Hòa Bình - cửa ngõ Phật giáo giữa thủ đô & vùng Tây Bắc

GN - Hòa Bình là tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có trục đường Quốc lộ 6 đi qua, là điểm giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội với thủ đô Hà Nội và các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 7 dân tộc anh em Mường, Kinh, Thái, Tày, Mông, Dao, Hoa cùng chung sống.

Xây dựng Phật giáo trên nền móng cũ

Phật giáo đã có mặt ở Hòa Bình từ rất sớm. Các di tích, dấu chỉ còn lại ở các chùa như chùa Thông (xã Tú Sơn); chùa Kim Bôi, chùa An Linh (xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy) có niên đại từ thời nhà Trần và thậm chí trước nữa.

Theo thống kê năm 2012 của Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh có hơn 40 di tích chùa Phật. Do điều kiện thiên nhiên và xã hội khác biệt, cùng với đặc thù về văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống; mặt khác, do các yếu tố về địa hình, địa lý, về điều kiện kinh tế nên các ngôi chùa ở Hòa Bình phần lớn có kiến trúc nhỏ, đơn sơ và khiêm tốn.

Năm 2005, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Giáo hội cử ĐĐ.Thích Đức Nguyên về hướng dẫn tu tập Chính pháp cho bà con Phật tử tại thành phố Hòa Bình.

Là một trong những người đi tiên phong về hoằng pháp và phát triển Giáo hội tại vùng núi, vùng sâu xa, lại là người trẻ, nên những công việc Phật sự hầu hết đều được ĐĐ.Thích Đức Nguyên đẩy nhanh thực hiện. Với sức trẻ và tâm huyết đưa đạo Phật quay trở lại vùng đất vốn dĩ đã có dấu ấn Phật giáo, Đại đức cùng một vài người đệ tử đã toàn tâm dốc sức cho sự phát triển vùng cao. Trong đó công trình xây dựng Khu văn hóa tâm linh Phật Quang Hòa Bình là một điển hình. Từ một khu nhà thờ Mẫu nhỏ dưới chân núi, Đại đức đã vận động cho xây dựng được một quần thể chùa cảnh trên núi khang trang. Hiện nay chùa Phật Quang Hòa Bình là quần thể sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh lớn của bà con Phật tử và nhân dân tỉnh Hòa Bình. Những đại lễ, lễ hội… thu hút hàng chục ngàn người tham dự và viếng lễ.

Với những hoạt động năng nổ ấy, sau khi Ban Đại diện Phật giáo TP.Hòa Bình được thành lập (2006), năm 2012, Thủ tướng Chính phủ, GHPGVN cho phép, cùng với sự chấp thuận của UBND tỉnh Hòa Bình, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2012-2017, được diễn ra tại Cung Văn hóa tỉnh, quy tụ 500 đại biểu. Tại đại hội này, các đại biểu đã suy cử BTS gồm 12 thành viên chính thức và 5 thành viên dự khuyết, trong đó có 5 vị Tăng. ĐĐ.Thích Đức Nguyên đảm nhiệm Trưởng ban.

Nhiệm kỳ 2012-2017, BTS tiếp tục chỉ đạo thành lập được 4 Giáo hội cấp huyện, thành phố là: TP.Hòa Bình, huyện Cao Phong, huyện Tân Lạc, huyện Kỳ Sơn và đang vận động thành lập GHPGVN các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn và các huyện khác có đông đảo bà con có tín ngưỡng đạo Phật trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đây là bước phát triển tiến tới hoàn thiện toàn diện về mặt tổ chức, tạo tiền đề hoằng dương Phật pháp tới vùng sâu, vùng xa.

Hoabinh1.PNG

Phật tử tỉnh Hòa Bình đến chùa tu học ngày càng nhiều hơn

Từng bước khởi sắc

Hiện có hơn 40 di tích chùa Phật trong toàn tỉnh, nhưng đa số là phế tích. Trong đó mới có một số ngôi chùa đang hoạt động: Khu văn hóa tâm linh chùa Phật Quang Hòa Bình, chùa Kim Sơn Lạc Hồng, chùa Khánh và chùa Quèng Ang. Số còn lại do địa phương và ngành văn hóa quản lý. Chính vì vậy, việc hoạt động Phật sự, hướng dẫn tu học, tín ngưỡng, đối với các cơ sở tự viện còn gặp nhiều khó khăn.

BTS đã từng bước hướng dẫn, bàn bạc với các địa phương xin chủ trương của UBND tỉnh về việc quản lý hoạt động tôn giáo của Giáo hội đối với các cơ sở chùa, viện mà pháp luật đã quy định; để từ đó định hướng cho nhân dân và Phật tử ở một số địa phương có chùa thờ Phật, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo; cùng với sự hỗ trợ, chỉ đạo của Giáo hội, để từng bước đưa hoạt động các chùa trên địa bàn tỉnh hoạt động theo đúng Hiến chương của Giáo hội và pháp luật của Nhà nước.

Tuy số lượng chư Tăng tại tỉnh còn khiêm tốn, nhưng mỗi mùa an cư BTS tỉnh đều tổ chức trường hạ tập trung tại chùa Phật Quang. Mỗi năm có từ 5-7 vị Tăng về cấm túc an cư trong tinh thần cộng trú. Số lượng chư Tăng tuy ít, BTS có sáng kiến cho hàng Phật tử an cư gieo duyên, thực tập đời sống phạm hạnh trong ba tháng cùng chư Tăng. Mỗi năm có hàng trăm Phật tử đăng ký tu học, năm sau nhiều hơn năm trước. Ban Giảng sư của trường hạ trích giảng các bộ Kinh - Luật - Luận theo chương trình phù hợp.

Với tinh thần hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, với ý nghĩa tứ chúng đồng tu của người con Phật trong ngôi nhà GHPGVN, những năm qua, Ban Hoằng pháp tỉnh đã tích cực triển khai Nghị quyết của Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, tạo nên không khí tu học phấn khởi cho hàng Phật tử tại gia. Nhờ đó đã đẩy mạnh số lượng Phật tử theo học Phật pháp ngày càng sôi nổi, góp phần đẩy lùi mê tín dị đoan, phát huy chính kiến, chính tín trong Phật tử và bà con có tín ngưỡng đạo Phật. Kết quả là có những đạo tràng, pháp hội tại các chùa thu hút hàng ngàn Phật tử tham dự.

Mặt khác, Ban Hướng dẫn Phật tử cũng kết hợp với Ban Hoằng pháp tỉnh tổ chức các hình thức tu tập thích hợp theo truyền thống như: các khóa tu tập Bát quan trai giới, Một ngày an lạc vào Chủ nhật đầu tháng tại đạo tràng tu tập chùa Phật Quang, chùa Kim Sơn… thu hút đông đảo Phật tử tham dự.

Cùng với đó, các đàn giới trao truyền Tam quy Ngũ giới, Bát quan trai giới, Bồ-tát giới cho Phật tử… thường xuyên thực hiện. Trong 5 năm qua, các chùa đã quy y cho hơn 10.000 Phật tử. Đặc biệt, BTS Phật giáo tỉnh và các huyện chú ý phát triển Phật tử tại miền núi, vùng sâu xa và đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước năm 2006, toàn tỉnh có khoảng trên 5.000 tín đồ Phật tử đã quy y, đến nay có trên 40.000 Phật tử, và còn rất nhiều bà con nhân dân có tín ngưỡng và yêu mến đạo Phật, trải khắp 11 huyện và thành phố. Số lượng Phật tử ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt ngày càng được trẻ hóa, trí thức hóa. Hiện nay Phật tử trong tỉnh sinh hoạt tại 20 đạo tràng, nhóm hội Phật tử.

Dưới sự hướng dẫn của chư Tăng, tình hình sinh hoạt của các đạo tràng, hội Phật tử có nề nếp và thực hiện tốt bổn phận của người Phật tử đối với Đạo pháp và Dân tộc, góp phần vào việc xây dựng nếp sống văn hóa đạo đức trong xã hội, làm giảm thiểu những tệ nạn xã hội phát sinh trong đời sống.

ducnguyenhoabinh.JPG

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày