'Con vào dạ, mạ đi tu'

Người xưa có câu 'Con vào dạ, mạ đi tu'. Khi có con mình sẽ sống tử tế hơn như một 'gia tài' để lại cho con.

anh-hy-1-5read-only-1567078500456772498128_jpg.jpg
Ý Lạc được ba mẹ hướng dẫn làm việc thiện lành, chia sẻ với người khác từ nhỏ - Ảnh: HẠNH Ý

Và thực ra muốn con tốt thì cha mẹ phải tốt trước. Khi đó mỗi lời dạy khuyên mới có sức nặng để con chuyển biến tích cực.

Chuyện của chị Trâm

Chị Trâm là bạn của tôi, đang làm ở khoa dược Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM. Thi thoảng chị hay kể chuyện các con của mình - là chuyện vui của hai chàng trai tên ở nhà là Tí và Cún. 

Ví dụ như tuần này chị kể đã dẫn Cún (học lớp 1) đi dự một tiệc buffet gây quỹ giúp đỡ người nghèo vùng xa do một nhóm thiện nguyện tổ chức. Chị mua ba vé (cho hai vợ chồng và Cún). Đến với buổi tiệc, đồng nghĩa gia đình chị đã góp một phần chung tay cho những món quà mà nhóm thiện nguyện này sẽ tổ chức đi trao trong tháng tới.

"Rất bất ngờ là tại buổi quyên góp tại chỗ, Cún đã xin mẹ tiền để tự tay bỏ vào thùng tùy tâm của ban tổ chức" - chị Trâm chia sẻ trong niềm vui. Tôi nghe và cảm được niềm hạnh phúc của chị - một người mẹ vẫn thường dạy con mai mốt lớn lên phải biết chia sẻ với mọi người, thì nay đã chứng kiến "thành quả" qua hành động xuất phát từ chính mong muốn tốt đẹp của con.

Anh Sơn, chồng chị, cũng là người đầy từ tâm, thích sẻ chia với những người khó khổ. Anh quan niệm: "Tính tôi giúp ai là mong cho họ được thay đổi cuộc sống để đỡ hơn". Vì vậy, khi đọc tin một gia đình đang gặp trắc trở vì bệnh tật, có đứa con trong độ tuổi cần đi học để có nghề, anh phát tâm đóng góp hằng tháng, mỗi tháng 1 triệu đồng.

"Tôi không cho tiền người ta mà muốn góp cho họ một chút sức mạnh để họ vượt qua, để người con ấy sau này có thể tự chèo chống gia đình thoát khổ, thoát nghèo từng chút" - anh bộc bạch.

Như một sự trao truyền, hạt lành từ tâm của vợ chồng anh đã tưới tắm cho hai cậu con trai của mình mỗi ngày. "Cún học được và nề nếp, biết phụ giúp, thương em lắm" - chị Trâm nói như một niềm tự hào về cậu con trai lớn.

Chuyện của Hạnh Ý

Ý là đồng nghiệp của tôi tại báo Giác Ngộ, có một cô con gái năm nay 4 tuổi. Chỉ mới chừng đó tuổi nhưng Ý Lạc, con của Hạnh Ý, đã được đi đây đi đó cùng mẹ - nhất là những đợt chùa hay nhóm từ thiện nào tổ chức làm từ thiện, thăm nom các cơ sở nuôi dưỡng người già, phát quà ở Tây Nguyên.

Được dạy rằng con phải chia sẻ với các bạn vì các bạn ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện bằng con, Ý Lạc cảm nhận được nên cũng nói mẹ cho tiền "quỹ" của mình cho các bạn trong câu chuyện của mẹ. 

"Ý Lạc dường như ý thức rất tốt về những gì mình muốn con làm, vun vén cho con" - Hạnh Ý hay chia sẻ như vậy với tôi và những đồng nghiệp khác mỗi khi được hỏi thăm về con gái.

Hạnh Ý cũng hay dắt con về thăm ông bà ngoại, bà nội ở quê (Long An) và nói với con về sự tảo tần khó nhọc của ông bà đã nuôi ba mẹ ăn học cực khổ. Xong hai vợ chồng dạy con phải biết hiếu kính với ông bà. Trong nét ngây thơ của một bạn nhỏ sắp vào lớp mẫu giáo, cô bé gật gù, để vào đâu đó trong tàng thức của mình.

Vợ chồng Hạnh Ý cũng nêu gương về việc hiếu thảo với ba mẹ khi vẫn thường đưa phụ huynh đi chơi. Năm ngoái, cả nhà Ý đã cùng đưa ông bà ngoại Ý Lạc về miền Trung với tâm niệm: "Giờ ba má lớn tuổi rồi, còn đi được thì mình dành dụm để đưa ba má đi đây đó cho biết".

Trong chuyến đi đó, con gái Hạnh Ý đương nhiên đi cùng, chứng kiến hành động chăm sóc ông bà của ba mẹ mình và từng bước ghi nhớ trên bước đường trưởng thành rằng khi con lớn, con có hiếu với người sinh thành là một đạo đức căn bản để trưởng thành trong đời.

Dì Ba và má tôi

Đó là hai người đã dạy tôi về lòng hiếu đầu tiên. Hồi đó, cũng hai mươi mấy năm trước, thời mà ai cũng nghèo khó, nhất là ở quê. Dì tôi vất vả với kiếm ăn, nuôi con, nhưng hễ có đi chợ hay dịp gì, dì đều mua quà cho ngoại tôi (là mẹ của dì).

Quà là gói trầu tươi xanh, cục vôi trong lá chuối với mấy trái cau - là món mà ngoại tôi thích nhất; khi thì một món ăn gì đó để ngoại tôi ăn cho có sức. Dì hay nói với tôi: "Nếu có điều kiện, dì lo cho ngoại nhiều hơn...". Tôi nhớ mãi câu nói đó được dì thốt lên, lần nào cũng đầy xúc cảm, rưng rưng.

Còn má tôi, hễ có ăn gì cũng múc ra phần cho bà ngoại trước, má kêu tôi đem mời ngoại mới được ăn. Đó là lễ, nhưng qua đó má cũng đã âm thầm trao cho tôi bài học: hiếu với người sinh ra mình là điều mà mỗi người phải ghi nhớ, khắc trong dạ mình.

Những hình ảnh đó ăn sâu trong đầu mình, sau này có đi đâu, làm gì tôi cũng nhớ cái ơn của dì với má đã dạy tôi về lòng biết ơn, nhất là ơn cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ...

Phía sau mình có con nhỏ đồng hành...

Bài học nào cũng quý. Đó có thể là những lời khuyên được trau chuốt ngôn từ, cũng có thể là những câu chuyện sống động từ cuộc sống bình dị thường ngày, những con người quanh ta. Họ là những ông bố bà mẹ sống không cần gồng mình, tự nhiên, nỗ lực tự thân để thay đổi tích cực vì hiểu phía sau mình có con nhỏ đồng hành, các con dõi theo và bắt chước cách mình sống từ trong ý nghĩ đến lời nói và cụ thể hơn là việc làm.

Anh ThS Le Minh Huan.jpg
thieuuyhien-5read-only-1567078500458676033387_jpg.jpg

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Điều xấu của một tu sĩ: Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày