Đứng vững trên hai chân

GNO - Đó là một lời khuyên, cũng là một bài pháp lành, một châm ngôn sống dành cho những ai không muốn đi bằng hai đầu gối, không ưa dựa dẫm nơi một ai đó, một đối tượng nào đó.
wpg3.jpg
Những bước chân đi vào tịnh độ. 
Đi vững chãi và bằng an đã làm một bài pháp lành rồi - Ảnh minh họa

Ngày còn bé, mẹ tôi tập cho tôi đi. Có lẽ, ai cũng phải tập đi như vậy để có thể đi vững chãi trên hai chân. Từ lúc biết bò đến lúc biết đi là cả một quá trình, ở đó có ước muốn được sải những bước thật nhanh, thật lẹ của đứa trẻ. Tôi từng quan sát quá trình tập đi của những đứa trẻ nên hiểu rõ cảm giác háo hức khi tập đi của các em. Đôi chân cứ bước líu ríu, liêu xiêu và miệng cười toe toét khi hướng về người đang ngồi chờ nâng đỡ phía trước. Hình ảnh ấy thật dễ thương.

Để đi được, đứa trẻ phải té năm bảy lần (thậm chí nhiều lần) trầy da, sưng trán, nhưng rồi khi đi được thì sẽ rất cứng cáp, sẽ bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời của trẻ.

Để đi được phải tập. Tập đứng vững trên hai chân. Nếu không đứng vững được trên hai chân thì chẳng thể nào đi được nên những đứa trẻ theo lẽ phát triển tự nhiên đã tập đứng chựng (bước đệm của tập đi). Và để đi được, như đã nói, phải trải qua một thời kỳ tập luyện kỳ công, phải chịu nhiều lần té đau. Nếu té đau mà sợ, mà không tiếp tục đi nữa thì đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ đi được.

Đôi chân quan trọng lắm. Đôi chân giúp mình đứng vững và đi những bước đi vững chãi. Đôi chân là công cụ di chuyển, những bàn chân giẫm lên địa cầu này là lưu dấu cả hình hài và ý chí một con người. Một người thích đi để rồi mỗi một bước chân đi qua những vùng đất là một sự chiêm nghiệm về cuộc sống thì sự thiên di của người ấy đúng như ông bà mình rút ra: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

Có những người đi là để thỏa mãn những cảm xúc cá nhân bởi không có khả năng ngồi im nên cứ đi, đi là một biểu hiện của tâm thức không tĩnh lặng chứ không phải là ý thức cần trải nghiệm, học hỏi. Vì thế, càng đi người ta sẽ càng quỵ ngã, ngược lại với tâm thế của người đi là để rèn tâm, luyện trí, là để lắng nghe những nỗi khổ đau lẫn hạnh phúc nơi cuộc sống quanh mình mà học và hành. Học và hành là sự kết hợp hoàn hảo, nếu quá trình đó thực hiện được từ những bước chân đi một cách vững chãi nơi thực địa này thì mỗi cuộc đi, mỗi lần bước đi là một lần người đi trở nên to lớn hơn về mặt tri thức và tâm hồn.

Có những slogan trở thành quen thuộc và được dùng nhiều cho những tâm hồn cao thượng như: đi để chia sẻ, hoặc đi để nuôi lớn yêu thương… Khi đó, giá trị của những bước đi, những bàn chân tiếp xúc với những vùng đất, với đất mẹ thân thương này trở nên có giá trị vô ngần. May mắn là tôi đã gặp những đôi chân đi và có ý thức nuôi lớn tình thương, chia sẻ với những thân phận như thế nên thấy yêu cuộc sống này quá đỗi, vì không phải mọi bước đi, mọi chuyến đi đều là vô nghĩa, là ích kỷ… 

Có những bước chân đi vào tịnh độ, hay đi vào tỉnh thức. Đó là những bước chân thiền hành hoặc kinh hành. Những bước chân có ý thức với câu “niệm”: đã về, đã tới. Và khi sự ý thức có mặt ngay hiện tại, nương vào hơi thở và từng bước chân của hành giả đã thuần thục thì đi là một cách thực tập chánh niệm, thực tập thiền để có định và tuệ. Nếu mình đi và mình thấy an lạc, thảnh thơi bởi ý thức được hơi thở và bước chân có nghĩa là mình đang đi vào miền tĩnh giác, miền tịnh độ. 

Hãy tập đi như thế, bởi đó là những bước đi có ý thức, nuôi lớn năng lượng định và khai mở trí tuệ. Khi ấy, đôi chân mình sẽ thực sự vững chãi, và mình sẽ không phải dựa dẫm vào bất kỳ điều gì và bất kỳ ai.

Khi đó, mình sẽ biết chế tác năng lượng từ mỗi bước đi. Năng lượng tĩnh thức, năng lượng bình an. Bởi chính những bước chân chứa đựng chất liệu tự tại đó đã dắt người ta đến với đạo, hiểu về Phật và giáo lý của Ngài để ứng dụng, hành trì. Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, Ngài và Tăng đoàn cũng đi như thế, đi trên thực địa này với tâm tĩnh lặng. Ánh sáng của giáo lý bi-trí đã được lan truyền từ chính những dấu chân an lạc, vững chãi của Phật và chư vị Thánh đệ tử…

Tiếp nối những bước chân ấy, đệ tử Phật đã học đi rất vững chãi, và pháp mầu đã tuyên lưu từ người khất sĩ con Phật.

Và thời đi có chánh niệm ấy cần lắm, phải thực tập và hãy gọi đó là phương pháp “luyện đi” để đôi chân vững chãi. Đừng ngại có lúc đã đi không đúng, đã té đau… Chỉ cần mình có một ý niệm đi tới, đích tới là sự giải thoát, giác ngộ thì tự khắc bước đi sẽ trở nên thảnh thơi, có chất liệu!

L.Đ.L.

LTS: Bạn đọc viết bài cho chuyên mục, vui lòng gửi về bandocgiacngo@gmail.com. Bài không quá 800 chữ, là những suy tư trước cuộc sống, thời sự đang diễn ra quanh mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày