Tang lễ, giỗ chạp cần sự thanh tịnh, thành kính để hương linh người khuất được lợi lạc - Ảnh minh họa
“Buồn khổ” ngày tang
Mấy ai trên thế gian này không buồn không khổ khi người thân qua đời. Có người khóc lớn thành tiếng, có người ngất lịm đi, có người nén nỗi đau mà sống… Cho dù có thế nào đi chăng nữa thì tất cả cũng cùng một nỗi đau mất đi người thân. Mối quan hệ với người quá cố càng ruột thịt, sâu đậm thì chúng ta lại càng dễ xúc động và đau đớn hơn.
Tâm lý này là dễ hiểu bởi một người đang sống thường nghĩ tới mình được gì chứ ít ai nghĩ tới mình sẽ mất cái gì. Cho nên khi chúng ta bất chợt mất đi một cái gì đó thì sẽ lập tức rơi vào trạng thái xấu, đau đớn, buồn khổ, xót xa. Sự vô thường không chừa bất cứ ai trong cõi đời này, vạn vật có sinh ra thì cũng sẽ có ngày bị tiêu hủy. Đó là quy luật mà ta phải hiểu và chấp nhận.
Vậy mà có người chẳng có chút tiếc thương đối với người thân khi mình qua đời. Có thể họ không có nhiều tình cảm, không nhiều kỷ niệm với người quá cố hoặc họ đang bận tâm đến một cái khác mà đối với họ quan trọng hơn nhiều. Nhưng tiếc thay họ lại muốn người ngoài thấy họ có hiếu nên cũng giả làm mấy bộ mặt sầu thảm nhưng trông hết sức buồn cười hoặc đối đế tìm một nhóm người xa lạ nào đó đến khóc mướn cho thêm phần bi thảm. Họ nghĩ như vậy là hay là thể hiện được lòng hiếu kính với người đã khuất, một suy nghĩ thiển cận như thế đã biến họ trở thành một kẻ vô cùng kệch cỡm trước mắt bà con lối xóm.
Chưa dừng lại ở việc “khóc cho tròn chữ hiếu”, họ còn thuê trống kèn rình rang suốt ngày suốt đêm. Rồi còn mấy đoàn múa lửa, xiếc tạp kỹ, ảo thuật các kiểu về biểu diễn luôn mấy ngày cho “xôm tụ” đám tang. Xôm tụ thì có nhưng lại gây phiền hà cho cả xóm cũng thức “canh ma” cùng họ mấy ngày liền. Bởi chẳng thể ai ngủ được trong cái không khí náo nhiệt của một đám tang được cho là hoành tráng.
Chẳng biết người nằm trong quan tài có hãnh diện khi có một đám tang như thế không. Hay đó chỉ là cái tính thích phô trương, bày vẽ của những người còn sống. Rồi họ lấy lý do mời các đoàn tạp kỹ mua vui giúp họ quên đi nỗi đau mất người thân. Sao họ không thử một cách khác vừa có lợi cho người mất, vừa mang lại giá trị nhân văn, nhân đạo cho người còn ở lại.
Trong kho tàng kinh điển mà Đức Phật để lại cho hậu thế có không ít bài kinh vừa khai thị cho thần thức người đã mất vừa mang tính chất trị liệu về mặt tâm lý cho người còn sống. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng các pháp đó trong hoàn cảnh mất đi người thân để được lợi lạc cả người âm và người dương. Ngoài ra còn giúp chúng ta tránh được những lời chỉ dạy mang tính chất mê tín dị đoan mà người ngoài nói ra nói vào trong lúc tinh thần chúng ta không thật sự minh mẩn.
“Ca vang” ngày giỗ
Dường như theo sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa của xã hội mà ý nghĩa của ngày giỗ cũng được thương mại hóa dần dần và càng ngày ý nghĩa thực sự của ngày giỗ càng bị phai nhạt. Ngày giỗ là ngày chúng ta tưởng nhớ lại ông bà, cha mẹ đã quá cố đồng thời giáo dục cho thế hệ con cháu sau này biết tri ân nguồn cội, biết gốc gác tổ tiên mà gìn giữ lề thói dòng tộc.
Ngày giỗ chúng ta không cần bày biện thịt cá ê hề mà chỉ cần hoa quả, hương đăng gọn nhẹ dâng lên bàn thờ tổ tiên. Nếu có thể thì mới chư Tăng đến tụng một thời kinh, thuyết một thời pháp hoặc trong gia đình có thể tự tụng cũng được. Trường hợp gia đình có điều kiện thì nhân ngày đó mà cúng dường chùa tháp hoặc bố thí người thiếu thốn nhằm hồi hướng cho người quá cố cũng là một điều hay.
Trên thực tế có rất ít những ai làm được như vậy bởi ngày giỗ tổ tiên đa phần chúng ta bận giết mổ lợn gà, bận ngồi bàn cụng ly hay lo đàn ca hát xướng chứ chẳng nhớ nghĩ ngày này năm ấy mình đã từng buồn khổ như thế nào khi người thân mình trút hơi thở cuối cùng. Một nghịch lý hết sức buồn cười. Chúng ta quên cái ý nghĩa thiêng liêng trong truyền thống tổ chức lễ giỗ của ông cha ta truyền lại. Vô hình trung ngày giỗ trở thành ngày chúng ta vui cười, ăn chơi thỏa thích rồi con cháu chúng ta nhìn vào đó tưởng rằng việc ăn thịt uống rượu trong ngày giỗ là truyền thống nên chúng sẽ tiếp tục làm như thế khi chúng ta qua đời.
Vậy là thói xấu dần dần trở thành một truyền thống khiến ý nghĩa ngày giỗ này càng sai lạc. Hậu quả sẽ khó lường khi con cháu chúng ta tiếp tục làm vậy và lâu dần những ý nghĩa giáo dục thiêng liêng bị chôn vùi vào quá khứ nhường chỗ cho một đám giỗ mang tính “hiện đại” và “thương mại hóa” cao. Trong ký ức bọn trẻ chỉ là những lần thấy bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói và cha mẹ chúng thì đánh chén um sùm. Chúng cũng chẳng hiểu ngày giỗ để làm gì mà chỉ biết ngày đó có đốt nhang, có lạy, có giết mổ lợn gà và dĩ nhiên là có hát, nhậu.
Thử hỏi những “mầm xanh” của tương lai được giáo dục một cách phản khoa học thì nền văn hóa tốt đẹp ngàn đời của nước Việt sẽ tồn tại được bao lâu?
Nền văn hóa tốt đẹp ngàn đời của nước Việt sẽ tồn tại bao lâu, câu trả lời ở chính cách hành xử của chúng ta. Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ là trách nhiệm và bổn phận của người lớn. Chúng ta phải tạo cho bọn trẻ một môi trường lành mạnh thông qua các giá trị văn hóa, nhân văn. Đồng thời cũng cần có những hành động thiết thực nhằm mang lại nguyên chất dòng chảy văn hóa cho các em.
Bên cạnh đó người lớn chúng ta cũng cần có những hành động mạnh tay trước các thói xấu, những phong tục lỗi thời, những ý niệm mê tín dị đoan ra khỏi đời sống để khắc phục lỗ hổng tâm linh trong chính chúng ta mà còn tạo tiền đề cho thế hệ hậu lai có một nền văn hóa tâm linh sạch sẽ, ghi đậm dấu ấn con người Việt Nam.
Tấn Khang
_____________
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, bạn đọc có ý kiến bàn luận, xin vào mục "Gửi ý kiến" ở cuối bài hoặc e-mail về: bandocgiacngo@gmail.com.