GN - Đêm 4-3-2015 (tức 14 tháng Giêng Ất Mùi), Lễ khai ấn đền Trần Xuân Ất Mùi 2015 đã chính thức diễn ra tại Khu di tích Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; các lãnh đạo tỉnh Nam Định cùng đông đảo người dân các nơi đổ về.
Thanh kiếm trong Đền Thiên Trường bị giật khỏi bàn thờ, nhiều người dùng tiền lẻ quệt lên thanh kiếm để cầu may mắn. Thủ nhang của Đền Thiên Trường cho biết việc di dời thanh kiếm khỏi bàn thờ là một việc làm tối kỵ và rất vô văn hóa - Ảnh: TTO
Lễ hội khai ấn đền Trần năm nay diễn ra từ 11 đến 20 tháng Giêng âm lịch. Vào ngày 1-3 (tức 11 tháng Giêng âm lịch), đã diễn ra nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ - đây là điểm mới trong Lễ hội khai ấn năm nay. Rước kiệu Ngọc Lộ được bắt đầu từ 7 giờ 30 phút tại chùa Phổ Minh bằng lễ cúng Phật và tế Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông.
Sau khi kiệu được rước từ chùa Phổ Minh đến đền Trần, tiếp tục thực hiện nghi lễ tại đền Thiên Trường.
Ông Cao Xuân Hoạt, Phó Trưởng ban tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần cho biết nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ tại đền Trần đã có từ rất lâu sau đó bị thất truyền vào đầu thế kỷ XX. Năm nay lần đầu tiên phục dựng lại nghi lễ này, ngoài ý nghĩa tâm linh là rước Đức vua - Thiền sư Trần Nhân Tông về bái Tổ tiên triều và dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ, còn mang ý nghĩa to lớn trong việc tri ân công đức bậc tiên tổ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, dung hòa các tôn giáo tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu.
Vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch đã diễn ra lễ rước nước và tế cá. Cá được đựng trong các thúng sơn đỏ có nước gồm cá quả (Triều đẩu), chép (Long ngư), ứng với Trần Kinh và Trần Lý là hai vị tổ họ Trần. Tế cá từ sáng sớm tới trưa, rồi rước cá thả ra sông Hồng.
Nghi lễ quan trọng nhất là khai ấn diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng âm lịch, tức mồng 4-3. Ngay từ trưa, ô-tô, xe máy nườm nượp đổ về Khu di tích Đền Trần, hàng vạn người dân đến lễ Đức Thánh Trần và các vị vua Trần. Đến 21 giờ tối, đền Thiên Trường đóng cửa tạm thời không đón tiếp du khách để đảm bảo tính trang nghiêm cho việc thực hiện Lễ khai ấn, chỉ những người có thẻ đeo và giấy mời do Ban Tổ chức cấp mới được vào tham dự.
Lễ khai ấn được mở đầu bằng nghi thức dâng hương trước ban thờ Trung thiên đền Thiên Trường. Các ông Nguyễn Thiện Nhân, Trần Đại Quang, Bùi Văn Nam, Phạm Hồng Hà lần lượt dâng hương. Sau đó, nghi lễ rước kiệu ấn được tổ chức với sự tham gia của 120 người đại diện cho các tầng lớp nhân dân: Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân phường Lộc Vượng. Lễ rước kiệu ấn bắt đầu từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính rẽ trái, đi vòng quanh bờ hồ, vào cổng chính đền Thiên Trường và đặt kiệu trước ban thờ Trung Thiên. Đi đầu là cờ, đồ tế khí, đồ lễ rồi đến kiệu ấn.
Diễn văn của lãnh đạo UBND thành phố Nam Định đã nhấn mạnh ý nghĩa của tục lệ khai ấn xưa. Năm Nhâm Tuất (1262), vua Trần Thánh Tông về quê Tức Mặc để ban tiệc lớn, thăng hương Tức Mặc lên thành phủ Thiên Trường, xây hành đô, cung điện nguy nga tráng lệ. Sau khi quân và dân đánh tan giặc xâm lược nhà Minh, người dân nơi đây luôn tưởng nhớ tới công lao to lớn của vương triều Trần, sự tri ân uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta được thể hiện qua việc dựng đền thờ phụng và mở hội để tưởng nhớ nhà Trần.
Theo lịch sử ghi lại, Lễ khai ấn đầu tiên được bắt đầu vào thế kỷ thứ XIII, đây chính là nghi lễ tế tổ tiên của dòng họ nhà Trần. Tại phủ Thiên Trường, vua nhà Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những vị quan có công với triều đình. Trải qua bao phong ba lịch sử, ấn cũ của triều đại nhà Trần đã bị thất lạc. Cho đến những năm 1822, vua Minh Mạng có ghé thăm Thiên Trường và cho khắc lại chiếc ấn. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ, dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”.
Nghi thức khai ấn được thực hiện trang nghiêm lúc 23 giờ 15 phút tối 4-3-2015 tại nội cung đền Thiên Trường theo đúng nghi thức truyền thống. Sau khi nhà đền dâng sớ khai ấn, 14 cụ cao niên phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành được mời vào nội cung chứng kiến nghi lễ và đóng dấu khai ấn 10 cánh ấn bằng giấy màu vàng. Trưởng từ đền Trần sẽ chịu trách nhiệm cất giữ những lá ấn này để dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng.
Vào lúc 23 giờ 55 phút sau khi kết thúc khai ấn, cửa đền bắt đầu mở trở lại đón khách thập phương tiếp tục vào lễ đầu năm tại đền Trần. Mặc dù sáng hôm sau nhà đền mới tổ chức phát ấn, thế nhưng ngay trong đêm, dòng người lên tới hàng vạn người ùa vào trong dưới màn mưa xuân nặng hạt.
Một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra bên trong đền, người người tranh nhau cướp đồ lễ, giẫm đạp lên nhau. Người “nhà đền” bảo vệ đồ lễ quyết liệt song vẫn không giữ được, những bông hoa, đồ lễ ở ban thờ cũng bị “khoắng” sạch.
Theo quan niệm được người đi lễ truyền miệng, nếu ai cầm được một chút đồ lễ ở đền Trần về thì người đó sẽ có may mắn.
Được biết, để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2015, Ban Tổ chức đã huy động 2.075 chiến sĩ công an, lực lượng quân sự, dân quân tự vệ nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội.
Sáng 5-3-2015 (tức 15 tháng Giêng Ất Mùi), đến quan sát chúng tôi thấy việc phát ấn diễn ra khá thông thoáng, không xảy ra tình trạng quá tải. Dù Ban Tổ chức nói là phát ấn, không bán, nhưng để xin được ấn, người dân phải bỏ tiền vào hòm công đức. Người “nhà đền” nhìn vào số tiền để phát ấn, cứ 20 nghìn đồng là một ấn. Ai muốn lấy 10 giấy ấn thì phải bỏ 200 nghìn đồng vào hòm. Việc phát ấn cho du khách được tổ chức trong 6 ngày, từ ngày 3 đến hết ngày 10-3 (tức 20 tháng Giêng).
Trong các ngày tiếp theo, tại quần thể di tích đền Trần sẽ diễn ra nhiều hoạt động hội truyền thống khác như múa lân, múa rồng, múa sư tử, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ Môn. Ngày 16 tháng Giêng âm lịch sẽ tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên do đoàn tế Nam quan Tức Mặc thể hiện tại đền Cổ Trạch, sau đó thực hiện lễ hồi kiệu Ngọc Lộ từ đền Trần về chùa Phổ Minh.
Chu Khôi
Sự tha hóa của lễ hội
Khi phóng viên đặt vấn đề chúng ta có thể giải thích như thế nào về tình trạng số lượng người quá mê tín, mê tín đến kệch cỡm, không chỉ của những người ít có điều kiện học hành mà của một bộ phận không nhỏ trí thức và nhất là quan chức, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN cho biết: “Một khi cái thiêng chỉ còn là cái vỏ, không được giáo dục, mất chuẩn mực, cùng với sự ganh đua khốc liệt trong cuộc sống mưu sinh, thì dù họ có tập hợp nhau lại cũng không tạo ra sự cộng cảm. Chỉ là một cuộc đua bất tận để chiếm giữ ân huệ thần linh cho riêng mình, không kể người xung quanh thì mê tín đến mức kệch cỡm không là chuyện lạ. Cho tôi dùng khái niệm “mù quáng tâm linh” để chỉ tập hợp người hỗn tạp đó. Nhân thể, xin nói niềm tin tôn giáo và tình cảm tôn giáo ở con người là có thật. Nhưng phải được giáo dục, truyền dạy. Người ta dù học vấn cao tới đâu, nhưng vẫn có khoảng “mù” về cái thiêng liêng. Một khi không giữ được tâm thế quân bình do nhiều nguyên do, điểm mù đó lớn dần và cái thiêng liêng bỗng trở thành nơi bám víu, và họ sẽ mê tín thôi. Hiện nay có một bộ phận rất đông trong cộng đồng là cùng lúc họ tin và thực hiện hành vi tôn giáo khác nhau. Chùa họ cũng đi, đền, phủ họ cũng đi. Thậm chí họ còn tin vào nhiều điều “lạ”. Một ngôi mộ, một hòn đá, một ông thầy không biết theo đạo nào cả họ cũng tin, vẫn theo… một cách mù quáng. Đó là chỉ báo về niềm tin không ổn định, là níu cái thói quen đa thần giáo, là sự cạnh tranh phi chuẩn, lệch chuẩn trong ứng xử đạo đức chi phối. Mặt khác, cái thực dụng trong lễ hội chịu tác động mạnh từ lối sống thực dụng của cơ chế thị trường và sự xô bồ bất ổn của đời sống xã hội hiện nay. Sự tha hóa về lễ hội là một thực tế cần nhận rõ và cần được giải quyết”. (Theo Văn hóa Nghệ An) |