Ông Nguyễn Quốc Hùng
- Xin ông cho biết về mối liên hệ giữa họ Nguyễn của ông với tôn tộc nhà Lý xưa?
Vào năm 1232, nhân ngày người họ Lý làm lễ cúng các vua nhà Lý đời trước ở Thái Đường tại xã- Hoa Lâm, với sự chuyển đổi quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần đã xảy ra một thảm sát nhiều tôn thất nhà Lý. Sau sự kiện đảo chính bi thảm ấy, những người trong tôn thất nhà Lý sống sót đều thay họ đổi tên, trong số này có Lý Quang Bật - hậu duệ đời thứ 4 của Lý Hùng Tích (em vua Lý Nhân Tông), tức là đời thứ 8 kể từ vua Lý Thái Tổ. Lý Quang Bật vì mưu chống lại nhà Trần nên bị đày lên Ba Điềm thuộc vùng lam sơn chướng khí Lạng Sơn, và phải đổi sang họ Nguyễn. Vài trăm năm sau, cụ Nguyễn Thiện Tích (đời thứ 15 của Lý Hùng Tích) phiêu dạt về làng Vân Điềm ở huyện Đông Anh. Cuộc phiêu dạt này không phải chỉ là vì kế sinh nhai, vì làng Vân Điềm cách không xa nơi xảy ra cuộc thảm sát đối với tiên tổ xưa. Trải qua 11 đời nữa, thì có cụ Nguyễn Đường từ Vân Điềm đã tìm về sinh sống tại đúng nơi quê cha đất tổ ở thôn Du Lâm. Tính đến thời điểm hiện tại, số hậu duệ nhà Lý đã kiểm đếm được khoảng hơn 3.000 người, chủ yếu đang sinh sống tại Mỹ và Hàn Quốc. Riêng tại Việt Nam có khoảng 700 người.
Tôi với tư cách đại diện cho hàng nghìn người là hậu duệ của nhà Lý ở cả trong nước và nước ngoài, đã báo cáo và xin ý kiến của con cháu họ Nguyễn gốc Lý, tất thảy đều đang rất mong chờ sự kiện này, cùng có chung nguyện vọng là tổ chức cầu siêu cho tôn thất nhà Lý tại xã Mai Lâm và đưa vong về thờ ở chùa Phúc Lâm, bởi vì tất cả mọi người trong dòng họ khi qua đời đều được đưa vong về đây. Lễ cầu siêu tổ chức vào ngày 3-3 âm lịch vì ngày này được truyền ngôn là ngày giỗ các vương thất nhà Lý. Mặt khác sau đó ngày 5-3 âm lịch có Lễ hội Đền Đô, giải oan trước rồi mới đến lễ hội sau là rất hợp lẽ.
- Dường như vẫn còn uẩn khúc tâm linh trong tâm thức những người họ Nguyễn gốc Lý, thưa ông?
Theo truyền ngôn của dòng họ, bất cứ ai trước khi qua đời cũng phải kể lại cho con cháu nghe sự biến bi thảm của tổ tiên và trao con cháu câu truyền huấn: "Phải diệt quân phường chài Hải Ấp!", nhưng đã không hề có cuộc mài gươm nào thâu đêm dưới ánh trăng hoặc trồng tre đợi ngày thành gậy để đợi trả thù. Lịch sử luôn biến động, nhiều thời đại đã trôi qua, và ai cũng đã thấm nhuần triết lý: Lấy oán báo oán, oán oán chồng chất; lấy ân báo oán, oán mới tiêu trừ. Đã hàng trăm năm nay, bất kỳ người nào trong gia tộc họ Nguyễn gốc Lý cũng thuộc câu truyền huấn về gốc tích của dòng họ Lý, nhưng không ai còn nghĩ đó là lời dặn dò là phải trả mối thù truyền kiếp. Tuy nhiên, không ít thì nhiều nỗi ám ảnh của hậu thế trước nỗi đau, trước mối oan của tổ tiên được truyền lại. Và câu truyền huấn vẫn như một uẩn khúc trải qua hơn 30 đời nay vẫn chưa được giải kết. Dĩ nhiên, theo chúng tôi, không thể và không nên thực hiện lời truyền huấn của tổ tiên, nhưng nếu không hóa giải lời truyền huấn đó thì tâm linh con cháu họ Lý sẽ mãi chưa yên được.
Sau khi sự việc bi thảm xảy ra năm 1232, nhà Trần đã cầu siêu cho các vong hồn nhà Lý rồi. Về phía dòng họ Lý cũng đã từng có bà Lý Hòa vào thời Trần làm lễ cầu siêu cho tổ tiên, thông tin này không được ghi trong chính sử, mà được nhắc lại trong thơ văn của kẻ sĩ Hà Nam. Việc cầu siêu này ta nên làm không chỉ để cầu siêu thoát cho các vong hồn chết oan do biến động lịch sử, mà còn phải hóa giải oan khuất, vướng mắc về tâm linh giữa 2 dòng họ Lý và Trần, để giải thoát lời nguyền truyền huấn ngàn đời trên. Tâm nguyện của tất thảy di duệ nhà Lý là nên biến lễ cầu siêu lần này là một lễ hóa giải uẩn khúc tâm linh giữa 2 dòng họ Lý-Trần.
Chương Phượng thực hiện
Đại lễ Cầu siêu cho các tôn thất nhà Lý, TT.Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội cho biết:
Buổi họp bàn về lễ cầu siêu cho các tôn thất nhà Lý tại THPG Hà Nội
do TT.Thích Bảo Nghiêm chủ trì
Những người hậu thế chúng ta luôn hướng về cội nguồn tâm linh, mong muốn có những việc làm để tri ân công đức của tiền nhân trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chúng tôi đã tiếp xúc với các vị đại diện của dòng họ Lý, nhân dân và các bậc trí thức, họ đều nói rằng Phật giáo nên làm lễ cầu siêu cho các vương thất nhà Lý đã bị bức tử trong việc chuyển đổi quyền lực giữa hai dòng họ. Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn (Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội), khi trình kế hoạch này lên Chính phủ rất được Chính phủ ủng hộ. Lễ cầu siêu sẽ có sự tham dự của các quan khách Chính phủ và thành phố, nên phải tổ chức thế nào cho trang nghiêm. Chúng tôi đã thỉnh cầu được Ngài Thích Trí Tịnh, Chủ tịch HĐTS GHPGVN đứng ra làm chủ lễ cầu siêu, Ngài đã nhận lời. Nguyên lý là sau khi cầu siêu xong thì phải có nơi để rước linh vị về thờ. Tổ chức tại đâu, rước vong về chùa nào phải do con cháu họ Lý đề xuất, họ yêu cầu rước vong về đâu thì chúng tôi sẽ rước về đó.
Chúng tôi chỉ làm lễ cầu siêu chứ không làm cái việc lật lại lịch sử, không bàn là sự kiện bức hại các vương thất nhà Lý là đúng hay sai, càng không nên nhắc lại về mối hận giữa 2 dòng họ đã nguội lạnh từ hàng trăm năm. Tuy nhiên, hóa giải uẩn khúc tâm linh cũng là việc rất ý nghĩa trong trường hợp này. Việc cầu siêu Giáo hội đã làm nhiều, nhưng hóa giải oan khuất tâm linh thế này thì chưa từng có tiền lệ, nên chúng ta không nên câu nệ là nghi thức phải thế này thế kia mới đúng, mà cứ thuận nhân tâm thì làm thôi. Theo tôi, có thể làm lễ rước vong tổ tiên nhà Lý từ đền Đô và rước vong tổ tiên nhà Trần từ đền Trần về Mai Lâm, nhưng nếu làm lễ rước vong về Mai Lâm thì sẽ phải làm lễ hồi vong trở lại các đền. Cũng có thể tổ chức các nghi lễ đơn giản hơn, là tổ chức cáo yết tại đền Đô và đền Trần, sau đó mời một đại diện họ Lý và đại diện họ Trần về Mai Lâm chứng kiến lễ cầu siêu. Đàn giải oan nên lập ở nơi xảy ra sự kiện xưa, một bên có bàn thờ nhà Trần, một bên có bàn thờ nhà Lý để hóa giải cho những uẩn khúc về tâm linh.
Sau khi họp bàn, các đại biểu đã đi đến nhất trí tổ chức lễ cầu siêu từ 15 - 17-4-2010 (tức 2 - 4 tháng Ba năm Canh Dần) tại khu vực Bãi Sập và chùa Phúc Lâm ở xã Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội). Ngày 15-4 vào lúc 9 giờ sáng có Lễ cáo yết tôn thất nhà Lý tại đền Đô (Bắc Ninh) và cáo yết tôn thất nhà Trần ở đền Trần (Nam Định), sau đó cung thỉnh linh vị nhà Lý và nhà Trần về khu vực bãi Sập (Hoa Lâm Viên). Đến 15 giờ, tiến hành nghi thức cúng đàn phát tấu; 16 giờ 30 cúng đàn tiếp linh. Ngày 16-4 sau khi tổ chức đại cúng Phật, sẽ làm lễ triệu linh và rước linh vị các tôn thất nhà Lý về chùa Phúc Lâm, quy y và khai đàn tụng kinh Thủy Sám tại chùa Phúc Lâm. Chiều 16-4: 14 giờ cúng đàn Tam phủ đối khám; 15 giờ 30 cúng đàn giải oan cắt kết; 19 giờ cúng đàn chẩn tế cô hồn. Ngày 17-4, tụng kinh cầu quốc thái dân an, sau đó lễ tạ hoàn tất.
(C.P. ghi)