Học kỳ 3 ở chùa

Vào hè, học sinh chưa kịp vui mừng vì được nghỉ xả hơi thì liền bị cha mẹ đưa vào trường để… học tiếp. Có khi đưa con đến trường không phải muốn con học thêm mà vì không có ai trông trẻ, cha mẹ bận rộn. Nhà trường thực sự biến thành nhà giữ trẻ, còn đối với các em cảm thấy không thoải mái, bị gò ép...

Trong khi đó các bạn trẻ ở Campuchia có truyền thống: từ 13-15 tuổi thì được cha mẹ đưa vào chùa, sau 3 năm mới được phép trở về nhà. Trong 3 năm đó, các em được sống với nề nếp nhà chùa, được học tập, lao động, tụng kinh, ăn uống ngủ nghỉ theo quy củ, rèn luyện cả thân và tâm. Tôi nghĩ, biện pháp giáo dục này rất hay, vì lứa tuổi đó là giai đoạn dậy thì của một đứa trẻ, các em muốn chứng tỏ mình, đồng thời cũng bốc đồng nên dễ bị cái xấu kích động. Do vậy, nếu có sự giáo dục, định hướng thì các em sẽ dễ vượt qua giai đoạn “khủng hoảng” này, bên cạnh đó còn tiếp thu thêm những điều tốt đẹp. Kinh nghiệm của nước bạn khiến tôi suy nghĩ đến một dự án cho tuổi trẻ VN.

chua-day-1.gif
Lớp học được tổ chức tại chùa

Đương nhiên chúng ta không thể áp dụng y chang mô hình của Campuchia, vì các em không thể bỏ trường học phổ thông suốt 3 năm. Nhưng chúng ta có thể sử dụng 3 tháng hè để cung cấp cho các em một môi trường lành mạnh, bằng cách khuyến khích các chùa mở lớp giáo lý tập trung thanh thiếu niên. Các ngôi chùa tương đối quy mô trong huyện, tỉnh, có thể tiến hành dự án này không mấy khó khăn. Tôi thấy nhiều ngôi chùa có đầy đủ nơi ăn, nghỉ cho hàng trăm người, có cả sân rộng để các em sinh hoạt. Hiện nay, nhiều chùa cũng đang tự phát mở những lớp dạy hè cho các em, trên cơ sở đó chỉ cần nâng lên thành một chủ trương, một dự án quy mô rộng khắp thì chắc chắn các chùa sẽ hưởng ứng. Thiết nghĩ, chư Tăng Ni, Phật tử và phụ huynh cũng nhận thấy công tác giáo dục thanh thiếu niên, hướng tới mục tiêu giúp các em có đời sống đạo đức nên sẽ ủng hộ dự án này.

Thiết kế chương trình sinh hoạt mỗi ngày gồm có: chấp tác, học giáo lý, tụng kinh, niệm Phật (hoặc ngồi thiền), trò chơi tập thể, chơi thể thao, đi hành hương dã ngoại, học năng khiếu (vi tính, ca hát, múa, hội hoạ, may thêu, nặn tượng, viết thư pháp, viết báo tường, kể chuyện sách…). Các em có những giờ sinh hoạt chung, nhưng cũng có những giờ sinh hoạt riêng tuỳ theo lứa tuổi, bộ môn chọn lựa. Như vậy sẽ phù hợp sở thích từng em, không gượng ép, bắt buộc, mà cũng phát huy được năng khiếu riêng biệt. Tóm lại, chương trình ấy phải giúp các em được rèn luyện thân thể khoẻ mạnh, được rèn luyện tâm ý trong sáng, đạo đức, có sức đề kháng trước những cái xấu của xã hội. Ba tháng học ở chùa sẽ giúp các em có thời gian xả mệt mỏi và chắc chắn sang năm học mới các em sẽ tiếp thu bài học rất tốt thông qua việc giáo dục toàn diện: Trí - Đức và Thể dục.

chuaday-2.gif
Các em đến chùa để học

Để bắt đầu hoạt động, phụ huynh sẽ đóng góp kinh phí nhằm đỡ gánh nặng cho chư Tăng Ni. “Học phí” đóng cho chùa bao gồm tiền ăn, điện, nước, xà bông, bồi dưỡng các huynh trưởng quản lý, và vài khoản lặt vặt. Thiết nghĩ chắc không vượt hơn so với chi phí sinh hoạt của một đứa trẻ tại nhà. Về nhân sự quản lý, có thể kêu gọi sự trợ giúp của các phụ huynh, huynh trưởng gia đình Phật tử, các thầy cô giáo về hưu, cán bộ hưu trí… Trong đó, vai trò chủ đạo là của chư Tăng Ni, vì các em cần được hướng dẫn học Phật pháp, nghi thức thiền môn… Tôi thấy hiện nay nhiều phụ huynh đang bức bách về chuyện học hành, sinh hoạt của con em mình trong ngày hè, nhiều em cũng than về việc căng thẳng trong học tập nhưng nhà trường và các tổ chức khác chưa có mô hình nào khả dĩ được dư luận đồng thuận cao. Tại sao Phật giáo chúng ta không thử nghiệm một mô hình mới?                    

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày