Kỳ 2: Chuyện về những người gìn giữ rừng

GN - Những năm gần đây, Vườn quốc gia Núi Chúa (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) thu hút một lượng lớn khách du lịch quan tâm, tìm đến không chỉ bởi cảnh quan mà còn bởi tính đa dạng sinh học biển - nơi đây còn lại duy nhất rừng đặc trưng, tài nguyên biển với những nét độc đáo nhất nước.

Để các nguồn tài nguyên của Vườn quốc gia Núi Chúa được bảo tồn, phát triển như ngày hôm nay, ẩn đằng sau đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, lực lượng kiểm lâm vườn quốc gia, thậm chí các anh còn hy sinh hạnh phúc cá nhân, thầm lặng suốt nhiều năm trường để đổi lấy những cánh rừng bạt ngàn…

Gian nan với công tác bảo vệ rừng

Vườn quốc gia Núi Chúa gồm quần thể núi đá độ cao từ 200-1.000m so với mực nước biển, có tổng diện tích 29.865ha. Dân số khu vực này khá đông nhưng lực lượng bảo vệ rừng lại khá mỏng, gồm 34 công chức kiểm lâm (so với quy định chung còn thiếu 50%). Trong đó, chỉ có 27 kiểm lâm viên tham gia trực tiếp vào công tác bảo vệ rừng, do vậy quanh năm, bất kể ngày mưa hay nắng hạn, kiểm lâm viên luôn phải dốc toàn lực, chia nhau đi từ vùng đệm cho đến vùng lõi tuần tra, truy quét những kẻ phá rừng và phòng chống cháy rừng.

Hinh 2.A.jpg

Cán bộ kiểm lâm đi tuần tra - ẢNH: THANH TÙNG

Trên đường đi vào rừng cùng chúng tôi, phát hiện làn khói nhỏ từ phía bìa rừng, các anh kiểm lâm liền vội vã chạy đến. Khi biết những làn khói đó do một thợ chụp ảnh thiếu ý thức, dựng hiện trường, tạo khói để chụp hình cưới cho đôi bạn trẻ, các anh cẩn thận nhắc nhở và chờ đến khi lửa được dập tắt hoàn toàn mới rời đi.

Một anh kiểm lâm bảo: “Kiểm lâm rất sợ lửa trong rừng. Chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng đủ làm cháy vài chục hecta rừng trong nháy mắt”. Nếu như vào mùa khô nắng nóng, rừng cháy luôn là nỗi ám ảnh với lực lượng kiểm lâm thì mùa mưa lại đặt ra cho các anh nhiều thử thách - vì đường rừng trơn trợt, đi tuần rất khó khăn, đặc biệt là vào ban đêm rừng rất nhiều muỗi, vắt và rất lạnh. Thời tiết, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt là vậy, nhưng đó chưa phải là thách thức lớn nhất dành cho lực lượng kiểm lâm.

Căng thẳng và thách thức hơn hết đó là: “Các đầu nậu vùng giáp ranh giữa Ninh Thuận với Khánh Hòa dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để hoạt động như: cung cấp tiền, thuê mướn nhân công là đồng bào dân tộc tại các xã Công Hải, Bắc Sơn lấn chiếm đất lâm nghiệp, chặt cây làm hầm than, khai thác gỗ, săn bẫy bắt động vật hoang dã với nhiều hình thức khác nhau, khiến cho công tác bảo vệ tài nguyên rừng vô cùng khó khăn”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết.

Cho chúng tôi xem những hình ảnh lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Núi Chúa truy quét tội phạm trong lúc đi tuần, anh Trần Thanh Tùng kể: “Hơn 16 năm chinh chiến ở rừng, không biết bao nhiêu lần tôi gặp, chiến đấu trực diện với nhóm lâm tặc phá rừng lấy gỗ, làm hầm than. Chúng uy hiếp cả lực lượng kiểm lâm, rất hung tợn và manh động.

Và khi những lò than hoạt động trái phép bị lực lượng kiểm lâm đập bỏ, những xe vận chuyển gỗ của lâm tặc bị kiểm lâm cơ động tịch thu, những con thú rừng quý hiếm được cán bộ vườn quốc gia giải cứu, không ít kẻ ôm hận và tìm mọi cách trả thù. Chúng nhắn tin đe dọa, chửi rủa, khủng bố, thậm chí đến trước trạm tổ cơ động tuần tra uy hiếp, không ngày nào các cán bộ kiểm lâm được yên”.

Chính vì phải đón nhận một thách thức rất lớn từ những kẻ phá rừng, vì thế mà với cán bộ Vườn quốc gia Núi Chúa, không có gì hạnh phúc bằng việc cảm hóa được các đối tượng phá rừng bỏ nghề, tìm hướng mưu sinh khác tích cực hơn.

“Có nhiều người là đồng bào dân tộc giữa ban ngày vác rựa, mác đến cơ quan đòi giết kiểm lâm để đòi lại số gỗ mà lực lượng kiểm lâm thu giữ với gương mặt đằng đằng sát khí. May mắn là, khi cán bộ kiểm lâm sử dụng mọi biện pháp, từ cứng rắn đến mềm mỏng tuyên truyền, họ hiểu phá rừng là phạm pháp. Rất nhiều trường hợp đã quay đầu, từ ghét chuyển sang quý mến lực lượng kiểm lâm và tuyên bố bỏ nghề, không tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Với anh em làm nghề như chúng tôi, có hạnh phúc nào hơn thế”, anh Tùng cho biết. 

Nhiệm vụ nào cũng lắm “chông gai”

Công tác bảo tồn tài nguyên rừng vốn nhiều vất vả, công tác bảo tồn tài nguyên biển cũng không kém phần khó nhọc. Theo thống kê sơ bộ, Vườn quốc gia Núi Chúa có 1.504 loài thực vật, 345 loài động vật, trong đó 54 loài thực vật và 46 loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Có 350 loài san hô sinh sống tại Vườn quốc gia Núi Chúa, trong đó 46 loài là phân loại mới của Việt Nam.

Hinh 2.D.JPG

Cán bộ vườn quốc gia thức đêm cứu hộ rừng đẻ trứng - ẢNH: THANH TÙNG

Đây là nơi duy nhất trên dải đất liền Việt Nam có rùa biển lên đẻ trứng nên rất nhiều đối tượng muốn xâm phạm để trục lợi cá nhân, ngày cũng như đêm. Vì vậy, 24/24 giờ, cán bộ vườn quốc gia luôn có mặt để thực hiện mọi công tác từ chuyên ngành, đến kỹ thuật.

Nếu như ban ngày, cán bộ Vườn quốc gia Núi Chúa phải trầm mình dưới nước để bắt các loài ốc phá hoại rặng san hô, theo dõi chặt chẽ sự phát triển của san hô thì vào ban đêm, các anh lại trực chiến tuần tra ở mười trạm: Đầm Đăng, Bãi Nhỏ, Hang Rái, Lạch Nước Ngọt, Bãi Thịt, Bãi Hỏm, Mũi Thị, Mỹ Hòa, Hòn Chông, Mũi Đỏ để xua các tàu có chủ đích tiến vào vùng cấm, thu hái rong biển và bắt rùa trái phép.

Trong màn đêm tối om, các anh căng mắt quan sát từng chi tiết, chỉ cần một phút sơ sót là các tàu thuyền neo đậu quanh khu vực sẽ xâm phạm vào vùng cấm, thậm chí một số đối tượng còn dùng chất nổ để khai thác tận diệt, làm ảnh hưởng đến mùa sinh sản của rùa biển và các loài hải sản.

Trong khi lực lượng kiểm lâm đi tuần, truy quét các đối tượng phá rừng tại vùng lõi thì tại khu vực cỏ biển và rừng ngập mặn, cả ngày và đêm, cán bộ Vườn quốc gia Núi Chúa thường xuyên tổ chức thực hiện các đợt tuần tra, truy quét các đối tượng bới rừng tìm trầm, cây cảnh, đào dời biển mà không ngại hiểm nguy.

Vừa mới đây, trong lúc lực lượng đi tuần tra phát hiện hàng trăm người đang đào bới các gốc cây bắt trùn biển, anh Lê Đình Tuệ, cán bộ vườn quốc gia đã tuyên truyền và yêu cầu bà con không được xâm hại khu vực rừng ngập mặn đang được bảo tồn. Cho rằng anh Tuệ đã phá miếng cơm, một thanh niên đã tấn công anh. Mặc dù được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng vết thương quá nặng, mất máu nhiều, anh Tuệ đã qua đời. Nỗi đau đó cứ canh cánh bên lòng những người đồng đội và ám ảnh người đứng đầu đơn vị Vườn quốc gia Núi Chúa mãi không thôi.

Đó cũng chính là lý do vì sao những ngày các anh báo đi tuần là ở nhà, những người mẹ, người vợ lại nơm nớp, thấp thỏm lo âu, chẳng đêm nào an giấc vì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra với chồng, con của mình.

“Lo lắm, chừng nào anh báo về đến trạm rồi hoặc về đơn vị rồi thì mới an tâm”, những người vợ các anh kiểm lâm trải lòng. Vậy mà tháng nào các anh cũng đi, có lúc đi vài ba ngày, có khi đi cả tuần, vào đợt truy quét lâm tặc, bọn phá rừng thì các anh thường xuyên vắng nhà đến nửa tháng. Để bảo vệ rừng, những cán bộ, kiểm lâm viên Vườn quốc gia Núi Chúa lặng lẽ hy sinh hạnh phúc cá nhân và cả hạnh phúc gia đình để thực hiện nghĩa vụ cao cả mà ngành, lực lượng giao phó. Những khó khăn và đặc thù công việc mà các anh đang thực hiện không phải ai cũng thấu hiểu...

Trong 9 tháng đầu năm 2016, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Núi Chúa đã tổ chức truy quét 89 đợt phá, khai thác rừng trái phép, với 581 lượt người tham gia, tăng 26 đợt so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm tự tổ chức tuần tra 883 đợt với 2.551 lượt người tham gia, phát hiện 39 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm trước). Tổng số tiền phạt hành chính và bán lâm sản, tang vật tịch thu nộp ngân sách Nhà nước 51.850.000 đồng.

 


Kỳ cuối: Kính mời độc giả đón đọc những cán bộ vườn quốc gia trồng rừng trên những dãy núi cao, tìm phương thức tuyên truyền để người dân không phá rừng, phát rẫy…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tại buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày