Cu Quất ngày xưa giờ đã là nhà sư...

GNO - Năm 6 tuổi, ba và mẹ thằng cu Quất chia tay, ba nó có vợ khác còn mẹ nó thì tha phương cầu thực, để nó lại với bà nội và cô. Bà nội thì đã già, nó sống trong tình thương bảo bọc của cô nó nhờ quán nước góc phố nhỏ xíu. Hằng ngày nó chạy nhảy, tung tăng vui đùa với đám bạn, tuổi thơ nó vô tư hồn nhiên.

Có lần thằng bạn trong xóm nó nói: “ê, thằng không cha không mẹ” - nó chạy về mách nội nó, bà nội nó ôm nó vào lòng, nước mắt của nội ướt chiếc áo của nó. Khi đó chắc nó cũng không hiểu là vì sao nội khóc, nó cứ vô tư như vậy.

THA_6056.jpg


"Cô ơi, con đã có đường đi rồi..." - Ảnh: TGCC

Lớn thêm tí nữa, cu Quất chợt nhận ra nỗi buồn trong lòng mình, nó thiếu tình thương và hơi ấm của mẹ, của ba. Rồi bắt đầu trầm lặng, tự ti, nó bắt đầu buồn tủi, mặc cảm, trong đầu luôn có ý nghĩ tại sao cuộc đời của nó lại như vậy.

Cu Quất may mắn là được sống trong tình thương của cô dành cho nó. Cô là người mạnh mẽ nhất trong cuộc đời mà nó từng gặp. Cô mở một quán nước giải khát nhỏ ở lề đường ngã ba, từ quán nước đó nó lớn lên, được học hành như các bạn khác. Cô là người đã nâng đỡ nó mỗi khi nó vấp ngã, dạy cho nó mỗi bài học mỗi khi nó làm sai để rồi nó có thêm hành trang mới để bước vào đời.

Hơn mười mấy năm trôi qua, nó dần mất đi hơi ấm của mẹ nhưng bù lại, cô đã cho nó hơi ấm của tình thương và sự bảo bọc y như mẹ nó vậy. Một ước mơ lớn nhất của nó là có một gia đình hoàn hảo và ấm áp, đó là ước mơ xa vời nhất mà nó luôn viết trong bài tập làm văn mà mỗi khi cô giáo ra đề: “Hãy nói về ước mơ của em”.

Năm 12 tuổi, cu Quất bắt đầu biết đến chùa, biết tụng kinh niệm Phật và học hỏi giáo lý. Trong đám bạn chơi thân với nó và cả làng xóm nữa, không ai tin là từ khi đi chùa mà nó thay đổi hẳn. Nó không còn buồn tủi, nó yêu đời và nó lấy lại được niềm tin vào cuộc sống.

14 tuổi, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới nó xin cô nó cho nó đi tu, cô nó cười kháy, hỏi nó:

- Tu được không mà đi tu, mày biết tu là khổ lắm không?

Nó khẳng định chắc như đinh đóng cột:

- Con tu được, con xin cô Ba cho con đi tu.

Cô nó im lặng, nó cũng không dám nói gì thêm, trong thâm tâm nó hiểu rằng cô nó thương nó như thế nào. Nhưng cuối cùng, nó bỏ nhà đi tu. Xuống tóc đêm 30 Tết - cái ngày mà gia đình sum vầy bên nhau đón giao thừa, nó nhìn ra đằng sau, không một ai trong gia đình đến dự buổi lễ quan trọng ấy. Nó im lặng, nét mặt u buồn, đó là đêm giao thừa đầu tiên tràn ngập trong nước mắt. Nó buồn vì không có ai trong gia đình bên cạnh kể cả cô trong ngày quan trọng của cuộc đời nó. Nhưng nó đâu biết rằng nơi cửa nhà kia, cô nó nhìn ra phía ngõ, ngóng chờ nó về để đón giao thừa cùng cô và nội, cô không biết nó xuống tóc, cô không biết nó đã trở thành một tu sĩ thật sự.

Cuối cùng, cô nó cũng biết. Cô đã khóc, khóc thật nhiều vì thương cảm cho số phận của nó, phận “mồ côi”, nhưng ẩn sâu trong nước mắt ấy là sự vui mừng, vui vì nó đã giải thoát cho cuộc đời của nó. Chấm dứt những tháng ngày tự ti, mặc cảm, tự tìm đến nguồn sống mới, an yên và tĩnh lặng, tránh xa sóng gió của cuộc đời,…

Vậy là 7 năm trôi qua, giờ đây, nó đã trưởng thành. Cô nó luôn tự hào gọi nó bằng “thầy” mỗi khi cô kể với mọi người về nó. Nó không còn là cu Quất của ngày xưa nữa, giờ đây nó đã khác, nó gánh vác trên vai một vai trò mới, một hành trang và tư lương mới để bước vào đời. Nhưng bên trong hành trang ấy là biết bao nhiêu mồ hôi và công sức của cô nó. Nó luôn nhớ về quán nước nhỏ ấy đã nuôi nấng nó nên người.

Mùa Vu lan lại về, nó chỉ muốn nói với cô nó rằng:

-  Cô ơi ! con thương cô rất nhiều…

Thích Chơn Pháp
(tổ đình Sắc tứ Linh Quang, TP.Đà Lạt)

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

Từ 23-7 đến 30-7, tòa soạn đã nhận được bài viết chủ đề “Bến bờ nhân gian” của các tác giả: Giác Minh Tường, Thích Nghiêm Thuận, Nguyễn Thành Công (4 bài), Quảng Trung, Thích Tâm Hiếu, Thích nữ Như Hiếu, Nguyễn Thị Bảo Châu, Thích nữ Diệu Lợi, Thích nữ Trung Tùng, Thích Chơn Pháp, Lê Đàn, Nguyễn Thị Bích Nhàn (2 bài), Hoàng Dũng Hùng, Nguyễn Hồng Mơ, Thích nữ Thanh Nghiêm, Nghi Lâm, Trung Thành, TKN Như Thành, Ngô Nghê, Hồ Thị Ngân…

Hiện tại, Ban Tổ chức đã chọn đăng một số bài trên Giác Ngộ online, và tiếp tục chọn đăng những bài khác trên hai ấn phẩm (tuần báo và Giác Ngộ online), nên bạn đọc đã gửi bài dự thi hoan hỷ chờ đợi.

Nhân đây, Ban Tổ chức nhắc lại một vài thể lệ viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.

Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày