Tham dục là ưa thích, mê đắm vào ngũ dục (tiền bạc, sắc đẹp, danh vị, ăn uống, ngủ nghỉ cùng các tiện nghi) và ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc). Kiến dục là mê đắm kiến giải, bảo thủ quan điểm, kẹt vào sở tri. Chính do tham dục và kiến dục mà mọi người, mọi giới (kể cả người tu) tranh chấp lẫn nhau khiến cuộc sống này không được bình yên.
Đối với người xuất gia, pháp học vốn rất cần để trạch pháp
nhưng phải đi đôi với pháp hành - Ảnh minh họa
“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở bên bờ ao Ô-nê, xóm Bạt-lan-na. Lúc ấy có Phạm chí cầm gậy tháo quán, đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Ma-ha Ca-chiên-diên: Do nhân gì, duyên gì, vua tranh giành với vua, các Bà-la-môn, cư sĩ tranh giành với nhau?
Ma-ha Ca-chiên-diên trả lời Phạm chí: Vì do bị trói buộc bởi tham dục nên vua tranh giành với vua; các Bà-la-môn, cư sĩ tranh giành với nhau”.
Phạm chí lại hỏi: Do nhân gì, duyên gì, những người xuất gia tranh giành nhau?
Ma-ha Ca-chiên-diên đáp: Vì do bị trói buộc bởi kiến dục nên người xuất gia tranh giành với người xuất gia.
Phạm chí lại hỏi: Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, có người nào lìa được sự ràng buộc của tham dục và lìa được sự ràng buộc của những kiến dục này không?
Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp: Có, này Phạm chí, Đại sư của tôi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, có thể lìa được sự ràng buộc của tham dục và lìa được sự ràng buộc của những kiến dục này.
Phạm chí lại hỏi: Phật, Thế Tôn hiện nay đang ở chỗ nào?
Đáp: Đức Thế Tôn hiện tại đang ở giữa những người Ba-la-kỳ, nơi rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc, thành Xá vệ, nước Câu-tát-la.
Bấy giờ, Phạm chí từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai áo bên hữu, gối phải quỳ sát đất, hướng về nơi ở của Phật chắp tay tán thán: ‘Nam-mô Phật! Nam-mô Phật, Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác có thể lìa mọi sự ràng buộc của tham dục, hoàn toàn xa lìa mọi sự trói buộc của tham dục và các kiến dục, sạch hết cội gốc.
Bấy giờ, Phạm chí cầm gậy tháo quán nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 546)
‘Phạm chí cầm gậy tháo quán’ là một du sĩ khổ hạnh luôn cầm cây gậy có treo bình nước rửa tay. Vị này thấy ở đâu cũng có tranh đấu, tranh chấp, tranh giành nên mới tham vấn Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên về hiện tượng phổ biến này.
‘Do bị trói buộc bởi tham dục nên vua tranh giành với vua; các Bà-la-môn, cư sĩ tranh giành với nhau’ là điều dễ hiểu. Vấn đề ở đây ‘Do bị trói buộc bởi kiến dục nên người xuất gia tranh giành với người xuất gia’ mới thật sự đáng bàn. Hiện tượng ‘tranh giành’, đam mê kiến giải, bảo thủ quan điểm, bị kẹt vào kiến dục đã xuất hiện trong Tăng đoàn từ thời Thế Tôn còn tại thế. Theo thời gian, từ Phật giáo bộ phái ở Ấn Độ, cho đến Phật giáo tông phái ở Trung Hoa, và ngay Phật giáo Việt Nam hiện nay, chúng ta đều bị kiến dục chi phối trầm trọng. Kiến dục là sở tri chướng.
Thành ra, pháp học vốn rất cần để trạch pháp nhưng phải đi đôi với pháp hành. Thiếu pháp hành, chỉ hiểu biết suông về Phật pháp rồi say sưa kiến giải, chỉ trích đúng sai, khen mình chê người… thì chỉ là học giả mà thôi.