Nỗi buồn của ông có nhiều lý do: tin tức tiêu cực tràn lan, các vụ việc dẫn đến án mạng, đánh nhau ngày càng nhiều vì những nguyên nhân hết sức lặt vặt, không phải là những mâu thuẫn nặng nề, coi nặng kinh tế hơn văn hóa… Ông buồn vì xã hội hiện tại dường như bất lực với dòng cuốn của thị trường, của tiêu thụ và kích thích nhu cầu tiêu thụ cực đoan; vì những hoạt động văn hóa và trí thức thực sự do người dân tự ý thức xây dựng trở nên vắng; mối liên lạc với truyền thống bị mai một; mối liên thông giữa con người với tổ tiên - lịch sử lại nặng về hình thức mà thiếu sự thành thật, thiêng liêng…
Nỗi buồn của ông có thể nói là tiêu biểu cho một thế hệ được trưởng thành trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, sau ngày đất nước thống nhất, đã ước mơ thật nhiều về một tương lai thanh bình, giàu mạnh về cả kinh tế lẫn văn hóa.
Nội dung những thông tin trên các báo chí khiến ông buồn, vì theo ông, thang giá trị cuộc sống của con người Việt Nam hôm nay có thăng tiến về vật chất, nhưng lại không song hành với sự thăng tiến về phẩm giá văn hóa, thể hiện qua thái độ và hành vi ứng xử của con người với nhau, của con người với các giá trị liêng thiêng có vai trò giữ sự thăng bằng cho đời sống con người và xã hội để dù có chông chênh trên con đường phát triển gập ghềnh nhưng không bị quỵ ngã.
Bởi sự phát triển của một đất nước, một cộng đồng không chỉ được đo bằng mức thu nhập, tiện nghi vật chất mà còn lệ thuộc vào sự thụ hưởng văn hóa, đời sống tinh thần. Ngày nay, sự phát triển ấy không chỉ được tính bằng chỉ số GDP - tổng sản phẩm quốc nội mà còn bằng chỉ số GNH – tổng hạnh phúc quốc gia. Bởi suy cho cùng, mục tiêu cuối cùng của cuộc sống là hạnh phúc, sự an lạc.
Đất nước chúng ta hiện nay được xếp vào các nước đang phát triển, sự khó khăn vẫn còn rất nhiều. Trách nhiệm của nhà nước là chăm lo và cân đối chính sách để điều chỉnh sao cho đời sống người dân đủ ăn, có nhà ở, hưởng các quyền công dân phù hợp với luật pháp và văn hóa dân tộc. Tôn giáo nói chung, trong đó có Phật giáo - một tôn giáo gắn bó với các chặng đường lịch sử thăng trầm của dân tộc hơn hai ngàn năm, hơn bao giờ hết, phải có trách nhiệm góp phần chăm lo đời sống tinh thần - tâm linh của người dân có tín ngưỡng, cùng góp phần thiết lập các giá trị làm nền tảng cho việc định hướng, xây dựng lối sống cho thời đại. Giáo hội - tổ chức đại diện cho Phật giáo Việt Nam, hơn bao giờ hết, cần phải ý thức trọng trách của mình, để Phật giáo xứng đáng với vai trò như đã từng có trong 20 thế kỷ hiện diện trên xứ sở này. l