Đạo Phật – Một lối sống phương Đông đang thu hút người phương Tây

Richmond, VA, USA: Cô Scarlett Sams làm việc suốt ngày tại Hội thánh Tin lành Trưởng lão, nhưng cứ tối thứ năm hàng tuần, cô lại đến dự buổi gặp mặt tại trung tâm Hội Phật giáo Ekoji của các Phật tử Tây Tạng ở thành phố Richmond, bang Virginia.

Cô là một thành viên trong phong trào Phật giáo phát triển ở Hoa Kỳ về mỗi ngày người Mỹ tìm được nguồn an ủi trong truyền thống phương Đông này.

Buddhist000.jpg

"Đó là một cộng đồng cao thượng. Họ là bạn tôi. Họ chân thật. Nếu tôi cần cái gì họ liền giúp tôi cái đó. Nếu tôi đang trải qua khủng hoảng, họ liền giúp tôi vượt qua khủng hoảng. Đó lý do tại sao tôi trở thành Phật tử”, cô Scarlett Sams tâm sự.

 

Mặc dù không có số liệu thống kê chính xác, nhưng Niên giám Thế giới 2004 (the 2004 World Almanac) ước tính có từ 2 đến 3 triệu Phật tử ở Hoa Kỳ. Số lượng này bao gồm cả những người cải đạo sang Phật giáo, như cô Scarlett Sams, lẫn các Phật tử nhập cư, vốn đã mang theo tôn giáo của họ đến Hoa Kỳ từ các nước phương Đông. Ông Daniel Perdue - Giáo sư Tôn giáo học của Đại học Liên bang Virginia (V.C.U) nói: “Phật giáo tại Hoa Kỳ có hai thành phần. Một là các cộng đồng sắc tộc có các trung tâm hành trì các pháp môn tu trong Phật giáo của riêng họ. Tại các trung tâm này, họ nói tiếng Việt hoặc nói bất kể ngôn ngữ nào. Nhưng nhìn chung, giới trung lưu và thượng lưu da trắng đều đã chấp nhận tất cả mọi pháp môn trong Phật giáo.”

 

Phật giáo tại Hoa Kỳ rất khác với Phật giáo ở các nước phương Đông mà nguyên nhân là do có hai loại tín đồ. Đó là Phật giáo của người cư sỹ, nghĩa là ai cũng có thể tham gia, không chú trọng Tăng Ni và tu viện giống như những nơi khác trên thế giới. Nhấn mạnh tầm quan trọng của tu viện ở phương Đông, Giáo sư Perdue nói: “Trong các tu viện lớn của Tây Tạng có hơn 10.000 Tăng sỹ trong một đất nước chỉ có 6 triệu dân. Vào thời điểm Tây Tạng sụp đổ, khoảng 1/3 đàn ông là Tăng sỹ và khoảng 1/4 phụ nữ là nữ tu sỹ Phật giáo.”

 

Nhiều người Mỹ cũng không coi Phật giáo như là tôn giáo, hay chính xác là coi Phật giáo là một tôn giáo được thực hành ở phương Đông. Phật giáo thường được phần đông người Mỹ coi là triết học hay lối sống.

 

“Một số thiền sư Phật giáo nổi tiếng tuyên bố rằng ‘Phật giáo ở phương Đông như cây cổ thụ già nua, không còn khả năng đơm hoa kết trái tốt nữa. Phật giáo ở phương Tây, tuy còn trẻ nhưng rất có khả năng sinh ra quả tốt,” ông Trần Hoàng nói. Ông tin rằng tính phóng khoáng của người Mỹ và nhu cầu liên tục đặt nghi vấn mọi thứ trên đời của họ đã cho phép Phật giáo bén rễ, không như người phương Đông chỉ chấp nhận tôn giáo mà không đặt nghi vấn, và không cho phép thay đổi một điểm nào.

bazin-1.gif

 

Ông Trần Hoàng sinh trưởng trong gia đình Phật giáo ở Việt Nam , nhưng khi còn nhỏ ông chưa bao giờ tìm được nguồn an ủi trong Phật giáo. Vì lý do kinh tế và chính trị, ông đã rời Việt Nam đến Virginia . Ông sống 24 năm tại đây. Kể từ đó, ông hành trì cả thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana) và Thiền Phật giáo (Zen Buddhism). Ông thường đến Trung tâm Thiền Saddhama Vipassana tọa lạc tại hạt Louisa, chùa Huệ Quang, và chùa Tịnh Độ ở Richmond .

 

Phật giáo có thể được chia thành 2 truyền thống: Nam tông (Theravada) và Bắc tông (Mahayana). Nam tông thì mang nhiều tính tu viện và nhấn mạnh vào việc học và thiền định trong khi Bắc tông mang nhiều tính lễ nghi và giữ niềm tin rằng bất cứ ai cũng có thể đắc đạo bất cứ lúc nào. Các pháp môn tu của Phật giáo Bắc tông là Mật tông Tây Tạng, Thiền (Zen) và Tịnh độ. Pháp môn tu của Phật giáo Nam tông là thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana).

 

Không giống như Phật giáo ở châu Á, nơi Phật giáo thịnh hành, có rất ít thống kê về số lượng người tham dự các loại lễ lạc của Phật giáo ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cộng đồng Phật giáo đều nhất trí rằng pháp môn tu học của Phật giáo là được nhiều người yêu chuộng nhất ở Hoa Kỳ. Ông Trần Hoàng cho biết: “Hiện tại, người Tây Tạng đang làm dấy lên phong trào tu tập ở Hoa Kỳ. Có sự kết hợp giữa giáo lý Phật giáo Tây Tạng về khái niệm Thiền (Zen) và  thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana). Một số hành giả thích Thiền (Zen), một số khác lại thích thiền Minh Sát Tuệ. Nhưng người Tây Tạng họ có cả hai. Thật là dễ chịu.”

 

Nhưng, người khác thì tin rằng, Thiền (Zen) là phổ biến nhất. Ông Kevin Heffernan, người hướng dẫn một nhóm Thiền (Zen) ở trung tâm Ekoji và là giáo sư Thiền Phật giáo tại Đại học Liên Bang Virginia nói Thiền (Zen) được coi là pháp môn mang nhiều tính trí tuệ, vượt ra ngoài ngôn ngữ và khái niệm.

 

Trung tâm Hội Phật giáo Ekoji là một dãy nhà liên kế tọa lạc tại quận Museum, thành phố Richmond . Trung tâm là địa điểm tu tập các pháp môn Thiền (Zen), Tịnh độ, Mật tông Tây Tạng, thiền Minh Sát Tuệ và Thiền Quán (Meditative Inquiry). Hầu hết các thành viên của trung tâm là cư dân trong cộng đồng, như giáo viên và tình nguyện viên của bệnh viện. Họ không phải là các Phật tử sắc tộc, nhưng đã tìm thấy nguồn an lạc trong Phật giáo, cô Sams nói.

 

Thiền (Zen) cũng nhấn mạnh nghệ thuật, như thơ haiku và thư pháp vốn đang hấp dẫn nhiều người. Nhưng, có người có ý kiến khác về lý do tại sao Thiền (Zen) đã nhận được sự yêu chuộng của mọi người như thế. Ông Andy Wichorek, hướng dẫn viên thiền Minh Sát Tuệ tại trung tâm Hội Phật giáo Ekoji phân tích: “Câu trả lời chân thật của tôi là do Thiền (Zen) có danh xưng rất dễ thương và quyến rũ. Bạn có thể tiếp thị Thiền (Zen) nhiều hơn là bạn có thể tiếp thị các pháp môn khác bởi vì từ Thiền (Zen) nghe rất êm dịu... Trong truyền thống Phật giáo Nam tông (Theravada) hoàn toàn chẳng có gì đáng khiêu gợi.”

 

Ông Andy Wichorek đã quay về nương tựa Tam Bảo sau khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống của ông. Sau khi chọn pháp môn thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana), ông có thể nhìn cuộc đời rõ ràng hơn. Hiện nay, ông có thể có những quyết định sáng suốt hơn và giữ tâm an tịnh và tự chủ cao hơn.

 

Tuy Phật giáo không thịnh hành bằng các tôn giáo khác ở Hoa Kỳ, nhưng nhiều người khác, như ông Wichorek chẳng hạn, vẫn đang quay về với giáo lý Phật giáo. “Trong số 7 tôn giáo trên thế giới, Phật giáo là tôn giáo duy nhất truyền bá giáo lý chậm rãi, và cần có một thời gian để những tư tưởng thẩm thấu vào một nền văn hóa. Thường thì Phật giáo phổ biến trong tầng lớp thượng lưu trước khi phổ biến trong toàn thể dân chúng,” Giáo sư Perdue nhận xét.

 

Cho dù chuyển biến chậm, nhưng xã hội Mỹ chắc chắn đang nhìn thấy nhiều ảnh hưởng của Phật giáo. Ví dụ, hãng phim Hollywood đang có khuynh hướng sản xuất phim Phật giáo. Trong nhiều phim, các biểu tượng hoặc những tư liệu về Phật giáo có thể được nhìn thấy trong các cảnh phim. Và nhiều nhân vật nổi tiếng là Phật tử công khai. Kỳ thực cứ như là họ đang thúc đẩy phát triển Phật giáo, Giáo sư Perdue bình luận. Một thí dụ khác về vấn đề này là phim “7 năm ở Tây Tạng” với diễn viên chính là Brad Pitt. Phim này nói về sự sụp đổ của Tây Tạng và đức Dalai Lama. Diễn viên Richard Gere và Orlando Bloom đều đã cải đạo sang Phật giáo.

 

Phật giáo sẽ vẫn duy trì con đường của nó để chuyển biến và phát triển, trở thành một bộ phận lớn hơn trong xã hội Mỹ. Theo ông Trần Hoàng, Phật giáo đang trở nên được nhiều người chấp nhận, bởi vì Phật giáo thúc đẩy các ý niệm: hòa hợp, hòa bình, yêu thương, vốn gắn liền với tất cả mọi người.

 

Nhưng, cũng như nhiều khía cạnh của đạo Phật, các ý kiến về tương lai của Phật giáo ở Hoa Kỳ là rất khác nhau. “Phật giáo có thể sẽ tiếp tục được phổ biến sâu rộng hơn, nhưng tôi không biết ngôi nhà của nó thế nào. Dĩ nhiên là ngôi nhà ấy sẽ vẫn còn khá tối, nhưng có khá nhiều phòng để phát triển… và có nhiều lối để đi trước khi Phật giáo thật sự tìm ra hướng đi chính,” ông Wichorek tin tưởng.

 

Một quan điểm cho rằng Phật giáo sẽ tiếp tục thay đổi. Thiền sẽ thu hút mọi người hành trì tại nhà, hoặc thỉnh thoảng tại các trung tâm. Một ít trong số họ sẽ trở nên quan trọng hơn và thường xuyên đi chùa, rồi một ít trong số những người này lại tiếp tục tham dự các khóa tu để tìm pháp môn tu tập cao hơn. Họ sẽ trở thành những người hướng dẫn tại những nơi dành cho mọi người muốn đến trung tâm một lần trong một thời gian, như trung tâm Hội Phật giáo Ekoji chẳng hạn, ông Heffernan nói.

 

Ông Cliff Edwards, Giáo sư Tôn giáo học tại Đại học Liên bang Virginia cũng đồng quan điểm. Giáo sư nói: “Phật giáo sẽ phân liệt đáng kể. Phật giáo không muốn được gọi là Zen, hay được gọi chính xác là Phật giáo. Nếu thiền là mối quan tâm đặc biệt thì hãy cứ gọi nó là thiền. Đó là cái mà người Mỹ cần và muốn.”

 

Nhìn chung, mọi người đều nhất trí rằng Phật giáo sẽ giành được sự yêu mến của quảng đại quần chúng nhiều hơn nữa. Phật giáo đã tăng trưởng nhiều trong 30 năm qua. Tuy vẫn còn khiêm tốn, nhưng Phật giáo sẽ càng ngày càng trở nên phổ biến hơn nữa, ông Wichorek khẳng định. Còn ông Trần Hoàng thì tin rằng mọi người sẽ trở thành Phật tử - nếu họ có kiến thức. Ông nói: “Tôi có thể nhìn thấy người ta xúc phạm Phật giáo, nhưng Phật giáo thì không xúc phạm bất cứ ai. Cho nên, nếu người ta công nhận và họ có thể nhìn thấy, thì họ hẳn sẽ biết và sẽ đến với đạo Phật.”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày