NSGN - Những xung đột do khoảng cách giữa hai hay ba thế hệ
Đừng quên, già đi là một hành trình, mà chúng ta phải làm cùng với cha mẹ! - Ảnh: Internet
Khoảng cuối tháng 2, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn video dài khoảng 2 phút 30 giây ghi lại cảnh một bà cụ lớn tuổi bị con dâu dùng tay đánh đập liên tục vào người. Vào thời điểm đó, có sự chứng kiến của một người đàn ông và một bé gái nhưng không có sự can ngăn nào. Sau đó, người đàn ông cũng cầm roi đánh trước khi bế bà cụ ra nhà sau.
Đoạn video được đăng tải gây bức xúc cho nhiều người hơn, có đến hàng trăm ngàn người bình luận và chia sẻ. Ngay sau khi xảy ra, cơ quan chức năng huyện Chợ Gạo đã vào cuộc và xác định vụ việc xảy ra tại nhà ông Tuấn và bà Loan.
Người bị bạo hành là bà V.T.D. (88 tuổi), mẹ ruột ông Tuấn. Bước đầu, nguyên nhân được cho do bà D. lớn tuổi, đãng trí, lúc nhớ lúc quên, việc sinh hoạt cá nhân hàng ngày không theo ý muốn của vợ chồng ông Tuấn nên dẫn đến vụ bạo hành.
Hiện tại, bà D. đã được người con gái ruột rước về nhà ở và chăm sóc. Về phía ông Tuấn và vợ, họ không hiểu và chấp nhận việc mẹ mình bị “già hóa” - không tự chủ trong sinh hoạt được.
Một ví dụ thông thường là vài người bạn của chúng tôi muốn nhờ con cái chỉ dẫn tạo email hay Facebook hoặc muốn trò chuyên qua zalo hay viber thường bị chúng dè bỉu: “Dễ ợt mà làm còn không xong. Con nít 4 tuổi cũng biết!”. Rồi vì tự ái, họ phải tự mày mò nhờ lối xóm hay bè bạn cùng lứa… mà lòng thì ấm ức.
Có người nói mất một năm để trẻ con có thể tập đi. Mất ba năm để con trẻ có thể tập nói. Cha mẹ đã dành rất nhiều kiên nhẫn cho con cái trong suốt cuộc đời mình. Nhưng với con cái, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn với chính bố mẹ mình, dù đó chỉ là việc dạy họ cách dùng điện thoại thông minh hay Ipad.
Còn đáng buồn hơn là khi họ để cha mẹ cô đơn trong chính căn nhà của mình.
Trong tác phẩm Vàng trên biển đá đen* của Elena Pucillo Truong, nhà văn Ý sống và viết truyện ngắn ở Việt Nam, chúng ta thấy có một câu chuyện buồn trong đó nói về thân phận các bậc cha mẹ. Một bà lão bị cô con dâu tiếm quyền, đối diện sự ruồng rẫy ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bà cô đơn và bất lực. “Bị giam hãm giữa bốn bức tường, tôi như chết từng ngày, lặng lẽ ngồi cô đơn trên thành giường mà chẳng có căn phòng riêng nào để trú ẩn. Những tiếng động bên kia bức tường là của những người xa lạ, của những người hàng xóm không quen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của tôi...”. Ở một đoạn khác “… Sự khiếp đảm và kinh hoàng đẩy tôi qua lại giữa những chồng gạch xây cao, như con chim bị nhốt trong lồng đang tuyệt vọng tìm cách vượt qua những chấn song để tìm tự do” (truyện Con chim nhỏ trong lồng). Ngày nọ bà thấy mình “… chẳng còn gì khác, đứa con dâu đã vứt bỏ tất cả những gì còn lại trong căn nhà, quần áo, vật dụng, cuộc đời... và sự phiền hà duy nhất mà tôi mang lại cho đứa con dâu chỉ là một bát cơm… nhưng tôi cũng chẳng còn muốn nuốt”. Cuối cùng, bà đã chọn cho mình một lối thoát: Lao mình ra ngoài cửa sổ tìm chút tự do cho riêng mình! “Trên môi tôi vẫn nở một nụ cười, thật ngọt ngào để khỏi phải thét lên, sợ làm phiền người khác”. (CCNTL)
Nguồn cơn của vấn đề
Có người cho rằng đó là vì khoảng cách thế hệ (generation gap), chưa kể đến văn hóa thời công nghệ số khi người ta dành thời gian lướt web hay chìm đắm trong không gian ảo nhiều hơn đối thoại, lắng nghe nhau. Có người nêu lên đặc điểm lứa tuổi già, nhất là phụ nữ phải chịu nhiều biến đổi tâm sinh lý. Ngoài ra, người già phải chịu một cơn khủng hoảng nhẹ “tuổi nghỉ hưu”, (phái nam) bị tách khỏi các mối quan hệ thông thường, cảm thấy mình không còn địa vị, uy thế như ngày xưa, sinh ra dễ mặc cảm. Chưa nói đến việc có rất nhiều thời gian rảnh, nhưng không có việc làm dẫn đến hệ quả nhiều người già bắt đầu tỏ ra soi mói, tọc mạch, suy diễn, gây hấn, thu mình lại hoặc chìm vào thương nhớ chuyện quá khứ, nhất là nếu con cái xa nhà hoặc có biến cố buồn bã trong gia đình, ví dụ như trước kia con cái nghe lời họ, giờ chẳng còn ai nghe họ nói. Điều này gia tăng cảm giác cô đơn.
Một điều tế nhị là tiền bạc. Nhiều người già không có của để dành, trở nên ngần ngại trong chi tiêu, suy nghĩ giờ mình không làm ra tiền, vô dụng, không nên hoang phí như ngày xưa, khi đang “ăn nhờ ở đậu” con cái. Có người nhận định rằng: “Con cái ngày càng ít kiên nhẫn với cha mẹ mình!”.
Kỹ năng yêu thương
Yêu thương cũng là một kỹ năng cần phải học. Nếu như cha mẹ về già cảm thấy “khó ở” với con cái thì khi còn trẻ, con cái cũng có lúc “khó ở” với cha mẹ. Chúng ta cần thấy đây là hai mặt của cùng một vấn đề. Hãy thử nghĩ xem: sự khắt khe quá mức, hoặc những cơn nóng giận không kiềm chế được, nhiều ông bố - bà mẹ đã có những hành động với con cái mình một cách quá thô bạo dẫn đến tổn thương trầm trọng tâm hồn đứa trẻ. Cộng đồng mạng đã từng chứng kiến và thể hiện sự phẫn nộ với câu chuyện một đứa trẻ bị bố mẹ lột truồng trói ở hè phố vì mê chơi game, một bé gái bị mẹ đẩy ngã, đánh chửi và để lại siêu thị không cho về nhà chỉ vì nó vô tình làm mất gói kẹo… Và rất nhiều những câu chuyện bố mẹ “phạt” con một cách thô bạo, thái quá trong cơn cuồng nộ tột độ mà không kiềm chế.
Trong tác phẩm Đạo Phật với con người, cố Hòa thượng Thích Tâm Châu nêu nghĩa vụ của cha mẹ trước, gồm:
1. Phải hạn chế không để cho con làm điều ác;
2. Cần chỉ bảo cho con biết chỗ thiện;
3. Phải thương yêu con cái thật sâu sắc;
4. Nên vì con cái mà tìm chỗ kết hôn cho xứng đáng;
5. Nên tùy lúc cung cấp cho con những sự cần dùng.
Sau đó, chương kế tiếp mới là nghĩa vụ con cái đối với cha mẹ, gồm:
1. Công ơn sinh dưỡng;
2. Cúng dường cha mẹ không thiếu thốn;
3. Làm việc gì phải trình thưa trước;
4. Cha mẹ làm việc gì, vâng thuận không trái;
5. Cha mẹ dạy điều phải, không được trái lệnh.
6. Không được ngăn việc làm chân chính của cha mẹ.
Nhưng Hòa thượng cũng nhấn mạnh nếu “… Cha mẹ mê muội không biết kính tín Tam bảo, cha mẹ tàn bạo cướp của, nói lời gian dối, cha mẹ trái ngược đạo chính, mê say cuồng loạn…” thì người làm con “… Phải hết sức can ngăn khiến cha mẹ hướng về đạo chính, giữ năm điều răn, làm mười điều lành, sống cuộc đời trong sạch… Chỉ vậy mới gọi là hiếu”.
Nghĩa là đạo Phật đòi hỏi cả hai phía phải có nghĩa vụ với nhau. Theo Tiến sĩ Laura Markham, tác giả cuốn sách Rèn cha rồi mới rèn con (Phương Lan dịch, NXB.Lao Động, 2017), lý do sâu xa nhất khiến trẻ hợp tác với cha mẹ là bởi chúng yêu thương họ và muốn làm họ hài lòng. Trong chương trình Asia’s Got Talent trên TV gần đây có một cậu bé 12 tuổi tên là Syah Riszuan, người Singapore, hát rất hay. Khi ban giám khảo hỏi điều gì khiến em cảm thấy hứng khởi khi tham dự chương trình này, cậu bé trả lời: “Vì em muốn làm cho mẹ vui khi thực hiện được ước mơ của mình”. Mẹ em luôn theo dõi sự tiến bộ của con mình khi cậu bé theo đuổi đam mê ca hát, động viên em và luôn lắng nghe em hát ở nhà.
Một điều quan trọng được TS.Laura Markham nhấn mạnh đó là việc trừng phạt con sẽ không khiến trẻ hợp tác hơn với cha mẹ, mà ngược lại chỉ khiến trẻ xa cách cha mẹ và làm giảm sự ảnh hưởng của cha mẹ với trẻ: “Phương pháp dạy con mà Tiến sĩ Laura Markham chỉ ra cũng có sự tương đồng với phương pháp dạy trẻ được áp dụng ở các trường mầm non Nhật Bản. Hệ thống phương pháp Shichida hướng dẫn cho cha mẹ 2 phương pháp vô cùng hiệu quả được rất nhiều học giả nổi tiếng cũng như phụ huynh Nhật Bản áp dụng: ‘năm phút thủ thỉ’ và ‘cái ôm tám giây’”.
Thời điểm tuyệt vời để cha mẹ thể hiện tình cảm với con, đặc biệt khi bạn đã xa con cả một ngày dài, là vào buổi tối trước khi con trẻ đi ngủ. Họ khuyên chúng ta dù có bận rộn và đi làm về muộn nhưng nên cố gắng dành thời gian buổi tối nằm ru con ngủ, đọc truyện cho con nghe, thì thầm với con những lời yêu thương hay kể về ước mơ của mình. Quan trọng nhất, theo Giáo sư Shichida, bằng cách này, đứa trẻ sẽ cảm nhận được hạnh phúc truyền từ cha mẹ, động viên trẻ làm điều tốt, điều hay để làm cho họ hạnh phúc. Các bậc cha mẹ hãy nhớ, kết quả của phương pháp “cái ôm 8 giây” hay ‘thủ thỉ năm phút” sẽ không đạt được nếu được thực hiện một cách qua loa, hời hợt. Phải làm trong yêu thương quan tâm thật sự, nói theo ngôn ngữ nhà Phật là trong chánh niệm, bày tỏ sự tôn trọng và tin tưởng vào những khả năng của con, tránh những lời nói phiền trách hay phàn nàn về những điều con trẻ làm. (Makoto Shichida, Ba chìa khóa vàng nuôi dạy con theo phương pháp Shichida, 2015, NXB.Thế Giới).
Phải dạy con trẻ kỹ năng sống và yêu thương. Vì chúng phải biết yêu đời, yêu cuộc sống chính mình trước khi tôn trọng sự sống của người khác. Trong kinh Phật, Từ là lòng thương yêu, thường đem vui cho tất cả chúng sinh, (Từ năng dữ nhất thiết chúng sinh chi lạc) còn Bi là lòng thương xót, dứt trừ đau khổ cho chúng sinh (Bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ). Trong Tứ vô lượng tâm, Từ bi đứng đầu. Từ bi trong đạo Phật không giới hạn vì nó bao la trùm khắp, không phân biệt sang hèn tôn giáo, giai cấp hay màu da… vì Phật dạy “Không có giai cấp trong cùng một dòng máu đỏ”. HT.Thiện Hoa giảng “Từ bi như nước: Chỗ nào thấp thì nước chảy đến trước, nhận được nhiều, chỗ nào cao thì chảy đến sau, nhận được ít, nhưng bao giờ cũng đồng đều trên mặt. Kẻ nào đau khổ nhiều thì được cứu nhiều, kẻ nào đau khổ ít thì được cứu ít, nhưng mục đích bao giờ cũng làm cho mọi người, mọi vật thoát khổ và yên vui bằng nhau”. Từ bi luôn đi cùng trí huệ. Tình thương ở thế gian thường bị chi phối vì tập cấp địa phương, tôn giáo, chủng tộc, ý thức hệ, giai cấp mù quáng và thiên kiến. Thiếu lòng Từ bi, đứa trẻ sẽ trở thành những kẻ cô đơn, chất chứa phẫn hận, sinh độc ác, gây oán thù khi khôn lớn. Những đứa trẻ lúc ngủ trong nôi phải nghe được những lời ru êm đềm của mẹ, lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình. Ở đó các em học được bài học đầu tiên về tình yêu thương. Như lời một bài hát:
Cha sẽ là cánh chim
Đưa con đi thật xa
Mẹ sẽ là cành hoa
Cho con cài lên ngực
Cha mẹ là lá chắn
Che chở suốt đời con…
(NS.Phạm Trọng Cầu)
Thống kê cho thấy, những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình bất hạnh hay đổ vỡ dễ mất niềm tin vào tương lai, vào cuộc đời và có những phản ứng khó kềm chế, hay buông theo hoàn cảnh bất hạnh của mình để sống bất cần. Kỹ năng báo hiếu Những đứa trẻ lớn lên trong yêu thương sẽ phải tập kỹ năng báo hiếu, nghĩa là cùng tham dự cuộc hành trình “già đi” của cha mẹ một cách tích cực, trách nhiệm. Theo tác giả Khải Đơn, khi đối diện với “hành trình già” của mẹ mình, anh đã tái lập thói quen thiết lập quan hệ xã hội của mẹ. “Tôi bắt mẹ tôi một tuần phải đi chơi hai lần, với mấy cô hàng xóm, các cô bán quán chung, đi đâu cũng được, miễn rời khỏi chỗ bán hàng quen thuộc (nơi trú ẩn an toàn của mẹ)… Sau đó vài tháng, mẹ tôi bắt đầu có bạn rủ đến hồ bơi, một cô rủ mẹ đi siêu thị để xem các món hàng mới và xem khuyến mãi. Và vẫn duy trì việc có bạn, làm quen bạn mới đến giờ”. Vì như anh viết: “Đầu tiên, vào 55 tuổi, mẹ tôi bắt đầu có những “triệu chứng” của người già thực sự như lo mình chết đi con sẽ ra sao, sợ ra ngoài, sợ gặp gỡ, quá rảnh (vì tụi tôi đã lớn và tự lo thân được) và bắt đầu suy diễn lung tung …”
Sau đó, anh bắt mẹ đọc sách và báo. “Tôi chọn các tờ báo này theo tiêu chí như sau: nó phải liên quan tới cuộc sống mẹ, bao gồm nấu ăn, mua đồ, rắc rối trong nhà, sau đó chỉ kèm thêm một tờ có tin thời sự để không bị lạc hậu.” Anh cho rằng “… Tờ báo giúp cho não người già được cập nhật. Họ nhìn mọi việc thoáng hơn, dễ chịu hơn, và quan trọng là bận đọc quá ngưng soi mói và tọc mạch vào chuyện người khác. Từ đó cũng ngưng luôn những suy nghĩ tiêu cực với chính mình và xung quanh… Sau đó, tôi đi chọn sách cho mẹ. Tôi sẽ luôn tạ ơn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và Bác sĩ Lương Lễ Hoàng. Hai ông đã viết theo cách đơn giản nhất, gọn gàng nhất về các trải nghiệm sức khỏe, cảm giác, suy nghĩ của người đang già đi, và cả các lo sợ về sức khỏe họ sẽ gặp phải”. Rồi anh cùng đi với mẹ đến hồ bơi và cùng trải qua thời gian vui vẻ ở đó với những người bạn cùng trang lứa với mẹ. Anh nhận định: “Vậy già đi có phải là một cuộc biến động mới của đời người không? - Tôi nghiêm túc cho rằng đó là một trải nghiệm khó khăn không thua gì cách ta lớn lên, và đến lúc này, những đứa con phải “chỉ dẫn” cha mẹ mình cách già đi và đi với họ qua thời gian đó…”. Sau đó thì: “…Mọi việc gần như hoàn tất. Mẹ tôi đã ngưng tọc mạch vào chuyện người khác… Mẹ cũng ngừng suy nghĩ tiêu cực như mẹ chết thì sao, sao con mãi chưa có chồng, hàng xóm nói gì về mình... Nếu một người già đủ bận, họ cũng chẳng thừa hơi đâu mà suy nghĩ quẩn quanh, bậy bạ”. Anh kết luận: “Già đi là một hành trình, mà con cái chúng ta phải làm cùng với bố mẹ mình.” (https://cafebiz.vn/thuc-te-buon-con-cai-ngay-cang-it-kien-nhan-voi-cha-me-minh- Khải Đơn).
Tóm lại, theo ngôn ngữ Pháp hoa thì thế giới có thể nhập qua lòng thương yêu. Thương yêu là bản năng hợp nhất mọi sự, là cái Nhất chân pháp giới. Thương yêu người sẽ xóa đi cái ta và cái của ta. Trí tuệ soi sáng từ bi theo nhà Phật không dựa theo cái Ngã vì luôn nhận thức “Một là tất cả, tất cả là một”. Chúng sinh từ vô thỉ tới muôn triệu kiếp đã từng là anh chị em thân bằng quyến thuộc của nhau.
Cha mẹ yêu thương chúng ta và chúng ta đền đáp lại, sự kế tục miên trường đời đời kiếp kiếp. Đó là nhân quả, là cương thường, là thế giới được soi sáng bởi Từ bi và Trí huệ.
Nguyên Cẩn