GN - Đây là bức ảnh chụp được khoảnh khắc hai mắt tượng vua Bụt Trần Nhân Tông phát sáng hào quang trong tháp Tổ Huệ Quang trên núi Yên Tử, vào ngày giỗ lần thứ 700 của ngài, năm 2008. Hai ký giả Nguyên Anh và Nhật Thu tại www.giadinh.net.vn viết lại chuyện này trong bài Bí mật sau bức ảnh lạ về Phật hoàng ở Yên Tử:
Hôm giỗ Sơ tổ Trúc Lâm thứ 700, năm 2008, ngay khi lên tới tháp Tổ, vừa trông thấy tượng Tổ, anh Thanh đã chụp liên tiếp nhiều kiểu ảnh. Khi về xem lại thì thấy những điểm sáng có thay đổi chỗ, không phải luôn luôn dừng ở mắt của bức tượng. Tấm hình này là một “khoảnh khắc nhiếp ảnh”. Tuyệt vời thay, khoảnh khắc linh thiêng đó đã hiện ra. Tất cả chúng ta đều được chiêm ngưỡng khoảnh khắc kỳ đặc hiếm có này.
>> Thông tư về việc tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang, Yên Tử
Riêng tôi, tôi nghĩ rằng, hiện tượng này do ánh sáng mặt trời chiếu vào 3 ly nước cúng đặt trước tượng vua Bụt. Tia nắng mặt trời chiếu tới thay đổi phương hướng liên tục, tùy theo ngày, giờ. Lại tùy theo chỗ đặt ly nước, tia phản quang hắt ánh sáng lên chiếu rọi tới những chỗ khác nhau. Tới lúc nào đó, duyên lành hợp đủ, tia sáng này rọi đúng vào mắt pho tượng: Linh hiển hiện ra.
Chuyện vua Bụt hiển linh này đã từng xảy ra trong quá khứ. Tôi chắc chắn thế, và có thể chứng minh điều này rất rõ ràng, với nhân chứng. Người này là một danh nhân lừng lẫy bậc nhất của dân tộc ta, không ai có thể nghi ngờ được, đó chính là Nguyễn Trãi (1380-1442).
Thực vậy, gần 600 năm trước, Nguyễn Trãi, sau khi trốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của quân thù ở Đông Quan (tên thành Thăng Long khi giặc Minh xâm chiếm nước ta), đã tìm đến Lê Lợi, phù giúp nghĩa quân đánh đuổi quân Minh xâm lược. Một lần đi qua núi Yên Tử, giữa khoảng trời núi mênh mông, thác, suối uốn lượn, rừng trúc bạt ngàn, Nguyễn Trãi tới tháp Tổ thờ vua Bụt Trần Nhân Tông trình lễ. Mới từ hơn một thế kỷ trước, vua Bụt là chủ nhân đất nước này. Là người chỉ huy tối cao của quốc dân trong hai lần anh dũng phá giặc Nguyên Mông xâm lấn nước ta. Là tổ tiên dòng họ ngoại, từ mẹ ông. Là Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm, thiền phái đầu tiên của Việt Nam. Khi ngửng lên chiêm bái, Nguyễn Trãi thấy tượng một sa-môn đầu đà tu khổ hạnh, nét mặt thanh thản không vướng chút bụi trần, ông thấy nhà vua đắc đạo của Đại Việt, thấy cốt cách “vua Bụt” với đôi mắt hiện lên lạ lùng nhìn ông như dào dạt hồn thiêng sông núi. Nguyễn Trãi viết xuống bài thơ này:
題安子山花煙寺 Đề Yên Tử sơn, Hoa Yên tự
安山山上最高峰, Yên sơn sơn thượng tối cao phong
纔五更初日正紅。Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng
宇宙眼窮滄海外,Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại
笑談人在碧雲中。Tiếu đàm nhân tại bích vân trung
擁門玉槊森千畝,Ủng môn ngọc sóc sâm thiên mẫu
掛石珠流落半空。Quải thạch châu lưu lạc bán không
仁廟當年遺跡在,Nhân miếu đương niên di tích tại
白毫光裏睹重瞳。Bạch hào quang lý đổ trùng đồng.
Bài thơ này đã được rất nhiều dịch giả xưa nay dịch sang thơ tiếng Việt. Hai câu thơ cuối rất lạ, đã gây khó khăn cho nhiều người, nhất là phần giảng nghĩa, đa số lúng túng:
“Nhân miếu đương niên di tích tại
Bạch hào quang lý đổ trùng đồng”.
- Vũ Huy Chiểu dịch trong Nguyễn Trãi, tác phẩm và lời bình (NXB.Văn Học 2007):
Nhân Tông miếu trước nay còn đó
Thoáng bóng hào quang ngỡ bóng ngài.
Giảng nghĩa câu cuối (rời từng 2 chữ một): Bạch hào: Cái lông trắng (bạch là trắng, hào là cái lông dài và nhọn), Đức Phật có bạch hào tròn ở trên trán, giữa hai lông mày, đó là một trong 32 tướng tốt của bậc Đại giác, cái lông ấy sáng như viên ngọc…
Một góc vườn tháp Huệ Quang - Yên Tử
- Còn dịch giả Đào Duy Anh giảng rất đúng liền 4 chữ đầu câu này:
“Bạch hào quang lý” = Trong ánh hào quang trắng.
Nhưng phần kế tiếp ông cũng đưa qua sách Phật, nói tới hào tướng sắc trắng ở giữa hai lông mày.
- Phan Võ, Lê Thước cũng giảng bạch hào là lông mày trắng…
Trùng đồng: Hai con ngươi (đồng là đồng tử). Sử ký Tư Mã Thiên chép vua Thuấn ngày xưa mỗi mắt có hai con ngươi. Do đó người đời sau lấy chữ “trùng đồng” để chỉ dung mạo nhà vua.
- Bùi Huy Bích từ thế kỷ XIX dịch thơ trong Hoàng Việt thi tuyển đúng, nhưng ít ai dám theo:
“Miếu cũ Nhân Tông còn dấu đó
Trong hào quang thấy mắt trùng đồng”.
Giảng nghĩa: Trong ánh sáng trắng lóe, hình như trông thấy hai con mắt trùng đồng của vua.
Thực ra nghĩa của câu này rất rõ, không khó, nhưng lạ quá, tại sao lại có hào quang trắng! Là cái gì đó? Ở đâu ra vậy? Nhiều vị túc nho chưa từng được nhìn thấy nghe thấy hiện tượng hào quang trắng hiện ra trên bất cứ mắt tượng nào. Cho nên các vị đã không dám dịch nghĩa đúng như câu thơ chữ Nho, sợ bị chê là giảng chuyện không có thực, bèn chuyển sang điển trong sách Phật nói Đức Phật có hào tướng sắc trắng ở giữa lông mày, phóng ra ánh sáng. Đó là một trong 32 tướng của bậc Đại giác, sáng như viên ngọc. Hoặc theo nghĩa: vì tương truyền vua Trần Nhân Tông mắt rất sáng vì mỗi mắt có hai con ngươi và bạch hào ở trên trán giữa hai lông mày.
Giảng như vậy thì không đúng nghĩa thơ Nguyễn Trãi viết. Chúng ta hãy đọc lại từng chữ:
白, bạch = trắng; 毫光, hào quang = tia sáng lóe ra; 裏, lý = ở trong;
睹, đổ = thấy; 重, trùng = hai; 瞳, đồng: đồng tử = con ngươi trong mắt
Cả câu có nghĩa: Trong ánh hào quang trắng lóe ra, thấy hai mắt (hai con ngươi) vua Bụt.
Đây là một hiện tượng tâm linh đặc biệt.
Hai câu thơ Nguyễn Trãi thực tả đúng hệt cái ảnh mà chúng ta có được ngày nay. Vậy:
Nguyễn Trãi đã nhìn thấy vua Bụt hai mắt lóe hào quang trắng về với con dân Đại Việt. Đúng là vua Bụt đã hiển linh để báo cho Nguyễn Trãi biết là ngài có ở đây, ủng hộ cuộc chiến đấu chống xâm lăng của dân tộc tới thành công!
Việc vua Bụt hiển linh 600 năm trước đã rõ ràng. Thật vô cùng đẹp, huyền thoại này của dân Việt! Chưa ai biết đến bao giờ. Ngay cả Nguyễn Trãi cũng không quảng bá chuyện này, mà giữ riêng cho mình. Nhưng chắc chắn ông đã cảm thấy vững tinh thần trước giặc, cho dù quân Minh hùng hổ tới đâu, đông đúc người và giàu của cải tới đâu. Vì người anh hùng cứu nước thế kỷ thứ XV đã thấy hình ảnh kỳ đặc của đôi mắt tượng vua Bụt tỏa hào quang trắng với ông lần đó.
Vậy thì: Khi đất nước lâm nguy, bị giặc Minh xâm chiếm, vua Bụt Trần Nhân Tông đã hiển linh cho Nguyễn Trãi thấy là ngài luôn luôn ở bên ông. Nguyễn Trãi đã ghi lại trong thơ rõ ràng.
Toàn bài thơ dịch:
Chùa Hoa Yên, núi Yên Tử
Trên đỉnh núi Yên cao tót vời
Canh năm ngày mới, trời hồng tươi
Mắt nhìn vũ trụ ngoài tầm biển
Người đứng giữa mây nói nói cười
Bọc cửa măng nhô nghìn mẫu trúc
Đá treo châu chảy giữa lưng trời
Nhân Tông di miếu còn ngay đó
Trong ánh hào quang mắt Bụt ngời.
Phạm Thảo Nguyên
_____________
Thư mục:
Bài viết “Bí mật sau bức ảnh lạ về Phật hoàng xôn xao ở Yên Tử” của Nguyên Anh và Nhật Thu đăng trên giadinh.net.vn, hiện lưu TẠI ĐÂY.