NSGN - Thời nay, ở xứ ta, đặc biệt phổ biến tượng Di Lặc được tạo tác dưới dạng Tăng hình với đặc trưng bụng lớn và nụ cười rạng rỡ đã khiến cho hình tượng Di Lặc Bố Đại Hòa thượng này làm khuất lấp đi giáo nghĩa và hình tướng nguyên ủy của Bồ-tát Di Lặc được đề cập trong kinh tạng cũng như trong mỹ thuật Phật giáo truyền thống. Bài viết này nhằm cung cấp một số dữ liệu để hiểu về tín niệm và chân tướng của Bồ-tát Di Lặc, vị Phật vị lai mà chúng ta hằng kính tín.
1. Bồ-tát Di Lặc là một Bồ-tát A-dật-da (Ajita Bodhisattva)1. Đây là vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ được Đức Phật thọ ký thành chánh giác ở tương lai, vào cuối thời mạt pháp khi Chánh pháp ở cõi Diêm phù đề (Jambud-vipa) đã bị phai nhạt. Ngài có tên gọi là Maitreya (Sanskrit), hay Metteya (Pāli) hoặc Jampa (Tây Tạng). Tên gọi Maitreya/ Metteya bắt nguồn từ chữ Sanskrit “maitri” (Pāli: metta), có nghĩa là lòng “từ mẫn”, vốn gốc từ chữ mitra (Pāli: mita) hàm nghĩa là “thân thiện”.
Metteya được ghi chép đầu tiên ở phẩm Cakavatti (Sihanada) trong kinh Trường A-hàm (Digha Nikaya 26) thuộc Pāli tạng và sau đó xuất hiện không chỉ trong Phật giáo Tiểu thừa mà cả Đại thừa lẫn Kim cang thừa.
Theo kinh Di Lặc thượng sanh và kinh Di Lặc hạ sanh: Di Lặc xuất thân từ gia đình Bà-la-môn, sau làm đệ tử Đức Phật, nhập diệt trước Đức Phật, dùng thân Bồ-tát trụ ở cõi trời Tusita (Đâu Suất) thuyết pháp cho chư thiên ở cõi trời này. Theo truyền thuyết, Bồ-tát Di Lặc vì muốn giáo hóa chúng sanh nên không ăn thịt từ lúc mới phát tâm. Do nhân duyên đó, ngài có tên Từ Thị.
Theo truyền thống Phật giáo, một kiếp của Phật được chia làm ba thời kỳ: 1/Chánh pháp kéo dài 500 năm; 2/Tượng pháp kéo dài 1.000 năm; 3/Mạt pháp kéo dài 10.000 năm; và sau đó, Phật pháp diệt tận: chúng sanh chìm nổi trong hỗn loạn và đau khổ. Lúc đó, Bồ-tát Di Lặc từ cung trời Đâu Suất hạ sanh xuống cõi đại địa Diêm phù đề để cứu độ chúng sinh. Về thời điểm hạ sanh cụ thể là lúc con người sống lâu 4.000 tuổi, lúc đó Bồ-tát Di Lặc sẽ hạ sanh xuống cõi đại địa này, thành Phật dưới cội Long Hoa, chia làm 3 hội thuyết pháp. Do việc Di Lặc thay Phật Thích Ca thuyết giáo nên được gọi là Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ. Khi Ngài thành Phật thì gọi là Di Lặc Như Lai hay Phật Di Lặc.
2. Di Lặc/ Maitreya là vị Bồ-tát duy nhất được nhìn nhận bởi Phật giáo Tiểu thừa. Đặc biệt phổ biến trong tín niệm về bộ Ngũ Phật; theo đó có 4 vị Phật đã ra đời là Kanakucchanta/ Câu Lưu Tôn, Kanakamuni/ Câu Na Hàm Mâu Ni, Kasyapa/ Ca Diếp, Sakya Muni/ Thích Ca Mâu Ni, và có một vị Phật sẽ ra đời trong tương lai là Phật Maitreya/ Di Lặc. Hình tượng Bồ-tát Maitreya xuất hiện trong nghệ thuật Phật giáo ở Gandhara, có lẽ trước cả hình tượng của Phật Thích Ca. Ở đây, có cả tượng đứng lẫn tượng ngồi mặc trang phục hoàng gia Ấn Độ với nhiều trang sức, tóc dài buông xuống vai hoặc kết thành búi trên đỉnh đầu. Tay kết ấn Chuyển pháp luân (tượng ngồi), hoặc ấn Thí nguyện (Varada), ấn Giáo hóa (Vitarka) ở loại tượng đứng. Đặc điểm định dạng tượng Maitreya là hình tháp Phật (stupa) được chạm khắc trên bảo quan, biểu thị xá-lợi Phật Thích Ca và hàm nghĩa, đây là người kế nghiệp Phật Thích Ca Mâu Ni. Cũng có trường hợp, tay tượng nâng pháp luân đặt trên hoa sen.
Trong mỹ thuật Phật giáo Gandhara, các thế kỷ đầu Công nguyên ở Bắc Ấn, Maitreya được thể hiện như một quý tộc Trung Á hoặc Bắc Ấn, tay trái cầm một bình nước kumbha, đôi khi đây là “bình trí tuệ” (Phạn: Bumpa). Tượng Di Lặc có khi thể hiện theo mô thức “Tam tôn”: có thêm hai môn đồ là Asanga (Vô Trước) và Vasubandhu (Thế Thân). Asanga là một trong những Tổ sáng lập Du-già hành phái, thuộc Phật giáo Đại thừa Ấn Độ, sống vào khoảng thế kỷ IV, V. Ban đầu, sư xuất gia với phái Nhất thiết hữu bộ, thuộc Tiểu thừa... Sau khi được Pindola (Tân-đầu-la) giảng không quán Tiểu thừa, sư liền ngộ nhập, nhưng đối với sở bộ chưa thỏa mãn, bèn dùng thần thồng lên cõi trời Tusita, thọ học Đại thừa không quán với Bồ-tát Di Lặc. Sau nhiều lần lên cung trời Đâu Suất học các thâm nghĩa Đại thừa, sư tập họp đại chúng giảng thuyết, nhờ đó pháp môn Du già Đại thừa truyền rộng khắp nơi. Người em của Asanga là Vasubandhu (Thế Thân) vốn tu theo Tiểu thừa, sau được sư khuyến khích bèn tu theo Đại thừa, tận lực xiển dương giáo nghĩa Đại thừa. Đây là truyền thuyết làm căn cứ cho việc tạo tượng Di Lặc tam tôn. (2)
Ở Tây Tạng, Di Lặc được gọi là Jam-pa, khi thể hiện ở tư thế ngồi thì đôi chân buông xuống đất theo kiểu ngồi ngai (gọi là hiện tọa/ Bhadrasana); còn gọi là kiểu ngồi chúc phúc và được phục trang như một vị Phật. Đây cũng là thể thức của tượng Di Lặc được đặt ở đền Chandi Meudut, hành lang của stupa Borohudur ở Java hồi thế kỷ VIII. Nói chung, hình tướng về Di Lặc ở các quốc gia Phật giáo châu Á đặc biệt phong phú, phổ biến là dạng Bồ-tát hình và kế đó là dạng Phật hình. Sự khác biệt này là do căn cứ vào nội dung của kinh Di Lặc thượng sinh hay kinh Di Lặc hạ sinh.
Ở Trung Quốc, từ trước đời nhà Đường, đại đa số tượng Di Lặc được thể hiện ở dạng Bồ-tát: đầu đội mão báu, thân mặc thiên y, đeo chuỗi anh lạc. Tượng có tư thế ngồi dựa, hai chân bắt chéo, hoặc bắt chân chữ “ngũ” (gọi là tọa thức Di Lặc/ Maitreya-sana), với một tay áp nhẹ vào má như đang trầm tư. Ngoài ra, cũng có loại tượng Phật hình mà hình tướng không khác biệt lắm so với tượng Phật Thích Ca. Nói chung, đó là các dạng tượng Di Lặc chính thống, không có điểm nào giống với loại tượng Tăng hình: mập mạp, phanh bụng, bày ngực, toét miệng cười - được xác định gốc từ nguyên mẫu “Bố Đại Hòa thượng” (Hòa thượng có túi vải lớn), tức Hòa thượng Khiết Khử, sống vào cuối đời Đường, đầu đời Ngũ Đại, ở Triết Giang-Phụng Hóa.
Mẫu tượng Di Lặc trầm tư – tức loại tượng theo tọa thức Maitreya-sana nói trên, là mẫu tượng điển hình của biểu tượng cổ xưa về Di Lặc không chỉ ở Trung Hoa mà cả ở Triều Tiên, Nhật Bản.
Ở Triều Tiên và Nhật Bản, ngoài các kiểu tượng Di Lặc khác (ngồi theo tọa thức liên hoa tọa (Padma-sana), đứng theo dạng Phật hình lẫn Bồ-tát hình, độc đáo là mẫu tượng “Di Lặc trầm tư” được tạo hình với đặc trưng khuỷu tay phải đặt trên đầu gối và bàn tay trái đặt trên mắt cá chân phải (gác trên gối chân trái). Kiểu tượng này được xác định niên đại từ nghệ thuật Mathura ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ II và được phỏng tạo lại trong nghệ thuật Gandhara. Kiểu tượng này trở nên rất phổ biến ở Triều Tiên từ thế kỷ thứ VI và đặc biệt ở Trung Hoa dưới triều Đường, Tống. Nhật Bản tiếp thu kiểu tượng này từ Triều Tiên và từ đó đã tạo nên những tác phẩm điêu khắc mỹ lệ và kiểu tượng này cũng được chọn để tạo tượng Nyoirin Kamon (Như Ý Luân Quan Âm).
Trong Phật giáo Mật Tông, Bồ-tát Di Lặc (Tây Tạng: Jamba/ Byamba) là một trong 9 tôn vị ở trung đài của mạn-đà-la Thai tạng giới, tọa ở hướng Đông bắc Đại Nhật Như Lai; còn ở mạn-đà-la Kim cương giới, ngài là một trong 16 tôn vị hiện kiếp (Bhadrakalpa). Về hình tướng có nhiều thuyết khác nhau. Theo kinh Bát đại Bồ-tát mạn-đồ-la và Đại Khổng Tước Minh Vương họa tượng đàn tràng nghi quỹ thì: thân ngài màu vàng ròng, tay trái cầm bình quân trì, tay mặt đưa lên hướng ra ngoài kết ấn thí vô úy; hình tam-muội-da là bình hoặc tháp. Lại có dữ liệu miêu tả hình tượng Di Lặc trong man-đà-la Thai Tạng giới có thân màu da, đầu đội mũ báu, trên mũ có bảo tháp; tay trái kết ấn Thí vô úy, tay phải cầm hoa sen, trên hoa sen là bảo bình.
3. Như chúng ta đã thấy, biểu tượng về Di Lặc/ Maitreya là một tập thành rất phong phú trong mỹ thuật Phật giáo, từ các trường phái Nam truyền đến Đại thừa, Kim Cang thừa. Đồng thời, tín ngưỡng Di Lặc phổ biến rộng từ Ấn Độ và Trung Á thời tiền Hồi giáo, lẫn các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á. Ở mỗi tọa độ địa lý-lịch sử, tín ngưỡng này phát triển theo cách cắt nghĩa riêng3.
Một là, mặc dù tất cả Bồ-tát đều xác định là trở thành Phật, song quan niệm về Bồ-tát của Tiểu thừa khác với Đại thừa. Theo Tiểu thừa, Bồ-tát là bậc Toàn giác (Pāli: Arahant/La hán); còn với Đại thừa là bậc đã đạt đến quả vị giác ngộ, nhưng chí nguyện chưa nhập Niết-bàn để tận độ chúng sanh. Theo đó, đối với Phật giáo Tiểu thừa, Maitreya được sinh ra là một người chưa giác ngộ và không là bậc chủ trì bất cứ một cõi tịnh độ nào. Trong khi đó, Phật giáo Đại thừa lại xác tín rằng khi Maitreya đã thành Phật, ngài chủ trì cõi Tịnh độ Ketumani, một thiên đường trên mặt đất, cơ hồ được xác định là thành phố Varanasi (nay là Benares thuộc Uttar Pradesh, Ấn Độ). Theo cách hiểu của Phật giáo, quốc thổ của Phật là cõi khiết tịnh, trang nghiêm và mỹ hảo - không có bất kỳ một sự ô nhiễm nào nên gọi là “Tịnh thổ”, khác với nơi người đời cư trú, tràn đầy ô trọc nên gọi là “Uế thổ”. Thời kỳ đầu của Phật giáo truyền vào Trung Quốc lưu hành rất nhiều tín niệm về Tịnh thổ, bao gồm tín niệm Tịnh thổ Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà, Tịnh thổ Đông phương Cực lạc của Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, và cõi Đâu Suất thiên cung Tịnh thổ (Tusita) của vị Phật tương lai là Di Lặc. Nói chung, tín niệm về việc Bồ-tát Di Lặc sẽ giáng sanh lập ra một kiếp đời mới, một quốc thổ trang nghiêm và an lạc nơi trần thế sẽ dẫn đến tín ngưỡng về cõi Đâu Suất thiên cung Tịnh thổ lẫn những cõi thiêng ở hạ giới, dưới cách nhìn của các tôn giáo cứu thế. Việc xác tín Núi Cấm/ Thiên Cẩm Sơn của vùng Thất Sơn Bảy Núi (An Giang) là nơi Phật Di Lặc giáng sanh lập Hội Long Hoa của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (và các hệ phái/ đạo cứu thế ra đời sau đó) là một ví dụ4. Một ví dụ khác là vương quốc huyền thoại Shambhala của Tây Tạng. Đó là một cõi “Tịnh độ” được bao bọc bởi các đỉnh núi tuyết phủ, không thể băng qua được và được bao bọc bởi một năng lượng mạnh mẽ hay một sức mạnh nào đó cực mạnh, tất thảy những thứ đó tồn tại cho đến khi cái ác và chiến tranh chấm dứt. Trong thời gian sắp tới, thế giới chìm trong chiến tranh, bị khống chế bởi cái xấu ác, tiêu cực đến nỗi đức vua của xứ Shambhala cuối cùng sẽ giáng thế với đội quân của mình để giải thoát thế giới, làm cho Chánh pháp được phổ truyền. Cõi “Tịnh độ” này được xác tín tọa lạc ở một nơi nào đó ở vùng Bắc Tây Tạng và chỉ những ai đã đoạn tận sân si và vô minh mới tìm thấy được vương quốc huyền thoại đó. Trong suốt mấy thế kỷ qua, các vị Ban Thiền Lạt Ma đã tự gắn kết mình với vùng đất thiêng Shambhala, quả quyết việc đầu thai tại nơi đó như những vị vua của vương quốc Shambhala5.
Nói chung, tín ngưỡng Di Lặc qua thời gian, ở các xứ sở khác nhau được biện sự rất đa dạng, song cốt yếu là tín niệm coi ngài là vị Phật vị lai và tín niệm về cõi Tịnh thổ của ngài: hoặc là cung trời Đâu Suất thiên cung hay dời cõi Tịnh thổ đó xuống trần gian ở xứ sở nào đó, trên lãnh thổ quốc gia này hay quốc gia khác.
Ở đây, cũng lưu ý rằng, Hòa thượng Khiết Thử/ Bố Đại Hòa thượng được tín đồ Phật giáo Trung Quốc xác tín là Phật Di Lặc chuyển thế nên tạo tượng để thờ từ năm 1104. Từ đó, Tiếu khẩu Di Lặc Phật được phổ biến rộng khắp nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây là một trường hợp đặc di của Phật giáo Trung Hoa và lan truyền ra nhiều quốc gia lân cận khác, trong đó gồm cả xứ ta.
Mục đích của việc góp nhặt các dữ liệu liên quan đến hình tượng và tín ngưỡng Di Lặc nêu ra trên đây cốt cung cấp cho bạn đọc những dữ liệu cần thiết về Bồ-tát/ Phật Di Lặc đích thực, khu biệt với Tiếu khẩu Di Lặc Phật phổ dụng ở xứ ta đến nỗi làm khuất lấp chân tướng và phai nhạt giáo nghĩa về Bồ-tát Di Lặc đích thực. Đó là chưa kể tình trạng thế tục hóa hiện nay: Tiếu khẩu Di Lặc Phật được tích hợp những “tín lý” đa tạp: hoặc căn cứ vào cái bụng lớn (đại phúc) lấy đó làm biểu tượng cho phúc lạc, hay gắn vào tượng thoi vàng xuồng (cầm tay, hai tay nâng quá đầu, lót ngồi nằm như đài bệ...), lấy đó để cầu tài “kim ngọc mãn đường” khiến không ít người coi đây là Thần tài lộc. Nói cách khác, tín ngưỡng Di Lặc đích thực như vậy đã đi quá xa và tích hợp quá nhiều “tín lý” thế tục đa tạp và thực dụng.
Chú thích
(1) Ajita/ A-dật-đa (Hán dịch: Vô Thắng, Vô Năng Thắng, Vô Tam Độc): Một trong các đệ tử của Đức Phật. Ngài lập chí đời sau sẽ thành Chuyển luân vương tên là Samkha/ Loa (Hán dịch: Nhưỡng Khư). Truyền thống xưa nay đều cho A-dật-đa là Di Lặc; song có kinh chép là một vị khác: Tissametteya (Hán: Kinh Đế Tư Di Lặc).
(2) Lưu ý: Thuyết khác: Maitreya là một đại luận sư Ấn Độ, ra đời sau Phật nhập diệt 900 năm, là thủy tổ của Du-già Đại thừa. Tương truyền, Di Lặc là thầy của Vô Trước, sáng tạo ra giáo lý Du-già Duy Thức, sau truyền cho Vô Trước. Dữ liệu này khác với tích Vô Trước lên Đâu Suất thỉnh vấn Di Lặc về lý tánh không Đại thừa. Vấn đề: Di Lặc là nhân vật lịch sử hay không đến nay vẫn chưa xác định được.
(3) Ở đây, vì khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin không đề cập đến các quan điểm phi Phật giáo về Maitreya như thuyết Thần trí (Theosophy) hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; cách giải thích của các học giả Hồi giáo về sự liên hệ của Maitreya và “Rahmatu Lil-’alameen” (một tôn danh mà đấng tiên tri Muhamad đã đề cập trong kinh Côran), quan niệm về Maitreya trong đạo Zô-rô-at (Zoroastrism) và tôn giáo của người Iran; hoặc tín niệm của đạo Ba’ ha’ về mối liên quan của Ba’ha’ u’lla’h và Maitreya v.v...
(4) Xem: Huỳnh Ngọc Trảng và các tác giả: Sổ tay hành hương đất phương Nam, Nxb TP.HCM, 2002, tr.42-53; 387-394.
(5) Xem R. E. Fisher: Art of Tibet, Thames and Hudson Ltd, London, 1997, tr.38-39, 130, 204-206.