Góp cơm, khoai cúng chùa

GN - Đời sống của Phật tử, đạo hữu một số nơi ở Quảng Nam vẫn còn gặp rất nhiều vất vả, vừa mưu sinh đời thường vừa một lòng hướng Phật, thực sự khó khăn. Nhưng, chính ở nơi chùa quê ấy, tôi lại nhận thấy sự trong sáng, mộc mạc bởi những tấm lòng chân quê của những Phật tử, đạo hữu ở chùa làng. ..

Đội cơm lên chùa

Nhiều lần đến với chùa Yên Sơn, thuộc thôn Thuận Yên Tây, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành (Quảng Nam), lần nào tôi cũng để ý đến sự chuẩn bị của các Phật tử nơi miền rừng trung du này khi có các ngày lễ, húy kỵ. Một trong những nét đẹp ấy là việc chia ra mỗi nhà nấu cơm mang lên chùa để có phẩm vật cúng dường, trai phạn và tiếp đãi khách. Đây có thể nói là “luật bất thành văn”, một nét đẹp của Phật tử vùng đất Thuận Yên, được các thế hệ người dân truyền nhau giữ gìn qua nhiều năm nay.

TT.jpg

Phật tử chùa Yên Sơn tham dự lễ

- Ảnh: Điếu Trần

Hai thôn Thuận Yên Đông, Thuận Yên Tây ngăn cách nhau bởi dòng sông Mùi (hay sông Thuận Yên) nên từ trước đến nay, người dân đi chùa Yên Sơn từ bên Thuận Yên Đông đều phải lụy đò. Từ những con đò nan tròng trành đưa khách, đến nay đã được thay thế bằng những chiếc ghe máy chạy nhanh trên mặt sông. Dù “ngăn sông cách chợ”, vất vả thế nhưng khi chùa có lễ lạt, hành trang của người Phật tử từ thôn Thuận Yên Đông sang, ngoài chiếc lễ (áo tràng lam), những đồ dùng cần thiết, người Phật tử đến chùa còn đội theo một xô cơm nóng đến chùa làm phẩm vật cúng dường, chuẩn bị trai phạn ở chùa.

Theo ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Hộ tự chùa Yên Sơn, việc chia nhau nấu cơm ở nhà đem đến chùa khi có các ngày lễ đã xuất hiện ở Thuận Yên nói riêng và ở xã Tam Sơn nói chung từ khi đạo Phật mới đến với vùng đất này. Nơi đây vốn là vùng thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào ruộng vườn và núi rừng. Từ những ngày gian khó của đạo pháp thời điểm trước 1975, khi chùa Yên Sơn chưa thành lập, Phật tử bàn với nhau phải cố gắng gìn giữ và phổ biến những lời Phật dạy đến với từng mảnh đời, với mong ước cuộc sống bớt đi những nhọc nhằn. Ngay buổi sơ khai ấy, những ngày lễ húy kỵ vẫn được diễn ra ở làng, tuy không thường xuyên lắm. Và mỗi gia đình chia nhau nấu vài lon gạo rồi mang cơm đem đến, coi như chút lòng nho nhỏ của mình.

Thói quen đẹp ấy được giữ gìn cho đến lúc chùa Yên Sơn được xây dựng (năm 1995) và trải theo những bước thăng trầm của ngôi chùa làng này. Đến nay, từ một ngôi chùa nhỏ không thầy trụ trì, hương khói ở chùa cũng không được quan tâm thường xuyên, thì giờ đây Phật tử đã quy tụ về khá đông, từ khi Sư cô đến trụ trì đã cố gắng xây dựng nếp sống thiện lành, hướng dẫn tu tập cho Phật tử vùng quê này.

Yên Sơn tự được xây dựng đẹp hơn, khang trang hơn dù vẫn dựa lưng vào chân núi và quay mặt ra lòng hồ Phú Ninh, nơi con sông Thuận Yên êm đềm chảy qua. Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu buồn vui đã đến, đã đi… nhưng những bát cơm cúng Phật nặng nghĩa tình xóm làng của Phật tử thì vẫn cứ luôn duy trì.

Hôm ở nhờ nhà một Phật tử chùa Yên Sơn để sáng hôm sau lên chùa dự lễ, tận mắt xem chị nấu cơm và đơm cơm ra để đội lên chùa, tôi hết sức cảm phục tấm lòng của của chị và những người dân nơi đây. Chị nói: “Giờ đã có nồi cơm điện nên sáng tranh thủ trước khi ra đồng, mình dậy nấu cơm để trưa đem lên chùa vẫn được”.

Ngay từ tối hôm trước, bà con đã gọi điện nhắc nhau, thậm chí là đến tận nhà để nhắc nhau nấu cơm mang lên chùa. Ở nhà bếp của chùa, cơm của mọi người được cho vào một chiếc nồi to. Cơm này dùng để dâng lên cúng hoặc dọn những bữa cơm ở chùa phục vụ cho những Phật tử đến dự lễ...

Đến những lon gạo, củ khoai...

Trong câu chuyện với thầy Thích Nhuận Hiền, trụ trì chùa Long Hưng (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), điều thầy lấy làm xúc động nhất là tấm lòng chân chất của bà con Phật tử nơi đây. Nếu Tam Sơn là một xã miền núi thì Bình Đào là một xã miền biển cát trắng, đời sống người dân cũng còn rất nhiều gieo neo. Hàng năm, người dân lại phải đối mặt với bão lụt hoành hành đem theo nhiều rủi ro, nguy hiểm nhưng tấm lòng của những người Phật tử vùng cát bỏng này vẫn luôn tràn đầy.

Những lần đến thăm chùa, Phật tử thường mang cho thầy lúc thì vài củ khoai, lúc thì mấy lon gạo để dành ăn qua ngày. Người có tiền thì góp nhau lại mua biếu thầy thùng mì chay để ăn sáng. Biết bao lần, thầy đã rưng rưng khi cầm trên tay những “sản vật nhà quê” ấy. Không cao sang, không rườm rà nghi thức nhưng chính những điều dung dị, mộc mạc ấy đã là một nét đẹp ở tấm lòng người dân nơi đây...

 Những lúc chùa Long Hưng có lễ lạt, Phật tử ngoài việc đem gạo, khoai, dưa cà sang chùa, họ còn cũng cố gắng sắp xếp việc nhà đến chùa dọn dẹp, nấu nướng giúp thầy trụ trì. Những lúc ấy, các bà, các chị Phật tử đến chùa từ rất sớm, tình nguyện góp công sức nhỏ bé của mình cho buổi lễ ở chùa diễn ra được trang nghiêm. Chính vì vậy, đến đây vào những ngày lễ, tôi nhận được sự ân cần ấm áp, thân thiện và năng lượng bình an từ chính những người Phật tử vốn quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Từ những nồi cơm, lon gạo, củ khoai cúng chùa của những gia đình quê nghèo đã tạo nên nét đẹp bình dị nhất, chân thật nhất. Đó là sự kết nối từ tinh thần đến vật chất của những tấm lòng mộ đạo, với sự thanh tịnh và trong sáng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày