Đoản khúc cho mùa Xuân

“Hà Nội mùa này lạnh lắm, những con đường của Hà Nội có đủ sắc màu năm mới, đẹp lắm!”. Bạn nhắn tin tả cảnh Hà Nội vào những ngày cận Tết, ta nghe được sự háo hức của bạn, háo hức chờ mùa xuân đến để kinh đô tròn 1.000 năm văn hiến.

1. Bạn không phải là người Hà Nội nhưng "tớ yêu Hà Nội hơn bất kỳ ai đó nhen”. Hà Nội trong mắt bạn là những con phố dài, có Hồ Gươm bình lặng trong sương sớm, có những ngôi chùa cổ kính, và cả những hàng nước chè của những cụ già bán nước mưu sinh suốt 30 năm… Bạn bảo đó là nét văn hóa Hà thành lôi cuốn và giữ chân du khách. Bạn yêu Hà Nội từ khi mới đặt chân xuống thành phố này, khi đó bạn là sinh viên năm nhất của một trường đại học.

XV.JPG

Xuân về giữa thủ đô - Ảnh: Bảo Thiên

Mùa thu Hà Nội đẹp, nhưng để hiểu về Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc Việt Nam thì phải đến Hà Nội vào mùa Xuân. Xuân ở Hà Nội khoe sắc những cành đào - đào Nhật Tân (Q.Tây Hồ) đẹp, rực rỡ. Ta cũng từng đến Hà Nội trong những ngày tháng Giêng và nhớ lần đó bạn đã dắt mình đi dọc bờ sông Hồng với những vạt cải vàng hoe, khoe sắc đón xuân. Bạn yêu hoa cải, yêu cái sắc vàng rực làm ấm lòng người, mà như bạn nói: “Nhìn màu vàng tớ liên tưởng đến những chiếc y thanh thoát của những bậc cao Tăng…”.

Bạn bảo, mùa xuân này có ý nghĩa đặc biệt với bạn vì ngày sinh nhật 25 tuổi của bạn trùng với ngày Giải phóng thủ đô, cũng là ngày diễn ra đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bạn miên man với niềm hạnh phúc ấy và nhẩm tính về tỉ lệ 25/1.000 (số tuổi của bạn/tuổi của Thăng Long thành), bạn chia sẻ: “Thế hệ chúng mình - những công dân trẻ hiện nay là sự tiếp nối của ông cha, mình “ngộ” được triết lý về sự tiếp nối này từ những câu chuyện ươm mầm của thầy - một ông giáo già. Do vậy, mình phải sống xứng đáng cho mình, đó cũng là sống cho Tổ tiên đã có công dựng và giữ nước…”.

Nghe những chia sẻ ấy ta cảm được mùa xuân đã đến trong bạn, rất tươi, rất trẻ - và điều đó đã được biểu hiện thành hành động: năm 2010 này bạn sẽ hoàn thành bậc thạc sĩ văn chương và sẽ học tiếp lên tiến sĩ. Học để hiểu lịch sử, văn hóa và yêu Tổ quốc mình hơn…

2. Bạn là dân Huế chính hiệu, mình cảm được niềm tự hào của bạn khi nói về quê hương - mảnh đất thần kinh giàu truyền thống. Mình thích mái tóc của bạn, tóc dài, mượt và tràn đầy nhựa sống. Có lẽ bạn là một trong số ít những cô gái 23 tuổi còn giữ được nét “văn hóa tóc dài” trong thời đại mà người ta phải chạy, phải hội nhập, phải đi thật nhanh… để kiếm thật nhiều tiền.

Bạn bộc bạch: “Tiền, ai mà chả cần? Nhưng để tiền điều khiển mình thì thật là… thê thảm. Mình vẫn đi làm, vẫn kiếm tiền nhưng mình không chạy theo đồng tiền và sự phù phiếm”. Ngồi nghe những chia sẻ của bạn, ta khép mình, vì ta chưa nghĩ được như bạn, ta vẫn còn lăng xăng lắm; và vì bạn đã “thấm” và đã giữ được cái thuần hậu Việt Nam. Người Việt mình bao đời nay đã luôn vững chãi trong việc giữ nước và giữ văn hóa của cha ông. Thế mà, ngày nay đôi khi vẫn bắt gặp những hình ảnh lai căng dị hợm, chướng mắt, để rồi ngậm ngùi tự trách, tự thương lấy chính mình.

Nhắc một tí về bạn để nhớ Huế và nhớ lời chúc cuối năm của bạn: “Sang năm mới nhớ phải “chân cứng đá mềm”, đừng để mình gục ngã trước những cám dỗ anh nhé”. Có lẽ đây là lời chúc nhiều trăn trở nhất. Đúng hơn là một lời nhắc của một người xứ Huế với một người sống ở Sài Gòn đã nhiều năm.

“Sài Gòn nhiều cái “Tây” quá. Ăn mặc và cả ngôn ngữ. Trong giao tiếp hằng ngày người ta vẫn dùng “song ngữ” một cách kỳ dị. Tết, có những người thích ở lại Sài Gòn vì ở lại sẽ tự do, sẽ chẳng phải nhọc nhằn đi thăm bà con, họ hàng, nhiêu khê… Đó, đó là những suy nghĩ đã xuất hiện ở nhiều người trẻ lớn lên ở làng nhiều năm, sau đó lên thành phố và “học hỏi” được từ “môi trường năng động” của Sài Gòn”.

Rõ là con gái đất thần kinh thâm thúy và… nhớ dai. Mình nhớ những điều đó mình đã kể với bạn (kể vô tư thôi) trong dịp cận Tết năm ngoái. Bạn nhớ và nhắc mình. Mỉm cười vì điều đó, soạn một tin nhắn và bấm nút send (gửi): “Ta nhớ mà, hẹn gặp em ở Huế, trong mùa xuân này nhé”. Đó là lời hẹn cho mùa Xuân vì mình chưa một lần đón xuân ở Huế. Chắc sẽ hay lắm bạn nhỉ, đi để còn kịp cảm nhận những mùa xuân đậm chất Việt kẻo mai mốt văn hóa ngoại lai cũng tràn qua Huế thì uổng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.
Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày