Khảo về vấn đề An trạch

NSGN - Nhà ở là một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến điều kiện sống căn bản của con người. Có được một nơi cư trú an toàn và vững chãi, là khát vọng chính đáng của nhân loại, xưa cũng như nay.

Do bởi tính chất quan trọng đó, nên trước khi khởi dựng nhà ở hoặc sau khi xây dựng hoàn thành, con người thường tổ chức các nghi lễ cúng tế để xin phép hoặc biện lễ để tạ ơn. Trong những nghi lễ này, có những bài kinh cầu nguyện, có những câu thần chú được gia trì, gọi chung là các kinh, chú có tác dụng an trạch. Đó là một trong những tiền đề dẫn đến sự ra đời của an trạch thần chú và những văn bản tương đương hiện còn được bảo lưu trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu.

Chuyên khảo sau đây sẽ nghiên cứu về nguồn gốc các bài kinh, chú này và những nội dung liên hệ.

An trạch theo Mật giáo

Trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu (ĐTK/ĐCTT), hiện còn bảo lưu những bản kinh, chú liên quan đến An trạch như sau:

Phật thuyết an trạch Đà-la-ni chú kinh (佛說安宅陀羅尼咒經), tập 19, số 1029.

Phật thuyết an trạch thần chú kinh (佛說安宅神咒經), tập 21, số 1394.

Phật thuyết chú độ kinh (佛說呪土經), tập 21, số 1336, thuộc Đà-la-ni tạp tập, quyển 5.

Nguồn gốc tư liệu

Ba bài kinh, chú này mặc dù được xếp vào Mật giáo bộ trong Đại chính tạng, nhưng điều đặc dị là cả ba nguồn tư liệu đều không ghi tên tác giả cũng như người dịch. Riêng bản Phật thuyết an trạch thần chú kinh có bổ sung thêm thông tin, đó là một dịch phẩm thuộc đời Hậu Hán (25-220).

Tác phẩm kinh lục xưa nhất hiện còn là Xuất tam tạng ký tập do ngài Tăng Hựu (445-518) soạn, ghi nhận có hai bản: Thất Phật an trạch thần chúAn trạch chú nhưng được đưa vào mục thất dịch tạp kinh1 do không có tên tác giả cũng như người dịch. Đáng chú ý, bản Phật thuyết chú độ kinh đã được các nhà biên tập Đại tạng kinh mạnh dạn ghi chú thêm rằng: Đây là ngụy kinh tập chú. Không rõ ai đã tùy tiện đưa vào nơi đây2.

Như vậy, ba bản kinh, chú nêu trên có nguồn gốc không rõ ràng, mặc dù được xếp vào Mật giáo bộ.

daiquan am.JPG

Sơ lược nội dung

- Thứ nhất, Phật thuyết an trạch thần chú kinh  đầy đủ lục chủng thành tựu. Tuy nhiên, khi khảo sát sâu, bản kinh đã bộc lộ những yếu tố hợp lý và bất hợp lý.

Về những yếu tố hợp lý. Thứ nhất, đó là các vị trưởng giả dòng dõi Ly-xa thỉnh cầu Đức Phật chỉ ra những điều lành, dữ thường xảy ra trong nhà. Nhân đó, Đức Phật đã dạy rằng, tất cả mọi việc đều do tâm của chúng sanh tạo ra3. Thứ hai, sau khi thọ trai tại tư gia trưởng giả Li-xa, Đức Phật đã thuyết vi diệu pháp. Thứ ba, sau khi Đức Phật diệt độ năm trăm năm, muốn nơi ở an lành thì cần nên nhất tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo Tăng, thanh tịnh trai giới, phụng trì tam quy, ngũ giới, thập thiện, bát quan trai giới, ngày đêm sáu thời, chuyên tâm tinh cần, lễ bái sám hối, thỉnh Tăng thanh tịnh, cúng dường an trạch4. Thứ tư, cuối bản kinh còn bổ sung thêm: Phật dạy A Nan, nếu muốn an trạch, thì phải quét dọn sạch sẽ, đốt 49 ngọn đèn ở giữa sân, nhất tâm thiêu hương, kính lễ mười phương chư Phật sám hối5.

Về những yếu tố bất hợp lý. Thứ nhất, các yếu tố thiên văn Trung Quốc như Thanh Long, Bạch Hổ, Châu Tước, Huyền Vũ, Nhị thập bát tú, lục giáp, thập nhị thời… đã có mặt trong bản kinh. Thứ hai, hình ảnh Đức Phật như một vị Thần lớn, vì lúc ấy, Thế Tôn ra lệnh triệu tập các vị thần giữ nhà hiện diện, và bảo họ rằng: từ nay về sau các vị quỷ thần, không được tự tiện dọa người6. Thứ ba, yếu tố đe dọa nhiều lần xuất hiện trong lời nói của Đức Phật: nếu không nghe lời ta dạy, sẽ khiến đầu của các ngươi vỡ thành bảy mảnh như nhánh cây đa-la7; nếu không thuận theo chú thuật của ta, thì đầu người sẽ vỡ thành bảy mảnh8. Dùng chú thuật để dọa người không phải là pháp giáo hóa của Đức Phật, mà là cách thức thường được các tu sĩ Bà-la môn vận dụng, như kinh Tập đã chỉ ra9.

- Thứ hai, Phật thuyết an trạch Đà-la-ni kinh là một bản kinh ngắn, không ghi tên ai thuyết kinh này cũng như không rõ dịch giả. Nội dung bản kinh ghi rằng, có một Đức Phật hiệu là Tối Thắng Đăng Vương Như Lai ở thế giới Chúng Hoa, sai hai vị Bồ-tát tên là Đại Quang và Vô Lượng Quang, với lời dạy bảo rằng:

Thiện nam tử! Các ông hãy giữ gìn chú này và mang đến thế giới Ta-bà trao cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chú này mang đến nhiều lợi ích, có thể khiến chúng sanh ngày đêm an ổn, được nhiều thiện lợi, sắc lực, và danh dự10.

Trong kinh văn Hán tạng, hình thức một vị Phật ở thế giới khác, trao chú cho Đức Phật Thích Ca là một sự kiện hiếm thấy. Điều này càng đặc biệt hơn đối với một bản kinh không có tên tác giả.

Sau khi khảo sâu về tư liệu Hán tạng, thì chúng tôi phát hiện toàn bộ nội dung bản kinh Phật thuyết an trạch Đà-la-ni được trích xuất từ bản kinh Đông phương tối thắng đăng vương Đà-la-ni11.

Ở đây, bản kinh Đông phương tối thắng đăng vương Đà-la-ni, là một dịch phẩm của ngài Xà Na Quật Đa (523-600). Trong ĐTK/ĐCTT hiện có hai bản kinh mang số 1.353 và 1.354 đều ghi là do ngài Xà Na Quật Đa dịch. Cả hai bản kinh này ngoài nội dung tương tự như Phật thuyết an trạch Đà-la-ni,  thì còn có rất nhiều bài chú do Phật và Bồ-tát tuyên thuyết như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Di Lặc Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử, bốn vị Thiên vương. Đáng chú ý, ở phần cuối của bản kinh Đông phương tối thắng đăng vương Đà-la-ni mang số 1.353, còn đính kèm thêm một bài thần chú tên là Cầu mộng để biết việc tốt xấu12.

 Xem ra, nguồn gốc của của bản kinh Phật thuyết an trạch Đà-la-ni được trích tập từ những bản kinh khác nhau, và nội dung kinh chuyển tải những bài chú đem đến lợi ích chung, chứ không đề cập đến tác dụng riêng trong việc an trạch.

- Thứ ba, Phật thuyết chú độ kinh với dòng chú thích: Đây là ngụy kinh tập chú. Không rõ ai đã tùy tiện đưa vào nơi đây13 đã phần nào cho thấy nội dung một phần nội dung của bản kinh này. Bởi lẽ, với việc đề cập đến các yếu tố thiên văn Trung Quốc trong nội dung kinh văn như Nhật, Nguyệt ngũ tinh, Thanh Long, Bạch Hổ, Châu Tước, Huyền Vũ, tuế sát, nguyệt sát, lục giáp cấm kỵ… cũng như các chuẩn mực đạo đức gần giống với nội dung được ghi nhận trong sách Lễ ký của Nho giáo như: phụ từ-tử hiếu, tổ hiền-tôn thuận, nam trung-nữ trinh, huynh lương-đệ sùng… đã đủ cơ sở để khẳng định rằng, đây là một bản kinh ngụy tạo và được trước tác tại Trung Hoa.

Như vậy, ba bản kinh trong ĐTK/ĐCTT liên quan đến việc an trạch chuyển tải nhiều nội dung phi Phật giáo, và được trích tập theo chủ ý riêng của một tác giả ẩn danh mà đến nay chúng ta vẫn chưa biết.

An trạch theo Atharva-Veda  của Ấn giáo

Ấn giáo là một tôn giáo đa thần. Tất cả mọi hoạt động sống của con người theo quan điểm Ấn giáo đều chịu sự chi phối của những vị thần chuyên trách. Đối với việc xây dựng nhà cửa cũng vậy, cần phải khẩn lụy sự trợ giúp của nhiều vị thần có chức năng liên quan như: thần gió Vāyu14, thần mưa Indra15, thần mặt trời Savitar16, thần bão tố Maruts17, thần thịnh vượng Bhaga18, thần lửa Agni19

Bài kinh Cầu nguyện khi xây dựng nhà (Prayer at the building of a house) trong tác phẩm Atharva-Veda đã chứng tỏ điều đó20.

1- Ngay tại đây, phận sự của tôi là xây dựng một ngôi nhà vững chãi, mà nền móng vững chắc của nó được vun bồi và tưới tẩm từ những giọt bơ sữa trâu. Các vị cho chúng tôi nơi cư ngụ. Hỡi ngôi nhà với vô số anh hùng cùng với sức mạnh anh hùng, và cả những anh hùng bất khả chiến bại.

2- Dựng nhà ngay tại đây, hỡi ngôi nhà, ta mong ngươi tồn tại vĩnh hằng, ngựa đầy đàn, gia súc vô số, mùa màng dư dật, cây trái sinh sôi, bơ sữa đầy tràn và chủ nhân của nó cũng được thăng hoa trong vô biên phước lạc.

3- Với sự giúp đỡ về nghệ thuật từ ngươi, hỡi ngôi nhà, với mái lợp rộng rãi, đã giữ gìn sự tinh nguyên của ngũ cốc, để có thể cung cấp cho đứa trẻ, cho chú nghé tơ và cả lũ bò sữa khi chúng trở về trong chiều muộn.

4- Cầu xin các thần Savitar, Vâyu, Indra, Brihaspati khéo léo dựng lên ngôi nhà này. Cầu mong thần bão tố Maruts rưới hơi ẩm của bơ sữa trâu. Cầu mong thần Bhaga, chủ trì sự thịnh vượng, tình yêu và hôn nhân, giúp chúng con cày sâu cuốc bẩm.

5- Hỡi nữ chủ nhân của nơi cư ngụ, như nơi ẩn cư của nữ thần tốt bụng mà lúc ban sơ được dựng lên bởi các vị thần, được phục sức bằng cây cỏ, và các ngài hào hiệp ban cho chúng con, để chúng con thịnh vượng hơn nữa khi sống với người thương yêu.

6- Trách vụ của ngươi, hỡi xà ngang, phải nương theo quy chuẩn để chống lên cột trụ, trách vụ của ngươi là chống đỡ mạnh mẽ và cách ly các mối tai ương. Cầu mong họ cư xử hòa mục đối với ngươi, hỡi ngôi nhà không thương tật hay đau khổ, để chúng tôi sống với người thân suốt trăm năm.

7- Cho đến nay, với căn nhà này, có đứa trẻ dễ thương đã đến, này đây là con bê cùng với những gia súc khác, này đây là bình rượu đầy cùng với những bát sữa chua.

8- Thực sự là, hỡi người phụ nữ, đây là cái lọ đầy, là tinh chất của bơ sữa hòa quyện với phấn hoa. Làm cho ngươi cùng những người đồng ẩm được chu toàn mỹ vị. Sự hiến tế cũng như các cúng phẩm dâng lên các đạo sĩ Bà-la-môn, sở dĩ có được là do ngôi nhà che chở.

9- Những nguồn nước này, vốn trong sạch cũng như không tiềm ẩn các nguy cơ. Tôi đem nước đến từng phòng ở cùng với thần lửa Agni bất tử.

Nếu như đọc bài kinh cầu nguyện này bằng các thể cổ ngữ Ấn Độ, tuân theo âm luật của các thể tán ca (hymns) Vedas, thì sẽ tạo nên một sự huyền bí, thiêng liêng, như các bài thần chú thường được sử dụng trong nghi lễ của Ấn giáo.

Ở đây, về phương diện an trạch, bài kinh cầu nguyện trong tác phẩm Atharva-Veda ngoài sự ghi nhận vai trò to lớn của ngôi nhà, cũng như những giá trị tích cực và các ý nghĩa liên quan do ngôi nhà tạo ra; thì một trong những điều kiện quan trọng, là phải có sự chung tay của nhiều vị thần chuyên trách, thì ý nghĩa an trạch mới thành tựu trọn vẹn.

An trạch theo kinh tạng Phật giáo

Trong kinh tạng Bắc truyền (kinh Tạp A-hàm)21 và Nam truyền (kinh Tương ưng)22 đều ghi lại câu chuyện có cùng một nội dung, liên quan đến việc an trạch do chính Đức Phật chủ trì.

Theo kinh văn, trong một chuyến trở về thành Kapilavatthu, Đức Phật và chúng Tỳ-kheo lưu trú ở vườn cây Nigroda. Trong thời gian ấy, các vị Sakya ở Capilavatthu mới xây dựng xong một hội trường lớn. Họ bàn tính với nhau việc an trạch hội trường, và cuối cùng thống nhất đi đến Đức Thế Tôn với lời thỉnh cầu:

Ở đây, bạch Thế Tôn, có hội đường mới của những người Sakka ở Kapilavatthu được làm không bao lâu, chưa được một Sa-môn, hay Bà-la-môn, hay một người nào đến ở. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy sử dụng ngôi nhà ấy đầu tiên, rồi sau các người Sakka ở Kapilavatthu sẽ sử dụng. Như vậy, sẽ đưa đến hạnh phúc và an lạc lâu dài cho những người Sakka ở Kapilavatthu.23

Nội dung bản kinh không đề cập đến những lễ nghi rườm rà, mà chỉ ghi nhận rằng, sau khi đến hội trường mới, Đức Phật đã thuyết một thời pháp, làm cho toàn bộ những người Sakya hoan hỷ. Sau đó, ngài Mục Kiền Liên đã thay Đức Phật thuyết bài kinh Dục lậu. Nội dung bài pháp của Tôn giả Mục Kiền Liên rất sống động, vì đã lấy hình ảnh của ngôi nhà mới xây, minh họa thêm cho buổi thuyết giảng này.

Từ sự kiện này cho thấy, sau khi hoàn tất một công trình xây dựng, nếu như được Đức Phật hoặc chúng Tăng quang lâm để chứng minh và chúc phúc, đó là việc làm có ý nghĩa về nhiều mặt. Xề về lịch sử an trạch hoặc chúc phúc, tân gia hay an vị trong Phật giáo, có lẽ những người Sakya ở Kapilavatthu là những cư sĩ tại gia đầu tiên khai mở nhân duyên này.

Ở một khía cạnh khác, để một ngôi nhà thực hiện đúng vai trò và chức năng của nó, ngoài việc chúc phúc và chú nguyện của Đức Phật hay chúng Tăng, thì ngôi nhà đó phải được xây dựng trong một trú xứ thích hợp. Đây là một trong những điều kiện căn bản, tạo nên sự bình an cho những người sống trong căn nhà đó.

Chuẩn mực trú xứ thích hợp theo kinh điển, vốn được thiết lập dành cho chúng Tỳ-kheo, nhằm thuận tiện hơn trong đời sống thường nhật và hỗ trợ việc tu tập thiền định. Tuy nhiên, với người tại gia, việc lựa chọn được một trú xứ thích hợp nương theo kinh điển vẫn chưa đựng nhiều ý nghĩa, và mang hơi thở của thời đại. Theo kinh Tăng chi, một trú xứ thích hợp chính là:

Ở đây, này các Tỳ-kheo, trú xứ không quá xa, không quá gần, thuận tiện cho đi và đến, ban ngày không đông đủ, ban đêm không ồn ào, không huyên náo, ít xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, và các loại rắn rít24.

Trong một liên hệ xa, chuẩn mực trú xứ thích hợp được Đức Phật nêu ra trong kinh Tăng chi rất giống với các tiêu chuẩn an cư, nghỉ dưỡng trong thời hiện đại như: thuận lợi về thời tiết, thuận lợi về giao thông, an ninh và an toàn, thoáng đãng và yên tĩnh… Ở đây, việc đề xuất những chuẩn mực của một trú xứ lý tưởng, liên quan đến những điều kiện sống thiết thực của con người, đã khẳng định tính tiên phong của Phật giáo, so với các tín lý phong thủy của Trung Hoa.

Nhận định

Được sống và sống bình an trong căn nhà của mình là một khát vọng chính đáng của con người. Đứng trước khát vọng cháy bỏng này, mỗi hệ tư tưởng, tôn giáo đã có những cách giải quyết khác nhau.

Với những hệ thống tín ngưỡng đa thần hoặc nhất thần, muốn được an trạch thì cần phải khẩn lụy các vị thần chuyên trách về nhà ở. Bài kinh Cầu nguyện khi xây dựng nhà trong Atharva-Veda, là một trong những cơ sở chứng minh cho điều này. Tương tự, trong kinh Trường A-hàm, Đức Phật đã cho thấy có những giáo phái sử dụng An trạch phù chú (安宅符呪)25, và Ngài đã đồng thời khẳng định: Sa-môn Cù-đàm không có những việc ấy26.

Trong quá trình phát triển của nhân loại nói chung và của Phật giáo nói riêng, nhu cầu an trạch là một nhu cầu có thực của nhiều giai tầng. Đứng trước nhu cầu bức thiết này, có những tác giả ẩn danh, hoặc do chính các nhà truyền giáo thời kỳ đầu, đã có sự sáng tạo nhất định, khi biên soạn ra những bản kinh có chức năng an trạch như chúng tôi đã chỉ ra.

Ở đây, do năng lực giới hạn của các tác giả biên soạn, hoặc do những mưu cầu riêng tư khác, thế nên những tín lý phi Phật giáo, đã hiện hữu trong những tác phẩm an trạch mang danh là kinh điển Phật giáo, được xếp vào Mật giáo bộ trong ĐTK/ĐCTT. Xét về bản chất, những bản kinh, chú này rất gần với tín niệm phụng sự quỷ, thần của các tín ngưỡng, tôn giáo đa thần phương Đông. Do tính chất lai tạp đó nên người Phật tử nói chung, không nên sử dụng những bản kinh, chú này vào mục đích an trạch, an vị hay tân gia.

Từ câu chuyện các người Sakya cầu thỉnh Đức Phật an trạch cho hội trường, đã góp phần gợi mở một giải pháp liên quan đến việc an trạch trong thời đại hôm nay. Theo đó, trước hoặc sau khi làm nhà xong, người cư sĩ tại gia tùy theo điều kiện thực tế, có thể tự mình biện lễ cúng dường Tam bảo, hoặc cầu thỉnh chư Tăng chứng minh, thuyết pháp. Đây là một trong những giải pháp giản đơn nhưng có cơ sở kinh điển, nhằm đem đến đời sống bình an thực sự cho con người.

Với Phật giáo, muốn được an trạch, thì trước hết cần phải an tâm. Các giải pháp an tâm đã được Đức Phật tùy nghi chỉ dạy, và chúng ta có thể tìm thấy trong nhiều nguồn kinh điển khả tín.

 Chúc Phú

_______________________

(1) 大正藏第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第四.

(2) 大正藏第 21 冊 No. 1336 陀羅尼雜集, 卷第五. Nguyên văn: 是偽經集呪者不知妄集在此.

(3) 大正藏第 21 冊 No. 1394 佛說安宅神咒經. Nguyên văn: 諸事皆由眾生心行.

(4)  大正藏第 21 冊 No. 1394 佛說安宅神咒經. Nguyên văn: 應當一心念佛念法念比丘僧. 齋戒清淨奉持三歸五戒十善八關齋戒. 日夕六時禮拜懺悔勤心精進. 請清淨僧設安宅齋.

(5) 大正藏第 21 冊 No. 1394 佛說安宅神咒經. Nguyên văn: 佛告阿難若欲安宅. 露出中庭然四十九燈. 掃灑燒香一心懺悔. 禮十方諸佛.

(6) 大正藏第 21 冊 No. 1394 佛說安宅神咒經. Nguyên văn: 爾時世尊即呼守宅諸神. 來到佛所而告之言. 自今已後是諸神鬼. 不得妄作恐動.

(7) 大正藏第 21 冊 No. 1394 佛說安宅神咒經. Nguyên văn: 若不順我語令汝等頭. 破作七分如多羅樹枝.

(8) 大正藏第 21 冊 No. 1394 佛說安宅神咒經. Nguyên văn: 若不順我呪頭破作七分.

(9) Có một vị ẩn sĩ gom góp toàn bộ tài vật tổ chức một lễ bố thí rất lớn. Sau khi bố thí toàn bộ tài vật xong, có một vị Phạm Chí đến trễ và xin vị ẩn sĩ kia 500 tiền. Vị ẩn sĩ bảo đã bố thí hết nên không thể đáp ứng. Vị Phạm Chí đến trễ bực bội đe dọa rằng, sau 7 ngày mà ông không cho 500 tiền, tôi sẽ trì chú thuật làm đầu ông sẽ bể thành 7 mảnh. Xem, kinh Tập, chương 5, phẩm Con đường đến bờ bên kia, từ câu 976-983.

(10) 大正藏第 19 冊 No. 1029 佛說安宅陀羅尼咒經. Nguyên văn: 善男子汝等持此陀羅尼呪. 至娑婆世界與釋迦牟尼佛. 此呪多所饒益. 能令眾生長夜安隱. 獲大善利色力名譽.

(11) 大正藏第 21 冊 No. 1353 東方最勝燈王陀羅尼經; 大正藏第 21 冊 No. 1354 東方最勝燈王如來經.

(12) 大正藏第 21 冊 No. 1353 東方最勝燈王陀羅尼經. Nguyên văn: 乞夢即知吉凶陀羅尼.

(13)大正藏第 21 冊 No. 1336 陀羅尼雜集, 卷第五. Nguyên văn: 是偽經集呪者不知妄集在此.

(14) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p. 942.

(15) Ibid, p. 166.

(16) Ibid, p. 1190.

(17) Ibid, p. 790.

(18) Ibid, p. 743.

(19) Ibid, p. 5.

(20) The Sacred Books of the East, F. Max Muller Ed. Vol. XLII. Oxford: The Clarendon Press, 1897. P.140-141. Cf: Prayer at the building of a house:

1. Right here do I erect a firm house: may it stand upon a (good) foundation, dripping with ghee! Thee may we inhabit, O house, with heroes all, with strong heroes, with uninjured heroes!
2. Right here, do thou, O house, stand firmly, full of horses, full of cattle, full of abundance! Full of sap, full of ghee, full of milk, elevate thyself unto great happiness!
3. A supporter art thou, O house, with broad roof, containing purified grain! To thee may the calf come, to thee the child, to thee the milch-cows, when they return in the evening!
4. May Savitar, Vāyu, Indra, Brihaspati cunningly erect this house! May the Maruts sprinkle it with moisture and with ghee; may king Bhaga let our ploughing take root!
5. O mistress of dwelling, as a sheltering and kindly goddess thou wast erected by the gods in the begining; clothed in grass, be thou kindly disposed; give us, moreover, wealth along with heroes!
6. Do thou, O cross-beam, according to regulation ascend the post, do thou, mightily ruling, hold off the enemies! May they that approach thee reverently, O house, not suffer injury, may we with all our heroes live a hundred autumns!
7. Hither to this (house) hath come the tender child, hither the calf along with (the other) domestic animals; hither the vessel (full) of liquor, together with bowls of sour milk!
8. Carry forth, O woman, this full jar, a stream of ghee mixed with ambrosia! Do thou these drinkers supply with ambrosia; the sacrifice and the gifts (to the Brahmans) shall it (the house) protect!
9. These waters, free from disease, destructive of disease, do I carry forth. The chambers do I enter in upon together with the immorta
l Agni (fire).

See also: The Atharva-Veda (Sanskrit text), Devi Chand M.A Trans, New Delhy: Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd, Reprinted 2014, p. 74-76.

(21) Tạp A-hàm, tập 1, kinh 319, Lậu pháp, Thích Đức Thắng dịch, NXB. Phương Đông, 2010, tr.619-623

(22) Kinh Tương ưng bộ, tập 4, chương 1, Tương ưng sáu xứ, phần g, Năm mươi kinh thứ tư, phẩm Rắn độc, kinh Dục lậu, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2001, tr. 298-306.

(23) Kinh Tương ưng bộ, tập 4, chương 1, Tương ưng sáu xứ, phần g, Năm mươi kinh thứ tư, phẩm Rắn độc, kinh Dục lậu, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2001, tr. 298.

(24) Kinh Tăng chi bộ, chương 10 pháp, phẩm Hộ trì, kinh Trú xứ,

(25) 大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第十三

(26) Trường A-hàm, tập 2, Tuệ Sĩ dịch và chú, NXB.Phương Đông, 2012, tr.615.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày