Gửi sư anh đáng kính và dễ thương

GN - Mấy hôm trước sư em có nhận được thư từ sư anh, thật bất ngờ vì rất lâu rồi sư em không viết thư thăm hỏi sư anh.

Sáng nay khi em đi dạo quanh góc sân ngập tràn lá sa-la úa vàng, sư em chợt nhớ về nơi mà chúng ta cùng lớn lên, ở nơi ấy sư anh từng là người mà sư em ngưỡng mộ nhất, một huynh trưởng Gia đình Phật tử đầy năng động. Dường như sự tươi mát của sư anh luôn biểu hiện trên khuôn mặt tươi cười rạng rỡ và những trò chơi không bao giờ có hồi kết. Hồi đó sư em đã có ước mơ, rằng sau này mình cũng sẽ có thể cống hiến cho đời, cho đạo như anh vậy.

Anh trang PGTT GN 777.jpg


Người tu theo Phật, ai cũng có một ước mơ phụng sự - Tranh minh họa

Rồi sư anh quyết định rẽ sang một lối khác cao rộng hơn con đường mà anh đang đi. Sư anh trở thành người con dòng họ Thích, và anh đi thật xa, tận miền Nam nước Pháp... Sư anh đến Làng Mai và an trú ở đó, để lại trong trái tim đứa trẻ 8 tuổi một mơ ước mới, rồi em cũng sẽ đi theo con đường thanh lương như sư anh đã chọn. Có lẽ lúc đó, trong trái tim thơ đã cảm thấy hẫng một nhịp khi “mất đi” một người anh lớn, một người bạn thân của “bà cụ non”.

Trước ngày sư anh trở lại nơi mình chọn “hiến thân” sau khi về thăm nhà lần đầu tiên, kể từ khi cất bước ra đi “phương trời cao rộng” anh đã gọi cô bé “nấm lùn” 18 tuổi là em ra để trò chuyện, lúc đó sư em vui lắm. Sư anh đã kể em nghe về những ngày đầu ở Làng; kể về những cánh đồng hoa oải hương, hoa mặt trời dài tít tắp, kể về những con người đầy dễ thương đến từ nhiều quốc gia khác nhau đang cùng chung sống dưới mái nhà chung. Lần nói chuyện đó đã đưa sư em đi đến một quyết định, dũng cảm bước đến con đường em hằng mơ.

Em nhớ, lúc đó sư anh nói, anh có ước mơ lập một trường học, một trường học như trường Bồ Đề xưa kia ở Việt Nam tại phương trời Tây. Sư anh tha thiết: Ở nơi đó cha mẹ các em đang chật vật để tìm một môi trường lành mạnh để học hỏi, anh muốn mình có thể mở ra một trường học và nếu được là một hệ thống trường học như trường Bồ Đề xưa kia của Việt Nam, sư anh muốn ở đó trẻ em được học cả thế học lẫn những giáo lý ứng dụng của Phật giáo.

Khi đó em chỉ làm một việc duy nhất là lắng nghe sư anh nói. Sư anh cũng không hỏi em về ước mơ của mình ngay lúc đó nhưng khi về đến chùa Pháp Vân - Xóm Thượng, anh vội vàng gửi thư xin lỗi em. Sau này trong những lá thư, anh vẫn luôn hỏi: “Ước mơ của sư em là gì?”, nhưng em vẫn ngoan cố không trả lời. Còn hôm nay sư em sẽ nói với sư anh về ước mơ của mình, vì lúc này em cảm nhận, chia sẻ là niềm hạnh phúc!

Em không biết là có thể biến ước mơ ấy trở thành hiện thực hay không, nhưng dù sao đó cũng là ước mơ từ tận đáy lòng. Sư em cũng tâm huyết với ngành giáo dục như anh, ước mơ của em là muốn đem Tâm lý học Phật giáo ứng dụng vào học đường. Sư anh biết không? Ở Việt Nam, giáo dục chỉ mang tính chất hàn lâm mà ít khi áp dụng vào thực tế. Những gì trẻ em Việt Nam học được trên ghế nhà trường khác xa những gì các em gặp phải ngoài xã hội. Việc sư em muốn làm ở đây là giải quyết vấn đề tâm lý cho các em, điều mà dường như đại đa số giáo viên đã lãng quên. Các em ở những độ tuổi khác nhau sẽ có những biểu hiện tâm lý khác nhau, từ đó cũng có những biểu hiện khổ đau khác nhau. Em muốn mình có thể đem lại sự tươi mát, ổn định tâm lý cho các em.

Hàng năm, không ít trẻ em tự tử vì bế tắc trong lối nhìn nhận cuộc sống, số trẻ em trầm cảm và tự kỷ ngày càng tăng nhanh. Những trẻ em ngỗ nghịch, bỏ nhà lang thang, gây nên những tệ nạn xã hội càng có chiều hướng gia tăng. Đó là điều đáng lo ngại cho cả một thế hệ tương lai. Sự đi lên về vật chất lại tỷ lệ nghịch với sự hạnh phúc trong tinh thần, các em không được cha mẹ quan tâm đúng mức, không được giáo viên kề cận và giải tỏa tâm lý khi cần. Sư em cảm nhận được sự thiếu vắng, trống trải về tâm hồn trong đôi mắt các em. Sư em muốn mình có thể làm một chút gì đó, để góp phần thay đổi thực trạng này.

Em có một cô bạn thân từ thời phổ thông hiện giờ đang là giáo viên của một trường phổ thông ở Sài Gòn, sư em có nói về vấn đề trên với cô bạn ấy. Mặc dù là một người “ngoại đạo”, nhưng bạn ấy vẫn thừa nhận rằng: Phật giáo ứng dụng sẽ là một điều diệu kỳ cho những trẻ em ở học đường, không chỉ là một môn học tâm lý cho học sinh mà đó còn có thể là trị liệu, chăm sóc nỗi khổ niềm đau cho các em một cách hữu hiệu. Cô bạn ấy cũng có những ước muốn như em - ươm những mầm xanh thật khỏe mạnh về tâm thức, để có thể có những rừng cây tươi tốt, có ích cho đời.

Sư anh sẽ không cười cợt ước mơ của em, sẽ không nói câu: “Ước mơ chi mà xa xôi quá sư em hè!” đâu nhỉ? Mà em nghĩ đó không phải chỉ là mơ ước của riêng sư em, của cô bạn thân, mà là của rất nhiều người khác nữa - những người có tình thương đong đầy với thế hệ trẻ.

Chắc sư anh sẽ nghĩ ước mơ của sư em có khác gì ước mơ của sư anh đâu. Thì đúng là vậy, chỉ khác là sư anh muốn mở trường học, còn sư em thì lại muốn có một chương trình giải quyết vấn đề tâm lý cho các em như ở các nước phương Tây, như công việc sư anh sẽ đảm nhận vào tháng 3 năm tới đó. Có lẽ bản tính đại trượng phu trong sư anh cho phép mình mơ ước cao và xa hơn sư em.

Hẳn nhiên ai cũng từng có những mơ ước. Có những ước mơ trở thành sự thật khi ta biết bắt tay vào thực hiện nó một cách quyết tâm và hùng tráng. Và cũng có những ước mơ chẳng bao giờ trở thành hiện thực nếu ta không hiện thực hóa ước mơ ấy. Cũng có những ước mơ chết từ trong bào thai, bởi lẽ những ước mơ ấy quá xa vời và không thật. Nhưng, còn trẻ nghĩa là còn có quyền ước mơ và có quyền biến ước mơ ấy thành sự thật, thậm chí có đôi khi ước mơ ấy quá xa rời thực tế, phải không sư anh? Người biết mơ ước và biết biến ước mơ thành hiện thực là người ấy đang SỐNG, sống cho mình, tôn trọng chính mình; điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôn trọng người mình thương và người thương mình.

Khi sư em ngồi gõ những dòng chữ này, thì cũng là lúc những sư em nhỏ của sư em đang ríu rít nói về ước muốn sau này của mình. Đương nhiên, ở đây không có “Trăng” hay “Trời” như bên sư anh, nhưng sư em cũng thầm đặt những cái tên có chữ Trăng như vậy. Sư em muốn các em của mình sau này phải giỏi, giỏi cả tu và cả học, chứ không vụng về, hậu đậu như sư chị. Sư em muốn các em luôn tươi mát như dòng suối miền thượng quê mình, em càng mong các em có tâm Bồ-đề thật vững chãi như “cội tùng” mà sư anh từng đọc cho em nghe. Sư em mong các em có thể tiếp nhận “dòng sữa pháp” một cách trọn vẹn nhất, để sau này các em có thể hiện thực hóa ước mơ của mình, chứ không để đó chỉ mãi là mơ ước.

Lá sa-la thôi rụng khi những chiếc lá già úa tàn cuối cùng đã rơi vào đêm qua. Giờ chỉ còn lại những chồi non đang tranh nhau vươn mình đón nắng mới. Có một sự kế tục ở nơi đây, ngay tại chốn này sư anh à!

Sư em luôn mong sư anh tiếp tục “mạo hiểm” trên hành trình của mình, không bao giờ ngừng khám phá và tìm hiểu về con người bên trong, nắm bắt mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Mong sư anh luôn an yên như vậy nhé!
Thích nữ Thánh Tân

______________________

* Bài vở cộng tác trang Phật giáo - Tuổi trẻ, bạn đọc hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày