Hạnh phúc ngày gặp mặt của các đơn vị GĐPT ở TP.HCM

GN - Sau hơn 3 tháng tạm nghỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu tháng 6 vừa qua, 31 đơn vị Phân ban Gia đình Phật tử (GĐPT) TP.HCM đã sinh hoạt đều trở lại.

 “Nhớ nhà”

Là tâm trạng chị Kim Xuân chia sẻ trong ngày đầu tiên trở lại sinh hoạt sau thời gian dài gián đoạn. Chị cho biết, suốt 8 năm sinh hoạt đều đặn vào các chiều Chủ nhật tại GĐPT Xá Lợi (Q.3), những ngày không đến chùa cùng anh chị em GĐPT, chị cảm giác “nhớ lắm, thấy thiếu gì đó”.

Chị Xuân nhớ những buổi lễ Phật và tập ngồi yên trên chánh điện, các buổi học tự trị đoàn, nhớ về nơi nuôi dưỡng tưới tẩm những mầm thiện pháp. Chị không thể ngăn được nỗi nhớ da diết trong những ngày phải nghỉ sinh hoạt, dù bản thân chị đã thấm những lời các anh trưởng dặn: “Chúng ta nhớ nhau qua lý tưởng, qua việc làm hàng ngày đúng với phẩm chất một Phật tử chân chánh. Nên dù ở xa hay gần, chúng ta là một khối mà một hành động ở đây đều có ảnh hưởng ở nhiều nơi”.

a danh 2.jpg


Hạnh phúc trong ngày gặp lại của GĐPT Linh Sơn

Còn với bạn Khánh Đoan, đoàn sinh ngành Thiếu GĐPT Bát Nhã (Q.Bình Thạnh), trong thời gian không đi sinh hoạt, bạn lại nhớ nhất tiếng hô vang “Tinh tấn!”, nhớ bài ca Sen trắng trong những buổi chào cờ đoàn đã lâu chưa hát, nhớ những buổi học Phật pháp, nhớ cái đan tay vòng tròn nhịp nhàng trong bài Dây thân ái.

Bên cạnh những cảm xúc hân hoan ngày gặp lại, Khánh Đoan trầm buồn khi nhắc đến việc đơn vị tái sinh hoạt chưa được một tuần thì chị đoàn trưởng qua đời vì bệnh duyên. “Hồi nhỏ sinh hoạt chỉ biết hát Dây thân ái, kết dây theo mọi người, em hiểu nó như lời tạm biệt rồi tuần sau chúng ta sẽ gặp lại. Nhưng lần này khác. Hy vọng rằng em sẽ lại gặp chị ở một mối lương duyên nào đó”, Khánh Đoan chia sẻ.

Uyển chuyển sinh hoạt

Cũng như nhiều đơn vị GĐPT trong thành phố, trước khi quyết định sinh hoạt trở lại, Ban huynh trưởng GĐPT Bát Nhã đã có cuộc họp, gợi lên những băn khoăn, lựa chọn hình thức phù hợp để các em được nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn vào chiều Chủ nhật và quan trọng nhất là không quá áp lực.

Huynh trưởng Thiện Phước, đoàn trưởng Oanh vũ Nam cho biết, trước thời điểm trở lại sinh hoạt, anh nghĩ các em sẽ vắng nhiều, nhưng đến tuần đầu lại có tới 40 huynh trưởng và đoàn sinh. Có lẽ do trước đó, trong thời gian giãn cách xã hội, đơn vị đã chủ động sinh hoạt trực tuyến, đưa ra trò chơi online với các câu hỏi về Phật pháp, kỹ năng, kiến thức xã hội, chăm sóc sức khỏe liên tục vào các chiều Chủ nhật, nên ngay khi tập trung trở lại, các bạn phấn khởi, đi đông đủ.

Riêng về chương trình tu học, huynh trưởng Thiện Phước cho biết đơn vị sẽ giảm tải phần này vì sau mùa dịch, các em phải chịu áp lực rất lớn với việc học hành ở trường. Đối với việc tu học tại đơn vị, chỉ cần các em hiểu và nhớ bài, không cần ghi chép quá nhiều. Các anh chị huynh trưởng cũng thảo luận, tìm cách tạo ra nhiều sân chơi hơn cho các em.

“Đối với Oanh vũ khi đến chùa sinh hoạt, các em rất mừng vì lâu rồi chưa được gặp nhau, nên chạy chơi nhiều, anh chị lớn phải nhắc nhở liên tục. Trong lúc chơi vòng tròn, dù là những trò chơi quen thuộc nhưng các em rất hăng say. Khi tự trị, hỏi lại một số kiến thức cũ về trắc nghiệm, các em quên khá nhiều. Nên ở tuần sinh hoạt tiếp theo, đơn vị sẽ tổ chức ‘chơi mà học’ qua cuộc thi ‘Rung chuông chùa’ để ôn tập lại kiến thức cho các em”, anh Thiện Phước chia sẻ.

Ấm áp mái nhà chung

Huynh trưởng Nguyên Hàm, Thư ký đơn vị GĐPT Phổ Hiền (Tân Bình) hoan hỷ cho biết, sau 3 tuần sinh hoạt trở lại, số lượng tham gia đã là 50 đoàn sinh. Các chương trình học được thực hiện theo từng bậc từ ngành Oanh, ngành Thiếu đến ngành Thanh.

Anh Nguyên Hàm chia sẻ: “Trong thời gian giãn cách xã hội, đơn vị tổ chức chương trình Tinh Tấn online hàng tuần. Các huynh trưởng nắm đoàn thường xuyên liên hệ với các đoàn sinh nên luôn gắn kết với nhau”. Nắm bắt được tâm tư của các em, cũng như hiểu được áp lực mà các em đoàn sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường phải đối mặt trong thời gian này, những tuần đầu sinh hoạt trở lại, đơn vị chỉ cho các em vui chơi, chia sẻ với nhau thỏa thích. Điều đó đã khiến tất cả các em đều rất thích thú khi về chùa sinh hoạt.

a danh 1.jpg


Các em Oanh vũ học cách trồng cây - Ảnh: GĐPT Long Hưng

Còn tại GĐPT Linh Sơn (H.Hóc Môn), đơn vị nằm ở vùng ven thành phố, đã có tới 57 huynh trưởng và đoàn sinh có mặt trong ngày đầu trở lại sinh hoạt của đơn vị này. Huynh trưởng Diệu Nguyên, Liên đoàn trưởng GĐPT Linh Sơn bộc bạch, trong những ngày tạm nghỉ sinh hoạt, đơn vị tổ chức thi Phật pháp online, các anh chị huynh trưởng nắm đoàn cũng luôn giữ liên lạc với đoàn sinh của mình để các em không thấy xa cách, lạc lõng”.

Ngoài học Phật pháp, sắp tới đây, đơn vị sẽ tăng các tiết hướng dẫn kỹ năng cho đoàn sinh như: hoạt động rèn phản ứng nhanh, học làm bánh, nấu ăn, sơ chế thực phẩm, kỹ năng gút, các buổi chuyên đề tâm lý, cách xếp quần áo..., để thu hút và rèn luyện cho các em kỹ năng sống, ứng dụng thiết thực vào đời sống.

“Các em sau thời gian nghỉ, được sinh hoạt lại rất thích thú, hầu như đi sinh hoạt gần đầy đủ, tuy nhiên có vài em ngành Thiếu vì áp lực ôn bài thi chuyển cấp nên không thể về chùa thường xuyên. Với những trường hợp như vậy, các anh chị vẫn liên hệ thăm hỏi, động viên các em”, chị Diệu Nguyên chia sẻ.

GĐPT TP.HCM sẽ tổ chức khóa tu cho huynh trưởng

Nói về tình hình sinh hoạt sau thời gian tạm nghỉ dài, huynh trưởng Thị Cư Nguyễn Thanh Minh, Trưởng Phân ban GĐPT TP.HCM cho biết, đến tháng 6-2020, 31 đơn vị thuộc Phân ban GĐPT TP.HCM đã sinh hoạt bình thường trở lại. Phân ban đã có thông báo các đơn vị phải cảnh giác theo dõi về bệnh dịch, không được lơ là.

Trong những ngày tạm nghỉ, Phân ban thường xuyên trao đổi, khuyến khích huynh trưởng các đơn vị thực hiện bài học hướng dẫn online, vì vậy khi sinh hoạt lại, số lượng đoàn sinh tương đối ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số trở ngại là nhiều phụ huynh chưa yên tâm nên chưa đưa con em mình đi sinh hoạt lại. Đồng thời, các em còn đi học phải học bù ở trường nên số lượng đoàn sinh có giảm đi.

Anh Thị Cư cho biết, dự kiến sắp tới Phân ban sẽ tổ chức trại Ngành và kế hoạch sẽ uyển chuyển để phù hợp với thực tế. Sẽ tổ chức đoàn thăm các đơn vị, để có thể hỗ trợ kịp thời khó khăn khi sinh hoạt lại.

Đặc biệt, Phân ban sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức huynh trưởng, chú trọng về tu tập, để anh chị huynh trưởng có dịp lắng lòng, nhìn vào bên trong mình. “Là một tổ chức thanh niên cần chú trọng đến thực hành. Nói ít mà làm nhiều. Làm ngay những điều mình đã học, và học chính những điều mình đã làm. Nên huynh trưởng phải sống như thế nào để cho hạt giống Bồ-đề mỗi ngày đều được tưới tẩm, để cho hạt giống đó càng ngày càng làm tăng thêm năng lượng cho các huynh trưởng. Năng lượng đó được biểu lộ bằng hành động cụ thể, bằng bước chân vững chãi, bằng hai mắt sáng và năng lượng đó gây niềm tin cho các em của mình”, anh Thị Cư tâm niệm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.

Thông tin hàng ngày