GNO - Chúng ta thường nương tựa vào gia đình, người yêu thương, bạn bè, thân hữu... trong cuộc sống thế gian. Cũng không ít khi, cuộc sống buộc ta phải đi một mình, phải tự mình vượt qua qua sóng gió, chông gai và khốn khó của riêng mình.
Không có sẵn nơi, không có bên mình người để nương tựa, chắc chắn con người sẽ cảm thấy cô đơn hay thậm chí là cô độc lắm!
Quy kính Tam bảo & an lạc - Ảnh minh họa của Hoàng Kỳ Nam
Có một con đường, giúp ta đối diện và vượt thoát sự cô đơn nhỏ bé và những đau khổ khác của mình. Đó là lựa chọn cho mình nơi để quay về, để nương vào Đức Phật, Pháp của Phật và chư Tăng - những người truyền nối và đang đi con đường của Đức Phật đã từng đi.
Nhờ ân đức của Phật, con người có thể tự bảo hộ mình trong ngũ giới, để tránh dữ làm lành, để có sự an trú ngay trong hiện tại, cả khi hiện tại nhiều đau khổ - bằng sức mạnh của chánh niệm, của sự thấu hiểu và chấp nhận các sự thật của cuộc đời mà Đức Phật đã chỉ rõ.
Nếu bạn đã từng đau khổ, bạn thử hành theo lời Đức Phật, bằng sự cảm nghiệm của chính mình, bạn sẽ thấy đó là chân lý thoát khổ, có giá trị vĩnh hằng. Như Phật đã từng dạy, đừng tin Ngài mà không tự thân mình trải nghiệm để cảm nhận và xác chứng.
Có khi chúng ta đau khổ, chúng ta đến chùa để cầu nguyện, cầu xin. Lời cầu nguyện, cầu xin là biểu đạt cho sự phó thác của niềm tin tín ngưỡng cho một tôn giáo thuần túy. Đến và trao gửi những sợ hãi, bất an, đau khổ để được vui vẻ, hạnh phúc và sự an tâm. Hay có khi trao gửi cả niềm khát khao ngoài tầm với...
Và vô tình, ta biến mình thành kẻ ăn mày cửa Phật. Phật không phải là người ban phước hay giáng họa cho bất kỳ ai. Chúng ta phải chấp nhận bản thân mình và những gì liên quan đến mình. Tất cả đều là sự thừa tự, là điều xảy ra vì phải xảy ra, đều bắt nguồn từ ta và giềng mối là ta. Ta tạo tác và ta gặt kết quả của sự tạo tác ấy.
Phật đã chỉ ra con đường. Nếu dũng mãnh và tinh cần đi trên con đường đó, con người sẽ được tự do, giải thoát và cải sửa chính mình để được tốt đẹp và cao quý, hướng thượng hơn. Đó là sự tự do và giải thoát đúng nghĩa khỏi những trói buộc, khổ đau khởi sinh từ tập khí tham-sân-si và từ sự trổ quả của nghiệp duyên của chính mỗi người.
Bước vào mỗi ngôi chùa, tịnh xá hay tự viện, thường chúng ta sẽ nhìn thấy đảnh hương hay cái lư hương ngay trước khi vào chùa hay vào chánh điện.
Và cái lư nhang này luôn có ba chân, để có thể đứng vững vàng, kiên cố. Ba đó là, giới - định - tuệ, là con đường để đi đến sự giải thoát khổ đau, đoạn tận khổ đau và để giúp mình tăng trưởng mà Đức Phật đã chỉ cho chúng ta. Ba yếu tố này có quan hệ tương sinh, hỗ tương nhau, vững vàng và kiên định, không suy suyển như sự vững chãi của chiếc kiềng ba chân.
Để đi trên con đường ấy, chúng ta phải rèn luyện và tu dưỡng bằng nỗ lực của tự thân. Và rõ ràng, đến chùa là để ta thực hành theo con đường của Đức Phật, chùa là nơi giúp cho sự thực hành của chúng ta được tăng trưởng, nhờ ân đức của Đức Phật, của Pháp bảo, của chư vị thầy tổ phạm hạnh, của những người bạn đồng tu đi trên con đường giống với ta.
Cảm niệm và nương nhờ ân đức của chư Phật mười phương, của sức mạnh cao quý của những lời Phật tuyên dạy, của những vị Sa-môn phạm hạnh - mong cho tất cả chúng sanh đều được an lành, hạnh phúc; đều được ở trong sự bảo hộ của ý niệm lành, không có ác ý, không có ác cảm và lan tỏa yêu thương cao quý, yêu thương thuần khiết đến với mọi người, mọi loài không phân biệt, không ngằn mé...