Tôi đến thăm ông và rất ấn tượng với bức ảnh ông cho tôi xem - cậu thanh niên Nguyễn Tiến Luận 17 tuổi đeo quân hàm binh nhì. Ông nói rằng, đó là niềm tự hào của ông. Và rằng ông thích bức ảnh này nhất. Ông thường mặc bộ quần áo này trong các lễ khai giảng, trong các chương trình giao lưu và nói chuyện với giảng viên và sinh viên đại học Nguyễn Trãi - ngôi trường do chính ông sáng lập.
Trong suốt buổi sáng ngồi với nhau, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận nói về mình thì ít mà về đồng đội thì nhiều. Ông kể về những đồng đội đã cùng ông ra trận năm 1969, cùng là lính bộ binh. Ông nói về những trận chiến đấu cam go, rằng những ngày đêm trong chiến trường ác liệt đã rèn luyện để có một Nguyễn Tiến Luận của ngày hôm nay. Ông nói rằng ông đã quyết định mở trường đại học để trả ơn cho đời, trả ơn cho sự may mắn, trả nghĩa cho các đồng đội không còn nữa.
Tác giả và Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận (phải)
Tôi nhớ như in bức ảnh quý mà ông may mắn có được vẫn đang lưu trong máy điện thoại của ông. Cậu thanh niên Luận ngày ra trận khi đó và tiến sĩ, doanh nhân Nguyễn Tiến Luận ngày nay có khá nhiều điểm tương đồng. Hình như trong con người nghị lực và ý chí, chứa bao tri thức và lòng quyết tâm hôm nay có sự rèn luyện rất tuyệt vời của 8 năm quân ngũ khi xưa. Và rằng sự tôi luyện rất quan trọng để ông trưởng thành.
Khuôn mặt và ánh mắt, giọng nói và cử chỉ của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận luôn toát lên một con người rất có tâm. Bạn Phương Thảo - Phó Giám đốc Thái Hà Books đi cùng tôi thì nói rằng hình như tất cả những người thành đạt xuất thân từ người lính đều có cái gì đó rất chất phác, rất thật thà, rất dũng mãnh. Em Thu Huyền - phụ trách hợp tác xuất bản thì cho rằng, chỉ những người có tâm Phật mới dám bỏ ngang công việc kinh doanh đang kiếm bộn tiền để mở trường đại học. Tôi thì mê những câu chuyện về đồng đội của vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Nguyễn Trãi Nguyễn Tiến Luận. Những câu chuyện rất đỗi đời thường, rất tình người, rất tuyệt vời trong suốt mấy chục năm qua chắc cũng đủ để tôi viết nên cuốn sách 300 trang!
Tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện ông kể về những người đồng đội của mình sau ngày đất nước thống nhất. Có 3 người lính bạn ông cùng đến viếng mộ của một đồng đội. Người thứ nhất muốn khóc bạn mà mắt đã mù. Người thứ 2 muốn chắp tay vái bạn, thậm chí chỉ muốn sờ vào tấm bia mộ mà tay không còn. Người thứ 3 muốn quỳ xuống trước nấm mồ mà không thể vì chân anh không còn nữa. Ông may mắn hơn cả 4 người kia. Chính vì tấm lòng đối với các đồng đội, chính vì muốn trả ơn những người đã không còn nữa nên ông quyết định chọn lĩnh vực cống hiến là giáo dục. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận nói rằng, làm nên tương lai là khó nhất, nhiều chông gai và thách thức nhất. Chính giáo dục mới cần đến trí tuệ và quyết tâm, đến trí óc và trái tim, đến đam mê và khí phách.
Tôi thích cách dạy học rất có tâm của ông. Ông bảo, nếu các trò không chào mình thì mình chào trước. Nếu các em không nghe thấy ông chào to hơn. Rồi ông tâm sự với sinh viên. Và ông hỏi xem các em có muốn được chào không. Để các em hiểu rằng chào nhau là tốt, rằng yêu thương là tuyệt vời. Ông cho rằng có những thầy cô giáo cứ nghĩ mình là bậc trên nên chỉ chờ các trò chào. Nếu trò không chào là mình khó chịu. Như vậy vẫn là bản ngã, rằng chữ “tôi” còn vẫn rất lớn. Rằng nếu ta biết cho đi ắt sẽ nhận được, cho càng nhiều nhận càng lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận đi nhiều nước, học ở nhiều nơi. Ông đã biết kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ông đã lập nghiệp ở châu Âu, kiếm tiền từ trời Tây và có ít nhất 8 năm sống ở nước giàu có nhất châu Âu - Đức. Ông cho rằng đầu tư cho giáo dục là lãi nhất, bởi ta đầu tư cho tương lai của đất nước và của chính mình. Ông từ chối sống ở trời Tây, quyết về Việt Nam phụng sự dân tộc, để trả nợ cho đời.
Tôi thích nhất khi chúng tôi bàn về hai chữ đạo đức. Ông nói rằng cần phải có đạo trước rồi mới có đức sau. Rằng nếu chúng ta là người có đạo, ắt sẽ có đức. Ông cho rằng đạo Phật rất ngấm vào người ông và ông luôn làm theo những lời Phật dạy. Ông mở máy điện thoại di động cho chúng tôi xem 14 lời răn của Đức Phật và phân tích về 14 lời dạy này dưới góc nhìn của một doanh nhân và một nhà khoa học.
Ông biết tôi tu tập theo đạo Phật nhiều năm, hay nói chuyện và truyền lửa cho thế hệ trẻ nên mời tôi đến giao lưu với sinh viên. Ông cho rằng các em cần được phân tích đúng sai, cần được hướng dẫn cách sống, cách lựa chọn cuộc đời trước khi học kiến thức. Không thể không góp tay, góp trí cùng vị binh nhì doanh nhân tâm huyết này!
Tôi chợt nhận ra mình đang ngồi ở tòa nhà 12 tầng tại 226 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Chính doanh nhân tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận đã bỏ tiền ra mua miếng đất này rồi xây nên tòa nhà. Tôi chợt nghĩ, nếu không cần làm gì, chỉ cần cho thuê nhà thôi, chắc ông cũng thừa tiền để du lịch quanh năm, đi khắp thế giới! Nhưng ông lại dành thời gian, tâm huyết cho giáo dục, cho sinh viên đất Việt.
Khi gõ những dòng chữ này tôi nghĩ, tiến sĩ doanh nhân Nguyễn Tiến Luận đang muốn tạo ra các giá trị sống cho thế hệ trẻ. Ông và các cộng sự đang muốn phát triển khả năng tư duy của các trò, đang muốn thế hệ tương lai của đất nước phát triển hết khả năng của bản thân mình, trở thành những người có tâm và có trí, có đạo và có đức. Và chỉ những người có tấm lòng cống hiến, có tính thiện cao mới mang lại nhiều lợi ích cho chính bản thân mình và xã hội.
Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của vị doanh nhân 8 năm khoác áo lính Nguyễn Tiến Luận “Khát vọng lớn nhất của mình là sống để trả nợ, tri ân đồng đội. Phần thưởng lớn nhất dành cho mình là những sinh viên thành đạt. Mong muốn lớn nhất của mình là giúp sinh viên thành công hơn thầy. Mình mong Hùng chung tay giúp mình”. Tôi cảm nhận rất rõ sự chân thật trong mỗi lời nói. Tôi biết rất rõ tâm huyết và tấm lòng của anh. Tôi không biết làm gì hơn ngoài việc siết chặt tay và nói một từ “nhất trí”.
Tôi nhắm mắt lại và thấy trước mắt mình doanh nhân thành đạt, tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận trong bộ quân phục và quân hàm binh nhì./.