“Học là phải vui” tại lớp học chùa Sùng Đức

GN - Không phải lúc nào cũng “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, nhất là khi người viết có dịp đến Lớp học phổ cập cấp 1-2 chùa Sùng Đức (Q.Thủ Đức) vào giờ ra chơi; học sinh dù đang chạy nhảy tung tăng vui đùa, thấy có người vào là các em chắp tay: “Mô Phật, con chào cô ạ”.

Và, người viết được tham dự một buổi sinh hoạt sáng thứ Ba hàng tuần, thật ngạc nhiên khi những em học trò lại rất nghiêm trang đi từng hàng một vào chánh điện. Các em để dép ngay ngắn dưới bậc thềm, im lặng lễ Phật, ngồi yên, đọc làu làu bài sám phát nguyện và chắp tay “Mô Phật”, trả lời những câu hỏi của quý cô khi nghe kể mẩu chuyện đạo.

Niềm vui con chữ

Những câu hỏi được cô giáo đặt ra và các em trả lời, hoặc khi các em chưa tìm ra ý, cô lại gợi ý. Và cứ hỏi, trả lời, gợi ý…  làm cho lớp học thật vui, sôi nổi. Đó là buổi học của cô Trương Thị Ngọc Lan, khi người viết tham dự trong một tiết học do cô hướng dẫn. “Tôi dùng phương pháp hỏi đáp rất nhiều, tôi hay hỏi lắm, hỏi đáp giúp cho các em học sinh hoạt bát, năng động. Với tôi, học là phải vui để các em học tốt, vì thế tôi dạy là tôi hay hỏi”, cô Ngọc Lan cho biết.

XH  (2).jpg

Các em lễ Phật tại chánh điện chùa Sùng Đức

Cô Lan nói, trước khi về hưu ở Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, cô cũng được nhiều nơi mời dạy. Tuy nhiên, cô chọn dạy ở chùa Sùng Đức, vì: “Tôi muốn vô đây dạy bằng hết cái tâm của mình, được gần nơi cửa Phật, tâm mình bình thản thì công việc sẽ tốt, dạy học là niềm vui”.

Gắn bó với lớp học từ những ngày đầu thành lập, hàng  ngày cô Trần Thị Bách (hiện đang dạy lớp 1A) đều phải bắt hai tuyến xe buýt mới đến được trường. Cô vẫn cần mẫn với những con chữ truyền trao cho những thế hệ học trò. Nhắc đến cô, các giáo viên trong trường đều rất mến phục.

Trong một tiết học chính tả, cô bắt đầu bằng cách ôn lại bài cũ, viết chữ cái lên bảng, hướng dẫn các em đọc lại. Khi bắt đầu bài mới, cô tập cho các em đọc từng vần, từng bạn đứng lên đọc, rồi từng nhóm và cả lớp cùng đọc... Bạn nào trong lớp đọc đúng, viết đúng, thì được cả lớp vỗ tay hoan hô.

 “Đa số các em có hoàn cảnh khó khăn, ở với ông bà, anh chị, hoặc dì dượng, nhiều em không có cha mẹ, có em học trường này là trường thứ 4, vì học trường nào cũng bị đuổi về do ba mẹ lấy vợ chồng khác không ai quan tâm, dường như hoàn cảnh nào cũng có. Dạy học ở đây trước là tôi muốn giúp cho nhà chùa hoàn thành tâm nguyện của Ni trưởng trụ trì, tiếp nữa thấy các em có nhiều hoàn cảnh khác nhau, tới đây tôi dạy, an ủi cho các em, giải thích cho các em nghe, để mà sau này các em lớn lên có cuộc sống tốt hơn”, cô Bách tâm sự.

Còn cô Đặng Thị Quế, đang dạy lớp 5; lớp của cô khóa vừa rồi có 27 em học sinh thì tới 25 em đạt loại giỏi. “Tôi thấy em nào yếu là kèm cặp, chỉ từng bước một, không dám để rớt em nào. Tôi không dám nhận mình là giáo viên giỏi nhưng mình cố gắng dạy. Đi dạy tuy cực nhưng mà vui”, cô Quế chia sẻ.

Là người phụ trách chuyên môn điểm phổ cập cấp 1-2 chùa Sùng Đức, chuyên trách giáo dục phường Trường Thọ, Q.Thủ Đức, ông Lê Thanh Tuyển cho biết, số lượng học sinh ở đây đông nhất nhì quận, các lớp học được tách riêng.

“Chất lượng giáo dục là ưu thế trong môi trường nhà chùa. Do được biết ít nhiều những nghi thức, nghi lễ tôn giáo cũng như những lời dạy về đạo đức của quý sư cô nên các em ngoan hơn những điểm khác. Bên cạnh đó, giáo viên là những người rất kỳ cựu, rất tâm huyết, có những cô giáo cống hiến được gần 20 năm. Nhờ vậy nên các em có sự đầu tư căn bản về kiến thức, đạo đức khởi đầu rất tốt. Ngoài ra, ở đây thi tập trung theo đề quốc gia, cách đánh giá thi theo chuẩn của quốc gia. Chất lượng của các em thi các lớp cuối cấp luôn đảm bảo”, ông Lê Thanh Tuyển nhận xét.

Gieo trồng những mầm măng tương lai

Lớp phổ cập cấp 1, 2 chùa Sùng Đức được hình thành từ năm 1997, duyên ban đầu rất tình cờ. “Ở chùa có cây thị nên trẻ nhỏ thường lui tới hái, phá và chơi. Một hôm, tôi nghĩ, nên tập trung các em lại hướng dẫn đạo lý, để các em tới chùa chơi nhưng không phá phách. Ban đầu, tôi kể chuyện Phật pháp cho các em nghe. Qua giai đoạn đó, tôi mới chỉ các em tụng kinh, khi đưa sách thì mới biết là không em nào biết đọc, biết viết, nhà không có điều kiện, hoặc không có ba, mẹ”, NT.Thích nữ Mỹ Thuận, Chủ nhiệm lớp phổ cập cấp 1, 2 chùa Sùng Đức cho biết.

XH  (1).jpg

Một tiết học của cô giáo Trương Thị Ngọc Lan và các em học sinh lớp 3

Từ đó, chùa mới trưng dụng nhà kho, nhà phụ, lấy bờ tường sơn làm bảng hướng dẫn các em học. Ban đầu, lớp học có mười mấy em, sau đó các em tới học đông hơn. Được sự giúp đỡ của mạnh thường quân, chùa đã xây dựng lại lớp học khang trang như hiện tại.

Từ ngày thành lập đến nay, chùa luôn chú ý đến giáo dục đạo đức, các kỹ năng sống cho các em học sinh nên dù trải qua nhiều khó khăn, thay đổi, chùa vẫn duy trì buổi hướng dẫn 15 phút vào sáng thứ Ba mỗi tuần. Những mẩu chuyện ngắn, những gợi ý nho nhỏ về lòng hiếu thảo, biết ơn, nhường nhịn… luôn được lồng vào các buổi học.

Trong một buổi chia sẻ, NT.Thích nữ Mỹ Thuận kể chuyện bằng chất giọng nhẹ nhàng. “Thuở xưa, ở núi Tuyết Sơn có một con chim Oanh vũ, cha mẹ đều mù nên hàng ngày chim phải bay đi tìm thức ăn về dâng cho cha mẹ. Một hôm, bay ngang một ruộng lúa, chim nghe vị chủ ruộng phát nguyện rằng “Lúa tôi năm nay tốt, xin nguyện cho chúng sinh dùng” - Oanh vũ nghe vậy lấy làm mừng rỡ, thường đến ruộng lấy lúa về dâng cho cha mẹ.

 Khi vị chủ ruộng đi thăm lúa, thấy chim trùng phá liền đặt lưới và bắt được Oanh vũ. Thấy chim đẹp, vị chủ ruộng bỏ chim vào lồng nuôi, cho thức ăn thơm ngon nhưng chim Oanh vũ không ăn mà chỉ khóc. Vị chủ ruộng hỏi nguyên do thì Oanh vũ nói vì luôn nghĩ đến cha mẹ mù không ai nuôi và thưa với người chủ là “Trước đây, ông có lòng tốt, nguyện bố thí nên tôi mới dám lấy lúa của ông. Sao nay ông lại bắt tôi”. Nhớ đến lời nguyện xưa và cảm phục trước lòng hiếu thảo của chim Oanh vũ, vị chủ ruộng thả chim ra và cho phép từ đó về sau cứ đến lấy lúa mà dùng”.

Sau khi kể câu chuyện, Ni trưởng nhắc: “Các con cũng vậy, bây giờ các con còn bé ba mẹ nuôi các con, các con phải học cho giỏi, là con ngoan trò giỏi, học thành tài để sau này mình báo hiếu lại cho cha mẹ…”. Cứ thế, những mẩu chuyện đạo, những câu chuyện đạo đức, kỹ năng sống lại được gieo vào tâm thức những mầm măng tương lai một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.

Hai mươi năm trôi qua, nhiều lứa học trò đã ra trường, nhiều học trò cũ quay lại hỗ trợ, tặng quà cho đàn em của mình trong những dịp Trung thu, Tết Thiếu nhi… Cứ thế, những thế hệ “đàn anh” đã tiếp tục kết nối với nhà chùa chung tay vì mục tiêu giáo dục, giúp cho các em vững bước trên con đường học tập.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO -  Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...
Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.

Thông tin hàng ngày