“Hãy sống hài hòa với vũ trụ”

GN - Trong lịch trình kín mít về các buổi gặp gỡ và trò chuyện với nhiều đối tượng khác nhau nhân chuyến thăm quê hương trong tháng 12-2011, Giáo sư thiên văn học Trịnh Xuân Thuận đã dành riêng cho Giác Ngộ một buổi trò chuyện đầy cảm hứng về mối liên hệ giữa bầu trời, khoa học và Phật giáo. Xin giới thiệu đến quý độc giả.

Giac Ngo.jpg

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận - Ảnh: X.P.

PV: Trước hết, cảm ơn Giáo sư (GS) đã dành thời gian trò chuyện với Giác Ngộ. Thưa GS, được biết ông đã có nhiều cuộc đối thoại với Matthieu Ricard, một nhà khoa học, và là nhà sư. Thực chất, cuộc đối thoại giữa ông và Matthieu Ricard có mâu thuẫn không?

- GS.TS. Trịnh Xuân Thuận: Hồi nhỏ tôi cũng hay đi chùa, tụng kinh niệm Phật nhưng thật sự không hiểu triết lý Phật giáo sâu sa. Về sau, khi trở thành nhà vật lý thiên văn, nghĩ về không gian, thời gian, nguồn gốc của vũ trụ... tôi thường tự hỏi lúc Đức Phật giác ngộ hơn 2.500 năm về trước, thì Đức Phật nghĩ sao về những điều này. Giác ngộ theo tôi, là hiểu biết toàn thể vũ trụ, vì thế chắc chắn Đức Phật cũng có những ý niệm tương tự.

Lúc gặp Matthieu Ricard, tôi đã nêu ra vấn đề này, vì Matthieu là một người có sự dung hòa giữa một nhà khoa học và một nhà sư. Thực sự không có gì mâu thuẫn, chỉ có sự đối lập về cách tiếp cận giữa khoa học và Phật giáo.

Khoa học thì dựa trên các yếu tố quan sát được bằng phương pháp quan sát trực quan, từ đó đặt ra định luật rồi có thể tiên đoán và áp dụng các định luật vào đời sống... Những vật dụng thường được chế tạo ra từ khoa học căn bản. Khoa học là cách để nhìn sự thật. Nhìn vào bề ngoài của sự vật.

Đạo Phật thì nhìn vào trong. Xoay quanh chữ tâm. Hai cách nghĩ này đều logic hết. Cả hai khác nhau nhưng không đối chọi mà bổ sung cho nhau. 


9782266108614.jpg


GS.TS Trịnh Xuân Thuận là một trong những nhà nghiên cứu vật lý thiên văn hàng đầu thế giới. Ông được trao tặng Giải thưởng Kalinga 2009 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc, Giải Moron 2007 của Hàn lâm viện Pháp. Ông là GS ở nhiều đại học lớn của Mỹ, Pháp, làm việc cho Viện Vật lý thiên văn Paris và là một trong những người sáng lập Hiệp hội Khoa học và Tôn giáo quốc tế. GS.TS Trịnh Xuân Thuận còn là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách đối thoại giữa Phật giáo và khoa học, trong đó nổi bật là cuốn
“Cái  vô hạn trong lòng bàn tay”, “Giai điệu bí ẩn”, “Big Bang và sau đó”, “Hỗn độn và hài hòa”...

Cụ thể là bổ sung như thế nào, thưa GS?

- Ở thế kỷ XVI, XVII, người phương Tây nghĩ rằng vũ trụ là vĩnh viễn. Nhưng ngày nay, người ta đều biết là vũ trụ là thay đổi. Khi nhìn lên bầu trời, chúng ta nghĩ rằng các ngôi sao không thay đổi, nhưng thật tế, các vì tinh tú này cũng sống và chết đi như con người, chỉ là thời gian lâu hơn mà thôi.

Khi ta ngồi nói chuyện trước cái bàn này, mắt thường cho thấy cái bàn đang đứng yên. Trên thực tế, các hạt phân tử bên trong cái bàn đang chuyển động nhưng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường được. Mắt thường cho những khái nhiệm nhầm lẫn. Và các hạt phân tử nhỏ nhất của cái bàn này cùng liên kết để tạo ra cái bàn như ta thấy đây.

Đạo Phật cũng cho rằng mọi vật vô thường, không có gì là bất  biến. Phật còn nói một điểm nữa là mọi thứ trong trời đất đều có liên hệ với nhau. Không có cái gì tồn tại một mình.

Tuy nhiên, chúng ta không nên trộn lẫn Khoa học và Phật giáo với nhau.

Sau khi tôi và Matthieu Ricard trò chuyện xong, chúng tôi cùng nhau viết cuốn sách Cái vô hạn trong lòng bàn tay, qua đó nói lên được Khoa học và Phật giáo đối lập nhưng để bổ sung cho nhau. Khoa học có cách riêng để nhìn vạn vật và đạo Phật cũng có con đường riêng của mình.

Trong phim Tây du ký, có đoạn Tôn Ngộ Không cân đẩu vân hàng vạn dặm, tưởng đã đi đến tận cùng trời đất, hóa ra cũng không qua khỏi bàn tay Phật tổ. “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” của GS, tôi thấy có nhiều điểm tương đồng với hình ảnh đó. GS có thể cho biết thêm tính triết lý về bàn tay bao la này?

- Đức Phật luôn ngồi trong tư thế kiết già với hai tay để lên nhau như một hình ảnh của sự giác ngộ. Đơn giản đó là mối liên hệ giữa con người - đại diện là đôi tay - với vũ trụ. Các hạt nhân trong bàn tay đó cũng là hạt nhân trung tâm của các ngôi sao. Các vì sao được tạo ra từ các hạt nhân nhỏ nhất. Chúng ta đều là con cháu của các ngôi sao. Cái gì của mình cũng liên quan đến vũ trụ, hành tinh, bầu trời... Con người nhìn vũ trụ và hiểu được vẻ đẹp và mối liên hệ, để từ đó sống hài hòa với vũ trụ hơn.

Theo GS thì con người làm thế nào để sống hài hòa với vũ trụ,  xét về góc độ cá nhân lẫn xã hội?

- Nói vũ trụ đôi khi xa xôi với mỗi chúng ta, nhưng nói về trái đất thì rất gần gũi. Trong hệ mặt trời chỉ có mỗi hành tinh của chúng ta là có sự sống, tôi mong là mọi người hãy liên kết với nhau để bảo vệ trái đất. Khi hành tinh xanh đang ngày một nóng lên thì sẽ ảnh hưởng đến chính đời sống của mỗi chúng ta. Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc nhiều vào hạnh phúc của người khác.

Thưa GS, vậy có thể tổng kết về điểm tương đồng lớn nhất giữa Khoa học và đạo Phật?

- Một là tính vô thường, hai là vạn vật đều có liên hệ với nhau. Mọi thứ luôn chuyển động và liên quan mật thiết với nhau.

Khoa học và Phật giáo trong con người một GS thiên văn như ông có gì mâu thuẫn nhau?

- Tôi nghĩ có một vấn đề có thể mâu thuẫn (tôi dùng từ có thể bởi vì khoa học chưa nắm rõ được điều này) là mối quan hệ giữa tâm thức và vật chất. Theo đạo Phật thì tâm thức không lệ thuộc vào vật chất, nếu mình chết đi thì còn thần thức, dân gian thường gọi là “linh hồn” và thần thần (kiết sinh thức) sẽ đi nhập vào một vật chất khác. Tùy cái nghiệp (karma) của mỗi người, nếu có karma tốt thì sẽ nhập vào vật chất tốt, dần dần tiến đến giác ngộ. Nếu gieo nghiệp xấu thì có thể nhập vào con mèo, con kiến... Còn khoa học thì cho rằng vật chất tạo nên linh hồn, nếu vật chất chết đi thì linh hồn cũng sẽ không còn. Tôi đang chờ đợi khoa học sẽ tìm ra vấn đề này như thế nào.

Làm khoa học là công việc gian nan, thường xuyên  gặp những vấn đề hóc búa, đôi khi mất nhiều thời gian mới khám phá hoặc chứng minh được.  Những lúc khó khăn như vậy, GS có niệm Phật không?

- Theo tôi, niệm Phật là để bình an trong tâm hồn, làm cho đầu óc trở nên minh mẫn. Tôi không tin rằng việc niệm Phật giúp ta làm ngay được việc mình đang gặp khó khăn. Vì Đức Phật đã dạy, con đường mà Ngài đã đi qua, thì các Phật tử nếu muốn giác ngộ thì phải trải nghiệm con đường đó.

Vậy thì, Phật giáo giúp ích gì cho GS  trong đời sống khoa học và đời sống cá nhân?

- Đó là việc giữ cho đầu óc mình luôn thanh tịnh, sáng suốt, minh mẫn, thì từ đó mọi hành động của mình mới tốt. Đó là sống biết phải trái. Nghĩ đúng, hành động đúng. Với cá nhân tôi, đạo Phật là triết lý, là cách mình sống cuộc sống đúng giữa cuộc đời.

Thưa GS, trong văn hóa người Việt, giao thừa -  thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, là vô cùng thiêng liêng. Giờ khắc đó, GS thường làm gì?

- Giao thừa thường tôi hay ở phương Tây, đôi khi rơi vào những ngày bình thường phải đi làm, nên đôi khi khó để làm điều gì đó đặc biệt. Mình vẫn nhớ ra ngày hôm ấy là giao thừa, rồi nếu có chút thì giờ thì đi chùa, nhưng thú thật cũng không làm điều gì đặc biệt... Có lẽ nếu ở Việt Nam thì mình sẽ làm gì đó hay hơn.

Cảm ơn GS. Chúc GS nhiều sức khỏe và an lạc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày