Lễ Đại tường cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu

GNO - Sáng nay, 12- 8 (nhằm ngày 17-7 Giáp Ngọ), tại thiền Viện Hạnh (750 Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã diễn ra lễ Đại tường cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu, Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN.

Anh AA (25).jpg

Quang cảnh buổi lễ


Trưởng lão HT.Thích Minh Châu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, nguyên Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục GHPGVNTN, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, nguyên Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, Cơ sở I, chùa Quán sứ - Hà Nội, nguyên Viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM, trụ trì tổ đình Tường Vân (TP.Huế), viện chủ thiền viện Vạn Hạnh (TP.HCM).

Quang lâm tham dự lễ Đại tường có chư tôn giáo phẩm: HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Viên Giác, HT.Thích Giác Tường - UVTT HĐCM; HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Gia Quang, HT.Thích Quảng Tùng, HT.Thích Thiện Tâm - Phó Chủ tịch HĐTS... cùng chư tôn đức lãnh đạo Văn phòng I, Văn phòng II TƯGH, chư tôn đức lãnh đạo các ban, viện T.Ư, lãnh đạo Ban Trị sự các tỉnh, thành trong cả nước, Phật tử, đông đảo giới trí thức và chư tôn đức môn đồ pháp phái, tổ đình Tường Vân (Huế), các tổ đình, chùa, viện tại cố đô Huế, TP.HCM và các tỉnh thành.

Anh AA (28).jpg

Chư tôn giáo phẩm chứng minh

Anh AA (33).jpg
HT.Thích Thiện Nhơn cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu

Tại buổi lễ Đại tường, HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký HĐTS, cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu.

Theo đó, Hòa thượng Họ Đinh, húy Văn Nam, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Kim Thành (Quảng Nam); nguyên quán làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung nở rộ. Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là nhà trí thức yêu nước cũng là một Phật tử được bầu làm Hội trưởng kiêm Chủ bút Tạp chí Viên Âm. Phong trào học Phật do bác sĩ tổ chức có nhiều trí thức yêu nước tham gia như: Ngô Điền, Phạm Hữu Bình, Võ Đình Cường…

Hòa thượng cùng em trai là Đinh Văn Vinh đến với phong trào học Phật từ năm 1936 do bác sĩ Lê Đình Thám giảng và đảm nhiệm chức Chánh Thư ký của Hội. Lúc bấy giờ, trong tư cách là một Phật tử, bên cạnh cụ Hội trưởng Tâm Minh Lê Đình Thám, Hòa thượng đã hoạt động tích cực về nhiều mặt, giúp phát triển Phật sự của 17 tỉnh hội Phật giáo miền Trung.

Năm 1946, Ngài đầu sư với Hòa thượng húy thượng Trừng hạ Thông, tự Chơn Thường, hiệu Tịnh Khiết (Đức Đệ nhất Tăng thống GHPGVNTN) tại tổ đình Tường Vân, thuộc làng Hạ I, xã Thủy Xuân, thành phố Huế và được bổn sư ban cho pháp danh là Tâm Trí. Năm 1949, Hòa thượng được bổn sư cho phép thọ Cụ túc giới tại Giới đàn Hộ Quốc chùa Báo Quốc do chính bổn sư làm Đàn đầu Hòa thượng. Trong Đại giới đàn này, Hòa thượng được Hội đồng Thập sư đặc cách cho thọ Tam đàn cụ túc và Hòa thượng bổn sư ban cho pháp tự Minh Châu, pháp hiệu Viên Dung.

Anh AA (30).jpg
Anh AA (31).jpg

Chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, BTS GHPGVN tỉnh, thành

Năm 1952, Hòa thượng xuất dương du học tại Sri Lanka, học Pali và Anh văn tại Colombo. Năm 1955, Hòa thượng được Trường Đại học Tích Lan tặng bằng Pháp sư. Sau đó, Hòa thượng sang Ấn Độ và theo học tại Nava Nalanda Mahavihara thuộc Đại học Bihar (Ấn Độ).  Năm 1958, Hòa thượng liên tiếp đỗ các văn bằng cử nhân Pali và Anh văn, đặc biệt lại đỗ thủ khoa M.A về Pali và Abhidhamma trên một số đông thí sinh Ấn Độ và nước ngoài đang theo học cùng khóa với Hòa thượng. Tháng 9-1961, Hòa thượng là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Phật học, Văn học Pali tại Ấn Độ, được đích thân Tổng thống Ấn Độ thời ấy đứng ra trao văn bằng Danh dự và khen ngợi không ngớt về luận văn này.

Tháng 4-1964, sau khi trở về nước, Hòa thượng đã đem khả năng của mình để ứng dụng vào Phật sự như phiên dịch Kinh tạng, mở Đại học Vạn Hạnh v.v... ngõ hầu báo đáp thâm ân Phật tổ. Vì thế, Hòa thượng đã tuần tự được mời giữ các chức vụ: Phó Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn (1964-1965), Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa và Giáo dục (GHPGVNTN, 1966-1975).

Đến năm 1981, GHPGVN được thành lập, Hòa thượng được Đại hội suy cử giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký GHPGVN liên tiếp ba nhiệm kỳ I, II và III (1981-1997). Năm 1989, khi Viện Nghiên cứu được thành lập, Hòa thượng được Giáo hội cử làm Viện trưởng. Hai năm sau (1991), Hòa thượng thành lập Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam do chính Ngài làm Chủ tịch. Từ đó, Đại tạng kinh Việt Nam chính thức ra đời.

Anh AA (24).jpg

Môn đồ pháp phái đảnh lễ trước Giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng

Năm 1997, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IV (1997-2002) đã suy tôn Hòa thượng vào Thành viên HĐCM và suy cử chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN liên tiếp hai nhiệm kỳ (1997-2007). Tháng 12- 2007, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VI (2007-2012) đã suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN.

Năm 2006, Ngài đã lui về hậu liêu an dưỡng tuổi già. Giờ đây, cuộc đời của Hòa thượng như chiếc chiếu trải rộng, không phân biệt hệ phái Nam - Bắc, Đại thừa hay Tiểu thừa. Kinh sách của Hòa thượng không phân biệt, ai muốn hiểu giáo lý cứ đọc - trong “Tiểu” có “Đại”, trong “Đại” có “Tiểu”, đó là Giáo lý Giải thoát mà Ngài đã thuyết giảng hơn 70 năm không biết mệt mỏi, như nhạn bay xa, không lưu lại dấu tích.

95 năm hiện diện ở cõi Ta-bà, hơn 70 năm phục vụ cho Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng đã mở trường trong đạo và ngoài đời để đào tạo hàng ngàn Tăng Ni cấp cử nhân Phật học cho Giáo hội; hàng chục ngàn sinh viên có bằng cấp thành đạt cho xã hội”.

Ghi nhớ công đức to lớn của Trưởng lão HT.Thích Minh Châu đối với Đạo pháp và Dân tộc, tại buổi tưởng niệm, HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS thay mặt chư tôn đức HĐCM, HĐTS tuyên đọc lời tưởng niệm.

Anh AA (35).jpg

HT.Thích Thanh Nhiễu thay mặt HĐTS GHPGVN đọc lời tưởng niệm

Lời tưởng niệm có đoạn: “Trên bước đường trở thành bậc học tri thức uyên thâm, sau hơn 10 năm xuất dương du học, trên diễn đàn học thuật bác học đa văn, Hòa thượng là một danh tăng của Phật giáo Việt Nam và được thế giới hết lòng kính mộ, làm gạch nối, nhịp cầu giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo các nước.

Qua những công hạnh kỳ vĩ, sự nghiệp to lớn, kho Tam tạng Phật giáo Nguyên thủy mà Hòa thượng đã dày công phiên dịch là cơ sở cho Tăng Ni, Phật tử PGVN nghiên cứu, tham học, trở về nguồn giáo lý như lời Phật dạy. Ngài đã có công lớn trong việc xây dựng Gia đình Phật tử Việt Nam; là bậc Thầy trong công tác giáo dục của Phật giáo Việt Nam, là nhà giáo dục mô phạm cho mọi thời đại. Có thể nói, Trưởng lão Hòa thượng đã đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức, Phật tử hữu danh, có ích cho đạo lẫn đời, hiện đang phục vụ các cấp Giáo hội từ T.Ư đến địa phương, trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam qua từng thời đại, để cho “Hoa đời hoa đạo đua nhau nở, mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”…

Trải qua nhiều nhiệm kỳ, hơn 60 năm hoạt động, qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử và xã hội, Trưởng lão Hòa thượng đã có những cống hiến cao quý, là một trong những Trưởng lão Hòa thượng lãnh đạo cấp cao của GHPGVN, có những quyết sách, chiến lược tầm cỡ lâu dài, hoạch định chương trình hoạt động Phật sự mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, tích cực tham gia vào việc xây dựng và phát triển đất nước, kế thừa truyền thống 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam”.

Anh AA (19).jpg


Chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, BTB GHPGVN tỉnh, thành dâng hương tưởng niệm

Anh AA (25).jpg
Thành kính dâng nén tâm hương tưởng niệm cố Trưởng lão Hòa thượng

Anh AA (18).jpg
HT.Thích Chơn Hương thay mặt môn đồ pháp phái cảm tạ

Tại buổi lễ Đại tường cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu, chư tôn đức giáo phẩm HĐCM, HĐTS, các ban ngành, viện T.Ư, BTS Phật giáo các tỉnh, nhân sĩ trí thức, Phật tử đã thành kính dâng hương tưởng niệm, tưởng nhớ công đức cao dày của cố Trưởng lão Hòa thượng.

HT.Thích Chơn Hương thay mặt môn đồ pháp phái tổ đình Tường Vân, thiền viện Vạn Hạnh cảm tạ tri ân chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, các ban ngành viện T.Ư, BTS GHPGVN tỉnh, thành trong cả nước, chư thiện tri thức và Phật tử đã đến dâng hương tưởng niệm cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu.

Trước đó, lễ cúng ngọ và phụng tiến Giác linh cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu do HT.Thích Huệ Ấn, Thành viên HĐCM, làm sám chủ.

Anh AA (20).jpg

Cung thỉnh sám chủ và Ban Kinh sư 

Anh AA (27).jpg

Anh AA (26).jpg

Phụng tiến Giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng

Anh AA (21).jpg
Nghi lễ cúng ngọ tại chánh điện

Anh AA (32).jpg
Môn đồ đệ tử cố Trưởng lão Hòa thượng

Tin: Như Danh - Ảnh: Bảo Toàn


-----------------------

Xem thêm tin:

>> Trung ương Giáo hội đảnh lễ Giác linh cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu nhân lễ Đại tường

>> Sơn môn pháp phái tổ đình Tường Vân và chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử tụng kinh Di giáo, hữu nhiêu bảo tháp Pháp Lạc nhân lễ Đại tường cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày