấn ở sư bà trụ trì chùa mà tôi hay tới sinh hoạt. Biết ý định của tôi sư bà rất mừng và nói “con có thể lên Trúc Lâm hoặc Bát Nhã xin tu thử nhưng thầy thấy con hợp với Bát Nhã hơn. Con cứ lên xin tu tập thử xem sao”. Tôi không cho ba má tôi biết vì thế nào ba má cũng không cho tôi đi. Ba má chỉ muốn tôi đi làm có thật nhiều tiền, có gia đình như các anh chị của tôi thôi.

Nhận bằng tốt nghiệp xong, tôi chưa định đi liền đâu vì còn “hẹn hò” vài chuyến du lịch cho biết đó biết đây, cho thỏa chí tang bồng trước khi vô chùa ở luôn. Tôi qua chùa sư bà làm công quả, phụ giúp lễ Vu lan, vậy mà lòng cứ xốn xang. Có cái gì đó thôi thúc tôi phải đi ngay, không phải tôi chịu không nổi cảnh chật chội của nhà trọ, của phố xá, xe cộ Sài Gòn mà tôi phải đi liền mà là vì cái gì đó chưa biết gọi tên.

Sau này vô chùa học những lớp uy nghi của quý sư cô, nghe pháp thoại của thầy thì tôi mới biết đó là năng lượng của Bồ đề tâm thôi thúc tôi.

Ở chùa thấm tương chao, thương thầy, mến bạn, quý pháp môn tu. Nhiều lần má tôi lặn lội gần năm trăm cây số từ miền Tây sông nước lên vùng đồi Bảo Lộc gọi tôi về trong nước mắt ràn rụa nhưng tôi không về vì năng lượng Bồ đề tâm của tôi còn nóng hổi, vì lý tưởng tôi chưa thực hiện xong. Biết tôi quyết tâm nên quý cô chú Tiếp Hiện luôn yểm trợ hết lòng. Kỷ niệm về ngôi chùa đầu tiên tôi đến, kỷ niệm về tấm lòng của quý cô chú luôn là hành trang quý giá cho tôi trong suốt bốn năm qua.

Bốn năm, ba bộ vạt hò vẫn còn mặc được, ngày hai bữa cơm chay để học thở, học đi đứng nói cười, học cách lắng nghe, học cách chăm sóc nội tâm, học cách sống tự do thật sự. Bốn năm, những lá thư, những cuộc điện thoại về nhà vẫn đều đặn, má không còn muốn bắt tôi về nữa mà chỉ nhắn nhủ “khi nào cô rảnh thì về thăm nhà”.

Đi tu thì dễ còn tu mới khó. Bốn năm rồi, dù có nếm trải đủ niềm vui, nhiều khó khăn nhưng tôi luôn nói với má “con vẫn còn muốn tu má à!”.

Tâm Phước Hải  (CHLB Đức)

Cùng quý độc giả:

Chuyện những Thiên thần quét lá là tiểu mục trên trang PG&TT, bắt đầu khởi đăng từ số báo 583. Đây là chuyên mục dành cho những cây bút chuyên và không chuyên, viết về các chú tiểu, sa-di (sa-di-ni) đã, đang trải qua đời sống tu tập nơi cửa chùa. 

Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm. 

Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail:phatgiaovatuoitre@gmail.com
Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và quà tặng sách trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả Báo Giác Ngộ.

Giác Ngộ


-------------------

* Bài cùng chuyên mục:

>> Hành điệu

>> Tạm biệt mái tóc ngổ ngáo, tôi đi tu...

>> Những chắp vá ngọt ngào

>> Tôi trở thành tu sĩ



Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày