GN - Suốt 10 năm qua, tại một căn nhà cấp 4 (tổ 22, KP.8, phường Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), có một “Lớp phổ cập tiểu học”của cô giáo 65 tuổi, lặng lẽ và cần mẫn một mình làm sự nghiệp “trồng người”. Chính tại lớp học đặc biệt này có nhiều trẻ em nghèo biết được cái chữ mà mạnh dạn bước ra đời hoặc học thêm lên bậc trung học rồi cao đẳng, đại học...
“Phá” phòng trọ để mở lớp học tình thương
Cô giáo Nguyễn Thị Dư (sinh năm 1950) từng có thời gian làm giáo viên tiểu học ở tỉnh Hưng Yên. Năm 1992, cô nghỉ hưu sớm theo gia đình con cái chuyển vào tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Thời gian tham gia nhận nhiệm vụ tổ trưởng tổ dân phố 22, KP.8, P.Long Bình (TP.Biên Hòa), cô Dư có dịp tiếp xúc với nhiều người dân trong khu phố và thấu hiểu được đời sống của họ.
Cô nhận ra đa số người dân tứ xứ ở khu vực này đều là dân nghèo và thất học. Mỗi khi lui tới các khu nhà trọ công nhân, cô thấy nhiều đứa trẻ đến tuổi đi học vẫn ở nhà chơi đùa, thậm chí có em đã 11-12 tuổi mà một chữ cắn đôi cũng không biết. Vì vậy, ý tưởng mở lớp học tình thương cũng bắt đầu manh nha trong lòng cô giáo về hưu.
Hơn 10 năm qua, cô Dư lặng lễ dạy học cho các em - Ảnh: Trường Trí
Năm 2005, trong một cuộc họp có mặt của lãnh đạo UBND và Đảng ủy phường Long Bình, cô Dư mạnh dạn đề xuất ý tưởng mở lớp dạy chữ cho con em lao động nghèo nhập cư và cô tình nguyện đảm nhận việc này. Cô Dư “đeo bám” ý tưởng và đề xuất mãi thì lãnh đạo địa phương mới chấp nhận cho mở lớp học.
Ban đầu, cô mượn tạm văn phòng khu phố để “khai giảng” lớp học đầu tiên với 26 học sinh. Để mở được lớp, cô phải đi vận động khắp nơi xin bàn ghế cũ, quyên góp sách giáo khoa cũ và tự bỏ tiền túi cá nhân mua sắm bút viết cho các em. Sau một tuần “khai giảng”, tiếng lành đồn xa có lớp học “miễn phí” nên cha mẹ đưa con mình đến “xin” học ngày càng đông, khiến cho lớp học tăng thêm gần... 60 em.
Do đặc thù của văn phòng khu phố thường xuyên diễn ra hội họp nên lớp học của cô Dư phải gián đoạn. Sợ các em nghỉ học nhiều đâm ra quên bài vở và tâm lý chán học nên cô Dư mạnh dạn bàn bạc với gia đình “phá” 2 căn phòng trọ của nhà đang cho người khác thuê ở sửa sang thành... lớp học và di dời lớp từ văn phòng khu phố về.
Sau này, cô cảm thấy 2 căn phòng trọ quá chật hẹp với sĩ số học sinh ngày tăng thêm nên cô tiếp tục “phá” thêm... 2 căn nữa. Và từ đây, trong căn phòng nóng bức, chỉ có 2 cái đèn compact và một chiếc quạt máy, hàng ngày có cả trăm trẻ nhỏ đến tập đọc ê a những chữ cái đầu đời.
Thời gian đầu, cô Dư chia trình độ của các trò nhỏ ra 3 nhóm lớp để thuận tiện cho việc kèm cặp. Nhóm lớp 1 thì cô cho các em tập rèn chữ, nhóm lớp 2 cô dạy tập đọc và nhóm lớp 3 thì dạy làm toán. Việc dạy các em cầm bút, tư thế ngồi học cho đúng cũng lắm gian nan. Có em cứ cầm bút là tay run, đánh vần thì ngọng nghịu.
Vì đây là lớp học “đặc biệt” nên giáo án cô Dư soạn cũng rất “đặc biệt”, không theo một mẫu chương trình nào. Cô không dạy đại trà tất cả các môn mà chủ yếu tập trung 2 môn Tiếng Việt và Toán. Khi đã có kiến thức căn bản rồi, nếu em nào có điều kiện muốn học lên nữa thì xin ra các trường công lập hay dân lập.
Nơi tràn ngập tình thương và sự chia sẻ
Ngoài dạy chữ, cô Dư còn chú tâm dạy những đứa trẻ nghèo thêm các kỹ năng sống như: biết cách chào hỏi, lễ phép và lòng nhân ái. Suốt 10 năm qua, cô Dư không nhớ mình đã dạy dỗ cho biết bao nhiêu em, ước lượng khoảng chừng... 500 em.
Mỗi em có một hoàn cảnh, một tính cách và một thân phận khác nhau. Có em ngoan ngoãn, lễ phép nhưng cũng có em cũng thuộc “cứng đầu” khó dạy. Có nhiều phụ huynh đưa con đến lớp học một thời gian rồi cho nghỉ vì nghĩ đơn giản đã biết đọc và viết sơ sơ vậy là được rồi. Gặp các trường hợp đó, cô Dư đến tận phòng trọ thuyết phục và động viên thì họ mới đồng ý cho con đi học tiếp.
Lớp học đặc biệt của cô Dư - Ảnh: Trường Trí
Nhắc về một kỷ niệm mà cô Dư nhớ hoài không nguôi. Năm đó, có một em cao khều, tóc tai nhuộm vàng, tay chân xăm trổ đến lớp học của cô xin học... lớp 1. Em đó tên T.V.Th, quê Bạc Liêu. 15 tuổi đầu mà không biết chữ nên đi xin việc chỗ nào người ta cũng không nhận.
Ban đầu, khi nhận em Th. vào, cô Dư rất lo ngại vì nhìn thấy ngoại hình em “du côn”, sợ ảnh hưởng tâm lý lớp học nhưng nghĩ lại công việc mình đang làm là “trồng người” nên cô nhận Th. Vào học thì mới biết Th. cũng thuộc dạng siêu “cứng đầu” và khó dạy vô cùng. Th học lớp 1 được vài tháng rồi đột ngột nghỉ. Cô tìm đến phòng trọ của em ở hỏi thăm thì được cha mẹ Th. cho biết nó bỏ nhà “đi bụi” rồi.
Vài tháng sau, lực lượng công an đã đưa Th. đến gặp cô để xác minh là có học ở đây không? Th. đi bụi lang thang, cấu kết thành phần bất hảo nên bị công an “tóm”. Nhận ra học trò cũ, cô Dư đứng ra bảo lãnh rồi tận đáy lòng của một người thầy có tình thương vô bờ như người bà, người mẹ, cô Dư khuyên bảo, cương nhu rõ ràng với Th. để em thay đổi bản tính của mình. Nhờ sự tận tâm chỉ bảo của cô mà Th. học hành tiến bộ rõ rệt, biết viết và đọc được chữ.
Ngày 20-11, trong khi tất cả các thầy cô giáo khác được học trò mua hoa hay quà tặng thì ngược lại cô Dư phải xuất tiền túi của mình ra mua vài cái bánh hay gói kẹo cùng “ăn mừng” và liên hoan với học trò của mình. Buổi tiệc đang vui, Th. cầm nhánh hoa hồng nhỏ tiến tới bàn cô Dư, lễ phép: “Cô ơi, nhân ngày 20-11, con chúc cô có nhiều sức khỏe. Cô ơi, con nghèo quá, con chỉ mua tặng cô... nhánh hoa hồng nhỏ thôi”. Lời nói giản đơn nhưng xuất phát từ lòng biết ơn của người học trò làm cô giáo 65 tuổi bật khóc ngon lành ngay tại bục giảng. Những giọt nước mắt chan chứa niềm vui và ngập tràn hạnh phúc vì dù sao cô đã cảm hóa được một đứa trẻ bụi đời dần dần trở thành một công dân tốt cho xã hội.
Việc duy trì lớp học còn tồn tại đến tận hôm nay thì thật là khó khăn, vất vả, tưởng chừng như không thể tiếp tục “khai giảng” nữa. Nhưng may mắn làm sao, lớp học phổ cập của cô Dư nhận được nhiều tấm lòng chia sẻ của những cá nhân, tổ chức từ thiện khắp nơi. Đó cũng là sự an ủi và niềm tin để cho cô tiếp tục gắn bó với lớp học tràn ngập tình thương này.
“Tôi vui và hạnh phúc lắm, nhất là mỗi khi phụ huynh đến khoe con họ đọc thông, viết thạo và lễ phép với cha mẹ. Tôi lặng lẽ “trồng người” không cần ai tôn vinh, hay danh hiệu gì. Tôi sẽ tiếp tục đứng trên bục giảng cho đến khi sức mòn lực kiệt mới thôi” - cô Dư thổ lộ.