GN - Mỗi sớm, khi bình minh vừa ló dạng, người đàn bà lớn tuổi ấy lại quảy đôi quang gánh trên vai ra ngoài bờ biển để gánh từng đôi nước mặn...
Đời đong nước
Với chiếc đòn gánh và đôi thùng nước tự chế là hai chiếc vỏ thùng sơn, đôi chân trần đầy những vết nứt nẻ bấm từng bước trên cát, bà Nguyễn Thị Học (75 tuổi, trú tại phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) đi về phía những con sóng vỗ bạc, vục đầy hai thùng nước rồi thoăn thoắt gánh lên bờ. Ít ai biết rằng, đời bà gắn với đôi quang gánh này đã tròm trèm 35 năm.
Đoạn đường từ bến Thọ Quang về tới nhà bà Học dài gần 1 km. Trên con đường đó, hình ảnh người phụ nữ già yếu, gầy gò quảy đôi quang thùng đã trở nên quen thuộc với bà con nơi đây. Mấy chục năm rồi, bà cũng như bao người vợ, người mẹ làng biển, vẫn chu toàn thủy chung với đôi gánh nước kiếm tiền mưu sinh.
Dù đã 75 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Học hàng ngày gánh 50 đôi nước để mưu sinh - Ảnh: Nguyễn Quang
Trên những bờ cát dài đã in và xóa đi những dấu chân nặng nhọc của những phụ nữ gánh nước thuê, vì mùa nắng hay mưa biển cũng mang lại niềm tin và khơi nguồn sự sống cho những người dân làng biển.
Ở khu bến cá bên bờ biển, những tiếng í ới, trao đổi của người bán kẻ mua làm xao động cả một vùng. Những người bán hàng hải sản ở đây cần đến những gánh nước biển của bà Học để làm sạch những con tôm, cá, mực tươi sống của họ. Dù chỉ với 1.000 đồng/gánh nước, nhiều phụ nữ ở làng chài Thọ Quang như bà Học xem nghề gánh nước biển như là “cái nghiệp”.
Lâu lâu trong mớ âm thanh hỗn tạp của chợ cá lúc tờ mờ sáng, một tiếng gọi lảnh lót lại cất lên: “Bà ơi, cho con thùng nước!”. Chỉ cần nghe tiếng gọi ấy, bà Học liền nhanh nhảu đáp lại rồi tất tả chạy xuống biển để gánh. Khi những tàu cá xa khơi của ngư dân về bờ, đó cũng là lúc những người gánh nước biển như bà Học bận rộn nhất.
Ở cái tuổi sương pha mái tóc, bà chẳng còn nhiều sức khỏe như mấy chục năm trước, khi mới vào nghề gánh nước thuê. Đầu gối bà đã chùng mỏi, đôi vai bà xương gồ lên, đôi quang gánh nặng như ngày càng thêm nặng hơn. Những người buôn bán ở bến cá thấy bà cao tuổi còn làm việc vất vả nên có khi ngoài tiền nước gánh lên, họ còn trả thêm 5-10 ngàn đồng sau mỗi buổi chợ.
Những ngày mưa bão, khi thuyền không thể đi biển, bến cá không còn người mua kẻ bán, những người gánh nước thuê như bà Học cũng không có việc làm, khó khăn càng chồng chất khó khăn.
Hay như những tháng vừa qua cũng vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng quán đóng cửa, bến chợ cũng chẳng có mấy người đi, nên bà Học đành bó gối ở nhà.
Chỉ mong biển lặng
Khi cái nắng đầu ngày bừng lên, từng xe cá trĩu nặng được lái buôn tỏa đi tiêu thụ khắp các chợ trong thành phố. Lúc này, những người phụ nữ gánh nước thuê cũng xong việc, họ rảo bước bên bến cảng, tranh thủ nhặt nhạnh những con cá nhỏ còn rơi rớt lại, để thêm phần vào bữa ăn của mình. Cái nghề gánh nước thuê trên bến cá không bao giờ cho họ được cuộc sống sung túc, dư dả.
Biển cho những người như bà Học miếng ăn đắp đổi qua ngày, nhưng cũng chính biển đã gieo lên bà bao nhiêu cay đắng. Chồng bà Học, một ngư dân ở làng chài Thọ Quang này, đã bỏ mạng trong một lần gặp nạn trên biển.
Người làng đã tìm mọi cách tìm xác chồng bà về nhưng vô vọng. Ngôi mộ của chồng bà chỉ là ngôi mộ gió, giông tố đã giữ ông mãi mãi ở lại trong lòng biển khơi.
Cũng từ ngày ấy, bà bắt đầu cuộc đời góa bụa đầy cơ cực. Do sức khỏe kém, công việc hàng ngày của bà chỉ là gánh nước biển thuê. Chính những gánh nước ấy là phương tiện duy nhất để bà Học một thân một mình nuôi đứa con gái độc nhất khôn lớn.
“Ngày ổng mất khi đi biển, để kiếm tiền nuôi con ăn học, tôi chọn nghề gánh nước này để mưu sinh. Thoắt cái mà đã mấy chục năm rồi. Công việc tuy nặng nhọc thật nhưng làm miết một hồi, đôi vai chai hết, giờ cũng thành quen. Quãng đường gánh nước từ biển lên đến bến cá chừng hơn 20m. Trung bình mỗi ngày, mỗi người chúng tôi gánh được khoảng 50 đến 60 gánh, nếu hết người thuê gánh nước thì chúng tôi lại tranh thủ đi nhặt hải sản giúp các tiểu thương để kiếm thêm được vài ngàn đồng nữa...”, bà Học nghẹn ngào kể.
Con gái bà Học giờ lấy chồng ở tận trong Nam, thi thoảng mới về thăm mẹ. Ngày ngày, sau những lúc gánh gồng mưu sinh để tự lo cho bản thân, bà lại trở về nhà chờ cuộc gọi của con, để được nghe tiếng nói của con và cháu ngoại qua điện thoại.
Những năm sau này, nhờ chính sách đặc biệt dành cho những người có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn, bà Học được chính quyền địa phương hỗ trợ một suất thuê chung cư xã hội.
Mấy chục năm rồi người phụ nữ miền biển này vẫn thủy chung với đôi gánh nước trên vai. Bà kể, có những ngày chợ đông, ngày bà gánh không dưới 100 gánh nước. Nhẩm tính lại suốt 35 năm qua, có lẽ bà đã gánh hơn 1,2 triệu gánh nước, một con số quá lớn.
Bà Học tâm sự, bà chỉ lo nghĩ tới những ngày biển đói, thuyền không ra khơi được hay đợt dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, cuộc sống của hàng trăm ngư dân đi biển cũng như những người gắn bó, phụ thuộc vào bến cá ở Thọ Quang này cũng khốn khó theo.
Nhưng mong là mong vậy thôi, còn tai trời ách nước, có ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy đến. “Chỉ mong biển lặng sóng yên”, bà Học nén một tiếng thở dài.