GNO - Sau thời gian dài chờ đợi, ngày 30-6 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức họp báo chuyên đề công bố nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt ở vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Theo đó, thủ phạm gây nên thảm họa nhiễm độc hủy hoại hệ sinh thái vùng biển miền Trung trải dài đến 209km, khiến dư luận đặc biệt quan tâm chính là Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.
Hiện tượng cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung đầu tháng 4 qua làm dư luận hoang mang - Ảnh: AFP
Ngay sau khi vụ việc cá chết hàng loạt đầu tháng 4-2016, nghi vấn “thủ phạm” liên quan tới hệ thống nước thải công nghiệp của Formosa đổ ra biển đã được một số chuyên gia đặt ra, trong đó có ông Huyền Lam, cộng tác viên của Giác Ngộ đang làm việc trong lĩnh vực môi trường sinh thái tại Hoa Kỳ.
Từ quan sát và phân tích của một chuyên gia với các thông tin tổng hợp bước đầu, tác giả Huyền Lam đã đề cập những thảm họa môi trường hết sức phức tạp, nguy hiểm của ngành công nghệ sản xuất gang thép, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc kiểm soát nước thải, khí thải và nước ngầm qua bài viết đăng trên Giác Ngộ online ngày 28-4. Việc xả nước thải có chứa các hóa chất độc hại như Formosa đã gây ra chỉ là một trong ba luồng tác hại liên quan tới ngành công nghiệp này.
Được biết, một nhà máy sản xuất gang thép nếu không có hệ thống xử lý khí thải và vận hành đúng quy chuẩn, sẽ phát tán chất độc và phân tử kim loại nặng đi khắp nơi trên diện rộng cả trăm cây số. Những chất độc này lơ lửng trong không khí, tác động của mưa và độ ẩm cho tích tụ xuống đất; đồng thời một số vật liệu thô sẽ rơi rớt trong quá trình vận chuyển, cùng với hóa chất tẩy rửa độc hại sẽ gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm theo thời gian. Cư dân, hệ sinh thái trong môi trường này sẽ bị nhiễm kim loại và hóa chất, gây nguy hại đến tính mạng và sức khỏe, chất lượng sống. Kinh nghiệm một số nơi, đã phải mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều công sức, tiền của để khắc phục hậu quả đó một cách hoàn toàn.
"Sự việc gây thiệt hại lớn về kinh tế xã hội” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định trong buổi họp báo chuyên đề của Chính phủ về hiện tượng cá chết ở vùng biển miền Trung do Formosa trực tiếp gây ra. Đó là chưa kể đến những tổn thất vô hình khác, và nhất là làm cho hàng triệu người dân cảm thấy bất an.
Thảm họa ô nhiễm môi trường mà Formosa gây ra ở vùng biển miền Trung nước ta không phải là “sự cố” đầu tiên của tập đoàn luyện kim này. “Thành tích” xấu hủy hoại môi trường của Formosa đã được “lưu danh”, qua nhiều cảnh báo, từng bị phạt nặng tại nhiều nước như Thái Lan, Hoa Kỳ và cả ngay trên quê hương của họ là Đài Loan, thậm chí nhiều địa phương đã từ chối đầu tư vì dự báo ô nhiễm môi trường.
Như ý kiến chuyên gia cho biết, ô nhiễm môi trường trực tiếp từ nguồn nước thải công nghiệp là một trong ba con đường mà một nhà máy luyện kim gây ra. Ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm là vi tế, khó nhận biết, do đó khó kiểm soát hơn.
Sự việc đã xảy ra, đã gây xáo trộn đời sống của hàng vạn người dân ven biển và tác động tới hàng triệu người khác, đó là chưa kể những hậu quả phá hủy hệ sinh thái vùng biển miền Trung, theo dự tính của các nhà khoa học, đến 50 năm sau mới có thể hồi phục được. Mong rằng Chính phủ có sự giám sát nghiêm ngặt, đồng thời thực thi công lý công bình, chủ động thông tin kịp thời, để lòng dân sớm được yên.