GN - Vùng đất khó là vùng đất mà người dân chưa hề biết đạo Phật là gì; có thể do điều kiện biên địa xa xôi, cũng có thể là giữa lòng phố nhưng lịch sử để lại (chiến tranh đã tàn phá chùa chiền, xóa trắng những di tích Phật giáo hàng chục năm, người dân đã quên mất đạo Phật…).
Chùa Đại Giác - nơi đặt văn phòng BTS PG Quảng Bình,
một trong những địa phương đạo Phật bị mai một cần được xiển dương mạnh mẽ
thông qua sự dấn thân, tinh thần phụng sự của Tăng Ni - Ảnh: L.Đ.L
Vùng đất khó còn là nơi quá nghèo, người dân cái ăn còn lo chưa đủ thì làm gì có sức để lo nghĩ tới chuyện gì khác, trong đó có vấn đề tâm linh, đạo pháp... Và cũng có thể là vùng đất nghèo quá, dân trí thấp lại bị nhồi nhét bởi tư tưởng khác, mê tín dị đoan, tín ngưỡng dân gian sai biệt đã ăn đậm trong tâm thức người bản địa. Vậy nên khi lời Phật dạy truyền tới thì liền bị dội ngược bởi tín đồ không tiếp nhận, một bộ phận thầy bà của tín ngưỡng ấy xách động người dân, phù phép chánh đạo Phật giáo thành giáo lý lạ lẫm, tiêu cực dẫn tới hiểu lầm, ngộ nhận!
Hoằng pháp ở những nơi như vậy sẽ gặp vô vàn những trở ngại, khó khăn, nhiều khi là nguy hiểm đến thân mạng của giảng sư, hoằng pháp viên. Do đó, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, đủ vững chãi và niềm tin, chịu dấn thân đến vùng đất khó nhằm hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Điều này cũng là ưu tư của chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo của các tỉnh, thành, nhất là những tỉnh có nhiều địa phương ở vùng biên địa xa xôi, đồng bào dân tộc, vùng mà Phật giáo đã bị mai một theo dòng thời gian, chủ yếu là vì chiến tranh, vì những hiểu lầm của địa phương nên chưa dám tiếp nhận một tôn giáo vốn là đạo của dân tộc, đồng hành cùng dân tộc trong suốt hơn 2.000 năm từ khi có mặt trên đất nước này.
Đơn cử như ở tỉnh Quảng Bình (đang chuẩn bị Đại hội Phật giáo lần II, nhiệm kỳ 2012-2017) không phải là địa phương chưa từng có dấu chân truyền đạo của chư Tổ, người dân không phải không biết đạo nhưng vì điều kiện lịch sử nên chùa chiền bị tàn phá, không được phục dựng, chư Tăng Ni vắng bóng nên cứ thế, từ năm này sang năm khác đã bào mòn ý niệm về Phật, về giải thoát, về lời dạy bi-trí của Đức Thế Tôn… Vì thế, khi đạo Phật được truyền tới thì gặp phải những khó khăn, như tín đồ không biết Tăng Ni là ai nên đã gọi “thầy bằng anh, sư cô bằng chị”. Khi đó, chư tôn đức lãnh đạo đã vận dụng tinh thần Lục hòa cộng trụ, kêu gọi Tăng Ni có tâm huyết phụng sự về góp tay vỗ nên kêu, xiển dương đạo Phật tại Quảng Bình và nhìn chung bước đầu đã có khả quan (xem bài viết trên trang Phật giáo tỉnh thành của Giác Ngộ số 635).
Nhiều tỉnh ở khắp đất nước này, mỗi tỉnh lại có đặc thù và ngoại lệ về trường hợp khó khăn riêng. Nhận diện và giải bài toán ở đây chính là kêu gọi, xốc dậy tinh thần phụng sự, dấn thân của cá nhân cộng với sự yểm trợ, tạo điều kiện, nâng đỡ của lãnh đạo Giáo hội thông qua việc truyền thông để địa phương hiểu rõ về đạo Phật, tạo ra hành lang thông thoáng cho chư Tăng Ni đến vùng đất khó dễ dàng hơn. Nếu hiểu đạo Phật mang tình thương, trí tuệ đến với thế gian, con người thì không có lý do gì lại không được tạo điều kiện. Nếu hiểu, đạo Phật đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt hơn 2.000 năm, thăng trầm cùng thịnh suy của đất nước thì chắc chắn sẽ được tạo thuận lợi để đi vào lòng nhân dân…
Tất nhiên, hành trạng hoằng pháp lợi sinh của người đệ tử Phật không phải lúc nào, ở đâu cũng thuận lợi, và nếu quá thuận lợi thì cũng không cần đặt yêu cầu những bậc xuất sĩ phải dấn thân. Theo chư tôn túc Hòa thượng lãnh đạo ở các địa phương thì cái tâm (nhẫn nhịn, nhu hòa, kiên định…) và cái tầm (sáng kiến trong hoằng pháp phù hợp với địa phương, văn hóa, tập tục…) của hoằng pháp viên là yếu tố quan trọng, quyết định thành bại của việc đem ánh sáng Phật pháp (đồng nghĩa với đem an lạc, hạnh phúc) đến đồng bào ở những vùng đất khó như kể trên!