GN - Chúng tôi xin phép được trở lại vấn đề giáo dục mầm non, vì xem ra, phía Phật giáo chúng ta chưa có tiến bộ gì đáng kể trong thời gian qua.
Trong khi đó, chỉ sau vài năm, đã có thể nhận thấy những bước tiến quan trọng trong giáo dục mầm non ở tôn giáo khác.
Ở những ngày thường trong năm, đi ngang các trường mầm non trên đường phố TP.HCM, chúng ta thấy dường như trường nào cũng như trường nào, không thấy rõ màu sắc tôn giáo. Các tu sĩ làm công việc quản lý giáo dục mầm non cũng như các tu sĩ là cô giáo ở bậc học này có thể mặc quần áo như những cô giáo bình thường. Hình thức trường lớp nhìn từ bên ngoài không có vẻ gì là trường tôn giáo, nên rất khó phân biệt.
Nhưng đến mỗi mùa Noel, thì chúng ta thấy rõ được sự phân biệt này, cũng như sự phát triển các trường mầm non do một tôn giáo quản lý.
Sự phân biệt đó thể hiện bằng băng rôn “Mừng Chúa Giáng sinh” và các hình thức trang trí khác chào mừng ngày lễ Thiên Chúa giáo, như hang đá, máng cỏ, đèn sao, cây thông.
Năm nay, không thấy có việc tăng đột biến những trường mầm non có hình thức như thế nhưng vẫn cảm thấy ở những trường như thế một sự phát triển với tốc độ ổn định. Có một số trường mới, cách xa cơ sở tôn giáo, không hiểu là cơ sở mới tạo mãi xây dựng hay cơ sở thuê. Tuy vậy, dù gì, thì qua mùa Noel vừa rồi, cảm nhận về sự gia tăng số trường mầm non qua hình thức quan sát trực tiếp như vừa trình bày ở trên là khá rõ.
Người ta có thể cảm nhận bằng thính giác sự gia tăng đó khi dừng lại bên ngoài vào giờ học những trường mầm non như thế. Khách qua đường có thể nghe tiếng hát các bài thánh ca từ các cháu vang ra ngoài đường phố, điều có lẽ là ít hơn hay không có nếu không vào thời điểm Noel.
Nếu các bạn có con em được gửi học ở những trường mầm non đó, nếu để ý, dường như vào dịp Noel, các bạn có thể thấy gương mặt những cô giáo mới, tuy vẫn không rõ là nữ tu hay không.
Qua Tết Tây, hình thức những ngôi trường mầm non như thế trở lại bình thường như bao ngôi trường khác, khỏa lấp đi màu sắc tôn giáo, điều mà dường như người ta không muốn thấy vào ngày thường, cả về nhiều phía, như một sự tế nhị.
Vì vậy, đến lúc này, thì lại dường như không có trường mầm non tôn giáo “bà xơ”, cũng như không còn thấy có sự gia tăng nào cả.
Giáo dục mầm non ở Nhật Bản
Ghi nhận sự việc như trên để một lần nữa đặt lại vấn đề, chúng tôi trước hết muốn lưu ý là, Phật giáo chúng ta đã chậm lại càng chậm trên lãnh vực này.
Cùng vào thời điểm cuối năm dương lịch cũng là thời điểm phổ biến chương trình hoạt động năm sau của Giáo hội. Đọc chương trình hoạt động Phật sự năm 2012 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta cũng vẫn không thấy nói đến vấn đề xúc tiến giáo dục mầm non Phật giáo. Chỉ thấy việc chuẩn bị dự án thành lập trường sư phạm Phật giáo tại Hà Nội, đã được nói đến từ mấy năm trước, nay vẫn được nhắc lại ở mức ban đầu: chuẩn bị dự án.
Trong khi đó, như đã nói, hệ thống trường mầm non tôn giáo khác vẫn phát triển kín đáo, âm thầm trong ngày thường và bộc lộ rõ sự phát triển trong mùa Noel.
Thực ra, sự phát triển như thế của trường mầm non tôn giáo khác không đến nỗi quá kín đáo. Nếu theo dõi sách, báo, các trang web của tôn giáo phương Tây chú trọng nhiều đến hoạt động giáo dục đó, thì chúng ta sẽ thấy sự quan tâm của họ đối với giáo dục mầm non ngày càng lớn qua các bài nghiên cứu, các bài thông tin có tính chất định hướng hoạt động. Người ta không giới hạn giáo dục mầm non nữa, mà gọi là giáo dục trẻ từ 0 – 6 tuổi. Có nghĩa là trẻ sơ sinh đã nằm trong tầm ngắm của giáo dục tôn giáo.
Còn ở đạo Phật ta, thì nhiều người vẫn giữ quan niệm thể hiện qua câu tục ngữ “Trẻ vui nhà, già vui chùa”.
Vì vậy, nên những hiện tượng như con trẻ của gia đình Phật giáo gọi Bồ tát Quan thế Âm là Đức Mẹ, vào chánh điện chùa thì quỳ xuống… làm dấu thánh giá, gọi Lễ Phật đản là “Noel… Phật”… không phải là chuyện cá biệt.
Thời gian không chờ chúng ta, các thế hệ tạo khoảng cách ngày càng xa dần. Phật giáo, về cơ bản, vẫn chưa xuất phát đúng nghĩa trong khi giáo dục mầm non, mà ở tôn giáo khác, có lẽ bước đầu đã phát triển ổn định, mà bây giờ người ta đã gọi là giáo dục trẻ em từ 0 - 6 tuổi.
Chúng tôi mong bạn đọc cùng tạo ra sự thúc đẩy cần thiết việc này bằng những ý kiến, những câu chuyện liên hệ đến vấn đề đối với con em chúng ta mà chúng ta có thể dễ dàng ghi nhận.