GN - Như Giác Ngộ đã đề cập trong số trước, Hội nghị toàn quốc về các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non do UBTƯ MTTQVN và Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD & ĐT) tổ chức vào ngày 8-11-2014 tại TP.HCM với sự tham dự của đại diện 12 tôn giáo, trong đó có Phật giáo.
>>> Tin vui cho ngành giáo dục mầm non Phật giáo
Hội nghị đã chính thức mở thêm nhiều “cánh cửa” thông thoáng hơn cho các tôn giáo mạnh dạn tham gia vào công tác giáo dục mầm non (GDMN). Hội nghị vừa qua có thể nói, đã vạch ra lộ trình, hành lang pháp lý thông thoáng hơn, khuyến khích cho Phật giáo vững tin, mạnh dạn tiến hành bồi dưỡng nhân sự, đầu tư trường lớp để giáo dưỡng lứa Phật tử “sen nụ” cho Phật giáo trên tinh thần phi lợi nhuận…
Những con số… “biết nói”
Theo Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, tính đến tháng 10-2014, cả nước có 269 trường mầm non, 905 nhóm, lớp mầm non độc lập do các tổ chức và cá nhân tôn giáo thành lập. Tính đến tháng 10-2014 đã có 39 tỉnh, thành phố có cơ sở GDMN tôn giáo, các cơ sở GDMN tôn giáo đã huy động khoảng 125.594 trẻ đến trường/lớp, chiếm tỉ lệ 3,06% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc (công lập và ngoài công lập), chiếm 18,3% so với trẻ đến trường mầm non ngoài công lập.
Hình ảnh các Sư cô là cô giáo tạo niềm tin cho phụ huynh - Ảnh: Bảo Toàn
Theo UBMTTQVN TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 144 cơ sở GDMN (trường, điểm, nhóm, lớp) thu hút 37.628 cháu theo học do các tôn giáo quản lý hưởng ứng hoạt động xã hội hóa GDMN thì chỉ có 3 cơ sở của Phật giáo. Tại tỉnh Lâm Đồng có 90 trường, lớp mầm non của cơ sở tôn giáo thì chỉ có 3 cơ sở thuộc các tự viện Phật giáo. Hay như ở Đà Nẵng, có 16 cơ sở do tôn giáo quản lý nhưng trường mầm non Phật giáo không hiện diện ở đây.
Qua những con số “biết nói” này, những ai quan tâm đến GDMN Phật giáo sẽ thật sự chạnh lòng khi có sự so sánh, đối chiếu các con số. Chỉ vài con số đơn cử ở 3 tỉnh, thành, nếu thống kê kỹ hơn sẽ thấy GDMN Phật giáo không hiện diện ở một số nơi khác nữa. Điều này cho thấy, Phật giáo tham gia vào xã hội hóa GDMN còn rất hạn chế so với các tôn giáo khác.
Tham dự hội nghị lần này, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư cho biết: “Hội nghị toàn quốc về các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non vào ngày 8-11 vừa qua tại TP.HCM do ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN và ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT chủ trì. Hội nghị có sự tham dự của đại diện của 12 tôn giáo, đại diện cho các cơ sở từ thiện, 26 cơ sở GDMN của các tôn giáo khắp các tỉnh, thành được UBTƯ MTTQVN khen thưởng, trong đó Phật giáo có 4 cơ sở.
Qua hội nghị cho thấy, lâu nay trong giới Phật giáo không phải không để tâm đến GDMN non mà do chủ trương của Nhà nước chưa cụ thể hóa, chưa tạo được hành lang pháp lý rõ ràng nên chưa khích lệ được tôn giáo nói chung, trong đó có Phật giáo, thể hiện tính tích cực của mình trong xã hội hóa giáo dục. Lâu nay, quý Ni trưởng, Ni sư, chư Ni sinh tốt nghiệp tại các cấp Phật học, đa số là tha thiết, quen với việc làm từ thiện, tham gia công tác giáo dục, trong đó có GDMN. Tuy nhiên, điều kiện khách quan liên quan đến pháp luật xã hội nên chưa tham gia nhiều”.
Còn NT.Thích nữ Huệ Từ, Phó ban Từ thiện xã hội T.Ư cho biết, một vị giáo phẩm Phật giáo đã từng tâm sự với Ni trưởng, nếu Phật giáo không tham gia vào lĩnh vực GDMN như một sự đóng góp thiết thực nhất, góp phần tạo nên nền tảng đạo đức của xã hội thì Phật giáo đang đứng bên lề xã hội. Đã đến lúc, Phật giáo không nên để tín đồ của mình chứng kiến trước bữa cơm của gia đình Phật tử thuần thành, mà con, cháu chúng ta lại làm dấu thánh, niệm tên vị giáo chủ tôn giáo khác thay vì hiểu biết về Đức Phật, biết niệm tên Đức Phật.
Tạo hành lang pháp lý thông thoáng
Vừa qua, Học viện PGVN tại TP.HCM (Q.Phú Nhuận) liên kết với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đào tạo lớp Sư phạm mầm non dành cho chư Ni và nữ Phật tử học tại Học viện. Phân ban Ni giới T.Ư và Ni giới các tỉnh, thành cũng cam kết sẽ ủng hộ 50%; Hội đồng Điều hành Học viện ủng hộ 25%, học viên chỉ tự đóng 25% trên tổng giá tiền học phí trong suốt 4 năm học. Đây là điều kiện để chư Ni tự tin, mạnh dạn tham gia học và sau này phục vụ trong lĩnh vực GDMN Phật giáo.
Các cháu lớp lá Trường mầm non Họa Mi I trong ngày lễ ra trường
- Ảnh: H.Diệu
Năm 2014, UBND TP.HCM vừa ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên cho trường mầm non công lập và ngoài công lập. Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thành phố sẽ ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng các trường mầm non, đồng thời sẽ mở rộng đối tượng cho vay vốn kích cầu đầu tư mới xây dựng trường mầm non với mức ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất, điều chỉnh thời gian trả vốn vay để hỗ trợ các đơn vị đầu tư…
Đây là chính sách mới, rất thông thoáng cho nhà đầu tư GDMN, còn là cơ hội mới cho Phật giáo có thể lập những dự án lớn, vượt ra khỏi khuôn viên một ngôi chùa nhờ chính sách ưu đãi này.
Từ thực tế tham gia xã hội hóa GDMN Phật giáo, NS.Thích nữ Tịnh Nghiêm, Chủ trường mầm non từ thiện bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết: “Công việc từ trường mầm non quả thật rất vất vả, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng chúng tôi rất vui vì cảm nhận được sự ấm áp của tình người, của lòng bi mẫn. Phật giáo hoạt động giáo dục mang tính thuyết phục với người thật, việc thật và trao đúng địa chỉ, đem lại lợi ích cụ thể cho những người khó khăn, bất hạnh. Đó là điểm tích cực mang tính nhân văn của Phật giáo khi tham gia vào xã hội hóa GDMN”.
Phật giáo tham gia xã hội hóa giáo dục và hiện nay đang đi đúng hướng, cùng gánh vác trách nhiệm với xã hội vì trẻ em, vì tương lai của cả một thế hệ. Như, phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTƯ MTTQVN tại Hội nghị vừa qua: “Chúng tôi đề nghị với các địa phương quan tâm hơn nữa đến các cơ sở giáo dục ở các tôn giáo để vận dụng tốt những chính sách của Nhà nước đối với trẻ em đi học như trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em nghèo được hưởng chế độ mà Nhà nước quy định.
Ủy ban MTTQVN các cấp luôn đồng hành cùng với các tôn giáo để phát triển GDMN, để tiếp tục nâng cao chất lượng và huy động được các nguồn lực xã hội phát triển hơn nữa đối với các cơ sở. Các cơ sở GDMN của đồng bào có đạo hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Đây là điều rất đáng trân trọng, là cơ sở có tính xã hội rất cao”.
Phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân và những chính sách mới của UBND TP.HCM đã mở ra thêm nhiều cánh cửa, hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho nhà đầu tư GDMN. Hội nghị vừa qua cũng trực tiếp khuyến khích Phật giáo tham gia vào công tác GDMN.
UBMTTQVN các cấp, ngành GD & ĐT, chính quyền, các cơ quan hữu quan địa phương luôn sẵn sàng giúp đỡ, tạo thuận lợi, khuyến khích Phật giáo tham gia trực tiếp công tác GDMN bởi Phật giáo luôn đặt mục tiêu vì nền tảng đạo đức, môi trường thân thiện cho trẻ em lứa tuổi mầm non, mẫu giáo phát triển.
“Tại hội nghị này, Nhà nước có chủ trương cụ thể và có sự tham gia đầy đủ các tôn giáo, dù đã tham gia, chưa tham gia, hay muốn tham gia vào công tác GDMN đều được Ủy ban T.Ư MTTQVN, Bộ GD & ĐT khích lệ để các tôn giáo phát tâm phục vụ. Sau hội nghị này, các tôn giáo vận động giới của mình, tích cực tham gia, hưởng ứng chủ trương của Nhà nước. Từ đây về sau, sự kết hợp của UBMTTQVN và Sở GD & ĐT tại các tỉnh, thành trong cả nước khích lệ các tôn giáo, và chính sách bảo hộ pháp luật cho công tác GDMN này được khai thông. Đặc biệt là tạo điều kiện tốt nhất cho giới Phật giáo nói chung, Ni giới nói riêng đóng góp cho công tác GDMN, để công tác GDMN Phật giáo phát triển tốt đẹp. Cũng đúng trong dịp này tại TP.HCM, Học viện PGVN tại TP.HCM cũng đã kết hợp với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM liên kết đào tạo lớp sư phạm mầm non vừa học vừa làm cho chư Ni và nữ Phật tử. Đồng thời, Học viện cũng ký liên kết với Phân ban Ni giới T.Ư hỗ trợ học phí cho chư Ni trong suốt khóa học, tạo tiền đề cho chư Ni và nữ Phật tử tham gia vào ngành mà mình quan tâm. Riêng Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư thấy rằng, đây là công tác đáp ứng được số đông cũng như nguyện vọng và sở trường của Ni giới nói chung và đặc biệt là thế hệ Ni sinh trẻ tham gia vào công tác GDMN, góp phần tham gia cho công tác xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, sự đóng góp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo”. HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, |