Lắng nghe và biết lắng nghe

Lắng nghe và biết lắng nghe

GN - Muốn xây đắp tin cậy và chia sẻ khổ đau, chúng ta hãy bắt đầu với việc học và tập làm điều tưởng như đơn giản nhất: Lắng nghe!

Có một câu chuyện thương tâm được báo chí phản ánh cách đây không lâu, ngày 5-10, nữ sinh N.T.H ở Quảng Nam sau khi biết điểm thi tốt nghiệp đã treo cổ tự vẫn tại nhà. Theo thông tin ban đầu, trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, H. đạt điểm khá cao nhưng vẫn không đủ điểm để vào đại học theo nguyện vọng của mình. Nghĩ quẩn, H. đã có hành động dại dột: tự vẫn.

Một cô bạn của tôi là nhà giáo ở Đà Nẵng nghe chuyện, chép miệng nói: “Em cũng đã từng cứu mấy đứa học trò vì suy nghĩ như thế bằng cách lắng nghe các em tâm sự. Có đứa học trò đến từ giã để… nhảy xuống cầu sông Hàn vì thất tình, em bèn kéo lại nhà tâm sự và sau một đêm bộc bạch hết nỗi lòng, nghe cô giáo khuyên nhủ, em bình tĩnh trở lại và trở thành một người mạnh mẽ hơn. Sau này có dịp gặp lại, em đó mới nói: ‘Sao hồi đó mình lại khùng vậy?’”.

Rồi cô bạn nhà giáo rút ra kết luận: Người trẻ đang rất cần được lắng nghe. Tại sao cha mẹ, anh chị, kể cả thầy cô, không mấy ai chịu khó ngồi lại lắng nghe con em, hay học trò mình tâm sự? Đã có những cái chết vì người trẻ không tìm thấy lối thoát trong cuộc sống, bơ vơ trong gió bão của cuộc đời, khi tâm hồn hụt hẫng một tình yêu, đánh mất niềm tin vào chính mình, vào người lớn, vào xã hội…

Khi cuộc đời cần được lắng nghe

Nối tiếp câu chuyện, cô bạn tôi kể thêm việc vừa sang Nhật thăm con và trong cuộc trao đổi trên một chuyến xe, mọi người nói về câu chuyện búp bê Hello Kitty. Búp bê là một thứ đồ chơi không thể thiếu của các bé gái. Mọi búp bê đều có miệng nhưng chú mèo búp bê có tên là Hello Kitty lại không có miệng. Tại sao ư? Ở bên Nhật, cuộc sống rất vội vã, dường như ai cũng tất bật, nhất là trong thời đại internet, nếu cần thì nhắn tin, nói vài câu qua mạng xã hội. Thế là xong! Mấy ai ngồi lại nghe con cái kể chuyện đời mình. Trong gia đình, bố mẹ đi làm, con cái đi học, cuộc sống thường trôi qua vội vã và tẻ nhạt.

Có một cô bé sống trong một gia đình như vậy. Cô bé ngày nào cũng đến trường hoặc tham gia một hoạt động ngoại khóa nào đó. Thế nhưng, vì nhút nhát, cô thường bị những đứa trẻ lớp trên trêu chọc, giật cặp sách, giật tóc, đôi khi còn bị đánh. Cô bé khao khát được nói chuyện với ai đó nhưng chẳng ai muốn nghe. Nỗi sợ hãi, lạc lõng khiến cô bé ngày càng khép mình vào vỏ ốc cô đơn. Một buổi chiều, khi bị nhóm bạn lớp trên lôi ra làm trò đùa, cô bé buồn bã đi ra công viên gần nhà, ngồi thu mình trên ghế đá và khóc. Một lúc sau, khi ngẩng lên, cô thấy một ông lão đang ngồi cạnh mình. Ông lão mỉm cười, ân cần hỏi: “Cháu gái, tan học rồi sao cháu không về nhà mà lại ngồi đây khóc?”. Cô bé òa lên tức tưởi: “Cháu không muốn về nhà. Ở nhà buồn lắm, không có ai hết, không ai nghe cháu nói”. Ông lão trả lời: “Vậy ông sẽ nghe cháu nói”, rồi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh.

Cô bé vừa khóc vừa kể cho ông lão nghe tất cả những uất ức, những buồn rầu trong lòng bấy lâu nay. Ông lão cứ im lặng nghe, không một lời phán xét, không một lời phân định. Ông chỉ nghe. Cuối cùng, khi cô bé kể xong, ông bảo cô đừng buồn và hãy đi về nhà. Từ hôm đó, hầu như chiều nào tan học, cô bé cũng vào công viên ngồi kể chuyện cho ông lão nghe. Cô bé biết vẫn còn có người chịu khó lắng nghe mình, cảm thấy cuộc sống có gì đó đáng sống hơn trước… Cô thay đổi hẳn, mạnh dạn hơn, vui vẻ hơn. Cho đến một hôm, cô bé bị một bạn trong lớp đánh. Vốn yếu đuối không làm gì được, cô uất ức và nóng lòng chạy đến công viên để chia sẻ với ông lão cho vơi bớt nỗi buồn tủi. Cô bé vội vã, chạy băng qua đèn đỏ và gặp tai nạn.

Những ngày sau đó, khi biết tin cô bé mất, trong công viên, trên chiếc ghế đá mà cô bé thường ngồi, có một ông lão lặng lẽ đốt một hình nộm bằng giấy. Đó là món quà mà ông lão muốn tặng cho cô bé ngày hôm trước nhưng cô bé đã không đến được. Hình nộm là một chú mèo rất đẹp, trắng trẻo, có đôi tai to, mắt tròn xoe, hiền lành nhưng không có miệng. Ông lão muốn nó ở bên cạnh cô bé, mãi lắng nghe cô mà không bao giờ phán xét. Và ngày nay, học sinh Nhật Bản thường có trên bàn hay trong cặp một búp bê hình mèo không có miệng - chú mèo được mang tên “Hello Kitty”. Chú mèo ra đời với mục đích lắng nghe mọi người nói.

Nghe thế nào?

Nhu cầu lắng nghe không chỉ là nhu cầu của tuổi mới lớn mà trong xã hội, chính người lớn cũng cần biết lắng nghe nhau. Bao nhiêu chuyện hiểu lầm, thù ghét, thậm chí thanh toán lẫn nhau chỉ vì không lắng nghe hay chỉ nghe một phía mà không suy xét trước sau? Một cái khó của nghe là phải biết nghe. Krishnamurti từng nói: “Bạn nghe cách nào đây? Phải chăng bạn nghe thông qua chính những dự phóng tham lam, dục vọng, sợ hãi, âu lo của mình, phải chăng bạn chỉ nghe điều bạn muốn nghe, điều làm bạn hài lòng, thỏa dạ, thấy dễ chịu, tạm thời xoa dịu khổ đau? Nếu bạn chỉ nghe theo dục vọng của mình, rõ ràng bạn chỉ nghe theo tiếng nói của bạn, bạn chỉ nghe theo tiếng nói dục vọng của mình…” (Krishnamurti, Sống thiền 365 ngày).

Tôi xin kể vắn tắt ra đây chuyện con cá trong kinh Tiểu bộ. Thuở trước, trong nước Kosala, ở thành Xá Vệ, có một hồ tên là Kỳ Viên, chằng chịt những cây leo. Năm ấy, trời không mưa, mùa màng của dân khô cháy, hồ cạn nước. Cá, rùa chui vào bùn, nhưng bùn cũng khô, cá phơi thân cho quạ diều đến mổ. Một con cá thấy đồng loại lâm nạn như vậy, tự nghĩ: “Ngoài ta ra, không một ai khác có thể cứu được bà con khỏi cảnh khổ này. Ta hãy làm một hạnh, hạnh nói lên Sự Thật, khiến trời mưa, để bà con thoát khổ”.

Con cá rẽ bùn chui lên. Toàn thân nó đen như một lõi gỗ mun, nhưng khi nó mở mắt khỏi bùn thì hai mắt sáng lên như hai viên ngọc. Với hai viên ngọc sáng ấy, nó nhìn lên trời, nói với Pajjuna, vua của chư thiên: “Này, bạn Pajjuna, ta đau cái đau khổ của bà con ta. Khi ta, một bậc giữ giới, đau khổ, làm sao bạn lại không làm mưa? Dù ta sinh ra trong loài phải ăn thịt bà con, từ thuở ban đầu, ta đã không hề ăn một con cá nhỏ bằng hạt gạo, không bao giờ đoạt mạng sống của một sinh vật nào khác. Đó là Sự Thật. Với Sự Thật này, Pajjuna, bạn hãy làm mưa để giải thoát cho bà con ta khỏi khổ!”. Con cá ra lệnh xong, nó đọc cho Pajjuna nghe bài kệ:

Nổi sấm, Pajjuna
Chặn quạ gây tai hại!
Hãy đuổi quạ kia đi

Giúp ta qua khổ ải!

Thần mây và thần mưa lấy một đám mây mặc vào như mặc đồ lót, lấy một đám mây khác che thân, và hát lên bài ca giông tố. Ở phương Đông, khởi lên một đám mây lớn bằng sân đập lúa. Đám mây ấy lớn dần lên cho đến bằng một trăm, một ngàn sân đập lúa, và nó làm sấm làm chớp đổ nước xuống xứ Kosala. Cơn mưa không gián đoạn, phút chốc tràn đầy hồ Kỳ Viên...

GS.Cao Huy Thuần, trong một lần phát biểu nhân lễ Phật đản năm 2016 tại chùa Khuông Việt, đã có bình luận đầy ý nghĩa về câu chuyện này: “Chuyện bình dân mộc mạc như sắn khoai. Nhưng có chuyện bình dân nào không chứa đầy ý nghĩa? Cái gì làm trời mưa? Sự Thật. Không phải Sự Thật từ siêu nhiên nào ban xuống, mà là Sự Thật đơn giản từ một hạnh nguyện nói lên: tôi không nói dối. Tưởng như con cá đọc kinh Bát-nhã: ‘chân thật bất hư’. Chắc thật không dối. Hóa ra nói dối là hạn hán. Chúng ta nói dối với nhau tức là chúng ta mang hạn hán đến cho nhau. Một xã hội cũng vậy: trên dưới dối nhau thì hạn hán tin tưởng. Nói thật thì mưa lành mà Sự Thật của con cá không phải chỉ là đơn giản mà thôi đâu. Đó còn là đại hùng, đại lực, đại từ bi. Bởi vì con cá này bơi ngược dòng của luật trời… Con cá ấy là tiền thân của Đức Phật. Khi là cá, Phật bơi ngược luật cá. Khi là người, Phật đi ngược luật người. Luật người có sinh tử. Trong bao nhiêu kiếp, Phật cũng đã từng lang thang trong luân hồi như vậy. Cho đến một buổi sáng, trong vườn Lâm-tỳ-ni, dưới nhánh hoa sa-la, Phật đản sanh, tuyên bố: ‘Ta là bậc cao nhất trên đời, nay là đời sống cuối cùng, không còn tái sinh nữa’. Đó là Sự Thật nơi miệng Phật. Ngài phải sinh ra làm kiếp người cuối cùng để nói lên Sự Thật. Chân thật bất hư” (Cao Huy Thuần, Người khuân đá).

Chúng ta phải lắng nghe sự thật, dù nó có khó nghe, chướng tai thế nào đi nữa. Người trên kẻ dưới đều cư xử với nhau bằng sự chân thật. Lắng nghe cũng là hạnh nguyện cao cả của Bồ-tát Quán Thế Âm. Chúng ta biết lắng nghe cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang học hạnh nguyện của Ngài: Nghe để hiểu và giúp người khác nhận diện được nguồn gốc của khổ đau, để giúp người an vui. Lắng nghe để thương yêu tất cả muôn loài.

Phật dạy chúng ta hướng tánh nghe vào bên trong. Sau đó tập lắng nghe tha nhân mà không qua một tấm màn thiên kiến hay dục vọng nào, vì hiện nay chúng ta phóng tâm nhiều quá, không lắng nghe quanh mình còn bao nhiêu tiếng thở than, bao nhiêu nỗi cô đơn, bao nhiêu oan khuất, bao nhiêu tâm hồn cần an ủi, sẻ chia. Đó là nguồn cơn của những bức xúc, những buồn phiền chất chồng, những cái chết vì bế tắc, đánh mất niềm tin vào công lý hay thiện tâm của con người và xã hội khi không tìm ra lối thoát.

Thế nên, muốn xây đắp tin cậy và chia sẻ khổ đau, chúng ta hãy bắt đầu với việc học và tập làm điều tưởng như đơn giản nhất: Lắng nghe!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày