Sen, mai, đào, tre, hay…?
Ở nhiều nước trên thế giới, hoa đã trở thành biểu trưng cho quốc gia. Nhắc tới “xứ sở hoa anh đào”, “xứ sở hoa hồng” hay “đất nước của hoa tu-líp” là hầu như ai cũng biết đó là Nhật Bản, Bulgaria, Hà Lan... Nhiều nước trong khu vực cũng đã chọn cho họ “quốc hoa”. Lào chọn hoa champa (người Việt gọi là hoa đại). Quốc hoa của Malaysia là hoa dâm bụt. Philippines công nhận hoa nhài là quốc hoa từ năm 1934. Cuba có quốc hoa là nhài bướm... Một số nước chọn cây làm biểu trưng, như Canada với lá phong, Campuchia với lúa..., hoặc linh vật như Australia với chuột túi.
Các vị lãnh đạo APEC mặc áo dài in biểu tượng hoa sen cách điệu
Đến nay, Việt Nam chưa chính thức có biểu trưng. Năm 2006, trong Hội nghị APEC tại Việt Nam, họa tiết trên những bộ áo dài (do Minh Hạnh thiết kế) được 21 vị lãnh đạo các nền kinh tế mặc có in hình hoa sen cách điệu... Có lẽ, bởi vậy mà nhiều người vẫn ngầm hiểu hoa sen được xem là biểu tượng đặc trưng của Việt Nam. Từ điển mở Wikipedia (thông tin chỉ có tính chất tham khảo) cũng ghi quốc hoa của Việt Nam là hoa sen...
Nhưng mọi việc có vẻ không đơn giản như vậy!
Thời gian vừa qua, không ít ý kiến tranh luận xung quanh việc chọn quốc hoa. Trên nhiều diễn đàn người ta tiến cử hoa sen, hoa mai, hoa đào, tre... Mỗi ý kiến đều có lý lẽ riêng. Sen được xem là loài hoa mang nhiều đặc trưng tính cách của người Việt. Hoa sen xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình. Tại cuộc khai quật ở di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy lá và thân sen hóa thạch. Nhưng thực tế, trên thế giới, đã có quốc gia chọn sen là biểu trưng. Đó là Ấn Độ. Nên cũng có ý kiến cho rằng, có thể chọn hoa mai - loài hoa đầu tiên trong “tứ quân tử”: mai, lan, trúc, cúc...
Hoa sen liệu có thể trở thành “quốc hoa” của Việt Nam?
Chưa tiết lộ “ứng viên nặng ký”
“Quốc hoa” biểu trưng cho đất nước là nhu cầu có thật. Tháng 4 vừa qua, Ban chỉ đạo và Ban biên soạn xây dựng đề án Quốc hoa Việt Nam đã được thành lập theo quyết định của Bộ VH, TT&DL. Theo những quyết định này, Ban chỉ đạo gồm bốn thành viên, Ban biên soạn gồm 10 thành viên đại diện của các cơ quan hữu quan, trong đó, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả chủ trì việc tổ chức lên phương án và hội thảo về tiêu chí chọn quốc hoa cho Việt Nam.
Trong cuộc hội thảo ở phạm vi hẹp diễn ra sáng qua tại Hà Nội, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam cần có quốc hoa trong việc quảng bá hình ảnh ra thế giới. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, Ban biên soạn đã đưa ra một số tiêu chí và đề xuất một số “quốc hoa” để những người tham dự cho ý kiến. Tiêu chí chọn quốc hoa nhấn mạnh việc phải chọn một loài hoa điển hình cho sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Nhận xét chung là hội thảo đã có sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, “ứng viên nặng ký” không được ông Thành tiết lộ.
Tiếp tục lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ
Theo lộ trình, thời gian tới, hội thảo bàn về Quốc hoa Việt Nam sẽ được tổ chức tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam với sự tham dự của các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa, lịch sử... Bên cạnh đó, việc chọn quốc hoa cũng sẽ được thăm dò ý kiến đông đảo nhân dân nếu những hội thảo nói trên không đạt được sự thống nhất.
Sau khi chọn được quốc hoa, Bộ VH,TT&DL sẽ trình Chính phủ ra quyết định công nhận chính thức. Tuy Bộ không đặt ra mục tiêu thời gian, vì sẽ dễ tạo nên sức ép, nhưng theo dự kiến, trong năm 2010, Việt Nam sẽ có quốc hoa.
NSND Doãn Hoàng Giang: Sẽ khó chọn “Quốc hoa cho Việt Nam sẽ rất khó chọn, tôi không thấy có loài hoa đặc trưng. Theo quan niệm của tôi, sen chưa phải là loài hoa đặc trưng của Việt Nam, hơn nữa, nó mang màu sắc tôn giáo”. GS Lê Văn Lan: Tôi chọn hoa sen “Nếu được hỏi ý kiến tôi sẽ chọn sen là quốc hoa của Việt Nam dù hoa sen có lẫn với nhà Phật. Hoa sen gợi con dân Việt nhớ tới lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sen cũng gần gũi với tính cách giản dị của người Việt. Đất nước ta cũng “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” như hoa sen vươn lên từ bùn trong thơ Nguyễn Đình Thi...”. |