Gieo mầm Phật pháp vào lớp học tình thương

GN - Cô Lê Ngọc Xương, giáo viên về hưu ở thị trấn Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp tâm sự: “Đa số các em học lớp tình thương là con em gia đình lao động nghèo, dân trí thấp, quan hệ phức tạp và nguy cơ tệ nạn xã hội cao. Không kèm cặp, nhắc nhở là các em ngỗ nghịch và giỡn hớt ồn náo trong chùa. Lớp giáo lý chỉ “tề” các em được chút đỉnh, coi như bước đầu phải dụ dẫn bằng tình thương và quà cáp”…

Từ duyên lành “cứu dốt”

Lớp học tình thương dành cho trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường ở đây do TT.Thích Trí Định, trụ trì Hương Hải thiền viện (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đỡ đầu và hai cô giáo về hưu tại địa phương nhiệt tình đảm nhiệm. Trừ những em có khả năng đọc, viết, rành rẽ bốn phép tính đơn giản và có điều kiện được vận động ra lớp phổ thông hàng năm, đến nay lớp còn gần 30 em theo học.

ANh TT (2).jpg

Lớp giáo lý và lớp học tình thương chùa Thiên Phước - Ảnh: CTV

Năm 2011, do yêu cầu giải tỏa, mở đường nâng cấp đô thị của chính quyền địa phương, lớp dời về khuôn viên chùa Thiên Phước thuộc xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò. Nơi này, trước đây là cơ sở văn phòng Ban Đại diện Phật giáo huyện, trẻ em đến học có điều kiện qua chùa lễ Phật và chứng kiến nhiều hoạt động hoằng pháp, từ thiện độ sinh của quý chư tôn đức.

Và, chương trình dạy đạo lý cho các em là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch hoạt động nhân đạo của chùa. Nhưng hướng dẫn đối tượng “đặc biệt” này là vấn đề không đơn giản, cần có sự hợp tác của cộng đồng, nhất là các tổ chức thiện nguyện của đời và đạo. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình về vật chất và nội dung giảng dạy của cô Hoa Hương (TP.HCM), lớp giáo lý cho trẻ em lớp học tình thương chùa Thiên Phước được khởi động. Lớp dạy vào Chủ nhật hàng tuần. Mỗi tháng nhóm cô Hoa Hương về một lần, còn lại thầy trụ trì và cô giáo đảm nhận đứng lớp.

ĐĐ.Thích Lệ Nhật, trụ trì chùa Thiên Phước cho biết: “Lớp học ngoài việc trang bị kiến thức còn giúp các em từng bước làm quen giáo lý Phật-đà, nề nếp chùa chiền, kỹ năng sống, ngoan ngoãn, lễ phép với mọi người, các hoạt động vui chơi… Nhờ vậy, các em được nâng cao thể chất và tinh thần để hăng say học tập, tạo nề nếp tốt hơn khi về với gia đình, biết chia sẻ và giúp đỡ cha mẹ”.

Những hạt giống đầu tiên  …

Nhiều em đến lớp học khi gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Em Lê Thị Mỹ Tiên, học sinh lớp 6 Trường THCS Hội An 2, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (giáp ranh Đồng Tháp) có gia đình thuộc thành phần lao động phổ thông, mưu sinh vất vả. Cha mẹ mua ve chai lông vịt, anh trai em bỏ học sớm suốt ngày lang thang đi đá gà.

Trước đây, Tiên cũng từng cùng anh lắc bầu cua cá cọp ăn tiền bị công an răn đe như cơm bữa. Từ khi học lớp giáo lý ở chùa, em bỏ hẳn thói cờ bạc, bớt đi chơi rong. Em nói: “Hè này con ở nhà phụ mẹ. Thầy và mấy cô dạy con ngũ giới, con  ăn chay ngày rằm để tập lòng từ bi thương xót chúng sanh, tập kính trên nhường dưới. Em trai con quậy phá cũng được thầy kêu vào chùa quy y, cho ăn cơm, dạy đọc kinh, gõ mõ…”

100_2893.JPG

Các em đến lớp học được nhiều điều Phật dạy - Ảnh: CTV

Em Hà Đức Thịnh, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học B Hội An, xã Hội An bị nhiễm HIV từ trong bụng mẹ. Ba mẹ em qua đời cũng vì căn bệnh thế kỷ này. Em sống với bà Tư neo đơn hàng xóm. Mỗi khi vào mùa rẫy, bà Tư đi hái ớt mướn mỗi ngày được 40.000 đồng, để hai bà cháu kiếm cơm. Thỉnh thoảng, bà ngoại của Thịnh ở Hòa Long, huyện Lai Vung gởi ít tiền phụ bà Tư nuôi cháu vì cậu dì của Thịnh ngán ngại không dám chứa thằng cháu bị bệnh “sida”.

Bản thân Thịnh không hề biết mình mang chứng bệnh thế kỷ này. Em vô tư nói: “Hè năm trước con đi cắm trại hè, học nghi thức đội do mấy anh chị thanh niên ở xã tổ chức. Năm nay ở lớp giáo lý của chùa, con học được nhiều điều Phật dạy như bỏ thói hư tật xấu, hiếu thảo giúp bà, quét nhà, rửa chén, tập đi kinh hành và biết các vị đệ tử của Phật như: ngài A Nan, Ca Diếp, năm anh em Kiều Trần Như”.

Còn em Hà Thị Ngọc Trang, 13 tuổi, học lớp 2 Trường Tiểu học “B” Hội An thì cha mẹ đi làm mướn bấp bênh. Ở lớp tình thương trước đây, em cứ ì ạch nhiều đợt ráp vần chưa xong, rồi lại bỏ học. Khi ra lớp phổ thông, ngày nghỉ và ngày hè, em đi bưng cà-phê ở các quán, có khi theo mẹ hái ớt mướn ở Mương Khai, xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, ngày làm được gần 100.000 đồng.

Cũng như nhiều bạn khác, em Trang còn đang trong độ tuổi thơ ngây nhưng phải ra đời sớm, mưu sinh giúp đỡ phần nào cho cha mẹ. Em yêu thích lớp học của mình, mến thầy, yêu bạn. Đại diện các bạn trả lời câu hỏi, các em được lợi ích gì từ khi học lời Phật dạy, em nói: “Con thực hành ngũ giới.

Trong đó, Phật dạy không nói dối, con có lỗi vì trước đây khi các đoàn đến thăm lớp, con không những nói dối mà còn xúi các bạn nói mình học lớp 5 đừng nói lớp 1, lớp 2 vì lớn tuổi mà học lớp nhỏ mắc cỡ lắm. Ở đây, ít bạn học lắm, khi có lãnh quà nó mới đến nhiều. Con chỉ thích học nhưng vì phải lo làm giúp mẹ...” 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày