Ngày nay, câu tục ngữ ấy vẫn là sự kiểm chứng còn nguyên giá trị. Chúng ta hiểu rằng người già là những người đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, trải qua những hỷ nộ ái ố của cuộc đời nên họ sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm sống của mình cho các thế hệ con cháu. Còn trẻ em là những trang giấy trắng chưa bị mực đời bôi đen nên lời nói của trẻ được người lớn rất tin tưởng vì chúng chưa biết nói dối. Thế nhưng trong một số trường hợp thì trẻ em đã biết nói dối từ khi còn rất nhỏ và những lời nói dối của chúng đã làm liên lụy đến nhiều người, để lại những hệ lụy vô cùng lớn. Đặc biệt nó đã làm tổn thương tinh thần đối với những người có tấm lòng nhân đạo.
Cách đây không lâu, báo chí đã đồng loạt đưa tin vụ bốn đứa trẻ ở nhà mở Đồng Nai bị hành hạ tàn nhẫn, để lại nhiều thương tích trên cơ thể các em. Chịu không nổi những trận hành hạ dã man đó nên các em bỏ trốn khỏi nhà mở, trên đường chạy trốn các em được người dân phát hiện, đưa đi cấp cứu ở bệnh viện và báo cho cơ quan chức năng. Nhiều người tỏ thái độ phẫn nộ đối với những người quản lý nhà mở này, cơ quan chức năng vào cuộc, Nhà mở Đồng Nai tạm thời bị đình chỉ hoạt động một thời gian, cô giáo Lê Thị Thanh Lan (Phó Chủ nhiệm Nhà mở Đồng Nai và là người mà các em khai đã trực tiếp đánh đập các em) có nguy cơ bị khởi tố hình sự, rất nhiều tấm lòng nhân hậu đã tìm đến các em để sẻ chia và có người còn muốn nhận các em về làm con nuôi của họ. Từ sự việc trên, người ta lại liên tưởng đến vụ Trường Tia Sáng ở Lâm Đồng. Trên danh nghĩa thì Trường Tia Sáng là trường nuôi dạy trẻ mồ côi - khuyết tật và lang thang cơ nhỡ nhưng thực chất là một cơ sở mua bán trẻ em và hàng cấm. Thậm chí một số người còn cho rằng, có những nhà mở hoạt động chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa các nguồn tài trợ của các mạnh thường quân. Nhưng khi mọi việc được đưa ra ánh thì sự liên tưởng và so sánh như trên là quá khập khiễng, vì ai thiện, ai ác đã được làm sáng tỏ, phân minh rõ ràng. Những người làm những việc vô nhân tính ở Trường Tia Sáng đang phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Còn sự việc ở Nhà mở Đồng Nai cũng được cơ quan điều tra Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) xác định bốn trẻ bỏ trốn khỏi nhà mở bị thương tích là do té ngã, không có sự ngược đãi, hành hạ các em. Cô giáo Lê Thị Thanh Lan không bị khởi tố hình sự. Tất cả là do các em khoái cảm giác phiêu lưu (như chú dế mèn của nhà văn Tô Hoài) nên đã nghĩ ra cách nói dối mà không ý thức được hành vi của mình là xấu, làm đau lòng người đã trực tiếp chăm sóc thương yêu mình. Chắc chắn rằng với tấm lòng nhân hậu, cô Lan sẽ không trách các em vì dù sao thì các em cũng chỉ là những đứa trẻ nhưng có lẽ cô cũng khó có thể quên nỗi hãi hùng bởi sự lên án của dư luận trước đó.
Và vấn đề bây giờ là tại sao trẻ lại có những hành vi nói dối từ lúc còn trẻ thơ? Phải chăng đó là hậu quả của sự lây nhiễm từ cha mẹ, người thân và xã hội (?). Khi người lớn không coi việc trung thực là một nhân tố quan trọng để hình thành nhân cách thì trẻ em sẽ coi việc nói dối là rất bình thường. Người viết cũng có một sự trải nghiệm tương đối “đau thương” bởi những lời nói dối của đứa cháu ruột. Mới 14 tuổi cháu tôi đòi bỏ học để đi giúp việc nhà. Gia đình khuyên can hết lời nhưng cháu không nghe lại còn tuyên bố: “Nếu ông bà, bố mẹ không đồng ý cho con nghỉ học đi làm thì con sẽ tự nghỉ và đi bụi!”. Không còn cách nào, gia đình phải gửi gắm cháu cho tôi quan tâm bảo ban xem cháu có thay đổi không nhưng tôi cũng đành bất lực. Tôi đành gửi cháu cho một người quen để phụ bán căng-tin ở một bệnh viện. Công việc cũng không có gì nặng nhọc mà thu nhập lại tương đối cao so với đi làm công nhân. Làm được một thời gian ngắn, để có tiền gửi về cho bố mẹ, cháu nói dối là bố cháu bỏ đi từ lúc cháu mới sinh, từ nhỏ cháu ở với bà nội, nay bà cháu qua đời nên cháu cần một số tiền gửi về lo đám tang cho bà. Mọi người tưởng thật cho cháu vay tiền, đến khi cháu muốn nhanh chóng trả được nợ nên đã ăn cắp tiền của căng-tin. Mặc dù sự việc đã rõ ràng nhưng cháu vẫn không nhận lỗi. Khi quản lý căng-tin cho tôi xem lại camera quay lúc cháu tôi lấy tiền thì thật sự tôi không tin vào mắt mình nữa. Tôi bình tĩnh tìm hiểu thì được biết mẹ cháu thường xuyên gọi điện cho cháu để xin tiền. Tôi gọi điện về quê báo cho bố mẹ cháu biết sự việc, yêu cầu anh chị hợp tác với tôi để dạy dỗ cháu, nhưng không ngờ cháu tôi đã nói dối mọi người là do công việc nặng nhọc quá nên cháu xin nghỉ việc ở căng-tin, mọi người tin ngay lời cháu. Vậy là lời nói dối của cháu trở nên có giá trị, còn tôi thì bị anh trai giận dỗi một thời gian vì đã gieo tiếng xấu cho con anh. Sau này tôi mới biết chị dâu tôi là người “nói dối như cuội” và cháu tôi bị nhiễm thói hư từ mẹ. Không những một đứa biết nói dối mà hầu như tất cả những đứa con của anh chị tôi đều nhiễm tính xấu đó mới nguy hiểm chứ!
Trở lại sự việc Nhà mở Đồng Nai. Chúng ta không trách các em đã nói dối dẫn đến sự việc trở nên phức tạp và nghiêm trọng. Như đã nói ở trên, các em không ý thức được việc làm của mình nên mới hành động như vậy. Còn nguyên nhân thì cũng có nhiều: do trước khi về nhà mở, các em đã quen với lối sống vô kỷ luật, do thiếu sự quan tâm, thiếu thốn tình cảm, các em thấy gò bó trong một khuôn khổ kỷ luật ở nhà mở… Do đó các em muốn thoát ra cái khuôn khổ ấy để được sống tự do theo ý mình. Nhưng trẻ con thì vẫn là trẻ con, làm sao mà có thể qua mặt được người lớn. Qua đó chúng ta cần phải có một hành động thiết thực, một thái độ nghiêm túc trong việc lấy lại hình ảnh tốt đẹp của những người đã bị hàm oan, nhất là những người đang tự nguyện làm công tác thiện nguyện. Họ đã phải chịu đựng và đau khổ biết nhường nào trước búa rìu dư luận. Tại sao khi lên án, đăng tải những hình ảnh không tốt đẹp về họ thì rầm rộ bao nhiêu thì khi người ta được minh oan là vô tội lại xìu bấy nhiêu? Như vậy là không công bằng, chúng ta thấy sai thì phải sửa, có lỗi thì phải thật lòng xin lỗi, mặc dù có những lỗi không phải do chúng ta mà do khách quan đưa lại. Có như vậy, những người tốt mới vững tin vào lẽ phải, tin vào sự công bằng. Đó cũng là một nét đẹp của văn hóa ứng xử trong xã hội văn minh, là tấm gương sáng cho trẻ em noi theo học hỏi.