Học Phật giữa chốn mưu sinh

GN - “Tôi hơn 30 tuổi rồi, giờ mới biết đến đạo, lại được phước duyên ghé thăm nhiều ngôi chùa ở thành phố HCM; tại đây tôi học được rất nhiều điều hay ý đẹp giúp sống tốt hơn mà ở quê nhiều người vẫn không biết”.

Đó là chia sẻ của chị Đặng Thị Hà (quê ở thôn Ngọc Long, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), hiện mưu sinh bằng nghề thu mua ve chai tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM).

Bước đầu học Phật

Chị Đặng Thị Hà chia sẻ, “hồi xưa chưa hiểu về Phật pháp khi đi mua ve chai còn sân si, nhiều khi nói dối, cân thiếu một xíu. Nhưng khi biết đến đạo và thực tập theo lời Phật dạy thì thấy an lạc, không còn sân si nữa. Là con Phật thì buôn bán phải trung thực. Những đồng tiền kiếm được phải từ mồ hôi công sức của mình, như vậy cuộc sống mới đúng ý nghĩa”.

ANH XH (3).JPG

Cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng chị luôn thôi thúc được học Phật

Hỏi chị chuyện mưu sinh vất vả, tu như thế nào, chị cho biết, dù bận mấy cũng dành buổi sáng thứ 5 mỗi tuần để tu niệm Phật chung với đạo tràng tại chùa Hương Thiền (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) rồi chiều mới tiếp tục công việc. Mỗi tháng ở chùa tổ chức cơm chay từ thiện phát ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chị “cũng  bỏ vào một ít để gieo duyên cùng mọi người”. Buổi tối về phòng, chị lại mở băng thuyết pháp để nghe. “Ước nguyện cho mình hiểu đúng Phật pháp, thực hành, đem yên vui đến cho tự thân, rồi sau đó giúp cho gia đình cũng hiểu và thực hành”, chị Hà bày tỏ.

Chị kể, hai vợ chồng từ Vĩnh Phúc vào TP.HCM làm ăn từ năm 2002, ở quê cũng có biết đạo nhưng chỉ đi chùa lễ Phật chứ chưa học giáo lý, đến khi vào Nam mới bắt đầu tìm hiểu về lời Phật dạy, học và thực tập chuyên cần. Tháng 7-2014, chị quy y ở Ni viện Vạn Hạnh (Q.Bình Thạnh), được cho pháp danh Diệu Hoàng Trang.

… Và thực hành lời Phật dạy

Mấy tháng sau, chị bàn với chồng làm lễ an vị Phật ở quê. Chị tổ chức tiệc chay, thỉnh Sư cô làm lễ. “Từ ngày đó, gia đình phía mẹ chồng quy y; còn nhà bố mẹ ruột chỉ còn bố là chưa quy y, nhưng không phản đối những việc tôi làm”, chị Hà hoan hỷ chia sẻ.

Khi nói về những niềm vui gia đình, chị cũng đau đáu nỗi niềm với quê hương, vì hiện tại quê chị vẫn chưa có chùa,  mọi người chỉ biết thờ cúng theo kiểu mê tín, chưa biết rõ về Phật pháp, có lễ gì là cứ sát hại, cúng tế, cầu xin. “Mong một ngày nào đó mọi người ở quê sẽ thấy được những lợi ích của đạo Phật, hiểu rằng mọi thứ mình nhận ngày hôm nay là do chính mình tạo nên chứ không phải ai ban phước giáng họa cho mình”, chị trầm tư.

Ghé phòng trọ chị ở, thấy chiếc áo tràng được chị treo một góc trang trọng. Bàn thờ Phật trên gác cao trang nghiêm, lúc nào cũng có hoa và cuốn kinh tụng hằng ngày.

“Hà ở đây làm ăn rất chăm chỉ, các công việc đều rất lanh lẹ, biết lo cho chồng cho con. Thỉnh thoảng, thấy Hà đi chùa để cầu bình an cho mọi người, tôi thấy điều ấy rất tốt. Có hôm đi làm về sớm, mấy chị em chia sẻ với nhau về công việc hàng ngày, về những hiểu biết của Hà trong việc đi chùa, cái gì chưa hiểu thì hỏi Hà, cái nào chưa đúng thì chị em cùng nhau làm cho đúng hơn. Nhà Hà có mở đĩa thuyết pháp, thi thoảng cũng có qua nghe”, chị Biên, cùng khu nhà trọ cho biết.

ANH XH (2).JPG

... chị trở thành Phật tử

Còn SC.Thích nữ Hoàng Tuệ (Ni viện Vạn Hạnh, Q.Bình Thạnh) thì chia sẻ: “Tôi biết chị Hà cách đây hai năm khi chị đến chùa. Nghe những chia sẻ thì tôi biết chị ấy là người có tâm, tính lại rất thẳng và chân thật, có gì nói nấy, rất nhiệt tình trong mọi việc. Do đó, tôi rất muốn trợ duyên cho chị”.

“Bây giờ, tôi thấy chị Hà điềm tĩnh hơn, không còn nóng vội như hồi xưa, chị có thể tự điều chỉnh được nội tâm của mình. Chị biết đi chùa thường xuyên, tham dự khóa tu niệm Phật một ngày, rồi ở nhà cũng tụng kinh, nghe pháp và ăn chay nên chuyển biến tích cực như vậy”, Sư cô cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày