Hội Sơn & bài học kinh nghiệm đau xót

GN - Vụ hỏa hoạn xảy ra tại di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - tổ đình Hội Sơn thuộc phường Long Bình, Q.9, TP.HCM vào đêm 17-7 là bài học kinh nghiệm đau xót cho công tác bảo đảm an toàn các di tích trên địa bàn TP.HCM, di sản chung của Giáo hội, Nhà nước. Cho đến nay, vụ cháy ở tổ đình Hội Sơn đã được cơ quan chức năng xác định nguyên nhân là do chập điện, và bài học về phòng cháy chữa cháy tại các di tích được xếp hạng nói riêng, chùa chiền nói chung trở nên rất cấp bách…

“Trễ nhưng không bao giờ muộn”

Nói về công tác phòng cháy chữa cháy cho các tự viện, HT.Thích Thiện Tánh, Phó ban Thường trực BTS THPG TP.HCM nói, “giống như việc mất bò mới lo làm chuồng vậy”. Và, thực tế cũng đúng như thế, khi vụ việc tổ đình Hội Sơn đã gióng lên tiếng nói cảnh báo và bài học kinh nghiệm quá đau xót về phòng cháy chữa cháy cho các di tích, chùa cổ nói riêng và chùa chiền, tài sản của Giáo hội nói chung.

_MG_5845.JPG

Chánh điện, nhà tổ chùa Hội Sơn bị hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn- Ảnh: Vũ Giang

Qua vụ việc di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, tổ đình Hội Sơn bị chập điện cháy hoàn toàn chánh điện, hậu tổ, theo tường trình của TT.Thích Thiện Hảo - trụ trì hiện tại, ước tính thiệt hại ban đầu gồm: 30 tượng Phật bằng gỗ, 15 bộ bàn ghế thờ bằng gỗ, kinh sách, trống, chuông, đại hồng chung bị vỡ, pháp khí của chùa bị cháy rụi. Ngôi chánh điện, hậu tổ hư hại 100% … Ban Thường trực THPG TP.HCM đã nghiêm túc ngồi lại bàn bạc, cân nhắc, rút kinh nghiệm và có ý kiến chỉ đạo bằng Thông báo số 234/TB.THPG gởi 24 Ban Đại diện Phật giáo quận huyện trong toàn TP.

Theo đó, BTS chỉ đạo Ban Đại diện Phật giáo 24 quận huyện phải triệu tập cuộc họp các tổ đình, tự viện, tịnh xá, tịnh thất… trong địa bàn, chư tôn đức Tăng Ni, viện chủ, trụ trì, các vị có trách nhiệm cao nhất tại cơ sở để phổ biến các ý kiến sau: “1. Tình hình điện lực hiện nay không ổn định, lúc mạnh lúc yếu, do đó những dây điện cũ kỹ không bảo đảm an toàn, lúc điện mạnh dễ gây ra chập điện, dẫn đến hỏa hoạn. Các chùa nên rà soát, lắp đặt thiết kế lại dây điện tốt để bảo đảm an toàn. 2. Tình trạng hiện nay, các cơ sở thường đốt đèn cầy ly lớn, cao, thời hạn đốt theo nguyện vọng Phật tử, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, cháy thường xuyên… áp lực nóng vì thế đèn bị bể, đổ sáp nước dễ gây cháy. Do đó, bất cứ khi nào cúng xong phải tắt đèn cầy, nên tuyên truyền đến Phật tử để cảm thông”.

Đây là lần đầu tiên, Ban Thường trực BTS THPG TP.HCM ra thông báo về phòng cháy chữa cháy cho các tự viện. Tuy trễ nhưng không bao giờ là quá muộn, theo đó BTS đề nghị các cơ sở tự viện khẩn trương liên hệ với cơ quan Phòng cháy chữa cháy địa phương, tích cực tham gia tập huấn phòng chống cháy nổ, mua sắm thiết bị phòng cháy chữa cháy lắp đặt tại cơ sở để bảo đảm an toàn tài sản của Giáo hội, tránh thiệt hại nghiêm trọng như tổ đình Hội Sơn.

Theo tinh thần thông báo này, chư tôn đức BTS THPG TP.HCM cũng đã xác định rõ các nguyên nhân chính có thể gây cháy chùa chiền bất cứ lúc nào. Hai nguyên nhân chính đó là do chập điện và đèn cầy, nhang đèn thắp thờ cúng tại chùa. Và, trong thực tế các vụ cháy đã xảy ra trước đây được xác định cũng từ các nguyên nhân này, chùa Đức Quang, Q.4 bị cháy từ năm 2008 do đốt đèn cầy ly thủy tinh, sức nóng làm vỡ ly gây cháy; một số vụ cháy nhỏ khác như chùa Sùng Đức (Q.Thủ Đức) cháy nhà kho, chùa Hiển Quang (Q.Tân Bình) cháy một phòng thiêu rụi nhiều chiếc xe máy và vật dụng ở chùa. Xa hơn là vụ cháy chánh điện chùa Dơi - di tích văn hóa cấp quốc gia tại tỉnh Sóc Trăng cũng xác định nguyên nhân do đốt đèn nến, ngọn lửa đã thiêu hủy toàn bộ chánh điện. Mới đây nhất, tổ đình Hội Sơn có lịch sử gần 300 năm bị cháy thiệt hại hoàn toàn chánh điện, hậu tổ và nhiều di vật được xác định là do chập điện, các vụ cháy này đã “gióng lên hồi chuông” cảnh báo cho các cơ sở thờ tự.

Việc phòng ngừa cháy nổ ở tự viện là không bao giờ thừa nhằm bảo vệ tài sản chung của Giáo hội, bảo vệ di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc. Hiện nay, công tác phòng cháy chữa cháy đều phụ thuộc vào những người có trách nhiệm cao nhất ở các tự viện tức các vị trụ trì, tuy nhiên công tác này từ nhiều năm qua chưa được xem trọng. Hầu hết các chùa chưa lập đề án phòng cháy chữa cháy, Tăng Ni Phật tử lại không có kỹ năng, không được tập huấn về phòng cháy chữa cháy, không trang bị phương tiện chữa cháy.... Và do đó, khi sự cố xảy ra (thực tế các vụ đã xảy ra), công tác chữa cháy tại chỗ bị động, lúng túng.

HT.Thích Thiện Tánh, Phó ban Thường trực BTS THPG TP.HCM cũng xác nhận công tác phòng cháy chữa cháy của các tự viện hiện nay chưa tốt. Theo Hòa thượng, hàng năm BTS THPG đều có nhắc nhở các tự viện về công tác phòng cháy chữa cháy nhưng công tác này thật sự chưa được xem trọng. Việc tập huấn phòng cháy chữa cháy do các ban ngành thuộc địa phương tổ chức, các chùa cũng có cử người tham gia. Qua vụ việc tổ đình Hội Sơn, BTS THPG TP.HCM nghiêm túc rút kinh nghiệm và có chỉ đạo kiên quyết đến 24 Ban Đại diện PG quận huyện phải phổ biến công tác phòng cháy chữa cháy cho các vị trụ trì có trách nhiệm, phải lắp đặt dụng cụ phòng cháy chữa cháy tại chùa. Thành hội cũng giao 24 Ban Đại diện PG quận huyện khảo sát, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại tự viện để nâng cao tinh thần cảnh giác cháy nổ cũng như có phản ứng kịp thời trước sự cố cháy nổ có thể xảy ra.

UBND TP yêu cầu sở, ban ngành đề xuất các phương án phù hợp cho việc tu bổ, phục hồi công trình di tích

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - tổ đình Hội Sơn bị hỏa hoạn thiêu hủy hoàn toàn tượng Phật, các di vật Phật giáo, kiến trúc đặc trưng của một vùng đất… những giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh vô giá bị mất đi đã là niềm xót xa của biết bao người biết trân quý di sản, giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo và đặc biệt đối với vùng đất phương Nam của dân tộc.

HT.Thích Nhật Quang, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS THPG TP.HCM, viện chủ tổ đình Hội Sơn, cho biết, qua vụ hỏa hoạn tại tổ đình Hội Sơn, cho thấy công tác phòng cháy chữa cháy ở các tự viện còn lơ đễnh. Các chùa cần phải quan tâm hơn đến công tác này, bên cạnh đó Nhà nước và Giáo hội cần phải nhắc nhở thường xuyên tránh trình trạng đáng tiếc xảy ra như chùa cổ Hội Sơn. Theo Hòa thượng, tổ đình Hội Sơn bị hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề bởi vì nhà Tăng, khu nhà phụ nằm cách xa chánh điện, hậu tổ; nơi xảy ra chập điện nằm gần ngay tủ kinh sách. Chùa phát hiện sự cố khá muộn, lúc đó ít người và phương tiện chữa cháy tại chùa không có nên công tác chữa cháy tại chỗ không được phát huy nhiều.

Cũng theo HT.Thích Nhật Quang, vừa qua BTS THPG TP.HCM cũng đã có văn bản gởi Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch TP nhờ giúp đỡ cho tổ đình Hội Sơn sớm được tái thiết.

Cũng nhằm giúp tổ đình Hội Sơn sau hỏa hoạn, ngày 24-7-2012, ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã gởi văn bản các sở, ban ngành liên quan TP.HCM giao UBND quận 9 chỉ đạo các cơ quan chức năng của quận tiếp tục khoanh vùng quản lý khu vực hiện trường vụ cháy, hỗ trợ các cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ, phối hợp tổ đình Hội Sơn hạ giải khối công trình đã bị hủy hoại sau khi cơ quan chức năng hoàn thành việc khảo sát, khám nghiệm hiện trường.

Ngoài ra, UBND TP cũng chỉ đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND Q.9 và các cơ quan chức năng liên quan xác định nguyên nhân cháy, trách nhiệm quản lý và rút kinh nghiệm chung cho công tác quản lý bảo vệ an toàn các di tích trên địa bàn TP.HCM. Tiến hành kiểm tra, tổng hợp báo cáo về thiệt hại, hậu quả của vụ cháy đối với công trình di tích và hiện vật thuộc di tích; đề xuất các phương án phù hợp cho việc tu bổ, phục hồi công trình di tích, báo cáo UBND TP, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Theo thông tin từ HT.Thích Nhật Quang, Phó ban kiêm Chánh Thư ký

images.jpg

HT.Thích Nhật Quang

BTS THPG TP.HCM, viện chủ tổ đình Hội Sơn, sắp tới Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM sẽ mời BTS THPG TP, tổ đình Hội Sơn… đến bàn bạc về kế hoạch tái thiết lại ngôi chánh điện, nhà tổ. Cũng theo HT.Thích Nhật Quang, có thể tổ đình sẽ được tái thiết theo kiến trúc chùa cổ nhưng có thể sẽ được nới rộng hơn chút đỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND Q.9… sẽ bàn bạc cụ thể thiết kế bản vẽ tổ đình Hội Sơn.

Tổ đình Hội Sơn bị hỏa hoạn, thiệt hại vật chất cũng như tinh thần không thể ước tính được nhưng việc tái thiết lại tổ đình Hội Sơn là phải thực hiện trong thời gian tới. HT.Thích Nhật Quang cũng đề xuất UBND TP, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP có sự giúp đỡ rõ ràng, cụ thể, thiết thực. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tái thiết lại tổ đình Hội Sơn, Hòa thượng cũng mong sự ủng hộ của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử các tự viện gần xa về tài vật để tổ đình có cơ hội được tái thiết trên vùng đất Châu Thới quê hương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày