Giữ niềm tin giữa cơn bão dư luận

GN - Với người có chánh tín - nền tảng nhận thức được xây dựng từ chất liệu của sự hiểu biết về lý thuyết và kinh nghiệm thực hành Phật pháp, họ như tảng đá vững chãi trước gió bão, không gì có thể làm họ xao động.

Tuy nhiên, với người có tình cảm tôn giáo, thường là số đông, chắc chắn khó có được sự vững chãi đó mỗi khi có những cơn bão dư luận ập đến.

IMG_7094-1.jpg


Thông tin trên mạng như mớ bòng bong mà mỗi người cần chánh kiến
để tin-hiểu và giữ vững niềm tin vào Tam bảo - Ảnh minh họa

Như báo Giác Ngộ đã từng phản ánh, qua mục “Tư vấn” hàng tuần, nhiều người gửi thư về, bày tỏ sự hoang mang khi cùng một vấn đề nhưng vị giảng sư này thì giải thích một kiểu, vị giảng sư kia phủ nhận rồi giải thích theo kiểu khác. Họ đã không biết tin và nghe theo ai.

Tình trạng đó đang diễn ra, bùng phát khi mạng xã hội ra đời, bằng nhiều cách, ai cũng có thể tạo nên một kênh thông tin riêng và cũng bằng cách riêng của mình, thu hút số lượng người theo dõi thông tin nhiều hay ít.

Vấn đề vụ việc gần đây nhất liên hệ tới một cơ sở thuộc sự quản lý của Giáo hội là chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh, và vị trụ trì cũng đang ở các chức vụ Phó một ban ngành Trung ương Giáo hội, Phó Thường trực Ban Trị sự Phật giáo một tỉnh.

Nhiều năm trước đây, tôn giáo là vấn đề được xem là nhạy cảm, và thường hiếm khi được đề cập trên các phương tiện báo đài. Nhưng nay, việc đó đã rất khác.

Không chỉ mạng xã hội, mà báo chí chính thống đã khai thác với nhiều khía cạnh, như chuyện chùa Ba Vàng với vụ việc được cho là lợi dụng sự mê tín để thu lợi mà báo Lao Động châm ngòi bằng video phóng sự “Bí ẩn nguồn thu trăm tỷ”, lan nhanh như vũ bão trong xã hội, dường như đi đâu cũng nghe, xem đâu cũng thấy.

Vụ việc được thêm dầu với các phát ngôn của một vài người có ảnh hưởng trong xã hội, về lĩnh vực tôn giáo cũng như truyền thông, kể cả từ chùa Ba Vàng, khiến người khác cảm thấy rõ sự phân hóa, nhiều cách nhìn về cùng một sự việc.

Điều đáng nói, đây không phải là hiện tượng mới, như thông tin từ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã diễn ra từ nhiều năm trước. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh này cho biết cũng đã làm công văn phản ánh gửi Trung ương Giáo hội, Ban Tăng sự, cũng như các cơ quan chức năng tại Quảng Ninh.

Trong một bài viết trên báo Giác Ngộ, về sức mạnh của mạng xã hội dẫn đến khủng hoảng truyền thông phức tạp, không như trước đây thông tin hầu như phụ thuộc vào các trang báo chính thống, mà có con đường khác, lan truyền theo từng giây từng phút thông qua từng kênh cá nhân.

Mỗi cá nhân có quyền đưa ra suy nghĩ, quan điểm, phản biện, tranh luận về tất cả mọi vấn đề. Việc này góp phần đưa các cuộc khủng hoảng đi nhanh hơn, xa hơn và sâu rộng.

Do đó, mọi việc thụ động và hay ứng xử không phù hợp sẽ vô hình trung khiến cho tình hình trở nên rối loạn, điều đáng nói là khiến cho tín đồ hoang mang. Tổn thương lớn, không phải là các cá nhân đó, mà là Phật giáo và Giáo hội.

Giáo hội đã có quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, mong quy chế này được phát huy trong thực tế đúng tinh thần Phật giáo một cách chủ động.

Không chỉ trong vấn đề chùa Ba Vàng, mà với các vấn đề khác liên quan tới Phật giáo, tiếng nói của Giáo hội bao giờ cũng rất cần thiết, để khẳng định về tổ chức tôn giáo đại diện cho Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, theo đó, tránh sự tàn phá của cơn bão dư luận làm chao đảo niềm tin của những người có tín ngưỡng đạo Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày