Đa số người bệnh không có triệu chứng khi huyết áp lên tới các mức độ cao nguy hiểm, một số người bị nhức đầu, khó thở, chảy máu mũi.
Bác sĩ Nguyễn Khánh Dương, Khoa Nội Tổng Quát, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết tăng huyết áp là một bệnh mạn tính, gây tổn thương lên các tạng như tim, mạch máu, thận và thường kéo dài trong nhiều năm.
Bệnh gặp nhiều ở nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 65 tuổi. Những yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh gồm di truyền, người béo phì, ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, chế độ ăn quá nhiều muối, bệnh nhân mắc bệnh thận, đái tháo đường, ngừng thở khi ngủ, mang thai, uống quá nhiều rượu...
Bác sĩ Dương cho biết đa số người cao huyết áp không có các dấu hiệu và triệu chứng, ngay cả khi huyết áp lên tới các mức độ cao nguy hiểm. Một số ít người huyết áp cao có thể bị nhức đầu, khó thở hay chảy máu mũi. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng này là không đặc hiệu và thường không gặp cho đến khi huyết áp cao trở nên nghiêm trọng hay đe dọa đến tính mạng.
"Cơn tăng huyết áp thường thấy ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán nhưng không tuân thủ tốt chế độ điều trị và cũng có thể xuất hiện lần đầu tiên ở những bệnh nhân chưa được chẩn đoán bị tăng huyết áp", bác sĩ Dương nói.
Bệnh có hai loại là tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Tăng huyết áp nguyên phát thường gặp ở người lớn tuổi, không thể nhận biết căn nguyên có khuynh hướng phát triển dần qua nhiều năm. Tăng huyết áp thứ phát gây ra bởi một bệnh như ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ, bệnh thận, bệnh tuyến giáp, bệnh mạch máu bẩm sinh, tâm trạng căng thẳng. Uống thuốc tránh thai, thuốc cảm, thuốc thông mũi, thuốc không hợp pháp như cocaine và amphetamines, lạm dụng rượu hay uống rượu kinh niên cũng là nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát. Tình trạng này có khuynh hướng xuất hiện đột ngột và gây ra huyết áp cao hơn so với cao huyết áp nguyên phát.
Huyết áp có thể tăng một cách nhanh chóng và đủ nghiêm trọng để được xem là cơn tăng huyết áp. Đây là tình trạng huyết áp tăng đột ngột với huyết áp tâm thu cao hơn 180 mmHg và huyết áp tâm trương cao hơn 120-130 mmHg.
Các số đo huyết áp được chia làm 4 hạng:
Huyết áp bình thường: Thấp dưới 120/80 mmHg.
Tiền cao huyết áp: Huyết áp tâm thu 120-139 mmHg hay huyết áp tâm trương 80-89 mmHg. Hạng này sẽ xấu dần theo thời gian.
Tăng huyết áp giai đoạn 1: Huyết áp tâm thu 140-159 mmHg hay huyết áp tâm trương 90-99 mmHg.
Tăng huyết áp giai đoạn 2: Huyết áp tâm thu cao hơn 160 mmHg hay huyết áp tâm trương cao hơn 100 mmHg.
Khi huyết áp không kiểm soát có thể dẫn tới tổn thương của các tạng. Các tổn thương bao gồm các thay đổi của hệ thần kinh như bệnh lý não tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não; hệ tim mạch gồm cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, phù phổi cấp, bóc tách động mạch chủ; suy thận cấp và nhiều các tạng khác như phù gai thị, xuất huyết võng mạc mắt.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa trên các xét nghiệm như nước tiểu, máu, cholesterol và ghi điện tim. Có thể làm thêm siêu âm tim để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh tim. Các trường hợp nặng hay đe dọa tính mạng phải làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu.
Nếu huyết áp tâm thu lớn hơn 180 mm Hg, hay huyết áp tâm trương cao hơn 120 mm Hg hoặc xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở, mắt mờ, nôn ói, yếu liệt chi, người bệnh không được tự điều trị tại nhà mà lập tức đến ngay cơ sở y tế.
Để phòng ngừa cơn tăng huyết áp và các biến chứng, người bệnh cần tuân thủ nghiêm chỉnh chế độ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đúng liều, không dùng thuốc không rõ loại. Cùng với điều trị thuốc, bệnh nhân nên thay đổi nếp sống bằng chế độ ăn ít muối, tập thể dục đều đặn, bỏ hút thuốc, hạn chế rượu, giữ cân nặng ổn định, giảm cân khi thừa cân béo phì.
Cần lưu ý xem các thuốc và liều sử dụng đã phù hợp hay chưa, phải thận trọng tỉ mỉ trong điều chỉnh thuốc. Các thực phẩm, thuốc thảo mộc như cám lúa mì, chất khoáng như magnesium, calcium và potassium, acid folic, acid béo omega-3 trong dầu cá hay hạt lanh, vitamin D có lợi cho bệnh nhân tăng huyết áp.
Cẩm Anh
(VnExpress)