GNO - Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người được ghi vào hiến pháp của nhiều nước, được nhiều nước hướng tới, được cả nhân loại suy nghĩ. Đó là bởi vì ai cũng mong mình được hạnh phúc!
Nhưng, giữa mong muốn chính đáng cùng quyền cơ bản đó với thực tế luôn có một khoảng cách, đôi khi xa vời vợi. Nhiều người nghĩ, hạnh phúc là phải được giành lấy hoặc tước đoạt từ người khác, thế nên đã có những hành xử sai lầm, khiến mình càng đau khổ hơn trên bước đường tìm kiếm hạnh phúc.
Theo đó, có những người đã lười lao động và ngại tư duy nên đã chọn sống bằng những nghề bất lương, gây phương hại bình yên, sự toàn vẹn về tài sản hợp pháp của người khác và nghĩ rằng, đó là một trong những cách thụ hưởng hạnh phúc. Con đường lao lý và sự loại bỏ, cách ly của xã hội đối với những người ấy là tất yếu, bởi hạnh phúc của người này không thể nào được dựng xây trên nỗi đau, mất mát của người khác.
Hạnh phúc là con đường. Trong ảnh, hành giả học Phật hạnh phúc từ mỗi hơi thở, bước chân tỉnh thức
Có những “người giàu cũng khóc”, tức sống sung túc về vật chất nhưng vẫn khổ. Điều đó cho thấy, vật chất không phải là thứ quyết định hạnh phúc của một người, mà đó chỉ là một trong những điều kiện để có hạnh phúc.
Hơn nữa, nếu vật chất được tạo ra bằng con đường mưu sinh chân chính, vừa phải (với sức khỏe) thì mới thực sự là điều kiện cần để mỗi người hạnh phúc. Thực tế, có những người bán sức một cách không thương tiếc để kiếm tiền, tới mức stress, đổ bệnh thì khi có thật nhiều tiền cũng không thể an vui, hạnh phúc vì phải đối mặt với hệ lụy phát sinh từ quá trình làm việc (nghĩ rằng có nhiều tiền sẽ hạnh phúc hơn).
Điều đó cho thấy, yếu tố “biết đủ” mới là điều mang lại hạnh phúc cho một người! Tất nhiên, biết đủ là khi đã nỗ lực và có một cuộc sống tương đối, biết cân bằng giữa vật chất với sức khỏe, mối quan hệ với người thân-thương của mình. Nếu không có sự cân bằng đó thì tạo ra của cải vật chất chắc chắn không còn ý nghĩa gì nữa, sẽ dễ đưa tới việc hưởng thụ thái quá và được biện bạch bằng lý lẽ: tự thưởng cho mình! Ở một chiều ngược lại, là sự lười biếng lao động rồi cho rằng “sao cũng đủ” - trái với quy luật phát triển, tiêu cực - cũng không phải là con đường của hạnh phúc mà cái nghèo vật chất lúc ấy lại đưa tới những hệ lụy khác (cũng là cái khổ) như bệnh tật không tiền chữa, đói không có gì ăn...
Thực ra, chia sẻ cũng là cách mang lại hạnh phúc cho một ai đó, cả người cho lẫn người nhận đều có thể cảm nhận được hạnh phúc này. Để có hạnh phúc từ sự cho đi thì người cho phải làm trong khả năng, bằng lòng thương cảm, muốn giúp người khác bớt khổ chứ không phải muốn thể hiện. Sự trân trọng dành cho người được nhận món quà mình trao cũng là chất xúc tác đưa tới hạnh phúc trong khi làm việc này. Người nhận cũng bằng sự trân trọng và biết ơn người trao, để món quà mình nhận được sử dụng có ý nghĩa thì mới thực sự hạnh phúc.
Như vậy, hạnh phúc là sự kiến tạo từ nhận thức đúng về giá trị của nó chứ không phải là sản phẩm có được bằng vật chất đơn thuần. Khi biết chấp nhận thực tế cuộc sống đang diễn ra và nỗ lực sống tử tế, xem đó là con đường hạnh phúc thì hạnh phúc ấy mới vững bền, nó xuất hiện ngay khi người đó bắt tay làm chứ không phải đạt được rồi mới có hạnh phúc.
Hạnh phúc là con đường, tùy vào cách nhìn mà chúng ta sẽ có cảm nhận cụ thể, riêng của từng người, không có một hạnh phúc chung chung nào cả.
* Bài liên quan: Người trẻ quan niệm về hạnh phúc ra sao? ||
Linh Nhi